Những đồng minh châu Á hay cãi vã của Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

south-korea-japan-20140213

Nguồn: Kent Harrington, “America’s Bickering Asian Allies”, Project Syndicate, 20/03/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Lương Khánh Ninh

Các nhà ngoại giao Mỹ thích mô tả các đồng minh của mình bằng những lời khen có cánh. Vì vậy, thế giới cần lưu ý mỗi khi họ không làm vậy – chẳng hạn như khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, tại một hội nghị về an ninh châu Á gần đây tại Washington DC, đã giận dữ chỉ trích Hàn Quốc một cách công khai vì những lời lẽ xúc phạm Nhật Bản dường như vô tận của nước này. Theo bà Sherman, lập trường của Hàn Quốc, vốn được thể hiện trong yêu cầu buộc Nhật Bản phải xin lỗi một lần nữa vì đã ép nhiều phụ nữ Hàn làm nô lệ tình dục cho Quân đội Hoàng gia Nhật trong suốt Thế chiến II, chỉ dẫn đến “bế tắc chứ không phải tiến triển”.

Tuy nhiên, lời chỉ trích của Sherman cũng có thể nhắm vào Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe hiếm khi bỏ lỡ cơ hội kích động những người chỉ trích Nhật ở Hàn Quốc, dù bằng cách viếng thăm Đền Yasukuni ở Tokyo nơi thờ cúng 14 tội phạm chiến tranh hạng A, hoặc ủng hộ những ý kiến đánh giá mang tính xét lại (revisionist) đối với những lời xin lỗi chính thức trước đây về cuộc xâm lược của Nhật Bản.

Thay vì làm việc với nhau để giúp đồng minh Mỹ của họ đối đầu với những thách thức từ một Trung Quốc đang trỗi dậy và mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cho phép sự hận thù giữa họ gây cản trở các hành động mang tính hiệu quả. Sự căng thẳng dường như vô tận này khiến các nhà lãnh đạo Mỹ mệt mỏi và lo lắng trong suốt một thời gian dài, đặc biệt bởi nó làm suy yếu chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ.

Kể từ khi Tổng thống Barack Obama thông báo chiến lược “xoay trục” 5 năm trước đây, Mỹ đã nỗ lực củng cố lực lượng quân đội và liên minh của mình ở châu Á, qua đó củng cố vai trò chiến lược của Mỹ trong một khu vực mà Trung Quốc đang ngày càng cố gắng thống trị. Dù vậy, những chỉ trích qua lại không ngừng giữa hai đồng minh quan trọng nhất ở châu Á đã ngăn chặn sự hợp tác cụ thể cần thiết để Mỹ đạt được các mục tiêu chính của mình, bao gồm việc bảo đảm sự hiện diện quân sự bền vững và lâu dài trong khu vực.

Chia sẻ thông tin tình báo là một ví dụ điển hình. Trong tháng 12, các quan chức Mỹ, vốn muốn hiểu rõ thêm về các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên và cho phép các chỉ huy phản ứng nhanh chóng nếu những mối đe dọa tiềm năng trở thành hiện thực – đã công bố một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo mới với Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng thỏa thuận này có thể trở thành một kịch bản hài hước: Nhật và Hàn từ chối cung cấp dữ liệu tình báo (trực tiếp) cho nhau, khiến Mỹ phải đóng vai trò trung gian.

Mỹ đã nhấn mạnh khía cạnh tích cực của thỏa thuận này và gọi nó là một bước tiến quan trọng. Dù vậy, với việc người dân Hàn Quốc phản đối ý tưởng hợp tác quân sự với Nhật Bản đã khiến một thỏa thuận tương tự sụp đổ thì nỗ lực gần đây nhất hoàn toàn không mang lại hiệu quả, bất chấp thỏa thuận này cho thấy sự tiến triển kể từ năm 2012.

Trung Quốc luôn muốn lợi dụng sự bất đồng giữa Nhật và Hàn để phá hoại lợi ích an ninh của Mỹ ở châu Á. Trong một chuyến thăm Hàn Quốc cuối tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng hai nước không chỉ có mối quan hệ kinh tế sâu sắc mà còn có chung quan điểm về quá khứ chiến tranh của Nhật Bản. Các quan chức Trung Quốc khác cũng đã gợi lại chủ đề này, úp mở rằng Lễ kỷ niệm 70 năm Thế chiến II kết thúc của Trung Quốc có thể sẽ không có mặt Nhật Bản – trừ khi Nhật tỏ ra ăn năn hơn về những tội lỗi trong lịch sử của nước này.

