Nguồn: John Delury & Chung-in Moon, “Should We Welcome the Collapse of North Korea”, Foreign Affairs, Vol. 93, No. 6, Nov/Dec 2014.
Biên dịch: Vũ Trọng Bằng | Hiệu đính: Nguyễn Thị Nhung
Một viễn cảnh đáng sợ
Ngày Bắc Triều Tiên sụp đổ đang đến gần, việc Hàn Quốc hợp nhất với miền Bắc sẽ là một điều có lợi cho tất cả, và những nhà hoạch định chính sách tại Washington và Seoul nên bắt đầu lên kế hoạch cho việc can thiệp quân sự thống nhất bán đảo Triều Tiên – ít nhất là theo lời Sue Mi Terry (Bài viết “A Korea Whole and Free”, số tháng 7/8 2014). Cho dù quan điểm chế độ tại Bắc Triều Tiên đang đứng trên bờ vực diệt vong đã xuất hiện từ hàng thập kỉ nay, nhưng mới chỉ có Terry khẳng định rằng những lợi ích của sự sụp đổ này sẽ lớn hơn những thiệt hại mà nó gây ra. Tuy nhiên, đánh giá của cô đã quá phóng đại tính khả thi cũng như hấp lực của viễn cảnh thống nhất sau một sự thay đổi chế độ bất ngờ (ở Bình Nhưỡng).
Đầu tiên, những lợi ích mà Terry cho rằng sẽ tích lũy được từ sự thống nhất đều dựa trên những giả định thiếu cơ sở thực tế. Nếu miền Bắc thay đổi chế độ, cô khẳng định rằng Hàn Quốc đầu tiên sẽ hưởng những món lợi lớn nhờ cắt giảm ngân sách quốc phòng khi không còn mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Thực ra, chi tiêu quốc phòng ban đầu sẽ phải tăng vọt lên, do những khoản chi để ổn định miền Bắc.
Giống như công cuộc xóa bỏ tàn dư của Đảng Ba’ath khỏi Iraq sau cuộc xâm lược của Hoa Kỳ năm 2003, việc giải giáp quân đội cả triệu người của Kim Jong Un sẽ đòi hỏi một khoản chi khổng lồ. Và kể cả khi những khoản chi cần thiết ban đầu đã được giải quyết, thì chiến lược an ninh quốc gia của nước Triều Tiên mới sẽ phải bao gồm cả kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng để theo kịp sự vươn lên của Trung Quốc và sự hồi sinh của Nhật Bản. Những nhà hoạch định tại Seoul sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu họ dựa vào lợi ích thu được từ nền hòa bình để bù đắp cho những khoản chi vì công cuộc thống nhất.
Terry cũng lập luận rằng một đất nước Triều Tiên thống nhất sẽ gặt hái được những lợi ích về kinh tế từ sự kết hợp của nhân công và nguồn lực của miền Bắc và nguồn tài chính với công nghệ của miền Nam. Nhưng trên thực tế, hệ quả dễ xảy ra hơn lại là tình trạng rối loạn hệ thống. Khi mà người, hàng hóa và dịch vụ đột nhiên được luân chuyển tự do, khoảng cách về lương bổng giữa miền Nam và miền Bắc sẽ thu hẹp lại, có nghĩa là giá nhân công sẽ không giảm xuống thấp như Terry ngầm định. Một khi đã sáp nhập với miền Nam, nền kinh tế kiệt quệ của miền Bắc cũng sẽ tự động tham gia vào Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và từ đó những nguồn viện trợ nước ngoài từ những thành viên của tổ chức này sẽ bị cắt (như là trường hợp của Đông Đức sáp nhập với Tây Đức).
Tương tự, miền Bắc sẽ không còn hưởng lợi từ hệ thống hàng rào thuế quan ưu đãi cho những nước đang phát triển của Tổ chức Thương mại Thế giới. Những tranh chấp phức tạp về quyền sở hữu tài sản sẽ chất đầy trong những tòa án của quốc gia mới. Trong lúc đó, những nhà đầu tư Trung Quốc sẽ yêu cầu những hợp đồng hiện hành của họ với những công ty miền Bắc được công nhận, đội thêm vào những khoản chi trên trời mà những công ty miền Nam phải đối mặt khi cố gia nhập thị trường miền Bắc.
