Chương trình 14 điểm (Fourteen Points)

us-wilson-desk

Tác giả: Phạm Thủy Tiên

Chương trình 14 điểm là bài diễn văn mà Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã trình bày trong một phiên họp tại Quốc hội Mỹ vào ngày 8 tháng 1 năm 1918. Nội dung bài diễn văn bàn về mục đích chiến tranh và phương cách duy trì hòa bình sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Mặc dù ra đời 10 tháng trước khi quân Đức đưa ra thỏa thuận ngừng chiến nhưng Chương trình 14 điểm vẫn được xem như là một kế hoạch chi tiết cho nền hòa bình thế giới, và được sử dụng rất nhiều trong Hội nghị hòa bình Paris 1919 cũng như Hiệp ước Versailles – đưa ra các quy định và điều khoản hậu chiến cho các nước tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Chương trình 14 điểm đưa ra các nguyên tắc dựa trên chủ nghĩa tiến bộ, vốn đã được áp dụng để cải cách nội bộ nước Mỹ và sau đó đưa vào chính sách đối ngoại (thương mại tự do, các thỏa thuận mở, dân chủ và quyền tự quyết). Trong bài diễn văn của mình, Tổng thống Wilson đã trực tiếp đề cập đến những gì mà ông cho là nguyên nhân của cuộc chiến tranh thế giới, bằng cách kêu gọi hủy bỏ các hiệp ước bí mật, giảm lượng vũ khí, điều chỉnh quyền yêu sách cho các thuộc địa và quyền tự do trên biển. Wilson còn đề cập đến những kế hoạch có thể đảm bảo hòa bình thế giới trong tương lai.

Nhóm “The Inquiry”  
Chi tiết bài diễn văn Chương trình 14 điểm của tổng thống Wilson dựa trên các báo cáo của nhóm “The Inquiry”, gồm khoảng 150 nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực xã hội và chính trị Mỹ, đứng đầu là cố vấn đồng thời là người bạn lâu năm của Wilson, Đại tá Edward M. House. “The Inquiry” hoạt động dưới hình thức của một hội kín. Công việc của nhóm là nghiên cứu về phe Đồng minh và chính sách Hoa Kỳ ở hầu khắp các vùng trên toàn cầu.

Hiện nay, “The Inquiry” được phát triển thành Hội đồng ngoại giao (Council on Foreign Relations) và là đơn vị phát hành tạp chí Foreign Affairs chuyên về các vấn đề quan hệ quốc tế.

Chương trình 14 điểm bao gồm nội dung vắn tắt như sau:

  1. Hủy bỏ các thương lượng bí mật;
  2. Đảm bảo tự do đi lại trên biển trong thời kỳ hòa bình cũng như chiến tranh;
  3. Gỡ bỏ các hàng rào kinh tế giữa các nước;
  4. Đảm bảo giảm thiểu trang bị quân sự đủ đáp ứng nhu cầu an ninh nội địa;
  5. Điều chỉnh một cách tự do, công bằng quyền yêu sách của các thuộc địa, đặt mối quan tâm tới quyền lợi của những người dân bị tác động ngang hàng với lợi ích của các chính phủ liên quan tới yêu sách;
  6. Các đạo quân ngoại quốc rút ra khỏi đất Nga và phục hồi các miền đất bị người Ngachinh phục;
  7. Phục hồi nền độc lập cho nước Bỉ;
  8. Trao trả 2 miền Alsace và Lorraine về cho nước Pháp;
  9. Điều chỉnh lại biên giới của nước Ý;
  10. Phát triển quyền tự trị cho các dân tộc Áo-Hung;
  11. Phục hồi các xứ Rumani, Serbiavà Montenegro; Serbia được tự do và đảm bảo an ninh các con đường thông ra biển; đảm bảo về độc lập chính trị, kinh tế và toàn vẹn lãnh thổ cho một số quốc gia vùng Bancăng.
  12. Phát triển quyền tự trị dân tộc cho Thổ Nhĩ Kỳ, đảm bảo eo biển Dardanelles từ Biển Đen dẫn tới Địa Trung Hải phải được mở thường xuyên cho tàu thuyền qua lại;
  13. Đảm bảo một xứ Ba Lanđộc lập do dân tộc Ba Lan cư ngụ và có đường tiếp cận ra biển;
  14. Thành lập một tổ chức của các quốc gia trên thế giới nhằm bảo vệ độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ cho các nước thành viên.

