Vấn đề cải cách hiến pháp của Nhật Bản

f003d95e-8595-11e4-92f1-a804f84d4f9e_Japan_Election_Abe_TOK108--646x363

Nguồn: Brahma Chellaney, “Japan’s constitutional albatross”, Project Syndicate, 02/02/2015.

Biên dịch: Bế Minh Nhật | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Lễ kỉ niệm 70 năm ngày Nhật Bản thất bại trong Thế Chiến thứ Hai đang đến gần và nó đã làm dấy lên nhiều tranh cãi – và cả những lời oán thán – về mối hận thù lịch sử đang được tái hiện lại ở Đông Á. Nhưng những căng thẳng gần đây ở khu vực có thể phần nào phản ánh một sự thiếu tiến triển trong một vấn đề khác không được lưu tâm: cái cách hiến pháp của Nhật Bản. Thật ra, ngay cả khi sự bất lực của Nhật Bản được thể hiện nổi bật trong việc hai con tin của nước này bị hành quyết bởi Nhà nước Hồi Giáo tự xưng, Nhật Bản vẫn chưa thông qua bất kỳ một sửa đổi nào đối với “hiến pháp hoà bình” mà lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ đã áp đặt tại nước này vào năm 1947.

Thoạt nhìn, tất cả những việc này đều không có vẻ gì là đáng ngạc nhiên cả. Suy cho cùng, hiến pháp này đã phục vụ cho một mục đích quan trọng: bằng việc đảm bảo rằng Nhật Bản sẽ không phải là một mối nguy hại về mặt quân sự trong tương lai, nó đã cho phép nước này được thoát khỏi chế độ chiếm đóng của nước ngoài, và theo đuổi việc tái thiết và dân chủ hoá. Nhưng cũng cần xem xét một vấn đề khác: Đức cũng đã sử dụng bản hiến pháp do khối Đồng minh thông qua trong hoàn cảnh tương tự vào năm 1949, nhưng lại đã sửa đổi rất nhiều lần.

Thêm vào đó, khác với Hiến pháp Đức, hay Luật Cơ bản, cho phép sử dụng lực lượng quân sự trong tự vệ và một phần của các hiệp định an ninh tập thể, Hiến pháp Nhật thừa nhận sự từ bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn “việc đe doạ hoặc sử dụng vũ lực làm phương tiện giải quyết xung đột quốc tế.” Nhật Bản là đất nước duy nhất trên thế giới bị ràng buộc bởi những hạn chế như vậy – những hạn chế được áp đặt để không chỉ ngăn ngừa sự phục hồi của chế độ quân phiệt, mà còn để trừng phạt Nhật Bản vì những chính sách của chính phủ thời chiến – và việc tiếp tục tuân thủ chúng là một việc thiếu thực tế.

Đó là lý do tại sao thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đặt ưu tiên cao lên việc sửa đổi hiến pháp. Sau khi đã củng cố quyền lực của mình trong cuộc bầu cử đột xuất hồi tháng Mười Hai, trong đó đảng Tự do Dân chủ  đã có một chiến thắng dứt khoát, ông Abe quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình nhằm xây dựng một Nhật Bản mạnh mẽ và có tính cạnh tranh hơn – một đất nước có thể vững vàng đối phó với một Trung Hoa đang ngày càng lớn mạnh.

Nỗ lực của ông Abe để “bình thường hoá” tư thế chiến lược của Nhật Bản bắt đầu với việc diễn giải lại Điều 9 của bản Hiến pháp, theo đó đất nước này từ nay trở về sau được phép tham gia vào các hoạt động “tự vệ tập thể”. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua thay đổi này mùa hè năm ngoái, và Hoa Kỳ cũng đã ủng hộ động thái này. Với những đe doạ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng về mạng sống của hai con tin Nhật Bản, một dự luật nhằm tiến hành việc diễn giải lại Hiến pháp sẽ được nộp cho Nghị viện.

Việc diễn giải lại này đang đối mặt với nhiều sự phản đối trong và ngoài nước. Đặc biệt, các nhà chỉ trích người Trung Quốc đã thể hiện mối lo lắng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, mặc dù họ đã không hề đề cập đến việc chính sự tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã khiến cho chính phủ Nhật Bản xem xét lại chính sách quốc phòng của mình.

Trên thực tế, việc diễn giải lại hiến pháp này chỉ hơn tính hình thức một chút: các lực lượng Nhật Bản có thể làm lá chắn cho tàu chiến Mỹ đang bảo vệ Nhật Bản, nhưng họ vẫn bị cấm thực hiện các cuộc tấn công hoặc tham gia vào các chiến dịch quân sự đa phương. Do Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận rằng việc tự vệ cá nhân và tập thể là “quyền cố hữu” của các quốc gia có chủ quyền, sự thay đổi này sẽ chẳng có gì gây tranh cãi.

