Sự trưởng thành trong chính sách đối ngoại Đức

0,,16666317_303,00

Nguồn: Joschka Fischer, “German Foreign Policy Comes of Age”, Project Syndicate, 5/12/2014.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Tố Trinh | Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Sự thống nhất nước Đức cách đây gần 25 năm đã một lần nữa đặt vào trung tâm châu Âu một cường quốc lớn có vị trí, tiềm năng kinh tế và cả lịch sử làm dấy lên những mối nghi ngờ về  tham vọng bá quyền của nước này. Các nhà lãnh đạo châu Âu lớn vào thời điểm đó –  bao gồm Giulio Andreotti, Margaret Thatcher, và François Mitterrand – đã lo lắng rằng Đức có thể tìm cách thay đổi kết quả của hai cuộc thế chiến.

Trong giới chính trị gia Đức vào năm 1990,  ý tưởng này có thể bị coi là quái gở và vô lý. Nhưng chấm dứt sự chia cắt nước Đức cũng là chấm dứt trật tự thế giới hai cực của Chiến tranh Lạnh; và, khi mà thế giới đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng và căng thẳng nguy hiểm ngày càng gia tăng (ở Ukraine, Trung Đông và Đông Á), sự thiếu vắng một trật tự thế giới đã trở nên rõ ràng đến mức nguy hiểm.

Những lo ngại về sự trở lại của bóng ma lịch sử cho đến nay vẫn là không có cơ sở, ít nhất là nếu xét đến Đức. Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những ảnh hưởng của nó lên châu Âu trên thực tế đã đưa Đức trở thành một thế lực bá quyền về kinh tế, đó không phải là một vị thế mà chính phủ Đức hướng tới hay mong muốn. Nước Đức thống nhất vẫn là một nền dân chủ hòa bình, công nhận biên giới các nước láng giềng, và vẫn đứng vững trong khối NATO và Liên minh châu Âu.

Nhưng dù ngày nay Đức không còn mang đến các mối đe dọa cho các nước láng giềng hay trật tự châu Âu, thì điều này rõ ràng không phải luôn như vậy. Trong vòng 70 năm đầu tiên sau khi thống nhất đất nước vào năm 1871, Đức đã tăng cường thực thi nhiều chính sách để nâng cao khả năng thống trị về chính trị và quân sự của mình ở châu Âu, đặc biệt để chống lại Pháp. Thất bại trong Thế chiến I đã khiến Đức chìm vào chủ nghĩa cực đoan dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler, và kết thúc bằng việc Đức bị đánh bại hoàn toàn và bị chia cắt.

Tây Đức, được thành lập vào năm 1949, nếu xét về mặt chính sách đối ngoại thì hoàn toàn không có chủ quyền thực sự. Chiến tranh Lạnh bắt đầu đồng nghĩa với nền dân chủ non trẻ Tây Đức buộc phải nhập vào khối phương Tây, dưới sự giám hộ của ba Đồng minh Phương Tây – Anh, Pháp và Mỹ.

Việc hội nhập với phương Tây đã được ưu tiên hơn việc thống nhất nước Đức. Việc đứng trung lập để đổi lấy đất nước được thống nhất đã không nhận được sự ủng hộ của đa số người dân trong nước và các quốc gia Đồng Minh. Nhưng hội nhập thành công với phương Tây đòi hỏi việc hòa giải với Pháp, nước cựu thù láng giềng của Đức.

Đức cũng đã phải giải quyết tấm thảm kịch đạo đức mang tên Chủ nghĩa Quốc xã. Mối quan tâm cốt lõi trong chính sách đối ngoại của nước này là giành lại sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế, và trên hết là giữ được khả năng tái thống nhất sau cùng. Những mục tiêu này đã hình thành cơ sở cho sự ủng hộ của Cộng hòa Liên bang Đức với việc hội nhập vào châu Âu và cách tiếp cận của nó với khối Đông Âu (Ostpolitik – tức ngoại giao Hướng Đông), hòa giải với kẻ thù cũ và những nạn nhân của chủ nghĩa Quốc xã – đặc biệt là những người Do Thái.

