Tập Cận Bình cải cách quân đội: Đẩy nhanh xây dựng một PLA hùng mạnh

Print Friendly, PDF & Email

CINA_-_Lam_su_Tiananmen

Nguồn: Kevin McCauley, “Xi’s Military Reform Plan: Accelerating Construction of a Strong PLA”, China Brief, Vol. 14, Issue 23, December 5, 2014.

Biên dịch: Trần Anh Hòa | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Kế hoạch cải cách quân đội của Chủ tịch nước và Tổng Tư lệnh Quân đội Trung Quốc Tập Cận Bình, được công bố tại Phiên họp Toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) lần thứ 18 vào tháng 11/2013, sẽ được định hình trong những năm tới. Những cải cách có vẻ là đáng kể nhất trong ít nhất ba thập niên qua này giải quyết những vấn đề chính đang đòi hỏi giải pháp trước khi Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể thực hiện được các mục tiêu hiện đại hóa quan trọng. Các mục tiêu này gồm cả việc tìm cách bỏ qua các lợi ích cá nhân và đạt được sự đồng thuận về các mục đích hiện đại hóa mà trước kia đã trì hoãn; đưa ra chỉ đạo ở cấp cao để đồng bộ hóa các thành phần khác biệt trong việc hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là tiêu chuẩn hoá C4ISTAR;[1] và tối ưu hóa cấu trúc lực lượng để đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Mặc dù trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) và hiển nhiên trong PLA nói chung có vẻ đã đạt được một sự nhất trí chung về con đường phía trước, một số chi tiết xem ra vẫn chưa được thông qua lần cuối. Chủ tịch Tập có thể đã đạt được một sự đồng thuận về một số vấn đề khó khăn thông qua sự kết hợp giữa việc thăng chức, các chiến dịch chống tham nhũng trong PLA, cũng như chú trọng vào lợi ích tập thể và sự trung thành với Đảng để xây dựng một quân đội hiện đại hùng mạnh chứ không chỉ duy trì vị thế đứng đầu của các lực lượng trên bộ. Các quyết định còn lại, chẳng hạn như cơ cấu của các bộ chỉ huy liên hợp, cần phải được quyết định nhanh chóng nếu các cuộc cải cách muốn diễn ra trong vài năm tới. Tuy nhiên, PLA cần tiếp cận một cách cẩn thận các vấn đề quan trọng với những hệ quả sâu rộng – chẳng hạn như các bộ chỉ huy tác chiến chung, các thay đổi trong hệ thống quân khu (MR) và các thay đổi về cơ cấu lực lượng để hạn chế tình trạng trì trệ và giảm hiệu quả chiến đấu – và giảm bớt các rủi ro trong giai đoạn thực hiện.

Tường thuật trên báo chí Trung Quốc và các nguồn tin của PLA chỉ ra những nét chính và các trọng tâm trong các cải cách của ông Tập. Kế hoạch này củng cố các ưu tiên cải cách đang diễn ra và những cố gắng để thành công trong các lĩnh vực trước đây bị cản trở. Một số điểm nổi bật có khả năng ảnh hưởng đáng kể bao gồm nhịp độ gia tăng hiện đại hóa; việc tạo ra các bộ chỉ huy liên hợp trong thời bình để tăng thêm xung lực nhằm đạt được một khả năng tác chiến chung hợp nhất; việc tăng cường chú trọng rõ rệt đối với hiện đại hóa Hải quân PLA (PLAN) và Lực lượng Pháo binh số 2 (SAF); giải quyết các vấn đề về nhuệ khí, tệ tham nhũng, thu hút và huấn luyện nhân sự có chất lượng; và khắc phục trạng thái tâm lý thời bình đang phổ biến.

