Viễn cảnh địa ngục của chiến tranh Mỹ – Iran

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Amin Saikal, “A Confrontation from Hell”, Project Syndicate, 10/05/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power từng gọi các cuộc chiến tranh diệt chủng là “một vấn đề địa ngục”. Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng căng thẳng với Iran, thế giới giờ đây phải nghĩ đến viễn cảnh của một “cuộc đối đầu địa ngục” giữa hai nước.

Hiện tại, cả Hoa Kỳ và Iran đều nói rằng họ không muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, từng bước một, họ đang tiến vào một quỹ đạo xung đột. Hoa Kỳ đã tăng cường triển khai quân sự ở khu vực xung quanh Iran, điều động nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln và một đội đặc nhiệm máy bay ném bom đến Trung Đông để cảnh báo chế độ Iran không được thực hiện các hành động đe dọa. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Iran đã lên án hành động này như là một đòn chiến tranh tâm lý và coi đó là một hành động khiêu khích nhằm lôi kéo Iran vào một cuộc xung đột quân sự.

Kể từ khi nhậm chức, Trump đã không ngừng mô tả Iran là nguồn gốc của mọi tội lỗi – bao gồm khủng bố quốc tế – trong và ngoài khu vực. Ông đã đảo ngược chính sách can dự với Iran của người tiền nhiệm Barack Obama, và đang gây áp lực tối đa lên chế độ Iran với ba mục tiêu trọng tâm.

Trước hết, chính quyền Trump muốn mang lại sự thay đổi chế độ, hoặc ít nhất là sự thay đổi trong hành vi của chế độ Iran. Mỹ tìm cách làm suy yếu nền kinh tế Iran để nước này không còn là một tác nhân có ảnh hưởng trong khu vực. Mỹ cũng muốn củng cố vị thế của Israel với tư cách là một đồng minh mạnh mẽ và trung thành nhất của Mỹ ở Trung Đông, đồng thời củng cố quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa nhà nước Do Thái và các nước Ả Rập chống Iran, bao gồm các quốc gia vùng Vịnh – do Ả Rập Saudi lãnh đạo – cùng với Ai Cập.

Để đạt được những mục tiêu này, Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Chính quyền Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Iran, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực kinh tế của nước này, khiến một số công ty nước ngoài phải ngừng kinh doanh với Tehran. Và trong một động thái chưa từng có vào tháng trước, Trump đã gọi lực lượng chủ chốt của quân đội Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, là một tổ chức khủng bố.

Cố vấn an ninh quốc gia có tư tưởng diều hâu của Trump, John Bolton, được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Mike Pompeo, gần đây đã nói rằng: “Hoa Kỳ không tìm kiếm chiến tranh với chế độ Iran, nhưng chúng tôi sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào, cho dù là bởi các lực lượng được Iran ủy nhiệm, bởi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, hoặc bởi lực lượng quân đội chính quy của Iran”. Điều này đưa Mỹ và Iran tiến gần hơn đến một cuộc đối đầu quân sự có thể được kích hoạt một cách có chủ ý hoặc do các tính toán sai lầm.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Iran sẽ không có khả năng quân sự để đứng vững trước hỏa lực của Mỹ. Mỹ có thể nhanh chóng tiêu diệt các cơ sở quân sự của Iran, các địa điểm hạt nhân và các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Ngoài ra, Mỹ có thể ngăn Iran chặn eo biển Hormuz, nơi khoảng 30% lượng dầu thế giới đi qua.

Tuy nhiên, Iran cũng có khả năng khiến bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ – có hoặc không có sự hỗ trợ của Israel và Ả Rập Saudi – trở nên rất tốn kém cho Mỹ và khu vực. Chính quyền Iran có thể đánh chìm một vài con tàu tại điểm hẹp nhất của eo biển Hormuz – tuyến đường hàng hải chỉ rộng hai dặm (3,2 km) theo cả hai chiều nơi hẹp nhất – nhằm gây tắc nghẽn eo biển này. Quan trọng hơn, Iran đã xây dựng một chiến lược chiến tranh bất đối xứng dựa trên cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Mặc dù Iran thiếu một lực lượng không quân tiền tuyến hiện đại, nhưng nước này đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc phát triển và sản xuất các tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa như Israel.

Hơn nữa, chế độ này có thể nhắm vào các địa danh như tháp Burj Khalifa ở Dubai – tòa nhà cao nhất thế giới – để gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn khu vực. Ngay cả khi độ chính xác của tên lửa Iran không thể được đảm bảo, nhưng nhiều quả trong số đó vẫn có thể thoát được các hệ thống phòng thủ. Chẳng hạn, hệ thống phòng thủ chống tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) tối tân của Israel thậm chí cũng không thể vô hiệu hóa tất cả các tên lửa loại đơn giản được phóng từ dải Gaza.

Hơn nữa, chế độ Iran đã tạo ra một mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm trên toàn khu vực. Syria và Iraq đã trở thành những mắt xích quan trọng trong một vòng cung chiến lược của người Hồi giáo dòng Shia do Iran dẫn đầu, trải dài từ Afghanistan đến Libăng. Các lực lượng ủy nhiệm của Iran bao gồm bộ phận dân cư dòng Shia tại Afghanistan, lực lượng dân quân Shia ở Iraq, và nhóm Hezbollah, vốn đang kiểm soát miền nam Li-băng và có hàng ngàn tên lửa sẵn sàng nhắm vào Israel. Thực tế, Hezbollah sau cuộc chiến năm 2006 với Israel đã trở nên mạnh hơn trước.

Ngoài ra, Iran có thể huy động hàng ngàn chiến binh đánh bom tự sát muốn hy sinh vì mục tiêu chung của người Hồi giáo dòng Shia và chủ nghĩa dân tộc mà chế độ Iran đã thúc đẩy thành công. Những chiến binh đánh bom tự sát này được cài sâu trong lực lượng an ninh Iran và trên toàn bộ khu vực.

Chính quyền Iran đã nỗ lực tăng cường an ninh quốc gia với sự hỗ trợ của một vài nhân tố trong khu vực. Do đó, trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ, Iran sẽ không dễ dàng bị tiêu diệt. Ngược lại, bất kỳ cuộc tấn công quân sự lớn nào cũng có thể dẫn đến một địa ngục không thể kiểm soát được. Cả hai bên đều có lý do chính đáng để tránh châm ngòi cho một cuộc chiến.

Amin Saikal là Giáo sư ngành Khoa học Chính trị và Giám đóc Trung tâm Nghiên cứu Arab và Hồi giáo tại Đại học Quốc gia Australia. Ông là tác giả của cuốn Iran Rising: The Survival and Future of the Islamic Republic.

Copyright: Project Syndicate 2019