Cuộc chiến giành Bắc Cực

Print Friendly, PDF & Email

ALST-00005425-001

Nguồn: Carl Bildt, “The Battle for Santa Claus’s Home,” Project Syndicate, Dec. 24, 2014.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Mấy năm trước, có một vị bộ trưởng Canada tự hào tuyên bố Ông già Noel là công dân của nước này. Xét cho cùng thì nhà và xưởng sản xuất đồ chơi của Ông già Noel nằm ở Bắc Cực, mà theo giải thích của vị bộ trưởng nọ thì Bắc Cực thuộc về Canada.

Dù chưa bình luận gì về vấn đề này, rõ ràng là Ông già Noel có thể chọn nhiều hộ chiếu khi đi khắp thế giới tối ngày 24 tháng 12. Năm 2007, một tàu ngầm mini do tư nhân tài trợ đã cắm một lá cờ Nga ngay dưới chỗ được coi là nhà của Ông già Noel. Và hai tuần sau đó, Đan Mạch, nước có chủ quyền đối với đảo Greenland, cũng đưa ra tuyên bố lãnh thổ của mình, và cũng bao trùm cả Bắc Cực.

Bằng cách nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa, Đan Mạch đã tham gia “trò chơi lớn” của thời đại chúng ta: cuộc chiến giành quyền kiểm soát kinh tế một phần lớn Bắc Cực. Đòi hỏi của Đan Mạch là rất lớn. Không chỉ tìm cách giành chủ quyền đối với mọi khu vực giữa Greenland và Bắc Cực; nó còn mở rộng yêu sách lên tới gần 900.000 km vuông, sang tới tận giới hạn hiện có của vùng (đặc quyền) kinh tế của Nga ở phía bên kia cực Bắc – một khu vực rộng gấp 20 lần diện tích Đan Mạch.

Làm thế nào để đánh giá tuyên bố chủ quyền của các nước đối với Bắc Cực xoay quanh địa vị (pháp lý) của dãy núi ngầm Lomonosov (Lomonosov Ridge), một kiến tạo lớn nổi lên từ đáy biển và trải dài 1.800 km từ Greenland đến thềm lục địa Đông Siberia. Mọi người đều đồng ý rằng đó là một dãy núi. Vấn đề mấu chốt là liệu nó có phải là phần mở rộng của thềm lục địa Greenland hay là phần mở rộng của thềm lục địa Đông Siberia.

Đan Mạch, cùng với chính quyền Greenland, tuyên bố rằng nó là phần mở rộng của thềm lục địa Greenland, từ đó có quyền mở rộng vùng kinh tế của nó trên một khu vực rộng lớn ở phía trên cùng thế giới. Dù chưa biết tuyên bố mà Nga thông báo sẽ đưa ra vào mùa xuân tới là gì, chắc chắn nó sẽ lập luận ngược lại.

Thế còn người Canada và tuyên bố của họ thì sao? Hiện vẫn chưa rõ, nhưng Thủ tướng Stephen Harper đã không hài lòng với các nhà khoa học Canada vì họ chưa thật sự tích cực trong việc nhấn mạnh lý lẽ của nước này.

Tuy nhiên, bất chấp mọi sự phấn khích về một “cuộc đua tới Bắc Cực”, và bất chấp bầu không khí băng giá giữa các bên tranh chấp, có rất ít lí do để phải lo ngại xung đột xảy ra. Theo các điều khoản của Tuyên bố Ilulissat năm 2008, tất cả các quốc gia xung quanh Bắc Băng Dương đều đồng ý giải quyết các tuyên bố chủ quyền của họ một cách hòa bình và dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Theo một quy trình đã được thông qua, trước hết một ủy ban của Liên Hợp Quốc sẽ đánh giá xem những tuyên bố chủ quyền đó có giá trị hay không. Nếu chúng chồng lấn lẫn nhau, mà điều đó rất có thể xảy ra, các cuộc đàm phán song phương sẽ được tổ chức.

Các cuộc đàm phán như vậy sẽ tốn rất nhiều thời gian. Na Uy và Nga đã đàm phán phân định một vùng lãnh hải nhỏ hơn nhiều trong suốt bốn thập kỷ.

Cả Đan Mạch và Nga đã dành nhiều nguồn lực đáng kể để thám hiểm dãy Lomonosov. Đan Mạch đã thuê tàu phá băng của Thụy Điển cho các cuộc thám hiểm liên tục, và Nga đã triển khai các tàu ngầm chuyên biệt để lấy mẫu từ các sườn núi và đáy đại dương.

Khu vực Bắc Cực luôn là vùng chiến lược quan trọng đối với Nga, chiếm khoảng 85% sản lượng khí đốt tự nhiên của Nga, chủ yếu nằm ở Tây Siberia. Điện Kremlin đã cho ra đời một bộ tư lệnh quân sự mới phụ trách Bắc Cực, và đang khẩn trương mở lại căn cứ không quân và các trạm ra-đa dọc bờ biển Bắc Cực của nó.

Thế nhưng việc các căn cứ mới của Nga xuất hiện hầu như ở khắp mọi nơi vẫn còn là xa vời. Ngoài khoảng cách lớn, khí hậu còn rất khắc nghiệt. Một chỉ huy quân đội Canada khi được hỏi sẽ làm gì nếu binh sĩ nước ngoài tấn công miền Bắc đất nước mình đã thản nhiên trả lời rằng ông sẽ gửi một đoàn thám hiểm đến để giải cứu họ. Mặc dù Nga hi vọng việc vận chuyển dọc theo Tuyến hải trình Biển Bắc (Northern Sea Route) sẽ gia tăng nhanh chóng, giao thông thương mại năm nay lại giảm 77%.

Tất nhiên, lợi ích là quá cao khiến Canada, Đan Mạch và Nga không thể cho phép khoảng cách xa xôi và khí hậu khắc nghiệt của khu vực ảnh hưởng đến cách họ kiên quyết đẩy mạnh yêu sách của mình. Những ranh giới như vậy được ấn định một lần và mãi mãi, và không ai biết những khám phá, công nghệ, và cơ hội gì mà tương lai có thể mang lại.

Nhưng trong thời gian này, Ông già Noel cũng như bất cứ ai khác đều không có lí do gì để phải lo lắng. Bản chất của dãy Lomonosov sẽ được thảo luận trong nhiều năm tới, trong khi tâm trí của Ông già Noel  và của chúng ta nhiều khả năng sẽ tập trung vào các vấn đề trước mắt.

Carl Bildt là ngoại trưởng Thụy Điển từ năm 2006 đến tháng 10 năm 2014, và là Thủ tướng trong giai đoạn 1991-1994, khi ông đàm phán cho việc Thụy Điển gia nhập EU. Là nhà ngoại giao quốc tế nổi tiếng, ông từng đảm trách chức vụ Đặc sứ của EU Nam Tư cũ, Đại diện cấp cao về vấn đề Bosnia và Herzegovina, Đặc sứ của Liên Hiệp Quốc khu vực Balkan, và Đồng Chủ tịch của Hội nghị Hòa bình Dayton.