Các lĩnh vực cần chú trọng trong cải cách Quân đội

Thúc đẩy hiện đại hóa và chuẩn bị đấu tranh quân sự

Mong muốn đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội đã được PLA nhấn mạnh. Đây một phần là sự phản ứng với môi trường an ninh phức tạp, và cũng là một quan niệm cho rằng nhịp độ gia tăng nhanh chóng trong cuộc cách mạng về các vấn đề quân sự và việc hiện đại hóa các quân đội tân tiến trên thế giới đang đe dọa làm PLA tụt hậu. Khả năng này vẫn còn hiện hữu đối với các xung đột bên ngoài và sự bất ổn định bên trong, kể cả chính sách ngăn chặn chiến lược và cạnh tranh địa chính trị, các tranh chấp lãnh thổ, và tình trạng bất ổn dân tộc và tôn giáo cũng như các lực lượng ly khai và khủng bố.[2] Việc chuẩn bị cho đấu tranh quân sự cũng là một chủ đề nổi bật, với việc sẵn sàng chiến đấu trở thành một nhiệm vụ cơ bản dành cho bất cứ lực lượng vũ trang nào. Với Trung Quốc, điều này liên quan đến các quan điểm về nguy cơ xung đột, việc trở nên chủ động hơn về mặt chiến lược, đặc biệt là liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ, nhu cầu cải thiện khả năng chiến đấu cũng như đáp ứng các nhu cầu mới và mở rộng của quân đội. Các sự chuẩn bị gồm có cải thiện việc lập kế hoạch và đưa ra sáng kiến chiến lược, cũng như việc phòng ngừa khủng hoảng, ngăn chặn và hạn chế hoặc kiểm soát một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột.

Bộ Chỉ huy Liên hợp và C4ISTAR

Việc tạo ra một hệ thống chỉ huy liên hợp hiện đại và có hiệu quả là ưu tiên hàng đầu, cũng giống như việc thành lập một hệ thống thông tin chỉ huy rộng khắp toàn quân mang lại khả năng phối hợp giữa các quân chủng nhằm tiến tới một khả năng tác chiến hợp nhất chung. Trong khi giới học giả PLA đã thảo luận nhiều về tổ chức và các chức năng chỉ huy liên hợp, dường như vẫn có một ý thức cấp bách là phải giải quyết những bất đồng về cấu trúc và các quy trình chỉ huy liên hợp. Các cải cách gồm việc tối ưu hóa chức năng, quản lý chiến lược và cấu trúc sở chỉ huy chung CMC. Tác chiến liên hợp trên chiến trường được lập kế hoạch, với các điều chỉnh trong hệ thống quân khu mà ít nhất phải nhằm hạn chế ưu thế truyền thống của các lực lượng trên bộ. Không rõ liệu một cấu trúc chỉ huy ít tầng nấc hơn (flatter) có phải là một bộ phận của tái cơ cấu như đã được các học giả PLA đề xuất hay không.[3]

Các kế hoạch đòi hỏi phải củng cố hệ thống thông tin chỉ huy và tăng cường hiện đại hóa các hệ thống thông tin thông qua quản lý tập trung tốt hơn. Trong khi C4ISTAR đã là một trọng tâm của các nỗ lực hiện đại hóa trước đây, sự thiếu hội nhập vẫn cản trở việc đào tạo và phát triển tác chiến quân sự chung khi các quân khu và các quân đoàn phải tự giải quyết cục bộ các vấn đề về thông tin liên lạc chung. PLA đã bắt đầu chú trọng đến chỉ đạo cấp cao, với việc CMC tham gia nhiều hơn vào các chi tiết hiện đại hóa. GSD (Bộ Tổng Tham mưu) đã thành lập Cục Thông tin hoá (Informationization Department) vào tháng 6/2011 và Cục Huấn luyện Quân sự (Military Training Department) vào tháng 12/2011 để giám sát sâu hơn các lĩnh vực có tính quyết định này. Chương trình hiện đại hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển cơ sở hạ tầng thông tin tích hợp toàn quân để cho phép một hệ thống gồm các tiểu hệ thống có khả năng tác chiến.

Huấn luyện

Các nỗ lực cải cách chú trọng vào những cải tiến trong huấn luyện, nhất là huấn luyện liên hợp, để tiếp cận với các điều kiện chiến đấu thực tế. Nhu cầu tiếp cận chiến đấu thực tế trong huấn luyện một phần là để khắc phục sự thiếu kinh nghiệm chiến đấu của PLA trong chiến tranh hiện đại. Việc liên tục nâng cấp các căn cứ huấn luyện lớn nhằm trợ giúp huấn luyện liên hợp sẽ giúp cải thiện lĩnh vực này.

