Triển vọng kinh tế Trung Quốc

China-Economic-Growth

Nguồn: Zhang Monan, “The Next Chinese Economy,” Project Syndicate, 03/01/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thúc Cường | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Sau hơn 30 năm phát triển vượt bậc, nền kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng quay về với đường lối phát triển mang tính truyền thống hơn – và quá trình tái cân bằng khó khăn đang được tiến hành, ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của nền kinh tế.

Thứ nhất, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã giảm từ mức đỉnh 10% GDP vào năm 2007 còn khoảng hơn 2% trong năm ngoái – mức thấp nhất trong 9 năm vừa qua. Trong quý 3 năm 2014, thặng dư ngoại thương đứng ở mức 81,5 tỉ USD và thâm hụt tài khoản vốn lên tới 81,6 tỉ USD, những con số này phản ánh một cán cân thanh toán ổn định hơn.

Sự thay đổi này phần nào có thể được giải thích bằng xu hướng theo đuổi chính sách tái công nghiệp hoá để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại của những nước phát triển trong hai năm qua. Chẳng hạn như ở Mỹ, tốc độ tăng trưởng ngành chế tạo (manufacturing) đạt bình quân khoảng 4,3% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2012, và tốc độ tăng trưởng sản xuất các sản phẩm lâu bền (durable goods) tăng đạt 8% (con số này lần lượt là 4,1% và 5,7% trong năm 2002 và năm 2007). Quả thật, ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ đã góp phần phục hồi nền kinh tế vĩ mô của nước này.

Trong khi đó, do chi phí tiền lương của Trung Quốc đang leo thang, những ngành sản xuất thâm dụng lao động của nước này đang phải đối mặt với sự canh tranh ngày càng khốc liệt từ Ấn Độ, Mexico, Việt Nam, và một số nền kinh tế Đông Âu khác trong vai trò những cơ sở hiệu quả hơn để chuyển giao công nghiệp từ các nước phát triển. Kết quả là dù những nền kinh tế phát triển có phục hồi thì nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc cũng không thể trở lại mức trước khủng hoảng.

Cùng sự tăng giá liên tục của đồng Nhân dân tệ, những xu hướng này đã phần nào làm suy giảm thị phần hàng hóa Trung Quốc tại các nước phát triển. Thật vậy, Trung Quốc đã mất 2,3% thị phần trong thị trường các nước phát triển kể từ năm 2013, và khoảng 2% trong thị trường Mỹ kể từ năm 2011.

Những hiệp định thương mại mới chớm như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương, và Hiệp định Dịch vụ Đa phương sẽ đẩy nhanh quá trình này hơn nữa thông qua việc loại bỏ thuế quan ở một số nước nhất định và triển khai các tiêu chuẩn lao động và môi trường. Thêm vào đó, chủ nghĩa bảo hộ ngấm ngầm dưới hình thức hỗ trợ của nhà nước và mua sắm công đang khiến ngành xuất khẩu của Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Trung Quốc cũng đang tiến hành tái cân bằng đầu tư và tiêu dùng trong nước. Sự suy giảm tăng trưởng đầu tư tài sản cố định (từ 33% năm 2009 xuống còn 16% trong năm qua) đang tạo áp lực đáng kể lên tăng trưởng đầu ra. Phần đóng góp của đầu tư vào tăng trưởng GDP giảm từ 8,1% năm 2009 xuống còn 4,2% trong năm ngoái.

Một nguyên nhân của sự suy giảm này là do việc Trung Quốc chưa hấp thu hết năng lực sản xuất nhờ vào đầu tư quy mô lớn năm 2010-2011. Bên cạnh các ngành công nghiệp truyền thống như sắt thép, kim loại màu, vật liệu xây dựng, kỹ thuật hoá học, và đóng tàu, công suất dư thừa đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp mới nổi như năng lượng gió, pin mặt trời, và sợi các-bon, với nhiều ngành sử dụng chưa đến 75% năng lực sản xuất của họ.

Nhưng sự suy giảm trong đầu tư cũng liên quan trực tiếp tới sự suy giảm trong hình thành vốn. Trong giai đoạn 1996-2012, hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trung bình (vốn đầu tư biên cần thiết để tăng tổng sản phẩm thêm một đơn vị) của Trung Quốc là khá cao, khoảng 3,9, có nghĩa là vốn đầu tư ở Trung Quốc kém hiệu quả hơn so với những nước đang phát triển có mức tăng trưởng tương tự.

Hơn nữa, sự tăng trưởng theo chu kỳ của tỉ lệ lãi suất và chi phí yếu tố (đầu vào sản xuất) đã dần phục hồi giá cánh kéo giữa hàng hóa nông nghiệp và công nghiệp. Kết quả là lợi nhuận của các công ty công nghiệp có xu hướng ngày càng giảm, khiến việc duy trì đầu tư cao trở nên khó khăn.

Trong khi đó, việc tầng lớp trung lưu Trung Quốc mở rộng đang gây ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng. Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ.

Chắc chắn, ngành nhập khẩu Trung Quốc vẫn tập trung vào hàng hóa trung gian, với việc nhập khẩu nguyên liệu thô như quặng sắt đã gia tăng trong thập niên qua. Nhưng trong những năm gần đây, thị phần hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu và sản phẩm hoàn thiện phức hợp (phục vụ tiêu dùng lẫn đầu tư), như xe hơi và máy tính, đã gia tăng đáng kể. Xu hướng này sẽ giúp môi trường toàn cầu cân bằng hơn.

Công nghệ là mấu chốt cuối cùng trong thách thức tái cân bằng kinh tế của Trung Quốc. Sự chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ và đổi mới góp phần nới rộng khoảng cách phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và các nước phát triển phương Tây, ngăn cản việc nâng cấp và chuyển dịch nền kinh tế, kìm hãm khả năng Trung Quốc tiến lên trên chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhưng khi thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tăng lên, thị trường tiêu thụ trưởng thành hơn, và cơ cấu công nghiệp được chuyển đổi, thì nhu cầu về thiết bị phục vụ sản xuất và dịch vụ thương mại cũng sẽ tăng đáng kể. Quả thật, trong thập niên tới, thị trường công nghệ cao của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20 đến 40%.

Nếu Hoa Kỳ nới lỏng việc hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc và duy trì thị phần 18,3 % trong kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Hoa Kỳ sang Trung Quốc có thể đạt hơn 60 tỉ USD trong giai đoạn này. Điều này sẽ thúc đẩy việc nâng cấp và đổi mới nền công nghiệp của Trung Quốc, trong khi cải thiện chuyển giao công nghệ toàn cầu và mở rộng các khoản đầu tư liên quan ở các nước phát triển.

Nền kinh tế Trung Quốc có thể đang chậm lại, nhưng triển vọng của nó vẫn còn mạnh mẽ. GDP Trung Quốc có thể đã đạt 10 nghìn tỉ USD trong năm 2014. Một khi vượt qua được thách thức tái cân bằng nền kinh tế hiện tại, Trung Quốc sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Zhang Monan (Trương Mạt Nam) là chuyên viên tại Trung tâm Thông tin Trung Quốc (China Information Center), chuyên viên Quỹ Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (China Foundation for International Studies), và là nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô Trung Quốc (China Macroeconomic Research Platform).