Nguồn: Shannon Tiezzi, “3 goals of China’s military diplomacy”, The Diplomat, 30/01/2015.
Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trung Quốc tìm cách hoàn thành ba việc trong chính sách ngoại giao quân sự: răn đe, lập chương trình nghị sự và tái trấn an.
Hôm thứ Năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (đồng thời là Chủ tịch UB Quân ủy Trung ương) nói rằng Trung Quốc sẽ quan tâm hơn tới ngoại giao quân sự như là một phần của tổng thể chiến lược đối ngoại. Ông Tập đã phát biểu tại một cuộc họp với các cơ quan quân đội và các quan chức quân sự khác liên quan đến công tác ngoại giao. Cán bộ tham dự bao gồm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long (Fan Changlong), một Phó Chủ tịch quân ủy khác kiêm Tư lệnh không quân Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thường Vạn Toàn; Tổng tham mưu trưởng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) và Tư lệnh hải quân Ngô Thắng Lợi (Wu Shengli).
Ông Tập hô hào các quan chức quân đội tham gia “khởi đầu một giai đoạn mới của chính sách ngoại giao quân sự”. Ông Tập lưu ý ĐCSTQ luôn coi ngoại giao quân sự là một công cụ quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao tổng thể của Trung Quốc, bảo vệ an ninh quốc gia và xúc tiến việc xây dựng quân đội của Trung Quốc. Ngày nay, ngoại giao quân sự phải nổi trội hơn trong chiến lược ngoại giao và an ninh quốc gia của Trung Quốc, ông Tập nói.
Sự nhấn mạnh của Trung Quốc về ngoại giao quân sự được chứng minh vào năm ngoái khi Trung Quốc gia tăng trao đổi quân sự, các cuộc thăm viếng, và diễn tập chung. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng đã tóm lược chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc trong năm 2014 trong buổi họp báo cuối cùng trong năm. Theo phát ngôn viên Dương Vũ Quân (Yang Yujun), Trung Quốc tham gia 31 cuộc tập trận song phương hoặc đa phương. Đáng chú ý, ông Dương nói, trọng tâm của các cuộc diễn tập “mở rộng từ an ninh phi truyền thống đến an ninh truyền thống”. Các cuộc diễn tập trong năm 2014 “sát với thực tế chiến trường” hơn so với trước kia, ông Dương nói thêm.
Năm ngoái, Trung Quốc cũng hết sức tích cực trong việc gửi các sỹ quan quân đội ra nước ngoài hay đón tiếp đối tác nước ngoài. Như The Diplomat đưa tin, trong khoảng thời gian hai tuần trong tháng Bảy năm 2014, các quan chức quân đội Trung Quốc tổ chức cuộc họp với các quan chức Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, và Indonesia. Trung Quốc đã có một khởi đầu tích cực trong việc tiến hành các chuyến viếng thăm quân sự qua lại (năm nay) khi một đội tàu hải quân Trung Quốc đang thực hiện chuyến đi thăm châu Âu.
Cuối cùng, năm 2014 là năm bội thu về mặt can dự quân sự của Trung Quốc vào nhiều sứ mệnh nhân đạo hơn, từ cuộc chiến chống Ebola đến nỗ lực truy tìm dấu vết chuyến bay 370 của Malaysia Airlines. Trung Quốc cũng phái tiểu đoàn đầu tiên tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc hy vọng đạt điều gì qua việc ngày càng nhấn mạnh ngoại giao quân sự? Như Robert Farley nhận xét trong một bài trước đây trên The Diplomat, có một số lợi ích khả dĩ: thu thập tin tình báo về các tổ chức quân sự nước ngoài; tạo quan hệ cá nhân với nhân viên quân sự nước khác và phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Các thảo luận về chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc có đề cập đến cả yếu tố răn đe. Khi ủng hộ một chính sách ngoại giao quân sự hiệu quả hơn, ông Tập cũng kêu gọi các quan chức “có sự đóng góp mới, lớn hơn hướng tới thực hiện Giấc mơ Trung Hoa và giấc mơ có một quân đội mạnh”. Khi mô tả kết quả của hơn 30 cuộc tham gia diễn tập quân sự chung, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân nói các cuộc tập trận “đã nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau, hợp tác sâu sắc và cải thiện các kỹ năng. Đồng thời, quân đội Trung Quốc có được cơ hội để thể hiện hình ảnh tốt đẹp của chúng ta trên trường quốc tế.”
Có lẽ đối với Trung Quốc điều quan trọng hơn là biểu thị quân đội nước mình có xu thế trở thành một đội quân dẫn đầu – không chỉ về công nghệ mà còn về ý thức hệ. Nói cách khác, ngoại giao quân sự của Trung Quốc là hệ quả tự nhiên của ước muốn đang tăng lên của Bắc Kinh về việc đóng vai trò lãnh đạo trên vũ đài thế giới, kể cả trong các thảo luận về quân sự. Một mẫu tin trên đài CCTV nhấn mạnh rằng ngoại giao quân sự của Trung Quốc đang đóng một vai trò tích cực hơn trong việc định hình các cuộc thảo luận hơn là phản ứng thụ động trước các chỉ trích như từng thấy trước kia.
Đối với chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc, kiểu thiết lập chương trình nghị sự này là một mục tiêu quan trọng ngang với biểu thị thuần túy về khả năng. Đó là lý do vì sao Trung Quốc cố gắng đề cao Diễn đàn Hương Sơn (Xiangshan Forum) sánh với Diễn đàn thường niên Shangri-La như là một nền tảng hàng đầu cho viêc thảo luận các vấn đề an ninh khu vực – và đó là lý do vì sao Tân Hoa Xã đưa một Diễn đàn Hương Sơn mới, được cải tiến vào danh sách 10 “đột phá” trong ngoại giao quân sự trong năm 2014. Ngoại giao quân sự lớn mạnh hơn là một bộ phận chủ chốt trong tầm nhìn mới của Tập Cận Bình về một “chính sách ngoại giao đại cường mang đặc sắc Trung Quốc”.
Còn một mục tiêu khác đối với ngoại giao quân sự của Trung Quốc, đó là kết hợp việc phô trương quân sự với lập chương trình nghị sự – hóa giải luận điểm “mối đe dọa Trung Quốc” và tái trấn an về các tham vọng và chính sách của giới quân sự Trung Quốc. Có vẻ dường như trái với logic thông thường khi Trung Quốc muốn sử dụng ngoại giao quân sự để làm tiêu tan nỗi sợ này. Rốt cuộc, chuyến thăm một cảng Sri Lanka của một tàu ngầm Trung Quốc đã tạo ra một làn sóng bàn luận về tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – một sự bất an, ít ra là từ nhìn nhận của các nhà quan sát Ấn Độ.
Song Trung Quốc hy vọng cuối cùng thì bằng cách mở rộng các tiếp xúc quân sự ra bên ngoài, họ có thể thuyết phục được các lân bang (và các đối thủ tiềm tàng) rằng họ thành thật khi nói về một “sự trỗi dậy hòa bình”. Chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc không chỉ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, mà còn gửi ra ngoài các “phái viên hòa bình”, như Tân Hoa Xã tuyên bố trong một bài hồi tháng 12/2014. “Năm nay, vùng ngoại vi Trung Quốc rõ ràng chẳng bình yên. Chính sách ngoại giao quân sự của Trung Quốc đã có các nổ lực lớn hơn trong việc sử dụng các phương pháp hòa bình để khẳng định vị thế và hóa giải các cuộc khủng hoảng” bài báo giải thích. Nói cách khác, Trung Quốc muốn sử dụng ngoại giao quân sự để giải quyết các cuộc khủng hoảng mà không cậy đến vũ lực. Cuộc đàm phán với Mỹ về các “quy tắc ứng xử” và đàm phán với Nhật Bản trong việc thiết lập một cơ chế tham vấn hàng hải chứng thực cho mong muốn này. Trung Quốc cũng hy vọng rằng, bằng cách đơn giản là các kết nối với quân đội các nước, họ có thể thuyết phục thế giới rằng quân đội của họ không phải là một ông ba bị gây khiếp hãi. Các sứ mệnh nhân đạo đặc biệt hữu dụng trên khía cạnh này.
Trong ba mục tiêu chính mà Trung Quốc áp dụng cho chính sách ngoại giao quân sự – răn đe, lập chương trình nghị sự và tái trấn an – thì mục tiêu cuối cùng đã tỏ ra ít thành công nhất cho đến nay. Sự hiện diện về quân sự của Trung Quốc tại các vùng đất xa xôi có xu hướng thổi bùng các phân tích tiêu cực hơn về tham vọng quân sự của Trung Quốc hơn là thuyết phục thế giới về mục đích hòa bình của nước này. Nhưng khi các chuyến thăm (quân sự) như thế trở thành điều bình thường hơn là điều mới mẻ (và do vậy tỏ ra có khả năng gây đe dọa hơn), thì chúng ta có thể thấy Trung Quốc sẽ bắt đầu thu lợi từ sự hợp tác của các quốc gia khác.
Shannon Tiezzi là cây viết bình luận của tạp chí The Diplomat.