Nhưng các trở ngại lớn vẫn tiếp tục ngăn cản việc tiến hành cải cách hiến pháp ở phạm vi rộng hơn. Các sửa đổi cần phải có sự đồng ý của hai phần ba thành viên của lưỡng viện, và đại đa số phiếu tán thành trong một cuộc trưng cầu dân ý, điều này đã khiến cho Hiến pháp Nhật Bản trở nên khó sửa đổi nhất thế giới. Để đẩy nhanh những tham vọng của mình, ông Abe hi vọng rằng có thể giảm bớt các yêu cầu này xuống mức chỉ cần sự tán thành quá bán ở cả lưỡng viện hoặc bỏ yêu cầu về trưng cầu dân ý.

Do sự phản đối của dân chúng đối với việc thay đổi Hiến pháp, nhiệm vụ của ông Abe cũng không phải dễ dàng. Trái với việc công dân của hầu hết các quốc gia dân chủ đều coi hiến pháp là một công trình đang dang dở – ví dụ như Ấn Độ đã sửa đổi Hiến pháp tới 99 lần kể từ năm 1950 – người Nhật coi Hiến pháp của họ là bất khả xâm phạm. Kết quả là, thay vì đảm bảo rằng hiến pháp phản ánh các phát triển về mặt xã hội, khoa học, kinh tế và tư tưởng, họ thường kiên quyết giữ  gìn chính xác các điều khoản, giống như những người theo phái chính thống trong tôn giáo thường bảo vệ việc diễn giải sát nghĩa các lời kinh.

Hơn nữa, chủ nghĩa hoà bình đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của người Nhật, kể cả những người trẻ, phần lớn do hậu quả đau đớn của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản thời trước chiến tranh. Trên thực tế, một cuộc điều tra được tiến hành bởi tổ chức Khảo sát Giá trị Thế giới (World Values Survey) năm ngoái đã cho thấy rằng chỉ 15,3% người Nhật – so với 74,2% người Trung Quốc và 57,7% người Mỹ – sẵn sàng bảo vệ đất nước, mức thấp nhất thế giới. Chỉ 9,5% người Nhật dưới tuổi 30 nói rằng họ sẵn sàng tham gia chiến tranh.

Với sự phản đối như vậy, việc thực sự sửa đổi Điều 9 thay vì chỉ diễn giải lại, không có vẻ gì là khả thi, đặc biệt khi đảng Komeito, là một đảng theo chủ nghĩa hoà bình công khai, vẫn đang tham gia liên minh cầm quyền. Thậm chí ngay cả khi ông Abe có thể giảm bớt các yêu cầu để sửa đổi [Hiến pháp] – một việc không hề dễ dàng gì với khả năng là kết quả trưng cầu dân ý sẽ chỉ cho thấy một lượng ủng hộ ít ỏi – ông cũng có thể sẽ phải để lại nhiệm vụ này cho người kế nhiệm của mình.

Nhưng có một yếu tố có thể nâng đỡ cho chủ trương của ông Abe một cách đáng kể. Sự ủng hộ ra mặt của Mỹ đối với việc sửa đổi Hiến pháp của Nhật Bản không chỉ làm suy yếu sự phản đối từ phía Trung Quốc, mà còn giúp trấn an rất nhiều người Nhật rằng việc sửa đổi Điều 9 sẽ không dẫn tới việc loại bỏ trật tự sau chiến tranh mà người Mỹ đã giúp tạo dựng nên ở Nhật Bản.

Một động thái như vậy cũng sẽ phục vụ cho lợi ích an ninh của Mỹ. Một Nhật Bản tự tin và an ninh hơn cũng sẽ giúp ngăn chặn tốt hơn việc gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực Tây Thái Bình Dương, và vì vậy có thể thúc đẩy hơn nữa mục tiêu chính sách trọng tâm của Hoa Kỳ là đảm bảo sự cân bằng quyền lực một cách ổn định ở châu Á. Không một quốc gia nào trong khu vực có thể đóng vai trò một đối trọng đáng tin cậy như vậy đối với Trung Quốc.

Nhật Bản ngày nay – một nền dân chủ tự do đã gần 7 thập kỷ nay chưa nổ một phát súng nào đối với một nước nào khác, và là quốc gia đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển toàn cầu trong suốt thời kỳ này – đã rất khác so với Nhật Bản của năm 1947. Hiến pháp của nó cần phản ánh điều này.

Brahma Chellaney là Giáo sư ngành Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở đặt tại New Delhi, tác giả của các cuốn sách Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, và Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.