Bất bình đẳng, nhập cư, và đạo đức giả

Print Friendly, PDF & Email

immigrazione

Nguồn: Kenneth Rogoff, “Inequality, Immigration, and Hypocrisy,” Project Syndicate, 08/05/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Linh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu cho thấy một lỗ hổng căn bản, nếu không nói là một sự đạo đức giả vô cùng, trong cuộc tranh luận đang diễn ra về sự bất bình đẳng kinh tế. Chẳng phải sự tiến bộ thực sự cần phải ủng hộ cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người trên hành tinh này, chứ không chỉ cho những người trong số chúng ta có đủ may mắn để được sinh ra và lớn lên tại các quốc gia giàu có hay sao?

Nhiều người nghĩ rằng những nhà lãnh đạo của các nền kinh tế phát triển đang ủng hộ một tư tưởng đặc quyền. Nhưng sự đặc quyền này chỉ dừng lại ở đường biên giới: tuy họ coi sự tái phân phối (thu nhập) lớn hơn trong mỗi quốc gia đơn lẻ là một điều hoàn toàn bắt buộc, nhưng những người sống ở các thị trường mới nổi hoặc ở các nước đang phát triển lại bị gạt ra ngoài.

Nếu những quan ngại hiện nay về sự bất bình đẳng được diễn giải hoàn toàn về mặt chính trị thì sự tập trung mang tính hướng nội này là có thể hiểu được vì nói cho cùng, công dân của các nước nghèo không thể bầu cử ở các nước giàu. Nhưng luận điệu trong cuộc tranh luận về bất bình đẳng ở các nước giàu lại đi ngược lại một sự xác tín đạo đức khi dễ dàng phớt lờ hàng tỉ người ở những nơi khác đang trong tình cảnh khốn cùng.

Chúng ta không được quên rằng ngay cả khi chịu một giai đoạn trì trệ kinh tế thì tầng lớp trung lưu ở các nước giàu vẫn là tầng lớp thượng lưu nếu nhìn từ các phần khác của thế giới. Chỉ khoảng 15% dân số thế giới sinh sống ở các nền kinh tế phát triển. Nhưng các quốc gia tiên tiến vẫn chiếm đến hơn 40% lượng tiêu dùng toàn cầu cũng như số tài nguyên bị cạn kiệt. Đúng là mức thuế cao hơn đánh vào giới nhà giàu là hợp lý nhằm làm giảm sự bất bình đẳng trong một quốc gia. Nhưng điều đó sẽ không giải quyết được vấn đề đói nghèo nghiêm trọng ở các nước đang phát triển.

Chúng ta cũng không thể dựa vào sự cao đạo về mặt đạo đức nhằm biện minh cho việc tại sao một người sinh ra ở phương Tây lại được hưởng quá nhiều lợi thế như vậy. Đúng là các thể chế chính trị và xã hội tốt là nền tảng của tăng trưởng kinh tế bền vững; và quả thực chúng là điều kiện thiết yếu của mọi quốc gia phát triển thành công. Nhưng lịch sử lâu dài của chủ nghĩa thực dân mang tính bóc lột của châu Âu khiến chúng ta khó đoán biết được các thể chế ở châu Á và châu Phi sẽ đã phát triển ra sao trong một vũ trụ song song, nơi những người châu Âu chỉ tới để buôn bán, chứ không phải để chinh phục.

Nhiều vấn đề chính sách lớn đang bị bóp méo khi chúng được nhìn nhận thông qua một lăng kính chỉ tập trung vào sự bất bình đẳng trong nước mà bỏ qua bất bình đẳng toàn cầu. Lời tuyên bố theo kiểu Marx của Thomas Piketty rằng chủ nghĩa tư bản đang thất bại vì sự bất bình đẳng trong nước đang gia tăng cũng có những mặt lỗi thời của chính nó. Nếu đánh giá tầm quan trọng của mọi công dân trên thế giới là như nhau, mọi chuyện có vẻ sẽ rất khác. Đặc biệt, chính các ảnh hưởng của tiến trình toàn cầu hóa khiến cho mức lương của tầng lớp trung lưu ở các nước giàu chững lại cũng đã giúp hàng trăm triệu người ở những nơi khác thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Trên nhiều phương diện, sự bất bình đẳng toàn cầu đã giảm đáng kể trong ba thập niên qua, chứng tỏ rằng chủ nghĩa tư bản đã thành công một cách ngoạn mục. Chủ nghĩa tư bản có thể đã làm giảm bớt tiền lương mà người lao động ở những nước phát triển được hưởng do vị trí nơi họ sinh ra. Song nó cũng giúp ích nhiều hơn (khi tăng lương) cho những người lao động có mức thu nhập trung bình thực sự của thế giới ở châu Á và các thị trường mới nổi .