Theo PLA, còn có các lý do khác bao gồm: nhu cầu đạt được và duy trì tính sẵn sàng chiến đấu cao để chuẩn bị và giành chiến thắng trong một cuộc xung đột tiềm tàng; sự tập trung vào các đòi hỏi tác chiến thực tế để rút ngắn (thời gian) chuyển sang các mức độ sẵn sàng kiểu thời chiến trong một cuộc khủng hoảng; huấn luyện nghiêm ngặt và phức tạp để nâng cao sức bền và tinh thần chiến đấu của binh sĩ; chấm dứt tâm lý thời bình trong PLA; khắc phục các vấn đề cố hữu về tập luyện theo kịch bản, sự thờ ơ đối với huấn luyện thực tế và nỗi lo sợ tai nạn dẫn đến hạn chế cường độ huấn luyện; việc tiêu chuẩn hóa các phương pháp đánh giá để loại bỏ sai lệch đối với kết quả huấn luyện; và việc chỉ đạo huấn luyện quân sự phi chiến tranh chuyên môn hoá để hỗ trợ ứng phó khẩn cấp. PLA sẽ cần phải xem lại và đồng bộ hóa các quy định về chiến đấu, đường hướng huấn luyện, và các yêu cầu chiến đấu thực tiễn để giải quyết các xung đột nhằm cải thiện việc huấn luyện thực tế phức tạp.[4]

Nuôi dưỡng Các nhân tài Quân sự

Giới lãnh đạo đánh giá chất lượng sĩ quan và chiến sĩ là không tương xứng với các nguồn lực bổ sung cần có để phát triển các kỹ năng chuyên môn trong các khả năng cốt lõi để thực hành tác chiến liên hợp hiện đại và trợ giúp các nỗ lực hiện đại hóa rộng khắp. Quy trình tuyển chọn và đánh giá nhân sự cũng đòi hỏi phải có các cải tiến để sửa chữa các vấn đề lớn, như đã được chứng minh qua thông tin báo chí về các trường hợp tham nhũng trong PLA liên quan đến việc thăng chức và tuyển quân. Việc xây dựng một quy trình tuyển chọn tiêu chuẩn dựa trên năng lực chuyên môn cũng được coi là một phương tiện để thu hút và giữ lại nhân sự tay nghề cao. Chương trình cải cách của Chủ tịch Tập dự định nhằm cải tiến hơn nữa các học viện quân sự cùng với việc gia tăng tài trợ, giáo dục khoa học công nghệ cao cũng như huấn luyện tác chiến liên hợp. Các vấn đề bao gồm các khóa học yếu kém và lỗi thời, giáo viên không theo kịp các yêu cầu về tác chiến hiện đại, thiếu tính sáng tạo, cũng như sự gian lận và tệ tham nhũng trong các học viện, những thứ làm ô nhiễm môi trường học thuật.

Hiện đại hóa thiết bị và lực lượng

Cắt giảm một lực lượng có quy mô quá lớn và tái cân bằng tỷ lệ lực lượng giữa các quân chủng có thể dẫn đến gia tăng các nguồn lực hiện đại hóa đối với PLAN và SAF (Lực lượng Pháo binh số 2). PLAN (Hải quân Trung Quốc), có lẽ gồm cả Không quân trong lực lượng Hải quân (PLANAF), được coi là hỗ trợ cho thế mạnh toàn diện của quốc gia, và cũng có thể nhận được sự chú trọng đặc biệt trong chương trình hiện đại hóa của Chủ tịch Tập. Các quyền trên biển, các vấn đề về lãnh thổ, các lợi ích kinh tế – kể cả sự mong muốn thiết lập lại một “Con đường Tơ lụa trên biển” – nằm trong số các vấn đề về phát triển hoặc an ninh tiềm năng nhấn mạnh việc ưu tiên thúc đẩy hiện đại hóa hải quân.

Các kế hoạch đóng tàu sân bay như thông báo sẽ giúp tăng sự hiện diện hàng hải ngoài bờ biển Trung Quốc. SAF là một thành phần chủ chốt trong tấn công hỏa lực phối hợp tầm xa vốn có tính quyết định đối với bất kỳ chiến dịch nào cũng như việc hình thành răn đe hạt nhân. Điều này không có nghĩa là PLAAF không phải là một trọng điểm của quá trình hiện đại hóa với các máy bay hiện đại đang được sản xuất, có điều là PLAN và SAF sẽ được chú trọng hơn theo kế hoạch cải cách của ông Tập.