Cuộc sáp nhập đột xuất này cũng sẽ nảy sinh ra rất nhiều vấn đề xã hội. Không như Terry khẳng định, việc thống nhất trên thực tế sẽ không đem lại lợi ích về mặt nhân khẩu cho miền Nam, cụ thể hơn sẽ không giúp cân bằng lại với tỉ lệ sinh thấp và lực lượng lao động nhanh chóng bị già hóa của Hàn Quốc, vì thực ra Bắc Triều Tiên cũng chịu ảnh hưởng của một nền dân số già do tuổi thọ trung bình cao và tỉ lệ sinh thấp. Viễn cảnh về bộ máy bảo hiểm y tế của Hàn Quốc phải đón nhận 25 triệu thành viên mới – bao gồm cả trẻ suy dinh dưỡng và người lớn với những căn bệnh kinh niên như lao – ít nhất cũng là điều đáng lo ngại.
Khi xét đến sự bất bình đẳng, những người miền Bắc đương nhiên sẽ mong muốn đất nước họ trải qua một quá trình tái phân phối của cải vật chất trên phạm vi rộng lớn để thu hẹp khoảng cách về giàu nghèo giữa 2 miền, trong khi đó những người dân nộp thuế tại miền Nam đương nhiên sẽ tức giận trước gánh nặng mà họ phải gánh chịu. Một số doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tận dụng được cơ hội trời cho này để kiếm lời từ những nguồn lợi chưa được khai thác đúng mức ở miền Bắc, nhưng những dòng lợi nhuận ấy sẽ không thể đến tay những quản lý, công nhân và nông dân ở đây. Định kiến vùng miền và khác biệt trong hệ tư tưởng cũng có nguy cơ gia tăng, khối cử tri bổ sung từ miền Bắc cũng đe dọa gây bất ổn cho hệ thống chính trị lưỡng đảng vốn đã rất chia rẽ ở miền Nam.
Khả năng duy trì
Tin tốt là Terry không chỉ phóng đại những lợi ích của việc sụp đổ chế độ tại miền Bắc mà còn phóng đại khả năng nó xảy ra nữa. Cho dù quá trình kế vị diễn ra gấp gáp, Kim vẫn có vẻ nắm chắc quyền lực trong tay. Việc ông bác Jang Song Thaek của ông ta bị thanh trừng đã không tạo ra một làn sóng đào ngũ của giới lãnh đạo hay thúc đẩy Trung Quốc cắt đứt mối quan hệ hoặc phong tỏa biên giới với đất nước này.
Cho dù Bắc Triều Tiên bị bỏ xa so với phần còn lại của Đông Á, nền kinh tế của đất nước này đang phát triển dần dần, một điều mà những vị khách tới Pyongyang trong những năm vừa qua biết rõ. Kim đã đặt ưu tiên cho phát triển kinh tế, theo nguyên văn lời ông là cam kết sẽ không bao giờ bắt người dân “thắt lưng buộc bụng nữa”. Ông ta đang thử nghiệm những bước cải cách giúp trao quyền lực cho nông dân, những quản lý nhà máy và thương nhân tự do, và đã tạo thêm những vùng kinh tế đặc biệt để mời gọi đầu tư nước ngoài. Kết quả vẫn còn rất khiêm tốn, nhưng hiện tại thì mỗi năm đều tiến bộ hơn năm trước đó ở mức độ nhất định, chuyển biến tích cực này đã tiếp thêm sức mạnh cho chế độ này.
