Trung Quốc thao túng tiền tệ không phải là vấn đề

china_yuan

Nguồn: Jeffrey Frankel, “The Non-Problem of Chinese Currency Manipulation,” Project Syndicate, 20/02/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Bảo Trân | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Hai đảng chính trị của Mỹ hiếm khi thống nhất với nhau, nhưng có một điều khiến họ đoàn kết chính là sự giận dữ về vấn đề “thao túng tiền tệ,” đặc biệt là của Trung Quốc. Có lẽ do sự tăng giá gần đây của đồng Đô la Mỹ và những dấu hiệu đầu tiên cho thấy nó đang làm giảm xuất khẩu ròng của Mỹ, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa một lần nữa đang xem xét việc làm luật để đối phó với những gì mà họ cho là định giá thấp tiền tệ một cách không công bằng. Những biện pháp được đề xuất bao gồm áp thuế đối kháng (còn gọi là thuế chống phá giá – NHĐ) lên hàng hóa nhập khẩu từ các nước vi phạm, dù điều này mâu thuẫn với các nguyên tắc thương mại quốc tế.

Đây là cách tiếp cận sai. Ngay cả khi chấp nhận rằng có thể xác định được việc thao túng tiền tệ thì Trung Quốc cũng không có đủ các điều kiện để bị cho là đang thao túng. Dưới những điều kiện gần đây, nếu Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ thả nổi tự do mà không can thiệp thì nó đã dễ mất giá hơn là tăng giá so với đồng Đô la Mỹ, và việc nó mất giá sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế hơn.

Nhưng điểm căn bản hơn là từ quan điểm kinh tế, rất khó xác định được khái niệm thao túng hay định giá thấp tiền tệ một cách không công bằng. Sự sụt giá nhẹ của đồng Nhân dân tệ so với đồng Đô la Mỹ trong năm 2014 không chứng minh điều đó; nhiều đồng tiền khác, đáng lưu ý nhất là đồng Yên Nhật và đồng Euro đã sụt giá nhiều hơn trong năm ngoái. Kết quả là giá trị chung của đồng Nhân dân tệ thực ra là tăng nhẹ.

Yếu tố cốt lõi của việc thao túng là sự can thiệp vào thị trường-tiền tệ: bán nội tệ và mua ngoại tệ để giữ tỷ giá hối đoái thấp hơn so với khi không can thiệp. Chắc chắn là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã can thiệp nhiều trong hơn 10 năm qua. Dòng vốn chảy vào đã đóng góp đáng kể cho thặng dư lớn trong cán cân thanh toán của Trung Quốc, và chính quyền mua Đô la Mỹ, qua đó cưỡng lại áp lực tăng giá lên đồng Nhân dân tệ. Kết quả là dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục là 3,99 nghìn tỉ Đô la Mỹ vào tháng 7/2014.

Nhưng gần đây tình hình đã thay đổi. Trong năm 2014, dòng vốn của Trung Quốc đã đảo chiều, dòng vốn ròng chảy ra rất lớn. Kết quả là tổng cán cân thanh toán đã chuyển sang âm vào nửa sau của năm 2014, và trên thực tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã can thiệp nhằm hạn chế sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ. Dự trữ ngoại hối giảm xuống còn 3,84 nghìn tỉ Đô la Mỹ vào tháng 1/2015.

Không có lý do gì để cho rằng khuynh hướng này sẽ đảo chiều trong tương lai gần. Áp lực giảm giá lên đồng Nhân dân tệ so với đồng Đô la Mỹ phản ánh sự phục hồi tương đối mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chấm dứt thời kỳ dài áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, và sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc thúc giục Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu thời kỳ kích thích tiền tệ mới.

Các nguyên tắc kinh tế cơ bản tương tự cũng đang vận hành ở các nước khác.Việc Quốc hội Mỹ đề xuất thêm các điều khoản về tiền tệ vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại tự do khu vực rộng lớn đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng, có lẽ là nhắm vào Nhật Bản (do Trung Quốc không thuộc TPP). Quốc hội Mỹ có lẽ cũng muốn nhắm vào khu vực đồng Euro trong những vòng đàm phán sắp tới về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Nhưng chuyện Ngân hàng Nhật Bản hay Ngân hàng Trung ương Châu Âu can thiệp vào thị trường ngoại hối đã xảy ra từ cách đây nhiều năm. Thật vậy, tại một cuộc họp đột xuất của bộ trưởng các nước G-7 cách đây 2 năm, các bộ trưởng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính Mỹ về việc kiềm chế không đơn phương can thiệp vào thị trường ngoại hối. Những ai cáo buộc Nhật Bản hoặc khu vực đồng Euro đang theo đuổi chiến tranh tiền tệ đang nghĩ đến chính sách kích thích tiền tệ mới mà họ cho là được thực hiện thông qua các chương trình nới lỏng định lượng gần đây của ngân hàng trung ương của các nước này. Nhưng, như chính phủ Mỹ biết rất rõ, không thể yêu cầu các nước có nền kinh tế sa sút không được hạ mức lãi suất chỉ vì các tác động có thể xảy ra bao gồm sự sụt giá đồng tiền của của nước đó.

