Gục ngã vì tài chính

140320140740-large

Nguồn: Dani Rodrik, “Death by Finance”, Project Syndicate, 10/2/2014.

Biên dịch: Nguyễn Việt Vân Anh | Hiệu đính: Lương Khánh Ninh

Các thị trường mới nổi đổi vận mới nhanh làm sao. Cách đây không lâu, chúng còn được ca tụng như những cứu tinh của nền kinh tế thế giới, là những đầu tàu kinh tế có thể thế chỗ các nền kinh tế của Hoa Kỳ và châu Âu trong khi những nền kinh tế này tỏ ra ì ạch. Các nhà kinh tế tại Citigroup, McKinsey, PricewaterhouseCoopers và nhiều nơi khác đều đưa ra dự đoán về một kỷ nguyên tăng trưởng toàn diện và ổn định ở cả châu Á và châu Phi.

Nhưng hiện tại thì hình ảnh ảm đạm từ các nền kinh tế mới nổi đã quay trở lại. Khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu thắt chặt chính sách tài khóa, đồng tiền của các nước này đã phải hứng chịu một cú đòn đau. Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Dường như nhìn vào bất kì đâu ta cũng có thể nhận ra những vấn đề cố hữu.

Argentina và Venezuela dường như đã dùng hết các mánh khóe chính sách không chính thống của họ. Brazil và Ấn Độ thì cần một mô hình tăng trưởng mới. Thổ Nhĩ Kì và Thái Lan đang lâm vào những cuộc khủng hoảng chính trị phản ánh những bất đồng nội bộ gay gắt đã tồn tại từ lâu. Ở châu Phi, ngày càng có nhiều quan ngại về việc thiếu vắng một sự thay đổi mang tính hệ thống và quá trình công nghiệp hóa. Còn đối với Trung Quốc, câu hỏi trọng tâm giờ đây là liệu giai đoạn suy thoái kinh tế của nước này sẽ kết thúc bằng một cú hạ cánh mềm hay hạ cánh cứng.

Đây không phải là lần đầu tiên các nước đang phát triển phải gánh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thay đổi thất thường của thị trường tài chính toàn cầu. Điều đáng ngạc nhiên là chúng ta vẫn còn thấy ngạc nhiên về điều này. Đặc biệt là với các nhà kinh tế học, họ đáng ra phải ngẫm ra bài học này từ lâu rồi mới phải.

Thứ nhất, cơn sốt về các nền kinh tế mới nổi chỉ là ảo tưởng. Các phép màu kinh tế rất hiếm khi xảy ra. Các chính phủ mà có thể vừa can thiệp sâu rộng để cải tổ và đa dạng hóa nền kinh tế lại vừa có thể ngăn cho nhà nước không trở thành công cụ phục vụ tham nhũng và tìm kiếm đặc lợi (rent-seeking) chỉ là những ngoại lệ. Trung Quốc, Hàn Quốc (vào thời hoàng kim), Đài Loan, Nhật Bản và một số nước khác có những chính phủ như vậy. Nhưng mô hình công nghiệp hóa với tốc độ chóng mặt này đã không thành công ở Mỹ Latinh, Trung Đông, châu Phi và Nam Á.

Thay vào đó, sự tăng trưởng của các thị trường mới nổi trong hai thập niên gần đây đều nhờ vào những điều kiện bên ngoài mang tính ngẫu nhiên và tạm thời: giá hàng hóa cao, lãi suất thấp, và nguồn vốn tài chính nước ngoài gần như không cạn. Chính sách kinh tế vĩ mô và nền quản trị được cải thiện cũng đóng vai trò nhất định, nhưng chúng là những nhân tố mang tính bôi trơn hơn là khơi mào cho sự phát triển.

Thứ hai, quá trình toàn cầu hóa nền tài chính đã được ca ngợi quá mức. Việc mở cửa cho các dòng vốn nước ngoài đáng ra phải thúc đẩy đầu tư trong nước và giảm thiểu tính bất ổn của nền kinh tế vĩ mô. Thay vào đó, nó gần như dẫn đến tác động ngược lại.

Từ lâu chúng ta đã biết rằng các dòng vốn và đầu tư ngắn hạn kích thích bùng nổ tiêu dùng và các bong bóng bất động sản. Điều này có hậu quả tai hại khi tâm lý thị trường tất yếu sẽ xấu đi và các nguồn vốn này cạn hết. Những chính phủ nào thích chơi tàu lượn siêu tốc lên cao thì không nên ngạc nhiên khi về sau con tàu tất yếu phải tuột dốc.