Ngay cả nếu như mọi việc đi theo hướng Terry dự đoán, tức là giới lãnh đạo của Bắc Triểu Tiên đến một lúc nào đó mệt mỏi với vị lãnh tụ “nóng nảy” của họ và loại bỏ ông ta, thì Bắc Triều Tiên vẫn sẽ tồn tại như một đất nước. Trong trường hợp không tưởng, xảy ra một cuộc đảo chính thực sự, thì hàng ngũ tướng lĩnh trong quân đội và các nhân vật cấp cao trong đảng khi thành lập một chế độ mới sẽ chẳng được hưởng lợi gì nếu dâng quyền lãnh đạo cho Seoul. Thật ra, những lãnh đạo mới có thể lại còn kém hơn Kim, giống như tình hình tại những nước hậu Mùa xuân Ả Rập, khi người lên nắm quyền lại là những kẻ cực đoan, khiến cho người ta bắt đầu luyến tiếc những nhà độc tài cũ nếu so với chế độ hiện tại. Thế giới bên ngoài cần phải cẩn thận với điều mình mong muốn.
Những nước láng giềng của Bắc Triều Tiên nhận thức rõ được những mối nguy hiểm đó. Trung Quốc sẽ muốn tránh một thảm họa xảy ra trên biên giới của họ, đặc biệt là khi sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên sẽ phá hủy vùng đệm chiến lược của Trung Quốc và có lẽ sẽ mở đường cho quân đội Hoa Kỳ tiến quá gần đến mức nước này khó có thể ngồi yên. Mát-xcơ-va cũng muốn giữ một vùng đệm che chắn ở dưới chân vùng Viễn Đông của Nga, đồng thời tránh nguy cơ sự sụp đổ chế độ này hủy hoại những nỗ lực phát triển công nghiệp của họ ở đó. Những nhà lãnh đạo ở Nhật Bản, mặc dù có hận thù chế độ của ông Kim, lại cảm thấy mâu thuẫn về viễn cảnh thống nhất của bán đảo Triều Tiên, do giữa họ và Hàn Quốc có tồn tại ngầm một mối quan hệ cạnh tranh. Ngay cả những người Hàn Quốc, những con người sống dưới mối đe dọa tấn công từ miền Bắc, cũng không cảm thấy dứt khoát trước viễn cảnh Bắc Triều Tiên sụp đổ bởi cái giá của nó. Nói tóm lại là trên khắp Đông Bắc Á, không có quốc gia nào có ý đồ chính trị lật đổ nhà nước Bắc Triều Tiên.
Tất nhiên, thái độ thiếu kiên quyết đó một phần lớn đến từ yếu tố có sức mạnh nhất đang chống đỡ cho Bình Nhưỡng, và cũng là yếu tố mà Terry đã bỏ qua: vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Đối diện với mối đe dọa đánh trả bằng vũ khí hạt nhân, cả Hoa Kỳ lẫn Hàn Quốc đều không dám lật đổ Kim một cách công khai. Đó chính xác là lý do tại sao mà thật khó để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tại sao khả năng thay đổi chế độ đến từ bên ngoài là rất khó xảy ra.
Một phương án tốt hơn
May mắn thay, bán đảo Triều Tiên không cần phải thống nhất theo cách mà Terry hình dung. Thay vì chuẩn bị để nuốt chửng cả Bắc Triều Tiên một lúc, thì Hàn Quốc, với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, nên lên một chiến lược dài hạn cho sự sáp nhập dần dần giữa miền Bắc và Nam. Quá trình hợp nhất kinh tế giữa miền Bắc và Nam trước đây mở ra hướng thống nhất ít thiệt hại duy nhất cho người dân hai miền. Đây là một dự án lớn được bắt đầu vào đầu những năm 1990, và sau đó bị gián đoạn dưới thời chính quyền trước của Hàn Quốc, nhưng mong là sẽ được tiếp tục dưới thời tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Để đạt được mục tiêu này, Washington và Seoul cần phải cẩn thận nhưng chủ động tiếp cận Bình Nhưỡng, như những quốc gia khác ở trong khu vực đang thực hiện. Một ví dụ sinh động gần đây nhất là Nhật Bản, Thủ tưởng Shinzo Abe đã bắt đầu dỡ bỏ cấm vận để thuyết phục ông Kim khôi phục cuộc điều tra về số phận những công dân Nhật bị gián điệp của Bắc Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980. Nga đã tăng cường sự hiện diện của mình về mặt kinh tế, bỏ qua món nợ khổng lồ thời Liên Xô của Bắc Triều Tiên và đầu tư vào một cảng của nước này. Và Trung Quốc đã và đang tiếp tục trao đổi buôn bán và đầu tư vào Bắc Triều Tiên, dù rằng Bắc Kinh không hài lòng với Kim. Quan điểm cứng rắn của Hoa Kỳ về vấn đề cấm vận và đối đầu đàm phán có vẻ lạc lõng với những tiến triển trong khu vực. Đáng mừng là tổng thống Park vẫn để mở cánh cửa tái khởi động quá trình hòa giải hai miền Triều Tiên.