Một số lĩnh vực chẳng hạn như các lực lượng tác chiến kiểu mới sẽ tăng lên, còn các lĩnh vực khác như các lực lượng phi chiến đấu sẽ giảm xuống. Báo chí PLA đã mô tả hàng không quân sự (army aviation), các lực lượng đặc nhiệm và các đơn vị tác chiến điện tử như là các lực lượng tác chiến kiểu mới, trong khi giới học giả PLA cho rằng các lực lượng tác chiến trên mạng và trong không gian cũng là các ví dụ điển hình. Xem ra các lực lượng trên bộ sẽ hoàn thành công cuộc chuyển đổi từ cấu trúc hỗn hợp sư đoàn/lữ đoàn hiện tại sang cấu trúc lữ đoàn/tiểu đoàn khi giảm bớt quân số. Việc cắt giảm lực lượng cũng sẽ cho phép loại bỏ dần nhiều loại thiết bị cũ. Điều này sẽ giúp tiêu chuẩn hoá nhiều hơn trong các đơn vị, làm tăng thêm mức độ hiện đại hóa và trạng thái sẵn sàng tác chiến, trong khi giảm bớt các nhu cầu về hậu cần và các vấn đề khác do thiết bị cũ kỹ và nhiều chủng loại gây ra. Hậu cần cũng được chú trọng, với việc gia tăng các lực lượng hậu cần cơ động nhằm hỗ trợ tác chiến liên hợp, dễ nhận thấy trong dự án đặc biệt về công tác hậu cần phối hợp của quân khu Tế Nam trong thập niên qua.[5]

Tính kỷ luật, lòng trung thành và nạn tham nhũng

Các vấn đề được giới lãnh đạo coi là nghiêm trọng như những khuynh hướng không lành mạnh, nạn tham nhũng và kỷ luật lỏng lẻo trong quân đội, đang được giải quyết thông qua các chiến dịch nhắm vào lòng trung thành với Đảng, việc chống tham nhũng và tuân thủ pháp luật và các quy định như đã nêu lên trong giới báo chí của PLA. Đảng cũng lo ngại về các quan niệm khác biệt và không lành mạnh lây truyền qua các phương tiện truyền thông xã hội và Internet, dẫn đến sự tiêm nhiễm về ý thức hệ, các vấn đề này không chỉ giới hạn trong PLA mà có cả trong dân chúng nói chung. Nạn tham nhũng chắc chắn là một vấn đề thực sự đối với PLA, nhưng các lĩnh vực cần quan tâm khác cũng có thể cho thấy các vấn đề nội bộ nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng tham chiến.

Cải cách nhiều rủi ro

Kế hoạch cải tổ quân đội của ông Tập sẽ được định hình rõ ràng trong hai năm tới, và mức độ thành công đạt được trong việc khắc phục các trở ngại về thể chế đối với một số lĩnh vực chủ chốt cũng vậy. Việc tái tổ chức và cải cách xem ra có quy mô rộng nhất trong ít nhất ba thập niên vừa qua, và sẽ có một tác động sâu rộng đối với đường hướng và nhịp độ của các nỗ lực chuyển đổi quân đội.

Mức độ đồng thuận, đặc biệt là sự ủng hộ của các lực lượng trên bộ, sẽ là một yếu tố quyết định quan trọng đối với mức độ thành công. Việc tuyên bố công khai đường lối chung của kế hoạch này có lẽ để ngụ ý rằng đã đạt được sự nhất trí, mặc dù những đòi hỏi liên tục về lòng trung thành và tính kỷ luật trong PLA cho thấy không phải tất cả đều tán thành. Đặc biệt, kế hoạch tạo ra các bộ chỉ huy liên hợp trên chiến trường với khả năng giảm trừ số lượng quân khu, mà trước đây bị ngăn cản, thể hiện một mức độ kiểm soát quân đội hoặc ít nhất là ảnh hưởng của Chủ tịch Tập mà những người tiền nhiệm của ông không có được. Sự đồng thuận này có thể đã đạt được bằng cách kết hợp việc thăng chức, đe dọa truy tố tội tham nhũng, những đòi hỏi về lòng trung thành và tính kỷ luật, cũng như lời kêu gọi đặt những lợi ích tập thể của PLA và Trung Quốc lên trên tư lợi.

