Nguồn: Christopher Hughes (2008). “Chapter Two: Japan’s Military Doctrine, Expenditure and Power Projection”, The Adelphi Papers, 48:403, pp. 35-52.
Biên dịch: Đặng Thị Oanh | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung
Bài liên quan: Các bài về quá trình tái vũ trang của Nhật Bản
Sự thay đổi các học thuyết và năng lực quân sự của Nhật Bản
Để đối phó với nhiều thách thức an ninh mà nước này phải đối mặt, Nhật Bản thấy rằng cần phải liên tục xem xét lại các học thuyết và năng lực quốc phòng của mình. Quá trình này đã bắt đầu từ cuối thời chính quyền Koizumi và vẫn tiếp diễn khi những người kế nhiệm ông nắm quyền. Nhật Bản đã đưa ra một bản Hướng dẫn chương trình quốc phòng (NDPG) sửa đổi vào tháng Mười Hai năm 2004, cùng với một bản Kế hoạch quốc phòng trung hạn (MTDP) mới cho giai đoạn 2005-2009 nhằm lên kế hoạch mua sắm quân sự dài hạn cho chính mình.
Bản NDPG đã tiếp nối bản Phác thảo Chương trình quốc phòng (NDPO) năm 1995 khi nhấn mạnh các mối quan tâm đối với an ninh khu vực của Nhật Bản và tầm quan trọng của liên minh Mỹ-Nhật trong việc đối phó với chúng, nhưng Bản hướng dẫn đã đi xa hơn Bản phác thảo khi chỉ ra một loạt các mối đe dọa mới, bao gồm cả các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo, các cuộc tấn công du kích và đặc công, xâm nhập lãnh hải và chiến tranh hóa học, sinh học. Những mối quan tâm này phản ánh rõ ràng các hoạt động của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc; NDPG đã thực sự đi xa hơn NDPO năm 1995, không chỉ trong việc xác định Bắc Triều Tiên là một nhân tố gây bất ổn trong khu vực Đông Á, mà còn lần đầu tiên nêu bật các mối quan ngại về tác động của Trung Quốc đối với an ninh khu vực, dù rằng chỉ nói gián tiếp (tài liệu cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục chú ý tới việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự trong tương lai).[1]
NDPG cũng đi xa hơn NDPO năm 1995 khi nhấn mạnh lợi ích an ninh toàn cầu bên ngoài khu vực Đông Á. Theo NDPG, “khu vực trải dài từ Trung Đông đến Đông Á là rất quan trọng với Nhật Bản”, qua đó gắn những lợi ích an ninh của Nhật Bản với các lợi ích của Mỹ trong “Vòng cung bất ổn”. Nhật Bản sẽ tham gia tích cực vào các hoạt động “hợp tác hòa bình quốc tế” thông qua việc cử binh sĩ của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) đi hỗ trợ các chiến dịch đa quốc gia của Liên Hợp Quốc và do Mỹ dẫn đầu.[2]
Để Nhật Bản hoàn thành các trách nhiệm mang tính khu vực và toàn cầu này, cả NDPG và MTDP đều lập luận rằng JSDF nên tìm cách thiết lập các lực lượng “đa chức năng, linh hoạt và hiệu quả” với đặc trưng là sự linh động và khả năng phản ứng nhanh, sự phối hợp mệnh lệnh và kiểm soát được tăng cường và khả năng thực hiện các hoạt động nghĩa vụ quân sự, khả năng tương tác cao với các lực lượng của Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ, và các công nghệ quân sự và tình báo tiên tiến. Về vũ khí và tổ chức cụ thể, MTDP nhấn mạnh việc giảm quân số các lực lượng kiểu Chiến tranh lạnh của Nhật Bản, và chuyển đổi sang một lực lượng JSDF nhỏ hơn nhưng được tăng cường về chất lượng và được trang bị khả năng viễn chinh mạnh hơn.
