Tại sao giảm phát lại tồi tệ?

Print Friendly, PDF & Email

B6HYHG_3090984b

Nguồn:Why deflation is bad”, The Economist, 07/01/2015

Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp & Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Giá cả ở khu vực đồng euro đang hạ xuống. Số liệu công bố ngày 7/1 cho thấy giá tiêu dùng trong năm 2014 tính đến tháng 10 đã tụt 0,2%, đánh dấu sự quay trở lại của giảm phát lần đầu tiên kể từ năm 2009. Mức cầu yếu do chính sách thắt lưng buộc bụng, nợ và sự thiếu hụt tăng trưởng đang kéo mức giá cả xuống. Giá dầu giảm cũng khiến hàng hóa rẻ hơn. Người ta có thể nghĩ rằng giá cả giảm là một điều đáng để ăn mừng, nhưng những lo ngại về bẫy giảm phát và vòng xoáy suy thoái vẫn đang tồn tại khắp nơi. Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể sẽ khởi động chương trình nới lỏng định lượng trong tháng này để ngăn chặn nguy cơ ấy. Vậy tại sao các nhà kinh tế học lại rất sợ việc giá cả giảm?

Một cách giải thích thông thường cho câu hỏi này là với việc dự đoán trước được giá cả giảm, người tiêu dùng trì hoãn mua sắm khiến giá cả lại giảm thêm. Lập luận này là một sự đơn giản hóa; ta có thể đưa ra một lập luận ngược lại có sức nặng tương đương rằng lạm phát tất yếu sẽ tăng bởi người tiêu dùng sẽ mua sắm trước (lúc giá còn rẻ) để tránh việc phải trả giá quá cao về sau.

Tuy nhiên, lập luận này đã ngầm ám chỉ đúng vấn đề, đó là tác động của giảm phát đối với lãi suất. Nhìn chung, lãi suất phản ánh giá tiêu dùng trong hiện tại so với giá tiêu dùng trong tương lai. Khi lãi suất cao, khoản tiền tiết kiệm sẽ có giá trị nhiều hơn trong tương lai và ngược lại. Khoản lợi nhuận tính bằng tiền (lãi suất được các ngân hàng quảng cáo) được gọi là lãi suất “danh nghĩa”. Lạm phát cũng rất quan trọng. Lấy lãi suất danh nghĩa trừ đi tỉ lệ lạm phát kỳ vọng sẽ ra lãi suất thực – khoản lợi nhuận kỳ vọng sau khi đã tính lạm phát – điều mà con người phản ứng lại trong hầu hết các mô hình kinh tế.

Tỉ lệ lạm phát thấp hoặc giảm phát kìm nén biến số tối quan trọng này. Lãi suất danh nghĩa không thể xuống dưới mức 0 bởi điều này có nghĩa là số dư tiền gửi ngân hàng của người dân bị giảm mỗi tháng, và khiến họ rút tiền gửi khỏi ngân hàng và cất trữ tiền mặt dưới gầm giường. Cùng với lạm phát, điều này cũng đặt ra một mức sàn đối với lãi suất thực tế. Nếu lạm phát ở mức thấp và lãi suất thực tế không giảm đến mức đủ để kích cầu và khiến giá cả tăng lên, cầu sẽ càng trở nên yếu hơn. Đây chính là bẫy giảm phát khiến người ta sợ hãi.

Bên cạnh đó cũng còn một số vấn đề khác. Tỉ lệ lạm phát thấp hơn dự kiến khiến gánh nặng nợ thực tế tăng lên. Những người cho vay hưởng lợi từ điều này, nhưng bởi vì họ có xu hướng tiết kiệm hơn là người vay nợ, nhìn chung mức cầu vẫn bị yếu đi. Giảm phát còn khiến thị trường lao động trở nên cứng nhắc hơn. Người lao động có thể chống lại việc cắt giảm lương tính bằng tiền mặt, nhưng lạm phát cho phép các công ty cắt giảm tiền lương thực tế bằng cách giữ nguyên tiền lương danh nghĩa. Ngược lại, giảm phát khiến vấn đề này trở nên trầm trọng hơn.

Để tránh bẫy giảm phát, các ngân hàng trung ương có thể viện đến những chính sách phi chính thống (unconventional) như nới lỏng định lượng, mặc dù người ta vẫn còn tranh luận về tính công bằng và tính hiệu quả của chúng. Trong dài hạn, một vài nhà kinh tế học cho rằng các mục tiêu lạm phát nên được đặt cao hơn. Điều này sẽ tạo thêm khoảng trống cho lãi suất thực hạ xuống khi các nền kinh tế chịu những cú sốc tiêu cực. Nhưng trong một vài thập niên tới, vấn đề này có thể sẽ biến mất: trong một nền kinh tế không tiền mặt, người ta không thể cất trữ tiền dưới gầm giường. Điều này sẽ cho phép lãi suất danh nghĩa hạ xuống mức âm, đơn giản bởi số dư tiền gửi ngân hàng của tất cả mọi người có thể bị giảm cùng lúc. Dù vậy điều này nói thì dễ hơn là làm.