Tại sao đồng Đô la Mỹ sẽ không tăng giá?

Print Friendly, PDF & Email

Dollar_7-16-2014_153990_l

Nguồn: Barry Eichengreen, “Don’t Bet on a Stronger Dollar,” Project Syndicate, 13/01/2015.

Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đang dự đoán rằng đồng đô la sẽ trở nên mạnh hơn trong năm 2015 – một kỳ vọng đang đưa đẩy các nhà đầu tư đến những khoản đánh cược rất lớn. Dẫu vậy chiến lược thị trường này có thể trở thành một sai lầm vô cùng tai hại.

Sự đồng thuận trong những dự đoán này phản ánh thực tế rằng Hoa Kỳ đang là nền kinh tế lớn duy nhất nơi mà triển vọng tăng trưởng đang được cải thiện. Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tăng con số ước tính tăng trưởng GDP của quý III năm ngoái (2014) lên 5% – mức cao nhất trong vòng 11 năm qua.

Hơn nữa, sự thay đổi này chủ yếu là dựa vào mức tiêu thụ cá nhân và đầu tư doanh nghiệp, vốn là những thành tố ổn định và bền vững nhất của GDP. Niềm tin của người tiêu dùng hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2007. Giá dầu lửa ở mức thấp khiến giá xăng dầu giảm cũng góp phần tăng sức mua với việc giờ đây các hộ gia đình Mỹ có nhiều tiền hơn để mua sắm tại các trung tâm thương mại. Tỉ lệ thất nghiệp nay ở mức 5,6% và đang tiếp tục giảm.

Tất cả những điều này không chỉ củng cố niềm tin rằng sức tăng trưởng mạnh của Hoa Kỳ vẫn sẽ kéo dài trong tương lai; nó còn khiến mọi người ngày càng tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thể bắt đầu tăng lãi suất ngay từ đầu tháng 4 tới. Đối với các nhà đầu tư, điều này thậm chí còn khiến cho việc mua vào đồng đô la trở nên hấp dẫn hơn.

Trái lại, những nền kinh tế lớn khác lại đang đình trệ hoặc chậm lại, hoặc cả hai. Nền kinh tế châu Âu đang tê liệt và bóng ma giảm phát ghê rợn đang ngày một hiện rõ. Bởi vì các nhà hoạch định chính sách đang không còn lựa chọn nào khác, chắc chắn Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng dù Đức có muốn hay không. Các quan chức châu Âu sẽ hoan nghênh một đồng euro yếu hơn – điều này sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh, chí ít cũng ở mức tương đối.

Trong khi đó, ở châu Á, các chỉ số ì ạch của nền kinh tế Nhật Bản đã khiến Ngân hàng Trung ương nước này phải tăng cường mua chứng khoán, điều này cũng cho thấy viễn cảnh về một đồng yên yếu hơn. Và những tín hiệu không thể nhầm lẫn về sự chững lại trong tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang khiến các nhà đầu tư lần đầu tiên sau rất nhiều năm đặt ra câu hỏi liệu chính phủ nước này có tìm cách làm cho đồng nhân dân tệ giảm giá hơn so với đồng đô la hay không.

Triển vọng tăng trưởng của những nền kinh tế mới nổi khác thậm chí còn tồi tệ hơn – đặc biệt là vì giá hàng hóa cơ bản ở mức thấp. Kết quả là những nước này có thể sẽ phải đón nhận dòng vốn chảy vào thấp hơn, điều càng làm đồng nội tệ yếu đi.

Những yếu tố kể trên được cho là sẽ chắc chắn khiến đồng đô la mạnh hơn. Vậy làm sao điều ngược lại có thể xảy ra được?

Lý do đầu tiên để nghi ngờ những phỏng đoán về đồng đô la mạnh hơn là chúng dựa vào những tin tức không thực sự mới. Kỳ vọng về mức tăng trưởng cao của Mỹ là điều đã được phản ánh trên các thị trường qua việc giá trị đồng đô la tính theo tỉ giá với các đồng tiền quan trọng về thương mại (trade-weighted dollar) đã tăng 9% kể từ giữa năm 2014.