Do đó, NDPG 2004 đã thiết lập chương trình tăng cường sức mạnh và khả năng quân sự của Nhật Bản trong khoảng thời gian năm năm vượt qua cả thời điểm kết thúc nhiệm kì thủ tướng của ông Koizumi. Vào đầu năm 2009, các nhà hoạch định an ninh Nhật Bản đã tham gia vào việc chuẩn bị một bản NDPG sửa đổi được ban hành vào cuối năm đó. Bộ Quốc phòng đã bắt đầu các cuộc thảo luận nội bộ về bản NDPG sửa đổi này từ năm 2008 và, cũng giống như quá trình sửa đổi NDPO 1995 và NDPG 2004, một nhóm Cố vấn Quốc phòng mới của Thủ tướng được thành lập tại văn phòng của ông Aso trong tháng 1 năm 2009. Nhóm Cố vấn do Tsunehiko Katsumata, Chủ tịch Công ty Điện lực Tokyo, chủ trì và bao gồm các cựu quan chức chính phủ và học giả cao cấp.
Nhóm cố vấn chịu trách nhiệm đưa ra một bản báo cáo chuyên môn và độc lập về việc sửa đổi NDPG tới giữa năm 2009, để giúp định hướng cho những nỗ lực của chính Bộ Quốc phòng. Do đó, Nhật Bản đã tham gia vào việc lập kế hoạch dài hạn cho chính sách an ninh của mình, và mức độ tái quân sự hóa của nước này cần được xem xét chính trong bối cảnh này.
Chi tiêu quốc phòng
Việc đánh giá quá trình tái quân sự hóa của Nhật Bản, dựa theo quy mô của ngân sách quốc phòng và quân số JSDF, đòi hỏi một phương pháp luận thận trọng và chỉ có thể thể hiện một phần mức độ thay đổi quân sự. Tuy nhiên, vẫn cần phải xem xét kỹ lưỡng ngân sách quốc phòng Nhật Bản, trước hết, bởi vì bất kỳ thay đổi đáng kể nào sẽ là một dấu hiệu điển hình của việc tái quân sự hóa, và thứ hai, bởi vì bản thân Nhật Bản từ lâu đã gán cho hành động giới hạn ngân sách quốc phòng một vai trò quốc tế quan trọng là trở thành biểu tượng cho lập trường quân sự kiềm chế của nước này.
Khi được đo bằng đồng đô la Mỹ, tổng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tăng mạnh trong khoảng từ cuối Chiến tranh Lạnh đến giữa những năm 2000, đạt khoảng từ 40 tỷ đến 45 tỷ đô-la, đưa Nhật Bản trở thành nước chi tiêu quốc phòng cao thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Pháp vào cuối những năm 1990, và cao thứ tư vào năm 2005 sau Mỹ, Pháp và Anh, dù có nhiều khả năng nước này sẽ tụt lại sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, những số liệu này đã bị thổi phồng do sức mạnh tương đối của đồng yên so với đồng đô la Mỹ. Nếu ngân sách quốc phòng của Nhật Bản được tính bằng yên, thì nó bị đình trệ và thực tế đã giảm kể từ cuối những năm 1990, với mức chi tiêu tối đa được cho là rơi vào khoảng 40 tỷ đô-la hay 5 nghìn tỉ yen. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản dù tính bằng đô la hay nội tệ cũng không tăng trưởng quy mô lớn như của Mỹ, các quốc gia NATO chủ chốt, Nga và thậm chí cả Trung Quốc trong giai đoạn sau ngày 11 tháng 9, chỉ dừng lại ở mức tăng trưởng hàng năm dưới 1% cho đến năm 2002, và sau đó đạt tỷ lệ tăng trưởng từ 0,1% và 1,0% cho đến năm 2008.