Sự thống nhất vẫn là mục tiêu tối thượng cho mọi người dân hai miền Triều Tiên, nhưng nó sẽ là một chặng đường gian nan. Thực tế là hiện nay bán đảo này vẫn bị chia cắt. Những nhà hoạch định chính sách của Washington và Seoul nên nhìn thẳng vào hiện thực đó – thay vì chuẩn bị cho một kịch bản giả định mà có vẻ sẽ không bao giờ xảy ra.
Terry phản hồi
John Delury và Chung-in Moon đã làm tốt việc phản bác nội dung một bài viết không phải của tôi. Tôi chưa bao giờ khẳng định rằng “Sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên đang đến gần” hay là “Washington và Seoul nên bắt đầu lên kế hoạch cho việc can thiệp quân sự thống nhất bán đảo Triều Tiên”, hoặc nói là việc thống nhất sẽ không gây ra vấn đề gì. Tôi chưa bao giờ đưa ra ý kiến là Hoa Kỳ hay Hàn Quốc nên dùng hoạt động quân sự để tiêu diệt Bắc Triều Tiên; thực ra, tôi diễn tả quá trình thống nhất qua chiến tranh như là viễn cảnh xấu nhất và ít có khả năng xảy ra nhất, và tranh luận rằng Hoa Kỳ nên tăng cường cấm vận để đẩy nhanh quá trình tan vỡ trong hòa bình của Bắc Triều Tiên. Tôi cũng không phủ định những vấn đề mà quá trình thống nhất sẽ đặt ra trong ngắn hạn – trong số đó có cả những vấn đề mà Delury và Moon đã nhấn mạnh. Như tôi viết, “Chế độ của Kim có lẽ sẽ không kết thúc một cách sạch đẹp; quá trình sụp đổ của một nhà nước luôn luôn lộn xộn và điều này càng đúng với một chế độ quá quân phiệt và cùng đường như vậy.”
Tuy vậy, đúng là tôi đã có tranh luận rằng sự sụp đổ của miền Bắc, sau khi cân đong đo đếm tất cả các yếu tố, có thể sẽ là điều tốt (ngoại trừ những thảm họa như phổ biến vũ khí hạt nhân, như là tôi đã nhắc đên trong bài viết). Cho dù “tranh chấp phức tạp về quyền sở hữu tài sản” sẽ “chất đầy trong những tòa án của quốc gia mới,” như Delury và Moon đã tiên lượng, đây có vẻ vẫn còn là một cái giá khiêm tốn để xóa bỏ một chế độ xếp hạng xâm phạm quyền con người tệ nhất trên hành tinh này và thường xuyên đe doạ hủy diệt hạt nhân những nước láng giềng.
Delury và Moon phóng đại những vấn đề mà một Triều Tiên thống nhất sẽ phải đối mặt. Họ khẳng định là “chiến lược an ninh quốc gia của nước Triều Tiên mới sẽ phải bao gồm tăng chi tiêu quốc phòng để theo kịp sự vươn lên của Trung Quốc và sự hồi sinh của Nhật Bản.” Nhưng họ không đưa ra một lý do nào cho luận điểm tại sao một Triều Tiên thống nhất sẽ phải cảm thấy bị đe dọa bởi Trung Quốc hay Nhật Bản hơn so với mối đe dọa mà Hàn Quốc hiện nay đang phải chịu. Hơn nữa, phép so sánh của họ với Iraq sau cuộc xâm lược của Hoa Kỳ là không hợp lý. Không có miền Nam Iraq nào để sát nhập với một đất nước mới được giải phóng như trường hợp Hàn Quốc sẽ sáp nhập với miền Bắc. Và không như Iraq, quốc gia bị chia nhỏ bởi những ranh giới giáo phái, bán đảo Triều Tiên là một trong những nơi đồng nhất sắc tộc nhất trên trái đất.
