Mục tiêu lạm phát 2% của Fed ra đời như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

rwcvmb0swcfs3imn

Nguồn: Robert Heller, “The Fed Versus Price Stability,” Project Syndicate, 19/3/2015.

Biên dịch: Trần Hương Phong | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Có một sự khác biệt lớn giữa nhiệm vụ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là duy trì “giá cả ổn định” – như được đề ra trong Đạo luật Dự trữ Liên bang – và mục tiêu mà Fed tự đề là đạt tỉ lệ lạm phát ở mức 2% một năm. Vậy làm thế nào mà các nhà hoạch định chính sách có thể thay thế mục tiêu thứ nhất bằng mục tiêu thứ hai?

Thuật ngữ “giá cả ổn định” có thể hiểu được mà không cần giải thích: một nhóm hàng hóa sẽ có giá như nhau trong 10, 50, hoặc thậm chí 100 năm kể từ bây giờ. Ngược lại, nếu một nước có tỷ lệ lạm phát hàng năm ở mức 2% trong thời gian 10 năm, những mặt hàng có thể mua được với 100 đô la hôm nay sẽ có giá 122 đô la vào cuối thập kỷ. Sau 100 năm, nhãn giá của những mặt hàng ấy sẽ là một con số rất lớn: 724 đô la.

Trong phiên điều trần tại Quốc hội mới đây, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed, đã nhiều lần đề cập tới nhiệm vụ duy trì “giá cả ổn định”; nhưng bà nhắc tới mục tiêu lạm phát 2% của Fed nhiều gấp đôi. “Lạm phát của Mỹ vẫn tiếp tục ở mức thấp, dưới mục tiêu 2% của Ủy ban,” bà nói, và hiện tại “dư địa lớn trong việc điều chỉnh chính sách vẫn phù hợp để thúc đẩy việc cải thiện những điều kiện của thị trường lao động hơn nữa và thúc đẩy lạm phát hướng tới mức 2% trong trung hạn.”

Có phải Fed thực sự muốn tăng tỷ lệ lạm phát hàng năm tới mức 2%, để cho mặt bằng giá cả của nước này sẽ tăng hơn 700% trong thế kỷ tới? Có phải đó là những gì mà Quốc hội nghĩ tới khi giao cho Fed nhiệm vụ đạt được “giá cả ổn định”?

Cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan biết rằng Quốc hội không nghĩ thế. Ngày mùng 2 tháng 7 năm 1996, trong một cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) với mục đích thảo luận sâu rộng về mục tiêu lạm phát phù hợp đối với Fed, Greenspan đã đặt ra một câu hỏi đơn giản: “Chúng ta đang nói về ổn định giá cả hay chúng ta đang nói về tỷ lệ lạm phát bằng 0? Tất cả chúng ta đều biết đó là hai vấn đề riêng biệt.”

Cuộc thảo luận nhanh chóng chuyển sang bàn về sự khó khăn của việc đo lường chính xác lạm phát và sự cần thiết phải xây dựng một “tấm đệm an toàn” (“safety cushion”) để tránh tình trạng giảm phát. Theo Greenspan, “Bình ổn giá cả là tình trạng mà trong đó những biến động được dự kiến trong mức giá chung về cơ bản sẽ không làm thay đổi những quyết định của doanh nghiệp và hộ gia đình.” Yellen, lúc đó là một thống đốc của Fed, đã không hài lòng: “Ông có thể vui lòng đưa ra một con số cụ thể không?” Greenspan trả lời: “Tôi có thể nói con số đó là 0, nếu lạm phát được đo lường đúng đắn.”

Trong thời gian cuộc họp FOMC đó diễn ra, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 3% một năm. Hầu hết cuộc bàn thảo tập trung vào việc liệu Fed có nên làm chậm tốc độ tăng giá hàng năm xuống 2% hoặc thậm chí thấp hơn, qua đó củng cố những thành tựu đạt được trong cuộc chiến chống lạm phát đầy khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách đã khởi động từ 15 năm trước hay không. Greenspan tóm tắt sự đồng thuận: “… vậy là giờ chúng ta đều đồng ý với mức 2% …”

Mục tiêu lạm phát ở mức 2% của Fed đã ra đời như vậy. Trong các thảo luận sau đó, một số thành viên FOMC lập luận rằng có thể giảm tỷ lệ lạm phát xuống dưới mức 2%, nhưng không ai cho rằng cần phải đẩy lạm phát lên cao hơn nếu tỷ lệ đó ở mức thấp hơn 2% nhưng vẫn còn dương.

Sau cuộc thảo luận, Greenspan đã hô hào các thành viên FOMC giữ bí mật nội dung thảo luận về mục tiêu lạm phát. “Nếu con số lạm phát 2% lọt ra ngoài phòng họp này,” ông cảnh báo, “nó sẽ đem đến cho chúng ta nhiều rắc rối hơn bất cứ ai có thể dự đoán.” Biên bản chính thức của cuộc họp đã không đề cập đến toàn bộ cuộc thảo luận về mục tiêu lạm phát vốn diễn ra trong nhiều giờ, và FOMC chưa bao giờ chính thức công bố mục tiêu lạm phát hàng năm ở mức 2% cho tới khi Chủ tịch Ben Bernanke, người tiền nhiệm của Yellen, cuối cùng cũng công bố vào năm 2012.

Mục tiêu lạm phát 2% hiện đang đứng đầu trong quá trình ra quyết định của FOMC. Ví dụ, trong khi lạm phát hàng năm giữ ở mức 0,8% hồi tháng 12 năm 2014, biên bản cuộc họp tháng 1 năm 2015 của FOMC đã nhiều lần đề cập tới việc Ủy ban này cần đạt được “tiến bộ trong mục tiêu của mình là tạo ra việc làm tối đa và 2% lạm phát” bằng cách duy trì một lập trường chính sách mang tính thích ứng cao. Tăng tỷ lệ lạm phát hiện nay là mục tiêu được tuyên bố rõ ràng trong chính sách của Fed.

Quốc hội không hề giao cho Fed nhiệm vụ theo đuổi mục tiêu đó. Đạo luật Dự trữ Liên bang quy định rất rõ: Fed phải đạt được “bình ổn giá” cho đồng đô la Mỹ, cùng mức lãi suất phải chăng và công ăn việc làm tối đa. Chỉ cần lạm phát nằm ở mức từ 0 đến 2%, Fed nên tuyên bố thắng lợi và không cần phải làm gì hơn nữa.

Robert Heller nguyên là thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.