Giảm thải cac-bon kìm hãm hay thúc đẩy tăng trưởng ?

shutterstock_153806906

Nguồn: Michael Spence, “Growth in the New Climate”, Project Syndicate, 31/10/2014.

Biên dịch: Nguyễn Tiến Đạt | Hiệu đính: Bùi Thu Thảo

Bài liên quan:  Hệ lụy an ninh của vấn đề biến đổi khí hậu

Hành động cắt giảm khí thải cac-bon và giảm nhẹ biến đổi khí hậu từ lâu đã được coi căn bản là gây bất lợi cho tăng trưởng kinh tế. Thật vậy, sự mong manh của khả năng hồi phục kinh tế toàn cầu thường được lấy ra biện minh cho việc các nước trì hoãn thỏa thuận này. Nhưng một báo cáo gần đây có tên “Nền kinh tế khí hậu mới: Tăng trưởng nhanh hơn, khí hậu tốt hơn” đưa ra bởi Ủy ban Kinh tế và Khí hậu Toàn cầu đã bác bỏ lập luận này. Báo cáo kết luận, không chỉ không kìm hãm tăng trưởng kinh tế, các nỗ lực chiến đấu chống biến đổi khí hậu còn có thể sớm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể và tương đối sớm.

Bất kì ai từng nghiên cứu thành tích phát triển kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đều hiểu rằng những tổn thất trên bảng cân đối kế toán như các khoản nợ khổng lồ hay các các trách nhiệm ngoài nợ không có nguồn chi trả có thể làm chậm, ngừng tăng trưởng hay thậm chí gây tăng trưởng âm. Và những ai am hiểu vấn đề tăng trưởng ở các nước đang phát triển biết rằng thiếu đầu tư cho con người, cơ sở hạ tầng, nền tảng tri thức và khoa học công nghệ của nền kinh tế cuối cùng sẽ tạo ra những bảng cân đối (kế toán) không thể hỗ trợ duy trì tăng trưởng.

Biến đổi khí hậu không khác nhiều so với các mẫu hình tăng trưởng thiếu bền vững và không hiệu quả này. Về căn bản, nó cũng là một dạng vấn đề bảng cân đối dựa trên lượng CO2 trong khí quyển.

Tính đến nay, thế giới chỉ còn 3-4 thập niên (hay ít hơn) trước khi lượng khí thải cac-bon sẽ phá vỡ các mẫu hình khí hậu, gây ra những hậu quả thảm khốc cho môi trường, và kế đến là các hệ thống kinh tế, xã hội. Cho phép “vốn tự nhiên” (natural capital) của thế giới – hay các tài nguyên và hệ sinh thái làm nền tảng cho các hệ thống này – bị suy kiệt đồng nghĩa với một hình thức thiếu đầu tư gây tác động phá hoại.

Khối lượng khổng lồ các bằng chứng khoa học ủng hộ các dự báo khí hậu hiện tại cho thấy không nhiều khả năng thế giới sẽ hoàn toàn từ bỏ sự điều chỉnh (để ứng phó với biến đổi khí hậu – NBT). Nhưng giải quyết các vấn đề phức tạp về điều phối và phân phối (chi phí) gây ra bởi những điều chỉnh này sẽ không dễ dàng. Các lập luận đã cho thấy chúng ta không thể ra chiến lược mạnh tay cắt giảm khí thải khi mà việc chúng ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề căng thẳng khác sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách muốn trì hoãn thực thi chúng.

Báo cáo “Nền kinh tế khí hậu mới” cho rằng đây là một ý tưởng rất tồi. Trong báo cáo, các đánh giá kĩ lưỡng về các nghiên cứu, kinh nghiệm và đổi mới gần đây đi đến kết luận chắc chắn rằng hành động ngay bây giờ sẽ ít tốn kém hơn chờ đợi. Trên thực tế, hành động ngay là phương án không hề đắt đỏ.

Đường lối tăng trưởng kinh tế dựa trên phát thải cac-bon thấp không hoàn toàn khác với tăng trưởng dựa trên phát thải cao cho đến khi thất bại thảm khốc bất ngờ trút xuống mô hình thứ hai. Nhìn nhận theo một cách khác, về góc độ tăng trưởng, thu nhập và các thước đo hiệu suất kinh tế xã hội khác, chi phí ròng cho việc cắt giảm phát thải khí CO2 không hề lớn trong ngắn và trung hạn. Giả sử chúng ta biết chắc về hậu quả mà lượng khí cac-bon cao gây ra cho môi trường tự nhiên, và kế đến là sức khỏe và chất lượng cuộc sống con người, thì những chi phí này thực tế lại là chi phí âm (tức lợi ích lớn hơn chi phí – NBT).

