Nguồn: Gareth Evans, “Limiting the Security Council Veto“, Project Syndicate, 04/02/2015.
Biên dịch: Vũ Trọng Toàn | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Vào năm 2001, Pháp đã đưa ra một kiến nghị rằng 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Nhóm P5) nên tự nguyện hạn chế sử dụng quyền phủ quyết của họ khi giải quyết vấn đề các tội ác tàn bạo quy mô lớn.[1] Và giờ đây, khi sắp sửa kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc, chính quyền của tổng thống Pháp Francois Hollande lại tiếp tục tích cực theo đuổi ý tưởng trên. Liệu những nỗ lực này có hiệu quả?
Phản ứng đầu tiên có thể tiên đoán được là các nước P5 sẽ bác bỏ khả năng này. Như Thủ tướng thời chiến của Australia Ben Chifley đã từng có lời nhận xét nổi tiếng “Vấn đề đối với những thỏa thuận của các quý ông là không có đủ người đáng mặt quý ông”.
Thực sự khó có thể tin rằng Nga và Trung Quốc sẽ sẵn lòng chấp nhận đề xuất này. Ví dụ, Nga đã thực hiện quyền quyền phủ hơn 100 lần kể từ năm 1946, 4 lần không vui vẻ gần đây nhất từ 2011 là để ngăn cản các nghị quyết nhằm ngăn chặn sự tàn sát ở Syria.
Tương tự như vậy, Mỹ cũng sẽ không thể hiện nhiều sự nhiệt tình, họ đã sử dụng quyền phủ quyết 80 lần (thường xuyên nhất trong những năm gần đây là về các vấn đề có liên quan đến Israel), mặc dù họ thường có một lập trường cứng rắn đối với tội diệt chủng và các trường hợp liên quan. Chỉ có vương quốc Anh (giống như Pháp, sử dụng phủ quyết lần cuối vào năm 1989) là có chút động thái ủng hộ sáng kiến của Pháp.
Quyền phủ quyết là cái giá mà Trung Quốc, Pháp, Vương quốc Anh, Nga, và Mỹ đặt ra để tham gia vào Liên Hợp Quốc. Không ai có thể tin rằng một sự sửa đổi Hiến chương chính thức để bãi bỏ hoặc hạn chế quyền này có thể trở thành hiện thực.
Nhưng áp lực quốc tế lên nhóm P5 đã tăng lên trong 15 năm qua – và đặc biệt là kể từ khi Đại Hội Đồng đồng lòng chấp nhận nguyên tắc “trách nhiệm bảo vệ” (R2P) trong năm 2005. Những người ủng hộ quan điểm của Pháp muốn các nước này phải hứa từ bỏ phủ quyết khi đa số các nước ủng hộ các hành động được đề xuất để giảm nhẹ mức độ nguy hiểm của một tội ác tàn bạo. Sự chán ghét đối với hành động ngăn cản các nghị quyết về Syria đã trở lên căng thẳng và theo thống kê gần đây, 68 quốc gia đã thể hiện sự ủng hộ rõ ràng đối với đề xuất của Pháp trong nhiều diễn đàn của Liên Hợp Quốc.
Luận cứ đạo đức rằng quyền phủ quyết không nên được sử dụng trong các trường hợp tội ác tàn bạo có sức thuyết phục lớn. Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật nhân quyền, nhân đạo quốc tế, các nước P5 có nghĩa vụ không được làm xói mòn tính hiệu quả của Liên Hợp Quốc và các thể chế pháp lý đó. Luận cứ chính trị phản đối sự phủ quyết trong các trường hợp tội ác tàn bạo – rằng nó hủy hoại uy tín và tính chính đáng của Hội đồng Bảo an, cơ quan mà cơ cấu tổ chức của nó vốn đã được xem là không phản ánh đúng thực tế địa chính trị của thế kỷ 21- cũng tạo ra sức ép lớn đối với P5.
Nhưng liệu có thể tạo ra một đề xuất hạn chế quyền phủ quyết mà cả 5 nước P5 đều đồng ý hay không? Trong tháng 1, tại một hội nghị mà tôi tham gia ở Paris, nơi hội tụ các nhà làm chính sách của Pháp và các chuyên gia quốc tế, vấn đề trở nên rõ ràng rằng một dự thảo thỏa thuận có thể đáp ứng phần lớn, nếu không phải là tất cả, các mục tiêu. Nhưng nó cần phải có ít nhất 3 yếu tố cơ bản.