Chương trình 14 điểm của Wilson được cho là nhằm làm suy yếu bước tiến của phe Liên minh trung tâm (nòng cốt là Đức, Áo – Hung) và cổ vũ chiến thắng cho phe Đồng minh (Anh, Pháp, Nga và sau này có thêm Mỹ). Hàng ngàn bản in Chương trình 14 điểm đã được thả bên phần chiến tuyến của Đức để thuyết phục quân đội và dân chúng Đức rằng các quốc gia Đồng minh đang cố gắng vận động một nền hòa bình công bằng và vĩnh cửu. Một bức điện từ Hoàng tử Miximilian của xứ Baden, lãnh đạo hoàng gia Đức, sau đó đã được gửi đến cho tổng thống Wilson vào tháng 10 năm 1918, đề nghị một thỏa thuận ngừng chiến ngay lập tức và các cuộc đàm phán hòa bình dựa trên nội dung của Chương trình 14 điểm.

Tuy nhiên, khi phe Đồng minh đến Versailles để thành lập một hiệp ước kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất với Đức và Áo – Hung thì hầu hết các điểm trong Chương trình 14 điểm của Wilson đã bị Anh và Pháp bác bỏ. Người Anh phản đối tự do trên biển, người Pháp phản đối bồi thường chiến phí. Lúc này, Wilson nhận ra rằng Anh, Pháp và Ý chỉ quan tâm đến việc lấy lại những gì mình đã mất và gom góp thêm lợi ích thông qua việc trừng phạt nước Đức. Còn người Đức cũng nhanh chóng nhận thấy rằng kế hoạch hòa bình thế giới của Wilson không thể áp dụng cho họ. Ngoài ra, bất chấp những nỗ lực không biết mệt mỏi của Wilson trong việc vận động, Thượng viện Mỹ cũng đã không thông qua chương trình này cùng Hiệp ước Versailles, do những bất đồng giữa chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa biệt lập trong nội bộ nước Mỹ, đồng thời cho rằng Wilson đã quá lý tưởng hóa tình hình thực tế. Lần bỏ phiếu cuối cùng cho Hiệp ước này tại Thượng viện diễn ra vào ngày 19 tháng 3 năm 1920 và đã thất bại với 2/3 phiếu chống.

Cuối cùng, Hiệp ước Versailles đi ngược lại rất nhiều nội dung chính trong Chương trình 14 điểm. Thay vì đi đến một “nền hòa bình chung không chiến thắng”, Hiệp ước đã đưa ra những mức phạt nặng nề cho Đức, cả về kinh tế lẫn lãnh thổ. Chính kết quả “cay đắng” này đã góp phần tạo nên cơn suy thoái kinh tế cho nước Đức vào thập niên 1920 và là mầm mống dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít vào những năm 1930.

Thắng lợi được cho là to lớn nhất của Chương trình 14 điểm chính là sự thành lập của một tổ chức quốc tế, có thể đảm bảo một hệ thống an ninh và cơ chế giải quyết mâu thuẫn cho các quốc gia thành viên, sau này được biết đến với tên gọi Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc). Tuy nhiên, một lần nữa, Tổng thống Wilson lại tiếp tục thất bại trong việc thuyết phục Thượng viện Mỹ đưa nước này gia nhập Hội Quốc Liên. Các thượng nghị sĩ cho rằng cam kết với Hội Quốc Liên nghĩa là Mỹ sẽ phải đưa quân đội của mình tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào có thể nổi lên trên thế giới. Wilson sau này từng nói, việc Mỹ vắng mặt ở Hội Quốc Liên sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới khác trong vòng một thế hệ. Và Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã chứng minh điều đó.

Nhờ những nỗ lực tạo dựng hòa bình của mình, đặc biệt là thông qua Chương trình 14 điểm, Tổng thống Wilson đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1919.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).