Thứ ba, việc thả nổi tỉ giá hối đoái là công cụ giảm sốc có nhiều khiếm khuyết. Theo lí thuyết, đồng tiền được thị trường định giá được cho là giúp nền kinh tế trong nước không phải chịu ảnh hưởng từ những biến động bất thường của nền tài chính quốc tế. Đồng tiền sẽ tăng giá khi dòng vốn đổ vào và giảm giá khi dòng vốn chảy ra. Còn trên thực tế, hầu như không có nền kinh tế nào có thể thực hiện được việc điều chỉnh tỉ giá tiền tệ cần thiết mà không phải chịu tổn thương.

Việc tái định giá đồng tiền đột ngột sẽ hủy hoại tính cạnh tranh quốc tế của một quốc gia. Việc đồng tiền mất giá nhanh chóng là ác mộng của ngân hàng trung ương, nếu tính đến hậu quả của lạm phát. Việc thả nổi tỉ giá có thể giảm thiểu phần nào những khó khăn trong việc điều chỉnh, nhưng nó không hoàn toàn giải quyết được những khó khăn này.

Thứ tư, niềm tin vào sự phối hợp chính sách kinh tế toàn cầu đang được đặt nhầm chỗ. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Hoa Kì sẽ luôn phục vụ những suy tính đối nội trước tiên (nếu không phải cả thứ hai và thứ ba nữa). Các nước châu Âu còn thậm chí chưa lo xong được lợi ích chung của họ, nói gì đến thế giới. Chính phủ của các nền kinh tế mới nổi sẽ rất ngây thơ nếu tin rằng các trung tâm tài chính lớn sẽ điều chỉnh chính sách của mình cho phù hợp với điều kiện kinh tế của một nơi khác.

Nhìn chung thì đây không phải là điều gì xấu. Việc Fed bỏ ra một khoản tiền khổng lồ mỗi tháng để mua những tài sản dài hạn – hay còn được biết đến với cái tên nới lỏng định lượng – mang lại lợi ích cho toàn thế giới bằng cách kích cầu cũng như thúc đẩy các hoạt động kinh tế của Hoa Kì. Nếu không có các nới lỏng định lượng mà hiện nay Fed đang dần hạn chế bớt này, thương mại toàn cầu sẽ bị thiệt hại nặng hơn. Cũng như vậy, cả thế giới cũng được lợi nếu các nước châu Âu có thể lựa chọn các chính sách đúng đắn để thúc đẩy nền kinh tế của họ.

Phần còn lại được đặt lên vai các quan chức chính phủ ở các nước đang phát triển. Họ phải kiềm chế bản thân khỏi những cám dỗ của việc phụ thuộc vào các nguồn tài chính nước ngoài khi nguồn vốn này rẻ và dồi dào. Trong bối cảnh nguồn vốn nước ngoài ồ ạt chảy vào mà đầu tư tư nhân vào các hàng hóa có thể trao đổi được lại ở mức thấp là một tín hiệu đặc biệt nguy hiểm mà các biện pháp của chính phủ nhằm che đậy nó không được phép diễn ra. Các quan chức có một lựa chọn đơn giản: giữ vững sự kiểm soát chặt chẽ và thận trọng các dòng chảy vốn hoặc sẵn sàng đầu tư một khoản tiền lớn vào biện pháp tự bảo vệ bản thân bằng cách tích lũy lượng lớn ngoại tệ.

Vấn đề cốt lõi hơn nằm ở việc tài chính hóa quá mức nền kinh tế toàn cầu bắt đầu từ những năm 1990. Thế lưỡng nan chính sách xảy ra do quá trình này – bất bình đẳng ngày càng tăng, tính bất ổn ngày một cao hơn, ngày càng ít không gian trong việc quản lí nền kinh tế thật – sẽ còn khiến các nhà hoạch định chính sách phải lao tâm khổ tứ trong những thập niên tới.

Không sai khi nói rằng các chính phủ không thể đổ lỗi cho ai ngoài bản thân mình khi bất cẩn lao vào cuộc chơi tài chính điên rồ này, mặc dù nói vậy cũng không giúp ích được gì. Bây giờ là lúc suy nghĩ làm sao để thế giới có thể tạo ra một trạng thái cân bằng đúng mực hơn giữa nền tài chính và nền kinh tế thật.

Danni Rodrik là giáo sư ngành khoa học xã hội tại Viện Nghiên cứu Cấp cao ở Princeton, New Jersey. Ông là tác giả của các cuốn sách One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth, và gần đây nhất là The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.