Mức độ quan trọng tương đối của chi tiêu quốc phòng với tư cách là một ưu tiên của chính phủ cũng giảm so với tỷ lệ ngày càng tăng của chi tiêu dành cho an sinh xã hội và các công trình công cộng trong thập kỷ qua, từ khoảng 6,5% tổng chi tiêu chính phủ vào giữa những năm 1980 xuống còn dưới 6% tới năm 2008.[3] Lượng tiền dành cho việc mua sắm các hệ thống vũ khí mới trong ngân sách quốc phòng thắt chặt này cũng đang chịu áp lực nặng nề. Việc cắt giảm ngân sách quốc phòng cho thấy một xu hướng dài hạn, là phần quỹ dành cho vấn đề nhân sự và hậu cần ngày càng tăng – chiếm 44% vào năm 2008, trong khi phần dành cho mua sắm thiết bị lại giảm đi – từ khoảng 23% ngân sách năm 1988 xuống khoảng 17% trong năm 2008.[4] Phân bổ Quốc phòng Nhật Bản đang chịu áp lực liên tục từ các lĩnh vực khác. Từ năm 2004, Bộ Tài chính đã liên tục cắt giảm các yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng từ 1,2-1,5% xuống dưới 1%; trong năm 2009, mức tăng đề nghị 2,2% đã bị cắt giảm xuống 0,8%.[5]
Tình trạng ngân sách quốc phòng trì trệ của Nhật Bản cho thấy những hạn chế cố hữu trong việc tái quân sự hóa của nước này. Điều này được khẳng định bằng việc duy trì giới hạn 1% GNP trong chi tiêu. Thủ tướng Takeo Miki lần đầu tiên đưa ra nguyên tắc này vào năm 1976 để hạn chế chỉ trích đối với NDPO.[6] Thủ tướng Yasuhiro Nakasone trên thực tế đã phá vỡ nguyên tắc này bằng việc đẩy chi tiêu lên trên 1% vào năm 1987, mặc dù các chính quyền kế tiếp đã giữ chi tiêu dưới mức trần này.
Việc Nhật Bản không sẵn lòng tăng ngân sách quốc phòng là nỗi thất vọng không chỉ đối với Bộ Quốc phòng và JSDF mà còn đối với Hoa Kỳ: Đại sứ Mỹ Thomas Schieffer vào tháng 5 năm 2008 đã công khai kêu gọi Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng để tương xứng với sự tăng ngân sách quốc phòng của những nước khác trong khu vực Đông Á.[7] Tuy nhiên, trong khi rõ ràng quy mô ngân sách quốc phòng là một hạn chế quan trọng trong việc tái quân sự hóa của Nhật Bản, cũng cần lưu ý rằng Nhật Bản đã sử dụng mánh khóe để duy trì giới hạn 1% này, theo đó chi tiêu quốc phòng tăng theo những cách nhất định và kết quả là, sự hạn chế về lượng rõ ràng không hoàn toàn cản trở đến việc mở rộng về chất sức mạnh quân sự của Nhật Bản.
Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản – trái ngược với thực tế của các quốc gia NATO, vốn là những nước mà Nhật Bản luôn dùng để so sánh về vấn đề giới hạn chi tiêu quốc phòng trong Sách trắng quốc phòng hàng năm của nước này – không bao gồm lương hưu quân đội và các chi phí bán quân sự của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JCG).[8] Chính phủ đã tìm cách làm mờ nhạt vai trò quân sự của JCG. Điều 25 của Luật JCG khẳng định rằng lực lượng này không nên được xem như một đơn vị quân đội.[9] Tuy vậy, Điều 80 lại chỉ rõ rằng JCG có thể được coi như một lực lượng bán quân sự, bởi thực tế là vào những thời điểm huy động JSDF, JCG có thể được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.[10]
Hơn nữa, như chúng ta sẽ thấy trong chương 4, MSDF và JCG đã hoạt động như một lực lượng tích hợp trong các nhiệm vụ chống cướp biển từ tháng 3 năm 2009. JCG sở hữu sức mạnh hủy diệt ngày càng tăng để đối phó với các mối đe dọa hàng hải bên ngoài từ Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, và ngân sách của lực lượng này đã mở rộng trong suốt thập kỷ qua ngay cả khi phần còn lại của ngân sách quốc phòng bị đình trệ.[11] Như vậy, nếu ngân sách quốc phòng của Nhật Bản được tính toán lại theo cơ sở của NATO, bao gồm cả lương hưu và JCG (lần đầu tiên các số liệu được đưa ra trong tài liệu này bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh), hay còn gọi là kakushi yosan (các ngân sách ẩn), thì chi tiêu quốc phòng đã thực sự liên tục vượt quá giới hạn 1% GNP từ những năm 1980, dao động từ 1,1% đến 1,5%.[12]
Nhật Bản cũng vẫn ra vẻ là giữ mức chi tiêu quốc phòng trong phạm vi 1% GNP, trong khi vẫn có khả năng linh hoạt ngân sách để mua sắm trang thiết bị quân sự đắt tiền và chất lượng cao, thông qua hình thức trả chậm (saimu futan koi).[13] Hình thức này đã được sử dụng từ những năm 1970 nhằm dàn trải chi phí mua sắm các hệ thống vũ khí ra nhiều năm, xây dựng các khoản thanh toán quy mô lớn trong tương lai tương đương với hơn 60% của chi tiêu quốc. Các khoản thanh toán sẽ phải được chi trả từ ngân sách quốc phòng, và do đó có thể hạn chế khả năng tăng ngân sách trong tương lai, nhưng hành động này đã giúp Nhật Bản linh hoạt đáng kể khi vượt qua giới hạn chính thức 1%, và đã cho phép Nhật Bản tiếp tục mở rộng các năng lực quân sự của mình.
Quy mô và năng lực của JSDF
Việc đo lường mức độ tái quân sự hóa của Nhật Bản dựa trên quy mô và các xu hướng tuyển quân của JSDF cũng tạo ra một hình ảnh đa chiều tương tự. Cùng với NDPO 1995 và NDPG 2004, tổng thể sức mạnh nhân sự của JSDF chắc chắn đã giảm kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Với việc các mối đe dọa xâm lược từ Liên Xô biến mất, bản thân Lực lượng Lục quân Tự vệ (GSDF) đã thu hẹp, giảm gần một phần năm quân số thường trực kể từ NDPO đầu tiên vào năm 1976. Số lượng trang thiết bị cũng đã giảm, với việc GSDF mất gần một phần ba số xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT), Lực lượng Hải quân Tự vệ (MSDF) và Lực lượng Không quân Tự vệ (ASDF) mất khoảng một phần mười tàu khu trục và máy bay chiến đấu.Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, tổng trọng tải của JCG đã tăng từ 97.000 năm 1988 lên 126.000 tấn trong năm 2007, và quân số của nó đã tăng lên khoảng 12.000 người.[14]
Tuy nhiên, một chỉ dẫn tốt hơn đối với định hướng quân sự của Nhật Bản trong thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh không phải là việc giảm về lượng đối với quy mô của JSDF, mà là cải tiến về chất đối với năng lực quân sự của nó. Như đã đề cập ở đầu chương này, NDPG và MTDP năm 2004 đã tìm cách để chuyển đổi JSDF thành một lực lượng “đa chức năng, linh hoạt”. Điều này có nghĩa là Nhật Bản đang giảm dần sự phản đối với việc sở hữu các khả năng viễn chinh, mở đường cho một vai trò quân sự bên ngoài được mở rộng của Nhật Bản trong việc hỗ trợ các liên minh do Mỹ dẫn đầu và các Chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (UNPKO).
