Tác giả: Nguyễn Vĩnh Hằng
Chính sách đối ngoại của một quốc gia là tập hợp các chiến lược mà quốc gia đó sử dụng trong quá trình tương tác với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế, trên cách lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa – xã hội, nhằm đạt được những mục tiêu khác nhau phù hợp với lợi ích của quốc gia đó. Chính sách đối ngoại thường được coi là cánh tay nối dài của chính sách đối nội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, hay bảo vệ và tối đa hóa lợi ích quốc gia nói chung, thông qua các con đường như hợp tác, cạnh tranh, xung đột, hoặc thậm chí chiến tranh. Vai trò của chính sách đối ngoại ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, khi không quốc gia nào có thể tồn tại biệt lập và sự giao lưu, hợp tác ngày càng được chú trọng.
Chính sách đối ngoại của một quốc gia thường được hoạch định bởi bộ máy chính phủ cao nhất của quốc gia. Mỗi quốc gia khác nhau, mỗi thể chế chính trị khác nhau lại có cách cấu tạo bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại khác nhau.
Nhìn chung, các nhân tố chủ chốt quyết định chính sách đối ngoại của một quốc gia bao gồm:
- Thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế;
- Tình hình chính trị và an ninh thế giới;
- Mục tiêu quốc gia mong muốn đạt được;
- Ảnh hưởng của bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại; và
- Các nhân tố chính trị nội bộ (các nhóm lợi ích, giới truyển thông, công luận,…)
Chính sách đối ngoại của các nước lớn trên thế giới, hoặc của các cường quốc trong khu vực luôn được các quốc gia khác trong khu vực đó và trên thế giới quan tâm nghiên cứu đặc biệt, bởi chính sách của các nước này không chỉ liên quan đến lợi ích của các quốc gia riêng lẻ, mà còn có khả năng tác động rất lớn đến tình hình hòa bình, ổn định và phát triển của cả khu vực hoặc toàn thế giới. Chẳng hạn như chính sách đối ngoại của Mỹ luôn gây ảnh hưởng tới tình hình chính trị toàn cầu. Việc Mỹ tiến hành chiến tranh chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan không chỉ được xem là chính sách riêng của các quốc gia này, mà còn tác động tới môi trường an ninh, chính trị, ngoại giao toàn cầu.
Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều vấn đề đối nội đang có tác động lan tỏa ra ngoài biên giới quốc gia, các chính sách đối nội vì vậy cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đối ngoại và quan hệ ngoại giao của quốc gia này đối với các quốc gia khác, chẳng hạn như các chính sách về kinh tế, đầu tư, nhập cư,… Đồng thời, việc hoạch định chính sách đối ngoại ngày nay ở các quốc gia cũng đang chịu tác động ngày càng lớn của các yếu tố chính trị nội bộ như dư luận công chúng, hoạt động vận động hành lang của các nhóm lợi ích, hay ảnh hưởng của giới truyền thông.
Kể từ khi bắt đầu thực hiện chính sách Đổi mới từ cuối những năm 1980, Việt Nam đã thi hành chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế. Chính sách đối ngoại Việt Nam vì vậy đang nhằm thực hiện phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.”
Theo đó, Việt Nam đã chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ. Trong đó Việt Nam ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, các nước và trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Chính sách đối ngoại Việt Nam vì vậy đã phục vụ đắc lực cho việc duy trì môi trường hòa bình ổn định ở khu vực, tạo điều kiện cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế trong nước, góp phần không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong những thập kỷ vừa qua.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).