Quả thật, chính Mỹ đã phải giải thích cho cả thế giới rằng kích thích tiền tệ không phải là thao túng tiền tệ khi tiến hành nới lỏng định lượng vào năm 2010. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega, cha đẻ của cụm từ “chiến tranh tiền tệ,” đã cáo buộc Mỹ là kẻ gây hấn chính. Thực ra, Mỹ đã không can thiệp nhiều vào thị trường tiền tệ để bán đồng Đô la kể từ những lần can thiệp có thỏa thuận liên quan đến Thỏa ước Plaza[1] vào năm 1985.

Ngoài can thiệp vào thị trường-tiền tệ, những tiêu chí khác cũng được sử dụng để xác định xem một đồng tiền có bị cố ý định giá thấp hay không, hoặc theo cách định nghĩa của Điều khoản Hiệp ước thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), là “bị thao túng” nhằm đạt được “lợi thế cạnh tranh không công bằng.” Một trong những tiêu chí đó là thặng dư tài khoản vãng lai hoặc thặng dư thương mại lớn một cách bất hợp lý. Một tiêu chí khác nữa là trị giá hối đoái thực (sau khi điều chỉnh theo lạm phát) thấp một cách bất hợp lý. Nhưng có nhiều nước đang có thặng dư thương mại lớn hoặc có đồng tiền yếu và thường rất khó nói chúng có hợp lý hay không.

Cách đây 10 năm, đồng Nhân dân tệ có vẻ đáp ứng đủ các điều kiện để bị cho là được định giá thấp. Nhưng hiện nay tình hình không còn như vậy. Giá trị thực của đồng Nhân dân tệ đã tăng từ năm 2006 đến năm 2013. Số liệu thống kê về sức mua gần đây nhất cho thấy đồng tiền này đang nằm trong khoảng bình thường đối với một đất nước có thu nhập bình quân đầu người thực ở mức 10.000 Đô la Mỹ.

Ngược lại, tiêu chuẩn mà Quốc hội Mỹ xoáy vào – cán cân thương mại song phương – lại không phù hợp với quan điểm của những nhà kinh tế (và với các quy tắc của IMF). Sự thật là thặng dư thương mại song phương của Trung Quốc với Mỹ đang lớn nhất từ trước tới nay. Nhưng Trung Quốc cũng đang bị thâm hụt thương mại song phương với Ả Rập Xê-út, Úc, và các nước xuất khẩu dầu lửa và khoáng sản khác, và với Hàn Quốc, nơi Trung Quốc nhập khẩu linh kiện phục vụ chế tạo xuất khẩu. Thật vậy, giá trị nhập khẩu chiếm 95% giá trị của một chiếc điện thoại thông minh “Trung Quốc” xuất đi Mỹ; chỉ 5% là giá trị gia tăng của Trung Quốc. Vấn đề ở đây cho thấy yếu tố cán cân thương mại song phương không có ý nghĩa đáng kể.

Quốc hội yêu cầu bằng luật rằng Bộ Tài chính Mỹ phải báo cáo cho Quốc hội 2 lần/năm về các nước thao túng tiền tệ, chỉ rõ cán cân thương mại song phương là một tiêu chí xác định. Nhưng Quốc hội nên thận trọng với mong muốn của mình. Sẽ thật trớ trêu nếu Trung Quốc đồng ý với yêu sách của Mỹ để thả nổi đồng Nhân dân tệ và kết quả là đồng tiền này sụt giá, làm tăng tính cạnh tranh quốc tế của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Jeffrey Frankel là giáo sư Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, từng là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông điều hành Chương trình Tài chính quốc tế và Kinh tế vĩ mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, nơi ông là thành viên của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế (Business Cycle Dating Committee), là cơ quan chính thức của Mỹ chuyên xác định thời điểm suy thoái và phục hồi của nền kinh tế.

———————

[1] Theo thỏa ước này, nhóm G5 quyết định giảm giá đồng Đô la Mỹ so với đồng Yên Nhật và đồng Mác Đức (tiền tệ của CHLB Đức khi đó, lúc này đồng Euro chưa ra đời) bằng cách can thiệp thị trường ngoại hối nhằm cắt giảm thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ và giúp Mỹ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng hồi đầu những năm 1980 – NHĐ.