Nguồn: “U.S. enters World War I“, History.com (truy cập ngày 05/04/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Lê Thanh Danh
Ngày 6 tháng 4 năm 1917, hai ngày sau khi Thượng viện Mỹ bỏ phiếu tuyên bố chiến tranh với nước Đức với kết quả 82 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Hạ viện Mỹ cũng chính thức thông qua quyết định trên với số phiếu là 373 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Nước Mỹ chính thức tham gia Thế chiến I.
Khi Thế chiến I mới nổ ra vào năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson đã cam kết nước Mỹ giữ trung lập, một lập trường được ủng hộ bởi đại đa số người Mỹ thời bấy giờ. Tuy nhiên, Vương quốc Anh lại là một trong những đối tác thương mại gần gũi nhất của Mỹ. Căng thẳng giữa Mỹ và Đức sớm nổ ra xoay quanh việc nước Đức cố tìm cách cô lập nước Anh.
Một vài tàu buôn Hoa Kỳ khi đến Anh đã bị hư hại hoặc bị đánh chìm bởi thuỷ lôi của quân đội Đức. Tháng 2 năm 1915, nước Đức còn tuyên bố sẵn sàng tấn công mọi tàu bè nào, dù trung lập hay không trung lập, dám đi vào vùng chiến sự xung quanh nước Anh. Một tháng sau, quân Đức thông báo một tàu chiến của mình đã đánh chìm tàu buôn tư nhân William P.Frye của Mỹ. Tổng tống Wilson đã vô cùng giận dữ. Tuy nhiên, chính quyền Đức đã chủ động đưa ra lời xin lỗi, khẳng định cuộc tấn công chỉ là một nhầm lẫn không may.
Vào ngày 7 tháng 5, tàu khách Lusitania của Anh bất ngờ va phải thuỷ lôi ở ngoài khơi bờ biển Ireland. Trong tổng số 2.000 hành khách trên tàu, đã có 1.201 người thiệt mạng với 128 nạn nhân là người Mỹ. Phía Đức khẳng định tàu Lusitania thực tế là một tàu tiếp tế đạn dược. Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn yêu cầu phía Đức đền bù thiệt hại và chấm dứt các đợt tấn công nhắm vào các tàu khách và tàu buôn không vũ trang. Tháng 8 năm 1915, Đức cũng đã cam kết sẽ đảm bảo sự an toàn của hành khách trước khi đánh chìm các tàu không vũ trang. Thế nhưng, đến tháng 11, một tàu ngầm của Đức (U-boat) đã bất ngờ đánh chìm một tàu chở khách của Ý, làm 272 người tử vong, trong đó có 27 hành khách là người Mỹ. Sau những đợt tấn công này, quan điểm của xã hội Mỹ bắt đầu công khai xoay sang hướng chống nước Đức.
Vào tháng 2 năm 1917, với quyết tâm tận dụng sự suy yếu của phe Hiệp ước, giành chiến thắng trong cuộc chiến, nước Đức một lần nữa sử dụng chính sách chiến tranh tàu ngầm bất quy ước (tấn công không báo trước – ND) tại các vùng biển chiến sự. Ba ngày sau, nước Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đức, cùng thời điểm tàu khách Housatonic của Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh chìm. Vào ngày 22 tháng 2, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép sử dụng 250 triệu đô-la cho mua sắm vũ khí nhằm chuẩn bị cho quân đội Mỹ bước vào cuộc chiến. Cuối tháng 3 năm 1917, Đức tiếp tục đánh chìm thêm bốn tàu buôn của Mỹ. Ngày 2 tháng 4, tổng thống Wilson đã đứng trước toàn thể Quốc hội đọc bản thông điệp chiến tranh nổi tiếng của mình. Chỉ trong vòng bốn ngày, lưỡng viện đã bỏ phiếu đồng ý phát động chiến tranh.
Mặc dù đã có những biện pháp chuẩn bị cho quân đội Mỹ vài năm trước khi tham chiến, tổng thống Wilson vẫn không thể lập tức hỗ trợ phe Hiệp ước về mặt quân số. Vào thời điểm nước Mỹ bước chân vào cuộc chiến, quân đội nước này chỉ huy động được vỏn vẹn 100.000 người. Để giải quyết vấn đề này, Wilson đã cho thông qua chính sách tuyển quân mới. Khi cuộc chiến chấm dứt vào ngày 11 tháng 11 năm 1918, đã có hơn hai triệu lính Mỹ tham gia trên các chiến trường Tây Âu. Có hơn 50.000 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng. Tuy nhiên, tác động quan trọng nhất khi Mỹ tham gia vào cuộc chiến là về phương diện kinh tế. Tính đến đầu tháng 4 năm 1917, Vương quốc Anh đã chi trả gần 75 triệu đô-la một tuần để mua vũ khí và hàng tiếp tế của Mỹ nhằm phục vụ cho bản thân nước Anh và các đồng minh của mình. Nước Anh cũng đã phải thấu chi một khoản tiền lên đến gần 358 triệu đô-la Mỹ. Việc Mỹ tham gia vào cuộc chiến đã cứu Vương quốc Anh cùng toàn bộ phe Hiệp ước khỏi tình cảnh phá sản.
Mỹ cũng đóng vai trò quyết định khi hỗ trợ hải quân của phe Hiệp ước duy trì bao vây hàng hải đối với nước Đức, bắt đầu từ năm 1914, nhằm tiêu diệt nước Đức về phương diện kinh tế. Các lực lượng Hải quân Mỹ đã đến Vương quốc Anh vào ngày 9 tháng 4 năm 1917, chỉ ba ngày sau khi tuyên bố chiến tranh. Trong khi đó, người được bổ nhiệm làm chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu, tướng John J. Pershing, mãi đến ngày 14 tháng 6 mới cùng 14.000 lính bộ binh đầu tiên của Mỹ cập bến tại Pháp để tham gia huấn luyện tác chiến. Dù những đóng góp của quân đội Mỹ khởi đầu khá chậm chạp, nhưng chúng cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến và giúp phe Hiệp ước giành thắng lợi cuối cùng.