Sự thành công hay thất bại của các cuộc cải cách sẽ có các tác động đáng kể đến khu vực và đến việc chuyển đổi của PLA thành một quân đội thời đại thông tin. Thành công sẽ gia tăng tốc độ chuyển đổi và thực hiện một khả năng tác chiến chung tân tiến, vốn đã được các học giả PLA thảo luận nhiều nhưng không thể tiến hành do hậu quả của việc cấm thành lập các bộ chỉ huy liên hợp trong quá khứ, cũng như việc huấn luyện và giáo dục tác chiến chung yếu kém.

Việc đưa vào sử dụng một học thuyết tác chiến chung hiện đại sẽ tăng cường khả năng tham chiến khi các đơn vị hợp nhất với nhau ở các cấp chiến dịch và chiến thuật, cải thiện việc nhận định tình huống cũng như có được sự nhanh nhẹn, tính linh hoạt và chủ động hơn ở các cấp dưới. Các kế hoạch tăng cường khả năng tác chiến chung của sở chỉ huy CMC có thể đồng nghĩa với quản lý vi mô lớn hơn đối với các hoạt động tác chiến trong một cuộc xung đột. Thành công trong các cuộc cải cách với các khả năng tác chiến chung và chính xác được cải thiện có thể làm cho lãnh đạo tin rằng họ có thể kiểm soát và hạn chế rủi ro trong các chiến dịch quân sự ngắn hạn với các mục tiêu hạn chế trong một cuộc khủng hoảng về tranh chấp lãnh thổ.

Thất bại trong việc thực hiện cải cách sẽ là một trở ngại lớn đối với Chủ tịch Tập và sự trì trệ đối với các nỗ lực hiện đại hóa PLA. Nó sẽ khiến giới học thuật PLA liên tục thảo luận về con đường cải cách mà không thực hiện được gì. Đối với PLA điều đó có nghĩa là nó sẽ tiếp tục sở hữu các thiết bị mới, nhưng lại không có hệ thống các tiểu hệ thống tích hợp hoạt động đối với thiết bị quân sự và các tổ hợp lực lượng, và không có học thuyết chung hiện đại cần thiết để tối ưu hóa việc sử dụng các loại vũ khí và thiết bị hiện đại. PLA sẽ buộc phải tiếp tục tiến hành tác chiến phối hợp chung dựa trên các hoạt động được hoạch định sau đó với độ linh hoạt hạn chế.

Trong chiến tranh hiện đại điều này sẽ hạn chế rất nhiều độ linh hoạt và khả năng phản ứng nhanh đối với các tình huống chiến đấu thay đổi của PLA. Điều này có thể sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động tác chiến ngắn hạn, cường độ thấp  trong các tranh chấp lãnh thổ với các quân đội lạc hậu hơn. Tuy nhiên, trong một xung đột lâu dài hơn có cường độ cao hơn trong tương lai với quân đội hiện đại của Nhật Bản mà có thể được quân đội Mỹ hỗ trợ, PLA có thể nhanh chóng bị mất thế chủ động khi các sự kiện diễn ra vượt ngoài kế hoạch tác chiến trước chiến tranh, và các chỉ huy cấp thấp không được chuẩn bị tốt để tận dụng thế chủ động phù hợp với các mục tiêu tác chiến.

Tăng thêm xung lực Cải cách Quân đội

Một số lĩnh vực cải cách trước đây dường như lại đòi hỏi cần chú trọng thêm nữa, chẳng hạn như việc cải cách các học viện quân sự. Các lĩnh vực khác của kế hoạch này cũng đã từng bị cản trở, như trường hợp của các bộ chỉ huy tác chiến liên hợp. Các thay đổi về thiết bị quân sự, yếu tố mềm và tổ chức cũng cần thiết để tăng thêm xung lực cho quá trình chuyển đổi. Việc tăng cường hiện đại hoá là một yếu tố quan trọng, mặc dù phương pháp để đạt được một nhịp độ hiện đại hoá nhanh hơn ngoài việc cắt giảm lực lượng, để rút bớt các thiết bị đang trở nên lạc hậu, thì không rõ ràng, nó cũng sẽ giải phóng một số nguồn quỹ hiện đại hoá để dùng vào các lĩnh vực quan trọng hơn. Không có các dấu hiệu gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng so với mức chuẩn mực, có thể do bài học về việc bội chi quốc phòng góp phần dẫn đến sự tan rã của Liên Xô cũ, mặc dù việc chú trọng ngày càng nhiều vào hiện đại hóa PLAN và SAF có thể dẫn đến những gia tăng (ngân sách) theo thời gian.