Trong bối cảnh này, chỉ có một sự thay đổi căn bản mới có thể khiến đồng đô la mạnh hơn, đó là nền kinh tế Mỹ hoạt động hiệu quả hơn so với những gì mà đa số dự đoán, và Fed tiến hành thắt chặt tiền tệ sớm hơn dự định, hoặc tình hình các nền kinh tế khác thậm chí còn tồi tệ hơn mong đợi. Tóm lại, với việc dự đoán tốt nhất trên thị trường vốn đã thể hiện ngay trên tỉ giá hối đoái, khả năng đồng đô la tăng giá hay giảm giá là tương đương.

Nguy cơ thứ hai là kể cả khi dựa vào kỳ vọng tăng trưởng hiện tại, các nhà đầu tư có thể đã quá vội vàng khi mong chờ chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed sẽ tăng lãi suất khi nó cảm thấy nền kinh tế đang hoạt động gần hết công suất và lạm phát – đặc biệt là lạm phát tiền lương – đang tăng nhanh.

Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động sẽ là chìa khóa để định hình môi trường này. Tỉ lệ thất nghiệp chính thức ở mức thấp có thể được lý giải phần nào bởi việc tỉ lệ tham gia lao động giảm, đặc biệt là trong nhóm người lao động ở độ tuổi 25 đến 54.

Nhưng hiện nay đã có những tín hiệu cho thấy tỉ lệ tham gia lao động của nhóm người lao động này đang dần ổn định và thậm chí có thể chuẩn bị tăng lên. Nếu điều này xảy ra, tỉ lệ thất nghiệp có thể ngừng giảm và sức ép đòi tăng lương sẽ bị hạn chế. Khi đó Fed sẽ trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ lâu hơn dự kiến.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, những vấn đề tài chính bất ngờ – mà giá dầu giảm có thể thúc đẩy điều này – có thể sẽ làm gián đoạn tăng trưởng của Mỹ và khiến Fed không còn muốn thắt chặt tiền tệ. Sau Trung Quốc và Nhật Bản, những quốc gia xuất khẩu dầu lửa, trong đó có Nga, là những nước nắm số lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ nhiều nhất. Nếu doanh thu từ dầu lửa tiếp tục tụt giảm, các nước này có thể sẽ buộc phải bán những trái phiếu ấy, sử dụng đồng đô la thu được để can thiệp vào thị trường ngoại hối và hỗ trợ đồng tiền của họ, hoặc để cứu trợ những ngân hàng đang gặp khó khăn như ngân hàng Trust Bank của Nga – thể chế tài chính tầm trung được chính phủ Nga giải cứu hồi tháng 12.

Những diễn biến như vậy có thể khiến lãi suất phát hành trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ tăng đột biến (để hút người mua – NBT) và điều này sẽ làm gián đoạn tăng trưởng. Đồng đô la sẽ trở nên yếu hơn, đẩy các nhà đầu tư vào tình thế bất lợi. Sự phân bổ nguồn vốn lệch lạc này có thể sẽ gây hậu quả trầm trọng.

Dự báo tiền tệ là một trò chơi vô ích. Những biến động tỉ giá hối đoái trong thời gian dài tới khoảng một năm không hoạt động như những mô hình lý thuyết chỉ ra. Sự vận hành của thị trường tiền tệ đã nhiều lần khiến cho các nhà đầu tư thông thái phải sửng sốt và thậm chí phá sản. Với rất nhiều thứ đang được đặt cược vào triển vọng thị trường tiền tệ chuyển động theo một chiều, những hậu quả là rất đáng để ta suy ngẫm nếu điều này (tức việc dự báo đồng đô la Mỹ tăng giá) lại xảy ra trong năm 2015.

Barry Eichengreen là Giáo sư Kinh tế tại Đại học California, Berkeley; Giáo sư Lịch sử và các Thể chế Hoa Kỳ tại Đại học Cambridge; và là cựu cố vấn chính sách cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.