Đây là lúc để Mỹ kêu gọi các đồng minh châu Á của mình vượt lên thù hận. Trên cương vị quốc gia bảo hộ quốc phòng của cả Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đơn giản là không thể cho phép những thù hận lịch sử giữa hai nước ngăn cản những hành động nhằm giải quyết các mối đe dọa cấp thiết trong khu vực tối quan trọng này.

Không còn thời điểm nào tốt hơn lúc này khi những quan ngại an ninh gia tăng đang làm thay đổi nhận thức của công chúng. Thăm dò dư luận gần đây cho thấy rằng ít nhất một nửa người dân Hàn Quốc đang lo ngại về những căng thẳng trong khu vực đến mức đủ để ủng hộ quan hệ quân sự gần gũi hơn với Nhật Bản.

Thật vậy, những rủi ro an ninh mà châu Á phải đối mặt rõ ràng đang gia tăng – điển hình là động thái của Trung Quốc từ bành trướng quân sự sang những hành động cương quyết đến mức trắng trợn. Đáng chú ý nhất là ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang công khai tuyên bố chủ quyền đối với những đảo đang tranh chấp, triển khai các thiết bị quân sự tiên tiến, và tiến hành tuần tra một cách hung hăng trên một khu vực an ninh ngày một rộng lớn. Trong khi đó, một số thông tin rò rỉ từ các viện chính sách của Trung Quốc cho thấy nếu chế độ Triều Tiên sụp đổ thì Trung Quốc cũng có thể gửi quân đội vào để bảo vệ sự ổn định của nước này.

Viễn cảnh an ninh mới của châu Á cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác thông suốt giữa các đồng minh của Mỹ – một viễn cảnh trong đó cuộc tranh cãi kéo dài giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bị nghi ngờ về tính đúng đắn của nó. Thậm chí có thể nói rằng tranh chấp dai dẳng giữa hai nước làm cho hệ thống đồng minh châu Á của Mỹ có giá trị thấp hơn so với tổng các bộ phận hợp thành.

Việc sửa chữa mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản là không thể đợi chờ. Ngay cả với thiện chí của cả hai bên, sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng một quan hệ đối tác quốc phòng vững mạnh. Hợp tác quân sự hiệu quả đòi hỏi mối quan hệ cá nhân xây dựng qua nhiều năm, trong khi ngoài một số cuộc tập trận hải quân và không quân chung thì hai nước hầu như không có kinh nghiệm làm việc cùng nhau trong lĩnh vực này. Tăng cường khả năng tương tác kỹ thuật cũng sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể, mặc dù cả hai nước đều duy trì lực lượng phòng thủ tinh vi với tiềm năng liên kết rất lớn.

Hợp tác có hiệu quả cũng sẽ đòi hỏi một phạm vi hành động chung rộng hơn – một điều cấp thiết nhưng lại không được phản ánh trong thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo gần đây. Các rủi ro đối với sự ổn định ở Đông Bắc Á vượt xa các chương trình vũ khí và tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, và một chương trình nghị sự tình báo chung có thể giải quyết chúng. Các đồng minh sẽ phản ứng như thế nào trước mối đe dọa của một cuộc tấn công quân sự thông thường từ phía Triều Tiên hay sự bất ổn ở nước này? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chế độ Triều Tiên sụp đổ và Trung Quốc thực sự tiến hành can thiệp quân sự?

Sau sáu thập kỷ bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ có mọi lý do – và nhiều đòn bẩy – để yêu cầu hai đồng minh lâu năm của mình tăng cường hợp tác quân sự với nhau. Chỉ đơn giản tập trung vào những điều tích cực – một phương pháp tiếp cận kinh điển của Mỹ với ngoại giao liên minh – lúc này không còn đủ nữa.

Dù bất đồng lịch sử của họ là gì, Hàn Quốc và Nhật Bản đều phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng ngay trong khu vực láng giềng của mình. Và Hoa Kỳ đóng vai trò quyết định trong việc đảm bảo rằng hai nước sẽ hợp tác với nhau nhằm bảo vệ chính họ – và đảm bảo sự ổn định lâu dài trên toàn châu Á.

Kent Harrington là cựu chuyên gia phân tích cao cấp của CIA và từng là Sĩ quan Tình báo Quốc gia về Đông Nam Á, Trưởng Văn phòng phụ trách ở châu Á, và là Giám đốc Quan hệ Công chúng của CIA.