Thứ nhất, thỏa thuận sẽ phải định nghĩa các trường hợp liên quan (không được dùng quyền phủ quyết) một cách rõ ràng – không được quá rộng cũng như quá hẹp – và xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ Trách nhiệm Bảo vệ đã được thiết lập vững chắc. Định nghĩa có thể là một cái gì đó giống như “các trường hợp mà dân chúng đang phải chịu đựng, hoặc đang có nguy cơ, bị diệt chủng, các tội ác chống lại loài người, hoặc các tội ác chiến tranh nghiêm trọng”.
Thứ hai, thỏa thuận cần phải bao hàm cả cơ chế để xác định khi nào thì những trường hợp trên xảy ra. Cơ chế này phải nhanh chóng, bảo đảm đánh giá khách quan, và lý tưởng nhât là tạo ra một mối quan ngại mạnh từ phần lớn cộng đồng quốc tế.
Một cách để đáp ứng các nhu cầu trên là phải có một “ngòi nổ kép”. Yêu cầu thứ nhất là một sự chứng nhận, tống đạt đến Hội đồng Bảo an thông qua Đại Hội Đồng và Văn phòng Tư vấn đặc biệt về Ngăn chặn tội diệt chủng và Trách nhiệm Bảo vệ (cơ quan có nguồn lực, nhân lực và uy tín cần thiết), rằng trường hợp được xem xét đáp ứng định nghĩa đã được thông qua. Yêu cầu thứ hai là một đòi hỏi hạn chế quyền phủ quyết được đưa ra bởi ít nhất 50 quốc gia thành viên, bao gồm ít nhất 5 thành viên từ mỗi khu địa lý được công nhận.
Yếu tố thứ ba, không hấp dẫn về mặt đạo đức nhưng có thể cần thiết về mặt chính trị để đạt được sự ủng hộ của Mỹ và các nước khác, là một quy định cho phép bất cứ thành viên P5 nào được phủ quyết khi họ khẳng định rằng “lợi ích quốc gia sống còn” của họ đang bị đe dọa. Điều an ủi ở đây là việc cố gắng dựa vào điều khoản miễn trừ như vậy trong phần lớn các trường hợp tội ác tàn bạo sẽ không thuyết phục. Liệu Nga và Trung Quốc có thể sử dụng nó để phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về Myanmar và Zimbabwe trong lần lượt các năm 2007 và 2008 hay không? Và bất chấp mối quan hệ chính trị và quân sự khăng khít với chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, liệu Nga họ có thể khẳng định rằng một nghị quyết nào đó sẽ làm phương hại lợi ích sống còn của họ hay không?
Rất nhiều loại phản bác có thể sẽ xuất hiện, ít nhất là luận cứ rằng sự phủ quyết được đưa ra không nhằm bảo vệ lợi ích của P5, mà là để bảo vệ sự nhất trí giữa những cường quốc lớn (điều đã rõ ràng vắng bóng trong tổ chức tiền thân đoản mệnh của Liên Hợp Quốc là Hội Quốc Liên) trong mọi hành động được thực hiện nhằm mục đích duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Chúng ta sẽ được nghe nói rằng thật không hợp lý khi yêu cầu một thành viên P5 từ bỏ quyền phủ quyết khi họ thực sự tin rằng nghị quyết đang được đề xuất sẽ mang lại nhiều thiệt hại hơn là điều tốt đẹp.
Một phản ứng khác là hầu như không thể tìm được một lý do thực sự thuyết phục nào để có thể phủ quyết trong một trường hợp tội ác tàn bạo. Một phản ứng nữa là bất kỳ một nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an cũng đòi hỏi ít nhất 9 phiếu ủng hộ (trong một Hội đồng có 15 thành viên). Nếu như có bất kỳ sự quan ngại nào về giá trị của nghị quyết thì yêu cầu đó sẽ là một ngưỡng rất cao.
Mục đích của việc hạn chế quyền phủ quyết ít nhất là nhằm tăng cái giá phải trả về mặt chính trị đối với những ai muốn ngăn chặn các hành động được thiết kế nhằm bảo đảm trong tương lai sẽ không có còn có những Campuchia, Rwanda, Srebrenica, hoặc Syria. Đề xuất của Pháp, mặc dù vẫn còn thay đổi, đã tạo ra sự phản ứng đồng thuận trên bình diện quốc tế. Các nước P5 còn lại không thể phớt lờ điều đó mãi được.
Gareth Evans, cựu Bộ trưởng ngoại giao của Australia (1988-1996) và Chủ tịch của Nhóm khủng hoảng quốc tế (2000-2009), hiện đang là Hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Australia. Ông cũng là đồng chủ tịch của Trung tâm quốc tế về Trách nhiệm Bảo vệ đặt ở New York và Trung tâm Chống phổ biến vũ khí hạt nhân và Giải trừ quân bị đặt tại Canberra.
————-
[1] Tội diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống loài người và tội xâm lược – ND