Tổ chức Liên Chính phủ (IGOs)

Print Friendly, PDF & Email

United Nations Nominates Next Secretary-General

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Vân

Những tổ chức liên chính phủ đầu tiên ra đời vào thế kỷ 19. Thời kỳ đó chủ yếu là các tổ chức mang tính chất chuyên môn kỹ thuật như Ủy ban Trung ương sông Ranh, thành lập năm 1815; Liên minh Bưu chính Toàn cầu, thành lập năm 1874… Tổ chức toàn cầu đầu tiên có thẩm quyền chung là Hội Quốc Liên, thành lập năm 1919 với mục đích giữ gìn hòa bình quốc tế. Năm 1945 tổ chức này được thay thế bằng tổ chức Liên Hiệp Quốc. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai số lượng các tổ chức liên chính phủ đã tăng lên đáng kể. Với xu thế hội nhập toàn cầu như hiện nay thì việc mở rộng hợp tác giữa các quốc gia về mọi mặt của đời sống là điều tất yếu. Do đó, các mô hình hợp tác khác của quốc gia, đặc biệt là thông qua các tổ chức liên chính phủ, ngày càng được mở rộng và trở nên phong phú.

Theo nghiên cứu của Ủy ban Pháp luật Quốc tế năm 1956, tổ chức liên chính phủ được định nghĩa là “hiệp hội các quốc gia được thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế, có văn kiện thành lập và các cơ quan chung, có tư cách pháp nhân độc lập tách biệt với tư cách pháp nhân của các quốc gia thành viên”.  Định nghĩa này bao hàm rất nhiều thực tế khác nhau, không tồn tại một loại hình tổ chức quốc tế duy nhất mà có rất nhiều thiết chế đa dạng với cơ cấu tổ chức, thẩm quyền và mục đích khác nhau. Do đó các tổ chức liên chính phủ có thể được phân loại theo các tiêu chí khác nhau. Theo thành phần tham gia, tổ chức quốc tế được phân thành tổ chức quốc tế toàn cầu như Liên Hiệp Quốc (UN), hay tổ chức quốc tế khu vực, như Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… Theo lĩnh vực chuyên môn thì tổ chức quốc tế được phân loại dựa trên lĩnh vực hoạt động, như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)…. Theo chức năng, tổ chức quốc tế được phân thành tổ chức hợp tác và tổ chức hội nhập. Tổ chức hợp tác thường có cơ cấu gọn nhẹ, nhiệm vụ rõ ràng, tạo thuận lợi cho việc phát triển hợp tác giữa các quốc gia. Trong khi đó tổ chức hội nhập thường có cơ cấu chặt chẽ và có nhiệm vụ phát huy quyền quyết định của tổ chức quốc tế và tạo điều kiện hội nhập cho các quốc gia.

Với tư cách là một trong các chủ thể của luật quốc tế, tổ chức quốc tế liên chính phủ có quyền năng của một chủ thể luật quốc tế, có hệ thống các cơ quan đề duy trì hoạt động thường xuyên theo đúng mục đích, tôn chỉ hoạt động. Về nguyên tắc, chỉ quốc gia có chủ quyền mới có thể trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức liên chính phủ, qua đó có quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một quốc gia thành viên. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có các chủ thể khác là các tổ chức liên chính phủ khác và các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập nhưng những chủ thể này thường tham gia với tư cách là quan sát viên, được tham dự các cuộc thảo luận liên quan đến mình.

Điều ước quốc tế thành lập các tổ chức này được kí kết giữa các quốc gia thành viên và chứa đựng các nguyên tắc hoạt động của tổ chức đó, có vai trò như một bản hiến pháp đối với các quốc gia. Các điều ước quốc tế này có nhiều tên gọi khác nhau: Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên bố Bangkok thành lập ASEAN… Tuy nhiên về bản chất các văn kiện này đều có ý nghĩa là điều lệ của tổ chức quốc tế đó, trong đó quy định các mục đích, nguyên tắc, cơ cấu tổ chức và hoạt động của tổ chức quốc tế đó.

