Tiền đồn ‘thực dân’ của Trung Quốc tại Pakistan

Print Friendly, PDF & Email

pcec-2-638

Nguồn: Brahma Chellaney, “China’s Pakistani outpost”, Project Syndicate, 26/05/2016

Biên dịch: Đào Duy Tùng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Giống một học sinh cá biệt chuyên bắt nạt bạn bè, Trung Quốc lớn và mạnh, nhưng không có nhiều bạn. Quốc gia này vừa cùng Hoa Kỳ thông qua những lệnh cấm vận quốc tế mới lên quốc gia từng như là chư hầu của mình – Bắc Triều Tiên, do đó Trung Quốc giờ chỉ còn lại duy nhất một đồng minh thực sự: Pakistan. Nhưng với những gì Trung Quốc đang bòn rút từ quốc gia láng giềng này – chưa tính đến những gì nó bòn rút từ các quốc gia láng giềng khác – lãnh đạo Trung Quốc dường như rất hài lòng.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc và Pakistan “gần gũi như môi với răng” nhờ những liên kết về địa lý. Chính phủ Trung Quốc cũng gọi Pakistan là “người bạn không thể thay thế trong mọi hoàn cảnh.” Hai quốc gia này thường xuyên khoe khoang về “tình anh em sắt đá” của họ. Năm 2010, Syed Yousuf Raza Gilani, người lúc đó là thủ tướng Pakistan, đã ca ngợi mối quan hệ này một cách đầy thi vị, miêu tả nó “cao hơn núi, sâu hơn đại dương, vững chắc hơn thép, và ngọt ngào hơn cả mật.”

Thực tế thì, một Trung Quốc thịnh vượng có ít điểm chung với một quốc gia phụ thuộc vào viện trợ như Pakistan, ngoài chuyện cả hai quốc gia đều là những quốc gia xét lại không bằng lòng với đường biên giới hiện tại của họ. Tuy vậy, họ cùng chia sẻ một lợi ích là ngăn chặn Ấn Độ. Viễn cảnh về một cuộc chiến trên hai mặt trận, nếu Ấn Độ xung đột với một trong hai quốc gia, chắc chắn giúp thúc đẩy lợi ích này.

Đối với Trung Quốc, sự hấp dẫn của việc hợp tác với Pakistan được tăng cường bởi việc Bắc Kinh có khả năng coi quốc gia này như một quốc gia phụ thuộc, thay vì như một đối tác thực sự. Thực tế, Trung Quốc đối đãi với Pakistan như kiểu vật thí nghiệm, bán cho quốc gia này những hệ thống vũ khí chưa từng được triển khai bởi quân đội Trung Quốc và những lò phản ứng hạt nhân cổ lỗ hoặc chưa qua thử nghiệm. Pakistan hiện đang xây dựng hai lò phản ứng loại AC-1000 – dựa trên nguyên mẫu mà Trung Quốc đã phỏng theo từ thiết kế của người Pháp, nhưng chưa bao giờ được xây dựng tại Trung Quốc – gần thành phố cảng phía nam Karachi.

Trung Quốc thậm chí không cần quốc gia được coi là “anh em” của mình mạnh mẽ và ổn định. Ngược lại, việc Pakistan rơi vào chủ nghĩa hồi giáo cực đoan có lợi cho Trung Quốc bởi điều này mang lại một cái cớ lý tưởng để mở rộng những lợi ích chiến lược của Trung Quốc vào bên trong biên giới quốc gia láng giềng này. Trung Quốc đã triển khai hàng nghìn lính tại khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát, với mục tiêu biến Pakistan trở thành một hành lang trên bộ tới biển Ả Rập và Ấn Độ Dương. Theo một báo cáo mới được công bố của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Pakistan – “khách hàng quan trọng nhất của Trung Quốc về các vũ khí thông thường” – nhiều khả năng sẽ là nơi đóng một căn cứ hải quân của Trung Quốc vốn dự tính giúp nước này triển khai sức mạnh tại khu vực Ấn Độ Dương.

Đó chưa phải là tất cả. Chuyến thăm đầu tiên của chủ tịch Tập Cận Bình tới Pakistan năm trước đã cho kết quả là một thỏa thuận xây dựng một “hành lang kinh tế” trị giá 46 tỷ đô kéo dài từ khu vực bất ổn Tân Cương tới cảng Gwadar, Pakistan do Trung Quốc xây dựng (và điều hành). Hành lang đó, bao gồm một loạt dự án cơ sở hạ tầng, sẽ đóng vai trò như một cầu nối giữa “con đường tơ lụa” trên biển và trên đất liền mà Trung Quốc đang tạo ra. Nó sẽ rút ngắn con đường của Trung Quốc tới Trung Đông khoảng 12.000 km (7.456 miles) và cho phép Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ Dương, nơi họ có thể thách thức Ấn Độ ngay tại chính khu vực hàng hải sân sau của quốc gia này.

Tập cũng ký các thỏa thuận cho nhưng dự án mới về năng lượng, bao gồm Đập Karot trị giá 1,4 tỷ đô la, dự án đầu tiên được tài trợ bởi Quỹ Con đường Tơ lụa 40 tỷ đô la của Trung Quốc. Tất cả các dự án năng lượng sẽ được sở hữu bởi Trung Quốc, còn chính phủ Pakistan cam kết mua điện của Trung Quốc tại một mức giá được định trước. Vị thế của Pakistan như một quốc gia phụ thuộc về kinh tế và an ninh của Trung Quốc sẽ được tăng cường, nhằm ngăn chặn quốc gia này cuối cùng sẽ đi theo những trường hợp như Myanmar hoặc Sri Lanka và tiến theo con đường không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chắc chắn là mối quan hệ này cũng mang lại những lợi ích to lớn cho Pakistan. Trung Quốc đã cung cấp những hỗ trợ quan trọng trong việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân của Pakistan, bao gồm việc làm giảm khả năng xảy ra các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ hoặc sự trả đũa của Ấn Độ. Trung Quốc vẫn cung cấp sự giúp đỡ lén lút về hạt nhân và tên lửa, được thể hiện trong việc Trung Quốc gần đây chuyển giao bệ phóng tên lửa Shaheen-3, một loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn 2.750 km của Pakistan.

Trung Quốc công khai cung cấp cho Pakistan sự đảm bảo an ninh và sự bảo vệ chính trị, đặc biệt là sự che chắn ngoại giao tại Liên Hợp Quốc. Một ví dụ là Trung Quốc vừa qua đã phủ quyết một hành động của Liên Hợp Quốc chống lại Masood Azhar, thủ lĩnh của nhóm cực đoan Jaish-eMohammed có căn cứ tại Pakistan và được chống lưng bởi tình báo Pakistan, tổ chức đã tiến hành các vụ tấn công khủng bố vào những mục tiêu của Ấn Độ, bao gồm căn cứ không quân Pathankot hồi đầu năm nay. Vào tháng trước, Sartaj Aziz, cố vấn chính sách ngoại giao của thủ tướng Pakistan, nói rằng Trung Quốc đã giúp Pakistan chặn đứng nỗ lực của Ấn Độ, được ủng hộ bởi Hoa Kỳ, để đạt được tư cách thành viên của Nhóm các Nhà cung cấp Hạt nhân, một hiệp hội các nước kiểm soát xuất khẩu hạt nhân.

Một Pakistan đầy biết ơn đã cho phép Trung Quốc độc quyền điều hành cảng Gwadar trong 40 năm tới. Nước này cũng thành lập một sư đoàn bộ binh với 13.000 lính để bảo vệ hành lang kinh tế đang hình thành, đồng thời triển khai lực lượng cảnh sát để bảo vệ công dân Trung Quốc và các công trình xây dựng khỏi các nhóm nổi dậy thiểu số và các tay súng Hồi giáo.

Điều này không có nghĩa rằng Trung Quốc chấp nhận phụ thuộc vào lực lượng an ninh Pakistan. Việc Trung Quốc bố trí binh lính ở phần Kashmir thuộc Pakistan hàng năm nay, bề ngoài là nhằm bảo vệ những dự án chiến lược đang triển khai ở đó, đã cho thấy sự thiếu tin tưởng của Trung Quốc vào những sắp xếp của an ninh Pakistan – và thể hiện rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng dấu ấn quân sự của mình tại nước này.

Nhưng cách hành xử của Pakistan chỉ ra rằng cho đến giờ họ hài lòng với thỏa thuận của mình với Trung Quốc – một cảm nhận chắc chắn sẽ được tăng cường, có thể một cách vô thức, bởi hàng tỷ đô viện trợ mà quốc gia này nhận mỗi năm từ Hoa Kỳ. Khi mà Trung Quốc tiếp tục xen vào nền chính trị và kinh tế Pakistan, ngày càng biến quốc gia này trở thành một tiền đồn thực dân, cảm giác thỏa mãn đó chắc chắn sẽ phai mờ. Nhưng vào thời điểm điều đó xảy ra, có lẽ đã quá muộn để Pakistan có thể thay đổi xu hướng đó.

Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi và Nghiên cứu viên thuộc Học viện Robert Bosch tại Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, bao gồm Asian Juggernaut: Asia’s New Battleground, Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis

Copyright: Project Syndicate 2016 – China’s Pakistani outpost
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]