Những bóng ma cũ của một châu Âu mới

FRANCE-MAY1-PROTEST-LABOUR-FN

Nguồn: Mark Mazower, “New Europe’s Old Ghosts”, Project Syndicate, 9/1/2015.

Biên dịch: Trần Hương Phong |Hiệu đính: Bùi Thu Thảo

Quá khứ đã rình rập châu Âu trong năm 2014. Ngay từ đầu năm, sự kiện đánh dấu một trăm năm bùng nổ Thế chiến I đã thu hút rất nhiều hoạt động kỷ niệm. Nhưng cùng với sự tiến triển của thời gian đã xuất hiện những nét tương đồng đáng lo ngại – không phải với năm 1914, mà là với một số đặc trưng tồi tệ hơn thế của những năm giữa hai cuộc thế chiến.

Từ Scotland và Catalonia đến miền biên giới của Ukraine, chủ nghĩa dân tộc bùng lên trong lúc nền kinh tế châu Âu rơi vào đình đốn, gợi lại nỗi ám ảnh lạm phát Đức năm 1923. Và, khi sang năm 2014, một cuộc kéo co địa chính trị mới giữa hai người khổng lồ đầu thế kỷ XX của lục địa này là Đức và Nga đã trở nên rõ ràng, trong khi giới chóp bu vốn mau quên (lịch sử) của châu Âu dường như đang phải dò dẫm từ mặt trận này sang mặt trận khác.

Với những ai nhớ lại Danzig và Sudetenland – những yêu sách và phản yêu sách về dân tộc bất tận vốn đã châm ngòi cho Thế chiến II ở vùng đất biên giới Đông Âu – thì chủ nghĩa phục thù của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở vùng Donbas đông Ukraine trong năm 2014 gợi lên cảm giác quen thuộc đáng lo ngại. Bài diễn văn của ông về sự sỉ nhục và bao vây, nói chuyện về quyền của các dân tộc thiểu số như một công cụ, và việc Điện Kremlin sử dụng các chân rết ở địa phương, cùng với tất cả những sự bất định đi kèm sự trông cậy vào các nhân tố như vậy – tất cả đã gợi nhớ lại chính sách khôi phục lại các phần lãnh thổ đã mất (irredentist) của nước Đức thời kỳ giữa hai cuộc chiến.

Chính trị của chủ nghĩa dân tộc không chỉ giới hạn ở Đông Âu. Cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập ở Scotland vào tháng 9 đe dọa chia tách Vương quốc Anh. Cũng trong tháng này, có tới hai triệu dân xứ Catalan ủng hộ độc lập đã diễu hành qua Barcelona, theo cách có thể xem là cuộc biểu tình lớn nhất từng thấy ở châu Âu. Hãy hỏi hầu hết những người Catalan rằng độc lập sẽ mang lại điều gì cho họ ngoài việc thoát khỏi Tây Ban Nha, và bạn sẽ chẳng nhận được mấy câu trả lời (có ý nghĩa): nỗi oán giận những sai lầm trong quá khứ làm lu mờ bất cứ dự tính nghiêm túc nào về tương lai.

Nhưng có lẽ sự trở lại thuần túy nhất với ý thức hệ dân tộc chủ nghĩa thời kỳ giữa hai cuộc chiến đang diễn ra ở ngay ngoài biên giới châu Âu – tại Israel, chứ không phải đâu khác. Ở đó, Chính phủ của Thủ tướng Binyamin Netanyahu đã đề xướng đưa ra luật về địa vị ưu việt tập thể của người Do Thái ở đất nước này – thứ đạo luật phá hủy cả về tinh thần lẫn hình thức những gì ít ỏi còn sót lại của cam kết bình đẳng trước pháp luật từ thời sáng lập Israel. Còn biểu hiện nào của sự trớ trêu lịch sử đáng buồn hơn thế?

Quá khứ của châu Âu cũng hiện diện tương tự trong lĩnh vực kinh tế của năm 2014. Do chính sách thắt lưng buộc bụng của Liên minh Châu Âu, khu vực đồng euro đang đối mặt với viễn cảnh của một thời đại kinh tế đình trệ kiểu Nhật Bản, và nạn thất nghiệp cao kinh niên tại rìa phía nam của khu vực này.