Các tổ chức quốc tế liên chính phủ hình thành trên nhu cầu liên kết các quốc gia. Để thực hiện được sứ mệnh của mình mà các quốc gia thành viên giao phó thì tổ chức quốc tế đó phải có cơ cấu tổ chức nhất định. Các cơ quan của tổ chức quốc tế gồm cơ quan chính được quy định trong điều ước và cơ quan bổ trợ do cơ quan chính thành lập nhằm giúp việc cho cơ quan chính. Ví dụ Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định Liên Hiệp Quốc có 6 cơ quan chính với chức năng riêng như Đại Hội đồng là cơ quan toàn thể, Hội đồng Bảo an có chức năng giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới, Hội đồng quản thác, Tòa án công lý quốc tế… Ngoài ra Liên Hiệp Quốc còn có hàng chục tổ chức chuyên môn, giúp việc khác.

Với mục đích hoạt động thường xuyên, liên tục các tổ chức quốc tế liên chính phủ phải có trụ sở hoạt động. Đây là điều khác biệt với các diễn đàn và hội nghị quốc tế. Các hội nghị, diễn đàn, như diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), thường không có trụ sở hoạt động. Tới kỳ họp thì các hội nghị hay diễn đàn thành lập ủy ban chuẩn bị, tiến hành hội nghị và khi hội nghị kết thúc thì những ủy ban đó cũng giản tán, không tồn tại nữa. Đây cũng là một yếu tổ thể hiện các tổ chức quốc tế liên chính phủ có tư cách pháp nhân quốc tế. Điều này cũng được khẳng định tại Bản ý kiến  (Vụ “Bồi thường thiệt hại cho Liên Hiệp Quốc”, năm 1949), trong đó Tòa án Tư pháp Quốc tế đã công nhận tư cách pháp nhân của Liên Hiệp Quốc. Tòa án Tư pháp Quốc tế còn khẳng định, do tính đại diện của Liên Hiệp Quốc nên Liên Hiệp Quốc có tư cách pháp nhân khách quan không chỉ đối với các nước thành viên mà còn đối với tất cả các nước khác.

Tư cách pháp nhân của các tổ chức liên chính phủ có tính chức năng được giới hạn bởi phạm vi thực thi quyền hạn theo đúng mục đích được quy định trong văn kiện thành lập. Mặt khác, quyền năng chủ thể của các tổ chức liên chính phủ thể hiện ở khả năng của các tổ chức này trong việc tham gia vào các quan hệ pháp luật quốc tế với tư cách chủ thể độc lập. Trong khi quyền năng chủ thể của quốc gia là quyền năng tuyệt đối trên cơ sở chủ quyền thì quyền năng của các tổ chức liên chính phủ là quyền năng phái sinh và hạn chế. Tính phái sinh thể hiện ở chỗ đối với tổ chức quốc tế liên chính phủ quyền năng này không phải là thuộc tính vốn có của tổ chức quốc tế mà do các quốc gia thừa nhận trao cho. Trong điều ước quốc tế thành lập tổ chức quốc tế, các quốc gia thành viên thường thỏa thuận về tư cách chủ thể của luật quốc tế, quy định phạm vi thẩm quyền của tổ chức đó. Mặt khác, tính hạn chế của quyền năng chủ thể của các tổ chức này thể hiện ở việc trong khi quốc gia có thể tự quyết định tham gia vào bất cứ quan hệ nào trên cơ sở chủ quyền thì các tổ chức liên chính phủ chỉ có thể tham gia hoạt động trong các lĩnh vực mà các thành viên của nó trao cho, ví dụ WTO chỉ được hoạt động trong lĩnh vực thương mại mà không được hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, hay ASEAN chỉ được hoạt động trong khuôn khổ các nước Đông Nam Á, bị giới hạn phạm vi không gian.

Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hợp tác trở nên nổi trội, số lượng các tổ chức liên chính phủ được thành lập ngày càng nhiều nhằm điều phối và thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các quốc gia. Điều này phù hợp với lập luận của các nhà tân tự do khi họ cho rằng việc hình thành các tổ chức quốc tế liên chính phủ là nhu cầu tất yếu bởi các tổ chức này giúp góp phần giảm tình trạng “thông tin bất đối xứng”, qua đó giúp các quốc gia hiểu rõ nhau hơn và có thể xây dựng các kỳ vọng về hành vi của nhau. Các tổ chức này cũng giúp giảm chi phí giải quyết các vấn đề chung và tạo ra một khuôn khổ mang tính pháp lý để điểu chỉnh hành vi của mỗi chủ thể tham gia chính trị quốc tế. Trong bối cảnh vô chính phủ của hệ thống quốc tế, các tổ chức liên chính phủ toàn cầu như Liên Hiệp Quốc cũng là một cách tiếp cận giúp tiến tới mô hình quản trị toàn cầu được kỳ vọng sẽ hình thành trong tương lai.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]