29/03/1973: Lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam

article-2300820-18FA814E000005DC-671_634x446

Nguồn:U.S. withdraws from Vietnam,” History.com (truy cập ngày 29/3/2015.)

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Hai tháng sau khi Hiệp định hòa bình Paris được ký kết, những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam khi Hà Nội thả tự do những tù nhân Mỹ bị giam giữ ở miền Bắc Việt Nam. Cuộc can thiệp trực tiếp kéo dài 8 năm của Mỹ vào Chiến tranh Việt Nam đang đi đến hồi kết thúc. Tại Sài Gòn, khoảng 7.000 nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn tiếp tục ở lại để viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến khốc liệt kéo dài với Cộng sản Bắc Việt.

Năm 1961, sau hai thập niên viện trợ quân sự gián tiếp, Tổng thống John F. Kennedy gửi một lực lượng lớn binh lính Mỹ đến Việt Nam để củng cố chế độ độc tài thiếu hiệu quả của miền Nam Việt Nam chống lại Cộng sản miền Bắc. Ba năm sau, với việc chính phủ miền Nam Việt Nam sụp đổ (sau cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm và 14 cuộc đảo chính liên tiếp trong vòng một năm rưỡi sau đó), Tổng thống Lyndon B. Johnson ra lệnh oanh tạc Bắc Việt Nam, và Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn việc sử dụng quân đội Mỹ. Năm 1965, các chiến dịch tấn công của Bắc Việt buộc Tổng thống Johnson đứng trước hai sự lựa chọn: tăng cường sự can thiệp của quân đội Mỹ hoặc rút quân. Johnson chọn tăng cường, quân số nhanh nhóng nhảy vọt tới hơn 300.000 khi lực lượng không quân Mỹ bắt đầu chiến dịch ném bom lớn nhất trong lịch sử.

Trong những năm sau đó, việc cuộc chiến sa lầy, số lính Mỹ thương vong lớn, và việc Mỹ tham gia vào các tội ác chiến tranh bại lộ, chẳng hạn như cuộc Thảm sát Mỹ Lai, đã khiến nhiều người Mỹ ngày càng phản đối chiến tranh Việt Nam. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968 của quân đội cộng sản đã đập tan hi vọng của Mỹ về việc sớm chấm dứt cuộc xung đột và kích động làn sóng phản đối chiến tranh ở Mỹ. Đáp lại, Johnson thông báo vào tháng 3 năm 1968 là ông sẽ không tái tranh cử, với lý do là trách nhiệm của ông trong việc gây ra sự chia rẽ dân tộc nguy hiểm vì vấn đề Việt Nam. Ông cũng phê chuẩn việc mở ra các cuộc đàm phán hòa bình.

Mùa xuân năm 1969, khi các cuộc biểu tình chống chiến tranh bùng lên ở Hoa Kỳ, sức mạnh quân Mỹ ở đất nước đang bị chiến tranh tàn phá lên tới đỉnh điểm ở mức gần 550.000 người. Richard Nixon, Tổng thống Mỹ mới, bắt đầu rút quân Mỹ và “Việt Nam hóa” chiến tranh, nhưng lại tăng cường ném bom. Mỹ tiếp tục rút quân với số lượng lớn trong năm 1970 khi Tổng thống Nixon mở rộng các chiến dịch trên không và dưới mặt đất tại Campuchia và Lào trong một nỗ lực ngăn chặn đường tiếp tế của kẻ địch dọc theo biên giới Việt Nam. Việc mở rộng cuộc chiến, vốn chỉ đem lại rất ít kết quả tích cực, dẫn đến nhiều làn sóng biểu tình chống chiến tranh ở Hoa Kỳ và các nơi khác.

Cuối cùng, vào tháng 1 năm 1973, đại diện của Hoa Kỳ, Bắc và Nam Việt Nam, và Việt Cộng (tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) đã ký Hiệp định hòa bình ở Paris, chấm dứt sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam. Điều khoản chủ yếu của Hiệp định này bao gồm lệnh ngừng bắn trên toàn Việt Nam, quân đội Mỹ rút lui, trao trả tù nhân chiến tranh, và thống nhất đất nước giữa Bắc và Nam Việt Nam thông qua các biện pháp hòa bình. Chính phủ miền Nam Việt Nam tiếp tục hoạt động cho đến khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức, và các lực lượng Bắc Việt tại miền Nam không được tiến xa hoặc củng cố thêm.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiệp định này không hơn gì một hành động để giữ thể diện của chính phủ Mỹ. Đến đầu năm 1974, cuộc chiến tranh toàn diện được nối lại. Cuối năm 1974, chính quyền Nam Việt Nam cho biết có khoảng 80.000 binh lính và dân thường của họ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh năm đó, trở thành tổn thất lớn nhất trong suốt Chiến tranh Việt Nam.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, một số ít người Mỹ cuối cùng ở lại miền Nam Việt Nam được di tản khỏi đất nước này khi Sài Gòn thất thủ trước quân đội cộng sản. Đại tá Bắc Việt Bùi Tín, chấp thuận tuyên bố đầu hàng của chính phủ miền Nam Việt Nam, nói (với Tổng thống Dương Văn Minh), “Anh không việc gì phải sợ; giữa Việt Nam ta không có kẻ thắng người thua. Chỉ có người Mỹ là kẻ bại trận.” Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến dài nhất và không được ủng hộ nhất trong lịch sử nước Mỹ, phải trả giá bằng sinh mạng của hơn 58.000 lính Mỹ. Hơn hai triệu binh lính và dân thường Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến này.

Các chú thích trong ngoặc đơn là của người dịch.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]