Các chỉ đạo cấp cao yếu kém đã hạn chế tiến trình hiện đại hoá xem ra sẽ được giải quyết. CMC hình như có sự giám sát và trách nhiệm hơn, với Bộ Tổng Tham mưu (GSD), và các Tổng cục khác chỉ đạo thực hiện chi tiết trong toàn lực lượng. Việc giám sát của CMC và GSD sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đồng bộ hóa quá trình hiện đại hóa sâu rộng và phức tạp, và đảm bảo rằng các nỗ lực được thực hiện một cách thống nhất thay vì để các cấp thấp hơn thực hiện các chi tiết. Sự chỉ đạo và việc đưa ra quyết định này là cần thiết để khắc phục các vấn đề tiêu chuẩn hóa trước đây đã ngăn cản việc hệ thống thông tin chỉ huy tích hợp cho phép phát triển tác chiến liên hợp, và giúp tạo ra một cấu trúc chỉ huy liên hợp.

Việc tối ưu hóa cấu trúc lực lượng quá lớn bao gồm giảm biên chế, điều chỉnh tỷ lệ giữa các quân chủng và gia tăng các loại lực lượng tác chiến mới. PLAN xem ra đã sẵn sàng thu nhận các nguồn lực hiện đại hoá tăng cường theo kế hoạch của Chủ tịch Tập, và SAF cũng vậy. PLAAF và một lực lượng bộ binh có vẻ nhỏ hơn sẽ tiếp tục công cuộc hiện đại hóa.

Các mục tiêu cải cách lớn gồm cả các yếu tố mềm cho thấy các vấn đề lớn tiềm tàng trong PLA. Các mục tiêu này gồm việc tuyển dụng và giữ lại các nhân sự có chất lượng, cải tiến và cập nhật các học viện quân sự, tăng cường huấn luyện mô phỏng và trên thực địa phức tạp và gần với thực tế cũng như đổi mới trong các phương pháp tác chiến (nghệ thuật và chiến thuật tác chiến). Việc chiến đấu chống lại tham nhũng và gian lận, và thay đổi trạng thái tâm lý thời bình đang phổ biến trong lực lượng là rất quan trọng đối với nhuệ khí và việc nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu. Không rõ liệu việc chú trọng vào lòng trung thành, tính kỷ luật, tinh thần, sự thay đổi trạng thái tâm lý thời bình và sự tiêm nhiễm về ý thức hệ trong lực lượng chỉ là một biện pháp đề phòng trước các tình huống xấu của giới lãnh đạo, hay thể hiện các vấn đề nội tại quan trọng.

Việc tăng thêm xung lực và tăng cường các nỗ lực chuyển đổi PLA của Chủ tịch Tập cần phải thành công nếu PLA muốn đạt được các mục tiêu của mình bằng cách áp dụng khả năng tác chiến dựa trên một hệ thống các tiểu hệ thống, cũng như tác chiến chung hợp nhất, hai vấn đề cốt lõi đối với  khả năng tham chiến trong tương lai của PLA.

———————————–

[1] C4ISR là viết tắt cụm từ Command (Chỉ huy), Control (Kiểm soát), Communications (Thông tin liên lạc), Computers (Máy tính), Intelligence (Tình báo), Surveillance (Giám sát) và Reconnaissance (Trinh sát).

[2] Diversified Employment of China’s Armed Forces, (Beijing: Information Office of the State Council, 2013); Transformation of Generating Mode of War Fighting Capability, (Beijing: Military Science Publishing House, 2012). Contact author for additional sources used for this article.

[3] Joint Operations Research, (Beijing: National Defense University Press, 2013) p. 166; Information System-Based System of Systems Operations Study, (Beijing: National Defense University Press, 2012) p. 244; Information System-based System of Systems Operational Capability Building in 100 Questions (Beijing: National Defense University Press, June 2011) pp. 196–197.

[4] Information System-based System of Systems Operational Capability Building in 100 Questions (Beijing: National Defense University Press, June 2011) pp. 218 and 230.

[5] Joint Operations Research, (Beijing: National Defense University Press, 2013) pp. 165–166 and 289–290; Dong Zifeng, Transformation of Generating Mode of War Fighting Capability, (Beijing: Military Science Publishing House, 2012) p. 27.