Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Vân
Khái niệm “chủ quyền” (sovereignty) gắn liền với các quốc gia – dân tộc được coi là có nguồn gốc từ Hòa ước Westphalia năm 1648, khi các chính phủ lúc bấy giờ ngừng hỗ trợ những nhóm cùng tôn giáo chống lại các nhà nước của họ, đồng thời thừa nhận quyền tài phán dựa trên lãnh thổ của các vương triều, gắn liền với việc tuân thủ chính sách không can thiệp vào biên giới lãnh thổ đã được xác định của các vương triều đó. Cùng với sự phát triển của luật pháp quốc tế, chủ quyền dần được coi là một thuộc tính chính trị, pháp lý chủ yếu của một quốc gia, thể hiện quyền lực tối cao của Nhà nước mà không gì có thể so sánh được trên bình diện quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau với những mục đích khác nhau khái niệm chủ quyền quốc gia được hiểu theo những khía cạnh khác nhau.
Vào thế kỷ 15 – 16 xuất hiện khái niệm chủ quyền tuyệt đối của quốc gia (trong cuốn sách “The Prince” của Machiavelli, xuất bản năm 1532) với chủ trương chủ quyền quốc gia phải tuyệt đối, phải được đặt lên trên tất cả mọi quyền lợi khác. Sau đó một số học giả như Jean Bodin và Hugo Grotius (thế kỷ 16 – 17) cũng chủ trương chủ quyền quốc gia phải tuyệt đối. Theo Jean Bodin “chủ quyền quốc gia là quyền được lãnh đạo và cưỡng chế, mà không phải chịu sự lãnh đạo hay cưỡng chế nào”. Tuy nhiên tính “tuyệt đối” của chủ quyền đã được các học giả này mềm hóa bằng những lý giải như: về phương diện đối nội, chủ quyền quốc gia bị hạn chế bởi pháp luật tự nhiên, cho nên chủ quyền quốc gia phải phù hợp với công lý và công bằng xã hội. Về phương diện đối ngoại, chủ quyền quốc gia chỉ bị hạn chế bởi hoàn cảnh, và do đó không thể có một quyền lực nào trên quyền lực của quốc gia. Quan điểm này đã vẫn vận dụng trong học thuyết của chủ nghĩa phát xít Đức và Ý và sau đó bị phê phán vì đã phủ nhận vai trò của luật pháp quốc tế.
Theo Charles Rousseau, khái niệm chủ quyền là sự độc lập hoàn toàn của quốc gia trong mọi hành động và sự toàn quyền của quốc gia đối với lãnh thổ của mình. Theo ông quốc gia có chủ quyền trong phạm vi lãnh thổ của mình, có toàn quyền tổ chức một bộ máy hành chính, có toàn quyền tài phán và cưỡng chế. Quốc gia độc lập có quyền tự do hành động, quyết định mà không phải theo mệnh lệnh của một quốc gia khác, đồng thời có toàn quyền quyết định những vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của mình mà các quốc gia khác không có quyền chi phối.
Gần đây, chủ quyền được coi là đặc trưng cho một quyền lực chính trị mà xét về mặt pháp lý, quyền lực đó không cần tuân theo bất kỳ một quyền lực nào khác để có thể đưa ra các quyết định hay các mệnh lệnh của mình. Paul Renter cho rằng “ Chủ quyền chỉ có một và duy nhất một đặc điểm: không phải tuân theo bất kỳ một quyền lực nào khác có cùng bản chất. Nói một cách đơn giản, chủ quyền có nghĩa là quốc gia phải nằm trên đỉnh trật tự hình tháp của các nhóm người”. Điều này một lần nữa được khẳng định tại Điều 2 khoản 1 Hiến chương Liên Hiệp Quốc “Tổ chức được thành lập dựa trên nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của tất cả các nước thành viên”. Quyết định Trọng tài năm 1928 trong vụ tranh chấp đảo Palme cũng chỉ rõ “Chủ quyền của quốc gia trong quan hệ với nhau đồng nghĩa với sự độc lập của quốc gia đó”. Nói cách khác, chủ quyền là một đảm bảo chắc chắn cho độc lập của quốc gia, nó không cho phép xây dựng một quyền lực cao hơn quốc gia. Do đó, các nước dù lớn hay nhỏ đều được hưởng nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và bất khả xâm phạm, được ghi nhận trong Nghị quyết 2625 (XXV) của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc “Mọi quốc gia đều có quyền lựa chọn cho mình một hệ thống chính trị, một mô hình kinh tế, văn hóa, xã hội riêng mà không một quốc gia nào có quyền can thiệp vào”.
Theo luật pháp quốc tế hiện đại, chủ quyền quốc gia bao gồm các khía cạnh:
- Mọi nhà nước đều bình đẳng về mặt pháp luật;
- Mỗi nhà nước đều được hưởng mọi quyền được định sẵn bởi chủ quyền đầy đủ của mình;
- Mỗi nhà nước đều phải tôn trọng thực tế thực thể pháp lý của các nhà nước khác;
- Tính toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của mỗi nhà nước là bất khả xâm phạm;
- Mỗi nhà nước có quyền lựa chọn và phát triển các hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của riêng mình;
- Mỗi nhà nước phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình và chung sống hòa bình với các nhà nước khác.
Một điểm đáng lưu ý ở đây là chủ quyền quốc gia không đồng nghĩa với quyền lực vô hạn và vô điều kiện của quốc gia. Các quốc gia có thể có các nghĩa vụ quốc tế, nhất là khi tham gia vào các điều ước quốc tế. Mặc dù các quốc gia có quyền lựa chọn có tham gia vào các điều ước này hay không, nhưng một khi đã tham gia vào các điều ước này họ buộc phải tuân thủ các nghĩa vụ và trao lại một phần chủ quyền của mình cho cộng đồng quốc tế.
Trong những năm gần đây khái niệm chủ quyền đã trở thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Bản chất của chủ quyền đã biến đổi cùng với sự gia tăng quá trình toàn cầu hóa trong lĩnh vực kinh tế, dẫn tới sự lu mờ các đường biên giới và làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia, đặc biệt là trong việc đưa ra các quyết định chính sách. Sự xuất hiện của các quốc gia thất bại hay những trường hợp lạm dụng nhân quyền đã dẫn tới các chiến dịch can thiệp nhân đạo, đồng thời làm hình thành một chuẩn tắc mới: “Trách nhiệm bảo vệ”. Những người ủng hộ Trách nhiệm bảo vệ lập luận rằng chủ quyền là một trách nhiệm chứ không phải một đặc quyền của các quốc gia. Theo đó, một khi một quốc gia có chủ quyền không đủ khả năng hoặc không muốn bảo vệ người dân của mình trước một số thảm họa nhân đạo nhất định thì cộng đồng quốc tế có quyền can thiệp vào quốc gia đó để ngăn chặn các thảm họa nhân đạo, bảo vệ sinh mạng thường dân của các quốc gia đó. Những tranh luận này vẫn còn tiếp tục và chúng ta vẫn còn có thể tiếp tục chứng kiến những thay đổi đối với nhận thức về khái niệm chủ quyền như là một nền tảng của hệ thống pháp luật và chính trị quốc tế trong tương lai.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).