Cho dù Delury và Moon có thể không thích ý tưởng về sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên, nhưng đó là một viễn cảnh dễ xảy ra hơn nhiều so với ảo tưởng về “sự sáp nhập dần dần của miền Bắc và Nam.” Hàn Quốc đã cố gắng để giấc mơ đó thành hiện thực trước đây, qua chính sách “Ánh dương” nước này từng theo đuổi từ 1998 đến 2008, và kết quả là một thất bại quá rõ ràng. Trong những năm đó, Hàn Quốc chi cho Triều Tiên 8 tỉ đô la về đầu tư và viện trợ. Trong năm 2000, tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung còn đưa cho Kim Jong II 500 triệu đô la để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh (hành động đã mang lại cho ông giải Nobel Hòa Bình). Ngược lại, Seoul chẳng nhận được gì. Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, tiến hành vụ thử tên lửa hạt nhân đầu tiên vào 2006, và vẫn độc đoán và khó lường như trước. Delury và Moon không đưa ra luận điểm nào chứng tỏ rằng một chính sách Ánh dương mới sẽ có tác dụng hơn.
Delury và Moon có thể nghĩ rằng Kim Jong Un đang tiến hành cải cách kinh tế thực sự, nhưng những bằng chứng thực tế lại không ủng hộ quan điểm này. Ông ta chỉ đang sửa sang xung quanh cái khung của một hệ thống thời Stalin, như là bố và ông của ông ta đã làm. Kim đã chi hàng trăm triệu đô la cho những bể cá heo, công viên nước và khu trượt tuyết phục vụ cho giới lãnh đạo. 84% các gia đình của Bắc Triều Tiên mà Liên Hợp Quốc cho rằng đang phải chịu mức tiêu thụ thực phẩm “cận nghèo” và “nghèo đói” trong năm 2013 có lẽ sẽ phản đối mô tả mà Delury và Moon đưa ra là “Kim đã đặt ưu tiên cho phát triển kinh tế.” Nếu Kim là một nhà cải cách thực sự, ông đã không ngần ngại tiến một bước khiêm tốn là cắt giảm chỉ 5% ngân sách quốc phòng trên trời của quốc gia, chỉ cần như vậy cũng sẽ giải phóng đủ nguồn tài chính để kết thúc tình trạng khủng hoảng lương thực của quốc gia này. Hơn nữa, qua hành động xử tử ông cậu của mình, Kim chứng tỏ còn tàn bạo và khó đoán hơn bố và ông ông ta – và điều đó cũng đã đủ để lo ngại.
Delury và Moon gọi sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên là “một kịch bản giả định mà có vẻ sẽ không bao giờ xảy ra.” Đây, tất nhiên, cũng chính là những lời mà người ta đã từng nói khi phỏng đoán về khả năng Liên Xô, Đông Đức, hay là những chế độ cộng sản khác sẽ sụp đổ. Sớm hay muộn thì Triều Tiên sẽ phải tiếp bước đi theo những quốc gia nói trên. Thế giới bên ngoài nên chuẩn bị cho kịch bản này, thay vì giả bộ rằng chế độ độc tài khó lường của gia đình Kim sẽ tồn tại mãi mãi – hay mơ mộng rằng sau 66 năm, nó sẽ biến hóa một cách kì diệu thành một đất nước dân chủ, tư bản, tôn trọng quyền lợi của người dân và láng giềng của nó.
John Delury là Trợ lý Giáo sư ngành Nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Yonsei.
Chung-In Moon là Giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Yonsei và là một thành viên của Ủy ban Tổng thống về Chuẩn bị cho Thống nhất của Hàn Quốc.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]