GSDF đang tìm cách để tự chuyển đổi thành một lực lượng lưu động cho các hoạt động ở nước ngoài. Nó đã đưa ra loại xe tăng chiến đấu M90 50 tấn, và còn đang phát triển loại nhẹ hơn là xe tăng chiến đấu TK-X 40 tấn, dễ dàng vận chuyển hơn, được thiết kế cho các hoạt động chống nổi dậy và được bọc thép đặc biệt hiệu quả khi đối đầu với súng chống tăng và bom tự chế (IED) – cả hai loại vũ khí này thường được quân du kích sử dụng. GSDF cũng vẫn quan tâm đến việc mua tên lửa bờ đối bờ có tầm bắn xa 300 km để bảo vệ các đảo xa bờ, dù trước đó đã bị từ chối trong NDPG 2004.[15]
Các trở ngại của GSDF đã được giải quyết trong năm 2009 với quyết định tạm dừng việc mua sắm các loại máy bay trực thăng tấn công AH 64D Apache Longbow. Nhật Bản đã mua mười chiếc AH-64D đầu tiên từ Boeing, và đã lên kế hoạch để Fuji Heavy Industries (FHI) sản xuất thêm 52 chiếc theo giấy phép. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng đã buộc phải cắt giảm đơn đặt hàng do chi phí tăng có liên quan đến việc sản xuất được cấp phép, và thay vào đó có thể lựa chọn nâng cấp trực thăng tấn công AH-1 Cobra hiện tại hoặc phát triển một phiên bản tấn công của OH-1.[16] Tuy nhiên, tham vọng về năng lực viễn chinh của GSDF đã được chứng minh bằng việc sử dụng ngân sách quốc phòng vốn dành cho việc phòng thủ tên lửa đạn đạo bổ sung năm 2009 chuyển sang cho trực thăng vận tải CH-47JA. Nhật Bản dường như đi theo hình mẫu của các quốc gia như Anh, đã thêm vỏ bọc sắt cho trực thăng Chinook để đối phó với các điều kiện ở Afghanistan và Iraq, cho thấy rằng họ đang chuẩn bị cho khả năng triển khai tới những chiến trường như vậy nếu cần thiết.
GSDF đã thành lập một Nhóm thường trực Trung ương (Central Readiness Group – CRG) trong năm 2007, kết hợp với các Lữ Đoàn Lính dù số 1, Lữ Đoàn máy bay trực thăng số 1, Đơn vị hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC) số 101 và Nhóm chiến dịch đặc biệt (SOG). CRG thể hiện một sự chuyển hướng mới của Nhật Bản. Người ta dự định đưa nó thành một lực lượng phản ứng nhanh để phối hợp các hoạt động lưu động trên toàn quốc, đối phó với chủ nghĩa khủng bố trong nước, các cuộc xâm nhập bằng du kích và chiến tranh NBC (hạt nhân, hóa học, sinh học), và đào tạo nhân lực cho việc triển khai quân sự ở nước ngoài. Việc sớm thành lập SOG vào năm 2004 đã phản ánh một sự quan tâm mới đối với các lực lượng đặc biệt. Các nhân viên đeo mặt nạ của lực lượng này đã diễu hành công khai trong buổi lễ thành lập CRG năm 2007. Người ta gần như chưa từng nghe đến việc che giấu danh tính của các nhân viên quân sự ở Nhật Bản trong thời kỳ hậu chiến.