Cho phép các dòng nhân lực tự do hơn chảy qua biên giới sẽ bình đẳng hóa cơ hội thậm chí còn nhanh hơn cả thương mại, nhưng sự kháng cự là rất quyết liệt. Các đảng phái chính trị chống nhập cư đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở các quốc gia như Pháp và Anh, và cũng là một thế lực lớn tại nhiều quốc gia khác.

Dĩ nhiên, hàng triệu người trong tình cảnh tuyệt vọng đang sống tại các vùng chiến sự và các quốc gia thất bại có rất ít sự lựa chọn mà buộc phải tìm kiếm con đường tị nạn sang các quốc gia giàu có, bất chấp mọi rủi ro. Chiến sự ở Syria, Eritrea, Libya, và Mali là nhân tố lớn dẫn tới việc dòng người tị nạn hiện nay đang tìm đường tới châu Âu. Ngay cả khi các quốc gia này ổn định, thì sự bất ổn trong các khu vực khác chắc chắn sẽ vẫn diễn ra.

Những áp lực kinh tế là một lý do lớn khác dẫn tới việc di cư. Người lao động từ các nước nghèo đón đợi cơ hội làm việc ở các nước tiên tiến, thậm chí ở cả những nơi trả lương rẻ mạt nhất. Thật không may, phần lớn các cuộc tranh luận ở các nước giàu hiện nay, từ cả cánh tả và cánh hữu, đều tập trung vào việc làm thế nào để hạn chế nhập cư. Điều đó có vẻ thực dụng, nhưng chắc chắn không phải là phù hợp về mặt đạo đức.

Và áp lực di cư sẽ gia tăng đáng kể nếu tình trạng ấm lên toàn cầu phát triển như những lời dự đoán ban đầu của các nhà khí tượng học. Khi các khu vực ở vùng xích đạo trở nên quá nóng và khô cằn để có thể duy trì sản xuất nông nghiệp, thì sự gia tăng nhiệt độ ở phương Bắc lại khiến cho nông nghiệp ở đó đạt năng suất cao hơn. Sự chuyển đổi các hình thái thời tiết sau đó có thể làm nóng tình hình di cư đến các quốc gia giàu có hơn, tới mức mà tình trạng di cư hiện nay có lẽ sẽ chẳng thấm tháp vào đâu, đặc biệt là khi các nước nghèo và các nền kinh tế mới nổi điển hình lại nằm gần xích đạo hơn và trong các vùng khí hậu khắc nghiệt hơn.

Với năng lực và khả năng cho phép nhập cư của những quốc gia giàu nhất đã bị hạn chế, thật khó mà thấy được làm thế nào một trạng thái cân bằng mới của sự phân bố dân cư toàn cầu có thể đạt được một cách êm thấm. Sự căm phẫn đối với các nước phát triển – nơi gây ô nhiễm toàn cầu cũng như tiêu thụ hàng hóa cơ bản hết sức chênh lệch (so với phần còn lại của thế giới) – có thể bùng lên dữ dội.

Khi thế giới trở nên giàu có hơn, sự bất bình đẳng nhất định sẽ nổi lên như một vấn đề bao quát hơn nhiều so với đói nghèo, một điểm mà tôi (Kenneth Rogoff) đã bắt đầu tranh luận từ hơn một thập niên trước. Tuy nhiên, đáng tiếc là cuộc tranh cãi về sự bất bình đẳng lại quá tập trung vào bất bình đẳng trong nước, đến mức mà vấn đề lớn hơn nhiều là bất bình đẳng toàn cầu đã bị lu mờ. Điều đó thật đáng tiếc, bởi vì có rất nhiều cách để các nước giàu có thể làm nên một sự khác biệt. Họ có thể cung cấp hỗ trợ y tế và giáo dục miễn phí qua mạng, viện trợ phát triển nhiều hơn, xóa nợ, cung cấp tiếp cận thị trường, và đóng góp nhiều hơn cho an ninh toàn cầu. Sự xuất hiện của những thuyền nhân tuyệt vọng trên những bờ biển của châu Âu là một dấu hiệu cho việc họ đã không làm được những điều này.

Kenneth Rogoff là Giáo sư Kinh tế và Chính sách công tại Đại học Harvard, từng nhận Giải Deutsche Bank về Kinh tế Tài chính năm 2011. Ông là Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ năm 2001 tới 2003. Cuốn sách mới nhất của ông, đồng tác giả với Carmen M. Reinhart, có nhan đề This Time is Different: Eight Centuries of Financial Folly.