Khi được thống nhất vào ngày 3/10/1990, Đức đã lấy lại chủ quyền hoàn toàn. Từ đó đến nay, nước này vẫn luôn cố gắng tìm cách để sử dụng chủ quyền đó.

Đức, cường quốc chính của châu Âu, đã không thể đóng vai trò đặc biệt trong NATO và né tránh mọi hoạt động quân sự ở ngoài lãnh thổ của mình. Làm như vậy đã có thể tạo ra một khoảng trống chiến lược tại trung tâm châu Âu và đặt ra nhiều câu hỏi về việc liệu nước này có đang một lần nữa theo đuổi con đường riêng của mình, lần này là (trung dung) giữa phương Đông và phương Tây hay không. Đức do vậy đã phải tìm một con đường vừa thỏa mãn chủ nghĩa hòa bình của đại bộ phận công chúng Đức và vừa đáp ứng những đòi hỏi quân sự của NATO.

Sự mong manh của những nền tảng chính sách đối ngoại Đức đã trở nên rõ ràng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Dù các đảng phái dân chủ chính sau năm 1990 đã đồng ý rằng việc chính sách đối ngoại của Đức mang tính liên tục và dễ dự báo là thiết yếu, nhưng chính Đức lại là nước chống đối thực hiện một nỗ lực phản ứng chung của toàn châu Âu trước cuộc khủng hoảng, và nhất quyết yêu cầu chỉ thực thi các giải pháp ở cấp độ quốc gia dưới sự điều phối của EU.

Là nền kinh tế mạnh nhất của châu Âu, Đức đã đột nhiên buộc phải dẫn đầu. Nhưng nước này đã không biết làm gì hơn ngoài việc áp đặt những bài học rút ra từ kinh nghiệm của mình – đặc biệt là mối lo ngại về ổn định giá cả gợi lại siêu lạm phát giữa hai cuộc Thế chiến – lên những nước châu Âu còn lại. Chính phủ Đức vẫn còn nhầm lẫn giữa các cách thức mà Cộng hòa Liên bang Đức đã áp dụng thành công (trong nước) với những nhu cầu rất khác biệt mà một cường quốc dẫn dắt nền kinh tế của cả một lục địa đòi hỏi. Kết quả là EU đã chìm trong một cuộc khủng hoảng thường xuyên, đặc trưng bởi tình trạng trì trệ kinh tế và thất nghiệp mức cao.

Nhưng việc Nga quay lại với chủ nghĩa quân phiệt ở khu vực phía Đông Châu Âu giờ đây có vẻ đang dẫn đến một sự thay đổi từng bước, một lần nữa sự an toàn lãnh thổ của Đức lại bị đe dọa. Thật vậy, các chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin ẩn chứa một mối đe dọa trực tiếp đến những nguyên tắc cơ bản nhất của EU, những nguyên tắc vốn đã định hình chính sách đối ngoại của Đức trong nhiều thập niên.

Không phải ngẫu nhiên mà một trong những mục tiêu trọng tâm của Putin là tách rời Đức khỏi phương Tây (hoặc ít nhất là trung lập hóa Đức). Nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trải qua một biến đổi lớn. Mặc dù bà vẫn sẵn sàng đàm phán với điện Kremlin, song cam kết đảm bảo sự thống nhất của phương Tây của bà vẫn không bị lay chuyển.

Điều này được thể hiện rõ trong một bài phát biểu gần đây tại Sydney, trong đó bà đã phá vỡ “chính sách đi từng bước nhỏ” vốn đã dẫn dắt bà trong cuộc khủng hoảng đồng Euro sau năm 2008. Bà nhắc đến rõ ràng những mối đe dọa mà Putin đặt ra đối với Châu ÂU – chính xác là vì mối đe dọa này sẽ không chỉ dừng lại ở Ukraine.

Đó là một bài phát biểu đáng chú ý. Và nó cho chúng ta hy vọng rằng, dù phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng hiện thời ở EU và Đông Âu, chính sách đối ngoại của Đức có thể cuối cùng đã đứng vững.

Joschka Fischer là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Đức từ năm 1998 đến 2005, nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bởi việc Đức ủng hộ mạnh mẽ sự can thiệp của NATO vào Kosovo năm 1999 và sau đó là phản đối cuộc chiến ở Iraq.