Năng lực quân sự của ASDF đã được tăng cường thông qua việc mua sắm các máy bay chiến đấu – ném bom F2 (mặc dù với số lượng ít hơn mong đợi ban đầu) và việc mua lại một máy bay có khả năng tiếp liệu trên không cùng với việc mua bốn máy bay tiếp dầu KC-767 (chiếc đầu tiên được giao vào tháng 2 năm 2008). ASDF cũng đang nâng cấp máy bay E-767 AWACS để cải thiện khả năng phát hiện các tên lửa hành trình đang tới. Mặc dù việc Nhật Bản ký Công ước Oslo về Bom chùm tháng 12 năm 2008 có nghĩa là nước này sẽ phải dùng một khoản chi phí đáng kể để dỡ bỏ số lượng lớn các vũ khí này được dùng cho việc bảo vệ đường bờ biển dài của mình, thì sự thay đổi này cũng mang đến một cơ hội để tăng cường khả năng của ASDF theo những cách khác. Lần đầu tiên, phân bổ ngân sách của ASDF bao gồm việc lắp đặt các máy bay F2 tích hợp bom định hướng thông minh (JDAM), mang đến một khả năng phòng thủ phức tạp hơn và thậm chí có khả năng tấn công được coi là mạnh hơn so với bom chùm.[17] Việc mua sắm JDAM của ASDF để đền bù cho sự tổn thất về bom chùm cùng mối quan tâm tiếp tục của nó đối với các thiết bị chiến tranh điện tử trên không và máy bay có khả năng tiếp nhiên liệu trong khi bay sẽ đem lại khả năng tấn công các căn cứ tên lửa của đối phương.
Ngoài ra, ASDF sẽ tìm cách thay thế máy bay chiến đấu-ném bom cũ F- 4J bằng máy bay chiến đấu ưu việt F-X có khả năng vượt trội hơn các loại máy bay Su-27, J-10 và JF-17[18] của Trung Quốc. Nhật Bản đã thể hiện mối quan tâm lớn với loại máy bay chiến đấu FA-22A Raptor của Mỹ, cũng như máy bay chiến đấu Chiến binh châu Âu – Cuồng phong – Eurofighter Typhoon do công ty BAE Systems tiếp thị. Tuy nhiên, cho đến nay Nhật Bản vẫn chưa mua được F-22 bởi một lệnh cấm vận xuất khẩu do Quốc hội Hoa Kỳ áp đặt.
Trong chuyến thăm Washington vào tháng Tư năm 2007, ông Abe đã yêu cầu Mỹ công bố số liệu về F-22, và Bộ trưởng Quốc phòng Fumio Kyuma một lần nữa nêu lên vấn đề này với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates trong một cuộc họp tại Washington vào cuối tháng đó. Tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu trong tháng 7 năm 2008, một phần vì sợ rằng Nhật Bản có thể làm rò rỉ thông tin kỹ thuật nhạy cảm khi đã có một vụ tai tiếng về việc không bảo vệ được thông số kỹ thuật của hệ thống Aegis, và có thể cũng vì lo ngại về tác động của việc cung cấp F-22 cho Nhật Bản đối với sự cân bằng quyền lực khu vực. Tháng 5/2008, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Á David Sedney cho biết Hoa Kỳ rất khó có thể chuyển giao thông tin về F-22 cho Nhật Bản, và rằng thay vào đó Tokyo nên xem xét việc mua máy bay F-35. Schieffer, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, đã nhắc lại lập trường này ở Tokyo trong cùng tháng.[19]
……………….
Nhật Bản và việc quân sự hóa không gian
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản
Kết luận
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Hoc thuyet ngan sach va kha nang quan su Nhat Ban.pdf
——————-
[1] JDA, National Defense Program Guidelines, FY 2005–, http://www.jda.go.jp, pp. 2–3.
[2] Như trên, p. 9.
[3] Boeishohen, Boei Hakusho 2008 (Tokyo: Zaimusho Insatsukyoku, 2008), p. 333.
[4] Asagumo Shimbunsha, Boei Handobukku 1997 (Tokyo: Asagumo Shimbunsha, 1997), pp. 268–70; Asagumo Shimbunsha, Boei Handobukku 1998 (Tokyo: Asagumo Shimbunsha, 1998), pp. 268–70; Asagumo Shimbunsha, Boei Handobukku 2007 (Tokyo: Asagumo Shimbunsha, 2007), p. 336; Boeishohen, Boei Hakusho 2008 (Tokyo: Zaimusho Insatsukyoku, 2008), p. 334.
