Các biện pháp trừng phạt kinh tế có hiệu quả không?

Nguồn: Kenneth Rogoff, “Do Economic Sanctions Work?Project Syndicate, 02/01/2015.

Biên dịch: Nguyễn Quang Dũng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Bài liên quan: Chiến tranh kinh tế Nga – Phương Tây trong lịch sử

Khi tin tức về các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phương Tây đang áp đặt lên Nga, Iran và Cuba đang tràn ngập các mặt báo, đã đến lúc chúng ta nên bàn về tính hiệu quả của những biện pháp này. Câu trả lời ngắn gọn là các biện pháp trừng phạt kinh tế thường chỉ có kết quả khiêm tốn, ngay cả khi chúng có thể là phương tiện thiết yếu để thể hiện tinh thần quyết tâm. Nếu muốn các biện pháp trừng phạt kinh tế đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao ở thế kỷ 21, chúng ta nên đánh giá lại hiệu quả của chúng trong quá khứ.

Như Gary Hufbauer và Jeffrey Schott đã viết trong cuốn sách kinh điển của họ về đề tài này, lịch sử của các biện pháp trừng phạt kinh tế bắt đầu ít nhất là từ năm 432 TCN khi vị chính khách và tướng lĩnh Hy Lạp cổ đại Pericles ban hành “sắc lệnh Megar” nhằm trả đũa vụ bắt cóc 3 người hầu của Aspasia (người tình của Pericles – NHĐ).

Ở thời hiện đại, Mỹ đã sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau, từ những nỗ lực của chính quyền Carter trong những năm 1970 để thúc đẩy nhân quyền cho tới những cố gắng ngăn cản phổ biến vũ khí hạt nhân trong những năm 1980.

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ cũng sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm gây bất ổn cho những chính phủ thù địch, đặc biệt là ở châu Mỹ Latinh, cho dù chúng chỉ đóng vai trò thứ yếu, thậm chí ở cả những nơi mà sự thay đổi chế độ cuối cùng cũng diễn ra. Các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Serbia hồi đầu những năm 1990 đã không ngăn được cuộc xâm lược Bosnia. Chắc chắn, hình phạt mang tính biểu tượng của chính phủ Hoa Kỳ đối với huyền thoại cờ vua Bobby Fischer (vì đã đánh một ván cờ tại Belgrade, đồng nghĩa với việc vi phạm lệnh trừng phạt) đã không giải cứu được thành phố Sarajevo đang bị vây hãm.

Liên Xô cũ cũng từng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quốc gia như Trung Quốc, Albania, và Nam Tư. Liên Xô cũng không đạt được nhiều thành công, ngoại trừ trường hợp của Phần Lan khi cuối cùng chính phủ nước này cũng phải thay đổi chính sách để được giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt năm 1958. Đa số biện pháp trừng phạt thời hiện đại là do nước lớn áp đặt lên nước nhỏ, dù cũng có trường hợp hai bên là những nước ngang cơ, chẳng hạn như trong cuộc xung đột kéo dài từ những năm 1950 tới những năm 1980 giữa Anh và Tây Ban Nha nhằm giành quyền kiểm soát Gibraltar.

Như Hufbauer và Schott cùng nhiều người khác đã chứng minh, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế thường tương đối đáng thất vọng – đến mức nhiều học giả đã kết luận rằng những biện pháp như vậy thường được sử dụng chỉ để các chính phủ có thể nói với người dân trong nước rằng “chúng tôi đang làm điều gì đó.” Chắc chắn, các biện pháp trừng phạt nghiệt ngã mà Hoa Kỳ áp đặt lên Cuba đã không buộc được chính quyền Castro phải quỳ gối. Thực tế, động thái của Tổng thống Barack Obama nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ với Cuba còn có hiệu quả hơn nhiều.

Nhưng các biện pháp trừng phạt đôi khi cũng có hiệu quả. Sự đồng thuận mạnh mẽ của quốc tế trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nam Phi trong những năm 1980 đã giúp chấm dứt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid. Tương tự, các biện pháp trừng phạt đã đưa Iran đến bàn đàm phán, dù không rõ chính phủ nước này sẽ sẵn sàng gác lại những tham vọng hạt nhân của họ được bao lâu. Và nền kinh tế Nga hiện nay cũng đang gặp khó khăn, dù nhiều người cho đây chỉ là một cú đấm ăn may bởi những thiệt hại thực sự là do giá dầu thế giới sụt giảm trầm trọng.