Tuy nhiên, có một điều kiện quan trọng là chúng ta phải hành động ngay lập tức. Chi phí kinh tế của các hành động giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ tăng mạnh nếu chúng bị trì hoãn. Sau 15 năm nữa hoặc muộn hơn, các mục tiêu giảm thiểu tác động (của biến đổi khí hậu) sẽ không thể đạt được dù chi phí là bao nhiêu.

Vậy làm cách nào chúng ta có thể chuyển sang hướng phát thải cac-bon thấp? Báo cáo chỉ ra các lợi ích của việc xây dựng công trình và cơ sở hạ tầng sử dụng năng lượng hiệu quả vốn cần thiết để củng cố nền kinh tế phát thải thấp toàn cầu vào năm 2050, kết hợp các chiến lược phát thải thấp vào quy trình hoạch định các thành phố, đồng thời tận dụng tiềm năng nâng cao hiệu quả (sử dụng nguồn lực) của Internet. Thêm vào đó, chi phí giảm dần của các nguồn năng lượng thay thế, tiến bộ như vũ bão của công nghệ sẽ giúp chúng ta tiến đến mục tiêu thế giới giảm phát thải các-bon một cách nhanh hơn, bớt tốn kém hơn.

Sau khi đánh giá các công nghệ, lựa chọn chính sách và phân tích trong báo cáo, ta có thể kết luận rằng hướng tăng trưởng phát thải cac-bon thấp có thể kém khả thi hơn trong ngắn hạn so với hướng tăng trưởng phát thải cacbon cao do cần đầu tư nhiều hơn và dẫn tới mức tiêu thụ thấp hơn. Mặc dù vậy, nhìn vào những lợi thế từ trung hạn tới dài hạn, đây chắc hẳn là lựa chọn hấp dẫn hơn.

Báo cáo cũng làm sáng tỏ một câu hỏi quan trọng trong tranh luận về khí hậu: Liệu hợp tác quốc tế nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu có quan trọng hay không? Với một nền kinh tế nào đó, liệu việc hành động đơn phương có đem lại tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn hẳn, ví dụ như do chính sách mới gây những bất lợi cho cạnh tranh thương mại, hay không? Nếu câu trả lời là có, sự phối hợp chính sách quốc tế sẽ là tiền đề cần thiết cho việc đạt được tiến bộ trong vấn đề này.

Nhưng có vẻ đó không phải là sự thực. Nếu một phần đáng kể trong chương trình nghị sự chính sách quốc gia hỗ trợ quốc gia đó chuyển đổi sang hướng tăng trưởng phát thải cac-bon thấp (chẳng hạn như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng), thì điều đó sẽ không làm chậm tăng trưởng kinh tế. Trái lại, nỗ lực này thậm chí có thể tạo ra tỷ lệ tăng trưởng cao hơn việc tiếp tục hướng tăng trưởng cũ. Theo đánh giá bước đầu, đường lối tăng trưởng các-bon thấp là chiến lược phổ biến, cho thấy một quan điểm rất khác và tích cực hơn nhiều về các cấu trúc khuyến khích tăng trưởng so với trước đây.

Điều này có nghĩa là mặc dù sự phối hợp quốc tế là một nhân tố quan trọng trong thành công dài hạn của hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu, sự phức tạp của nó không cần thiết và không nên kìm hãm tiến trình này. Nếu xét các khó khăn trong việc phát triển và thực thi một chiến lược toàn cầu thì đây là một tin tốt lành.

Các bằng chứng khoa học đã xóa tan những nghi ngờ dễ hiểu về quy mô của các rủi ro mà biến đổi khí hậu đem lại. Giờ đây, những phân tích của Ủy ban Toàn cầu đã bác bỏ các lý lẽ kinh tế ủng hộ sự trì hoãn hành động. Thêm vào đó, công chúng đang ngày càng quan ngại về biến đổi khí hậu, khiến cho các điều kiện cho một hành động dứt khoát đã sẵn sàng.

Michael Spence, từng nhận giải Nobel Kinh tế, là giáo sư Kinh tế học tại Trường Kinh doanh Stern, đại học New York, và là Chủ tịch Hội đồng Nghị sự Toàn cầu về các Mô hình Tăng trưởng Mới thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới.