Liệu Minsk 2.0 có thể cứu được Ukraine không?

_73140347_8fe9854e-c7a2-49d4-83bd-422317f6182c

Nguồn: Yuliya Tymoshenko, “Can Minsk 2.0 Save Ukraine?”, Project Syndicate, 19/02/2015.

Biên dịch: Thái Khánh Phong | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Một thỏa thuận ngừng bắn mới cho Ukraine vừa được kí tại Minsk gần đúng một năm sau ngày các binh lính Nga – mặt che kín và quân hiệu bị tháo bỏ – tiến vào xâm lược bán đảo Crimea. Trong quãng thời gian đó, hàng ngàn người Ukraine đã bị sát hại, hàng trăm ngàn người khác đã trở thành người tị nạn ngay trên đất nước mình. Tổng thống Nga Vladimir Putin, người quyết tâm khôi phục lại phạm vi ảnh hưởng trước đây của đế chế Nga/Xô-viết bằng vũ lực, đã xé tan các quy tắc từng đảm bảo hòa bình ở châu Âu – hay đúng hơn là trên phần lớn thế giới – trong ba thế hệ qua.

Khi Nga bắt đầu tìm cách thu phục Ukraine thì tôi đang ở trong tù với rất ít hy vọng giành lại được tự do cho mình. Chế độ của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych đã hoàn toàn làm theo ý của Kremlin và việc giam giữ tôi chỉ kết thúc nhờ sự dũng cảm của hàng triệu người Ukraine đòi lật đổ chế độ đó. Tuy nhiên, sự tự do của tôi đã có một dư vị cay đắng vì tôi có được tự do khi cuộc chiến tranh chống lại đất nước tôi bắt đầu.

Đến nay, sau một năm đầy bạo lực, phá hoại, và dối trá ở mức chưa từng thấy từ thời Đức Quốc xã, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga, Ukraine đã nhất trí về một lộ trình mới để mang lại hòa bình cho đất nước chúng tôi. Tôi phải hy vọng một cách sâu sắc rằng thỏa thuận mới đạt được tại Minsk sẽ thành công, không giống như hiệp định được ký tại đó trong tháng Chín năm 2014. Những người dân Donbas đang bị bao vây và tấn công dồn dập bởi quân đội Nga và đồng minh địa phương xứng đáng được quay trở lại cuộc sống bình thường của họ.

Một vấn đề nữa quan trọng không kém là các tù nhân và con tin chiến tranh phải được trả lại cho gia đình của họ. Phép thử đầu tiên cho cam kết của Kremlin với thỏa thuận Minsk là liệu họ có phóng thích Nadiya Savchenko, nữ phi công chiến đấu đầu tiên của Ukraine hay không. Savchenko đã tuyệt thực tại Nga trong hơn hai tháng để phản đối việc cô bị giam giữ bất hợp pháp vì những tội danh thậm chí còn lố bịch hơn so với những điều đã được dùng để tống giam tôi.

Tất nhiên tôi hy vọng rằng thỏa thuận mới này sẽ bền vững và cuối cùng sẽ mang lại hòa bình cho Ukraine. Nhưng rất ít khả năng có một kết quả như vậy khi thỏa thuận này thiếu các cơ chế để thực thi, ví dụ như việc tự động khai trừ Nga ra khỏi hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT nếu nước này không thực hiện bất kỳ khía cạnh nào của thỏa thuận. Chỉ tin tưởng vào “thiện chí” của điện Kremlin sẽ là liều lĩnh.

Ukraine và các đối tác của mình cần phải có một chiến lược và kế hoạch hành động rõ ràng trong trường hợp các thỏa thuận mới nhất tại Minsk bị phá hoại. Điều này bao gồm việc cung cấp vũ khí sát thương để tự vệ cho các lực lượng vũ trang Ukraine; dù gì thì sức mạnh cũng làm kẻ khác ngần ngại còn yếu thế sẽ bị khiêu khích. Rộng hơn nữa là dù tình hình tại đất nước chúng tôi rất căng thẳng, Ukraine vẫn xứng đáng có một lộ trình rõ ràng để thoát ra khỏi “vùng xám” an ninh như hiện tại và hướng tới một tương lai thuộc về châu Âu – Đại Tây Dương. Chúng tôi đã phải trả giá đắt cho tham vọng châu Âu của chúng tôi; nên chúng tôi không thể bị từ chối tham vọng đó vào lúc này.

Hơn nữa, nếu các đối tác của Ukraine thực sự quan tâm đến việc bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật thì họ cần kiện các nhà lãnh đạo Kremlin lên Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Hay về rất nhiều các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người mà quân đội của họ đã làm tại Ukraine. Kể từ khi xâm lược Crimea một năm trước đây, Nga đã vi phạm liên tục và nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, hàng loạt điều ước quốc tế, và các quy chuẩn nhân đạo quốc tế khác.

Chúng tôi ở Ukraine đã học được rất nhiều về bản thân mình cũng như về nước Nga và châu Âu trong một năm đầy bạo lực này. Chúng tôi đã tìm thấy trong sự chịu đựng khổ đau của đất nước chúng tôi một sự thống nhất mới và không thể phá vỡ nổi cũng như một quyết tâm mới để thực hiện một cuộc cải cách triệt để nền kinh tế, chính phủ và xã hội của chúng tôi. Bởi vì chính nền độc lập của chúng tôi chứ không chỉ là tương lai châu Âu thôi phụ thuộc vào việc cải cách đó. Nếu chúng ta không cải cách, chúng ta sẽ bị buộc phải làm nô lệ

Nhưng trận động đất do Nga gây ra ở Ukraine cũng đã làm lộ ra những đứt gãy nguy hiểm trên khắp châu Âu. Putin đã tìm thấy ở Ukraine một công cụ hoàn hảo để chia rẽ và gây bất ngờ đối với phương Tây. Và cương lĩnh chính trị của ông ta rất đơn giản: chia được thì trị được.

Thật vậy, trong năm qua, người Ukraine đã không tin ở mắt mình khi chứng kiến việc châu Âu phải tranh cãi rất lâu trước khi lên án một hành động gây hấn rõ ràng như vậy. Nếu không có sự kiện chuyến bay MH 17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi trên lãnh thổ do quân li khai chiếm giữ (một hành động làm chết tất cả 298 người trên máy bay) chưa chắc Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã thỏa thuận được một chương trình trừng phạt kinh tế như hiện tại đối với Nga.

Đường đứt gãy đầu tiên mà Nga đã giúp bộc lộ nằm giữa các nước thuộc khối Xô-viết trước đây ở châu Âu. Một số nước như Ba Lan và các nước Baltic đã liên tục lên án hành động của Nga và đã yêu cầu cần có một phản ứng cứng rắn. Nhưng ở những nước khác trong khu vực, các nhà lãnh đạo đã nhanh chóng bỏ qua việc Nga xâm lược và sáp nhập Crimea, hoặc lập luận đơn giản rằng nước Nga quá mạnh để có thể đối đầu. Xu thế xoa dịu có vẻ như vẫn còn tồn tại và chiếm ưu thế tại các nước mà đúng ra phải biết nhiều hơn thế.

Tiếp đó là việc ra đời của một thứ giống như “đạo quân thứ năm” (tức lực lượng chính trị ủng hộ Putin – NBT) trên khắp châu Âu. Các đảng phái chính trị chống đối một châu Âu thống nhất trên  lục địa này, cả ở cánh tả lẫn cánh hữu, đang tôn chủ nghĩa dân tộc độc tài của Putin như là một mô hình cho các chế độ phi tự do mà họ sẽ tìm cách thiết lập tại nước mình nếu EU tan rã.

Trên thực tế, điện Kremlin đang tài trợ cho rất nhiều các đảng như vậy. Lenin đã từng nói rằng nhà tư bản sẵn sàng bán những sợi dây thừng mà sau đó sẽ được dùng để treo cổ họ. Hôm nay, các chính phủ châu Âu thể hiện việc sẵn sàng cho phép Putin mua những lá phiếu mà ông sẽ dùng để phá hủy EU.

Cũng còn có những nhóm ủng hộ Kremlin khác bao gồm cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những người muốn quay trở lại kinh doanh với Nga như trước đây và cả những học giả chuyên biện giải cho Liên Xô, những người mà 25 năm sau khi Liên Xô sụp đổ nhìn thấy một cơ hội để được minh oan. Thêm vào đó, khi các cuộc thăm dò ý kiến công chúng cho thấy một thiểu số đáng kể người châu Âu đang đồng tình với các luận điệu của Putin, thì chiến lược của ông ta nhằm chia rẽ EU và NATO có vẻ đang thực sự tiến triển.

Nhưng hãy cùng nói lại cho rõ là chính những điều xảy ra ở Ukraine chứ không phải là bế tắc tài chính ở Hy Lạp sẽ là phép thử cuối cùng xem liệu sự thống nhất của châu Âu và của các nước xuyên Đại Tây Dương có bền vững hay không. Các đường đứt gãy xuất phát từ Ukraine đang phá hoại các giá trị cơ bản đại diện cho hòa bình và sự thịnh vượng của châu Âu sau chiến tranh. Sự thất bại trong việc bảo vệ những giá trị đó ở Ukraine sẽ có các tác động vượt xa biên giới của chúng tôi. Một phương Tây bị chia rẽ trong cuộc khủng hoảng này không thể đứng vững được. Bây giờ là thời điểm cần phải hành động.

Bà Yuliya Tymoshenko nguyên là Thủ tướng Chính phủ Ukraine.