Một số người ở Nga, nơi giá dầu sụt giảm đã làm thâm hụt nặng ngân sách chính phủ, cáo buộc Hoa Kỳ và Ả-rập Xê-út đã âm mưu đánh gục nước Nga. Nhưng như thế là đánh giá quá cao các chiến lược gia Hoa Kỳ. Nguyên nhân chính khiến giá dầu giảm mạnh là do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đi xuống và cuộc cách mạng năng lượng đá phiến tại Hoa Kỳ. Nền kinh tế Trung Quốc chững lại đã góp phần khiến giá cả hàng hoá cơ bản toàn cầu giảm, gây hậu quả nghiệm trọng cho nền kinh tế các nước như Argentina và Brazil, nơi chính quyền Hoa Kỳ có lẽ ít có tranh chấp.

Một trong những nguyên nhân chính khiến các biện pháp trừng phạt kinh tế kém hiệu quả trong quá khứ là do không phải mọi quốc gia đều tuân thủ chúng. Ngoài ra, những khác biệt đáng kể của dư luận trong nước ở những quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng gây khó khăn cho việc thực hiện triệt để chính sách này.

Hơn nữa, những quốc gia đưa ra các biện pháp trừng phạt phải sẵn sàng đối mặt với những rủi ro của chính họ. Bắc Triều Tiên có lẽ là chế độ tàn ác bậc nhất trên thế giới hiện nay, và người ta chỉ có thể hi vọng rằng chính phủ độc tài của nó sẽ sớm sụp đổ. Chính quyền họ Kim vẫn nắm quyền dẫu cho họ đang phải chịu đựng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề, có lẽ là do Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng rút lại sự ủng hộ của mình vì lo sợ một đất nước Triều Tiên thống nhất nằm sát bên giới của nó.

Người ta cũng thường quên rằng có nhiều quan điểm khác nhau trong quan hệ quốc tế, ngay cả trong những tình huống cực đoan nhất. Cho dù việc Bắc Triều Tiên tấn công hệ thống máy tính của hãng Sony Pictures bị lên án một cách chính đáng, phải thừa nhận rằng trên quan điểm của giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đất nước họ chỉ đơn giản là đang dùng đòn trả đũa kinh tế như các nước khác vẫn làm. Sony Pictures đã sản xuất một bộ phim hài chế giễu lãnh đạo Bắc Triều Tiên, vị “tướng trẻ” Kim Jong-un. Đây là sự lăng nhục không thể chấp nhận và giới lãnh đạo Bắc Hàn đã đáp lại bằng việc phá hoại kinh tế thay vì hành động quân sự.

Đừng quên rằng Nga cũng đã sử dụng các cuộc tấn công mạng để phục vụ những mục đích đối ngoại của mình. Thật vậy, Nga sở hữu nhiều tin tặc đáng gờm hơn Bắc Triều Tiên (dù đa số những tài năng đứng đầu hiện lại làm việc cho mafia thay vì tham gia các hoạt động chiến lược).

Trong một thế giới mà sự phổ biến hạt nhân giữa các nước lớn đã khiến chiến tranh quy ước toàn cầu trở nên không tưởng, các biện pháp trừng phạt kinh tế và phá hoại có lẽ sẽ đóng vai trò lớn trong địa chính trị thế kỷ 21. Thay vì ngăn chặn xung đột, các biện pháp trừng phạt kinh tế do Pericles đề ra thời Hy Lạp cổ đại cuối cùng đã châm ngòi Chiến tranh Peloponnesus. Chúng ta chỉ có thể hi vọng rằng trong thế kỷ này, những người khôn ngoan hơn sẽ chiếm ưu thế, và rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ đem lại những thoả thuận thay vì bạo lực.

Kenneth Rogoff là Giáo sư Kinh tế và Chính sách công tại Đại học Harvard, từng nhận Giải Deutsche Bank về Kinh tế Tài chính năm 2011. Ông là Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ năm 2001 tới 2003. Cuốn sách mới nhất của ông, đồng tác giả với Carmen M. Reinhart, có tựa đề This Time is Different: Eight Centuries of Financial Folly.