[5] Boeisho, Waga Kuni no Boei to Yosan, Heisei 21nendo Gaisan Yokyu no Gaiyo (Tokyo: Boeisho, 2008), http://www.mod.go.jp/j/library/archives/yosan/2009/yosan.pdf, p. 28; Boeisho, Waga Kuni no Boei to Yosan, Heisei 21nendo Yosan no Gaiyo (Tokyo: Boeisho, 2008), http://www.mod.go.jp/j/library/archives/yosan/2009/yosan.pdf, p. 28.
[6] Kent E. Calder, Crisis and Compensation: Public Policy and Political Stability in Japan (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1988), pp. 437–8.
[7] ‘Beitaishi ga Koen, Nihon no Boeihi “Zogaku Subeki”’, Yomiuri Shimbun, 20 May 2008, http://www.yomiuri.co.jo/national/news/20080520-OYT1T00608.htm.
[8] Boeishohen, Boei Hakusho 2008 (Tokyo: Zaimusho Insatsukyoku, 2008), p. 122.
[9] Kaijo Hoancho, Kaijo Hoanchoho, 1948, http://law.e-gov.go.jp/htmldata/S23/S23HO028.html.
[10] Naigai Shuppanhen, Boeicho Kankei Horeishu (Tokyo: Naigai Shuppan, 2005), p. 71; IISS, The Military Balance 2009, p. 394.
[11] David Leheny, Think Global, Fear Local: Sex, Violence and Anxiety in Contemporary Japan (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2006), pp. 157–69; Richard J. Samuels, Securing Japan: Tokyo’s Grand Strategy and the Future of East Asia (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2007), pp. 78–9; Richard J. Samuels, ‘“New Fighting Power!” Japan’s Growing Maritime Capabilities and East Asian Security’, International Security, vol. 32, no. 3, Winter 2007–08, pp. 84–112.
[12] Maeda Testuo, Jieitai: Henyo no Yukie (Tokyo: Iwanami Shinsho, 2007), pp. 144–5.
[13] Harrison M. Holland, Managing Defense: Japan’s Dilemma (New York: University Press of America, 1988), pp. 34–5; Michael E. Chinworth, Inside Japan’s Defense: Technology, Economicsand Strategy (Washington DC: Brassey’s US, 1992), p. 63; Masako Ikegami-Andersson, ‘Arms Procurement Decision Making: Japan’, in Ravinder Pal Singh (ed.), Arms Procurement Decision Making Volume I: China, India, Israel, Japan, South Korea and Thailand (Oxford: OUP for SIPRI, 1998).
[14] Kaijo Hoancho Somubu Seimuka 2007, figures provided via National Diet Library, 2007; IISS, The Military Balance 2009, p. 394.
[15] ‘Kenkyu Chakushu Miokuri: Choshatei Yudodan’, Asahi Shimbun, 8 December 2004, p. 3.
[16] ‘Sentoheli Appachi Chotatsu Chushi, Ichiki 200okuen ni Neagari de’, Yomiuri Shimbun, 23 August 2008, http://www.yomiuri.co.jp/politics/news/20080823-OYT1T00413.htm.
[17] ‘F15 Kaisu 947okuen, FX Sentei Nanko Boeisho Gaisan Yokyu’, Asahi Shimbun, 27 August 2008, http://www.asahi.com/politics/update/0827/TKY200808270036.html; Boeisho, Waga Kuni no Boei to Yosan, Heisei 21nendo Yosan no Gaiyo, pp. 21–2.
[18] ‘Kimaranu Jiki Sentoki: Boeisho Chugoku wa Gunji Zokyo Bokuryoku ni Kennen’, Nihon Keizai Shimbun, 26 August 2008, p. 2.
[19] ‘Beitaishi ga Koen, Nihon no Boeihi “Zogaku Subeki”’, Yomiuri Shimbun, 20 May 2008, http://www.yomiuri.co.jo/national/news/20080520-OYT1T00608.htm.