Điều trớ trêu là mối lo ngại của Đức về ổn định giá cả – nền tảng cho việc chấp nhận chính sách thắt lưng buộc bụng của EU – được đặt hoàn toàn không đúng chỗ: lạm phát của Đức hiện rất thấp. Tình hình thất nghiệp của Đức cũng đang ở mức thấp kỷ lục, trong khi tình trạng thất nghiệp chạm mức cao kỷ lục tại Ý và duy trì ở mức tệ hại ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. Những gì đã và đang hiện ra là một châu Âu hai tầng, trong đó chính phủ của thủ tướng Đức Angela là người nắm quyền kiểm soát.

Hiện tại, các quốc gia ngoại vi tính toán rằng những lợi ích cuối cùng thu được từ việc ở lại trong khu vực đồng euro sẽ lớn hơn nỗi đau của chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay. Về phần mình, nước Đức đưa ra yêu sách về thắt lưng buộc bụng như cái giá của việc nước này tham gia vào hệ thống tiền tệ chung. Đây chính là cơ sở không mấy dễ chịu của bá quyền Đức tại châu Âu.

Mặc dù phi chính trị hóa và sự lãnh đạm đã hạn chế những chống đối nghiêm trọng đối với sự thống trị của Đức, nhưng những thách thức như vậy vẫn nổi lên. Các nhà hoạch định chính sách của Đức đã không để ý tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan ở các đất nước tương đối nhỏ như Hungary và Hy Lạp. Nhưng người ta tự hỏi làm thế nào họ có thể phản ứng lại các kết quả ngoạn mục của Mặt trận Dân tộc (một đảng cánh hữu theo hướng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa – NBT) của Marine Le Pen trong cuộc bầu cử vùng ở Pháp năm tới hoặc trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2017.

Và tất nhiên bí ẩn lớn nằm trong chính bản thân nước Đức, quốc gia dường như được nâng dậy từ lịch sử bằng chính khả năng phục hồi kinh tế nhanh chóng của mình. Liệu các chính trị gia người Đức có thể từ bỏ nền kinh tế kiểu Weimar trước khi chúng bị ảnh hưởng bởi sự tan rã chính trị kiểu Weimar? Và thậm chí nếu rốt cuộc họ có thể làm được điều đó, phải chăng Đức sẽ đồng thời đánh mất phần lớn châu Âu?

Điều này đưa chúng ta đến những dấu hiệu mới bắt đầu hình thành nhưng không thể nhầm lẫn về sự rạn nứt trong quan hệ Nga -Đức. Nếu cuộc tranh giành giữa Pháp – Đức định hướng phát triển cho giai đoạn từ năm 1870 đến 1920, thì cuộc xung đột với Nga đã xác định sự phát triển của 70 năm tiếp theo. Cuộc xung đột này đã bị lãng quên trong hai thập kỷ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, bởi những vướng mắc nội bộ của Nga và mong muốn thể hiện địa vị vô hại của Đức sau thống nhất đã khiến cả hai cường quốc không cần phải phô diễn sức mạnh cơ bắp của họ.

Giờ đây khi mà Putin xem sức mạnh cơ bắp là hình thái chủ yếu của ông ta trong chính sách ngoại giao – không chỉ ở Ukraine và các nước Baltic, mà còn ở khu vực Balkan và Biển Bắc – nước Đức trở thành quốc gia có trách nhiệm định hướng phản ứng của châu Âu. Động cơ ngày nay không phải là để bảo vệ dân tộc Đức ở nước ngoài – việc trục xuất hàng triệu người Đức trong những năm 1940 đã chấm dứt mối quan ngại đặc biệt đó – mà phần nhiều là mong muốn đáng khen ngợi hơn trong việc bảo vệ các giá trị của một EU dân chủ chống lại chủ nghĩa chuyên chế mới từ phương Đông.

Tuy nhiên, liệu nước Đức có thể tiếp tục thực hiện vai trò này hay không sẽ phụ thuộc vào hình thái EU nào sẽ xuất hiện trong vài năm tới. Đặc biệt, nếu châu Âu muốn thành công dưới sự lèo lái của nước Đức, người Đức và các dân tộc khác sẽ phải từ bỏ quá khứ dứt khoát hơn so với những gì họ đã thể hiện cho đến nay.

Mark Mazower là giáo sư sử học tại trường Đại học Columbia. Cuốn sách gần đây nhất của ông là “Quản trị thế giới: Lịch sử của một ý tưởng” (Governing the World: The History of an Idea).