Nguồn: Lee Jong-Wha, “Asia’s Almighty Middle Class”, Project Syndicate, 19/03/2015.
Biên dịch: Trần Anh Hòa | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Mặc dù có sự bất định về kinh tế mới đây, tầng lớp trung lưu của châu Á vẫn phát triển một cách nhanh chóng. Trong những thập niên tới, phân khúc dân số đang phát triển nhanh chóng này sẽ có vai trò như một yếu tố chủ chốt trong việc phát triển kinh tế và chính trị trong khu vực, với những tác động to lớn đối với phần còn lại của thế giới.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính rằng tầng lớp trung lưu trên thế giới (nghĩa là các hộ gia đình có chi tiêu từ 10 đến 100 USD/người/ngày, trong năm 2005 theo ngang giá sức mua) tăng từ 1,8 tỷ người trong năm 2009 lên 4,9 tỷ năm 2030. Dự tính 2/3 số dân này sẽ sinh sống tại châu Á, tăng lên từ mức 28% của năm 2009, với Trung Quốc là nơi chiếm phần lớn nhất. Thật vậy, nếu Trung Quốc theo đuổi các cải cách cơ cấu và nâng cấp công nghệ cần thiết để giữ vững được sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thì tầng lớp trung lưu của nó từ 157 triệu người vào năm 2009 sẽ vượt 1 tỷ người vào năm 2030.
Sự nổi lên nhanh chóng của tầng lớp trung lưu châu Á sẽ mang lại sự thay đổi sâu rộng về kinh tế, tạo ra các cơ hội thị trường mới cho các công ty nội địa và quốc tế. Nhu cầu về hàng tiêu dùng lâu bền đã tăng lên từ trước đó trong khu vực, với việc Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất thế giới về mặt hàng ô tô và điện thoại di động. Nhưng vẫn còn dư địa khá rộng để tiêu thụ nhiều hơn hàng hóa sang trọng và sản phẩm công nghệ, khi sức mua của tầng lớp trung lưu của khu vực các nước đang phát triển bắt kịp với sức mua ở các nước tiên tiến.
Sự hội tụ này sẽ góp phần làm cho tăng trưởng kinh tế bền vững hơn, với các nền kinh tế của châu Á tái cân bằng hướng tới nhu cầu nội địa, đặc biệt là chi tiêu hộ gia đình, và do đó trở nên ít bị tổn thương hơn trước những cú sốc từ bên ngoài. Với việc suy giảm nhu cầu xuất khẩu kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bước chuyển đổi này thật là đúng lúc. Và các lợi ích sẽ không chỉ bó hẹp tại châu Á; do lượng nhập khẩu vào khu vực này tăng lên, những bất cân đối của thương mại toàn cầu sẽ giảm xuống, cải thiện được tính bền vững của tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới.
Thật vậy, tầng lớp trung lưu đang phát triển của châu Á sẽ chuyển đổi một khu vực được biết đến là trung tâm sản xuất toàn cầu thành một cỗ máy tiêu thụ. Khi nhu cầu tăng, nhiều việc làm hơn và tốt hơn sẽ được tạo ra không chỉ ở châu Á mà trên cả toàn cầu, khắp các chuỗi cung ứng và các mạng lưới sản xuất.
Cùng với sự thịnh vượng ngày càng tăng, giáo dục và chăm sóc y tế sẽ được cải thiện, hứa hẹn giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn thông qua việc cải tiến năng suất. Tại Trung Quốc, điều này sẽ là kết quả của một bước chuyển biến khá lớn từ các điều kiện hiện tại, trong đó trẻ em của các hộ nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn, bị đi sau (các khu vực thành thị) về mặt dinh dưỡng và học tập, mặc dù có những tiến bộ khá nhiều trong những thập niên gần đây về việc hạ tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và nâng cao dân trí.
Nếu được trang bị giáo dục chất lượng cao, tầng lớp trung lưu đang lên của châu Á sẽ đòi hỏi các dịch vụ công có chất lượng cao hơn. Lòng tin được tăng lên đối với các hệ thống chính trị và cấu trúc thể chế của đất nước họ, được củng cố thông qua các cảm nhận tích cực hơn về sự thăng tiến trong xã hội (upward mobility), sẽ giúp tăng cường nền pháp quyền. Và sẽ có nhiều cơ hội hơn về học tập và việc làm đối với phụ nữ, dẫn đến bình đẳng giới cao hơn.
Quan trọng nhất, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu rất có khả năng đi kèm với các nhu cầu ngày càng tăng về tự do chính trị và các quyền tự do dân sự, qua đó thúc đẩy dân chủ hóa. Thật vậy, nghiên cứu một mẫu thử lớn của các nước từ thế kỷ 19 đến thế kỷ 21 cho thấy rằng một lượng dân số lớn hơn gồm các công dân có kiến thức, giàu có phong lưu – nhất là phụ nữ – dẫn đến sự tham gia chính trị rộng hơn và hỗ trợ cho dân chủ nhiều hơn, đặc biệt là ở các nước kém phát triển.
Ở phương Tây, chủ nghĩa tư bản và nền dân chủ phát triển song song, khi sự phát triển của các thị trường đã làm giảm quyền lực của các địa chủ và làm gia tăng quyền lực của các tầng lớp lao động và trung lưu. Với việc tham gia một cách tích cực vào chính trị, lựa chọn bỏ phiếu dựa trên lợi ích cá nhân mang tính duy lý, và phát triển ý thức về sự cân bằng cần có để chống lại chế độ độc tài, tầng lớp trung lưu đẩy mạnh tiến trình dân chủ. Đồng thời, sự gia tăng các tổ chức tư nhân gắn liền với sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu ngăn chặn các tổ chức nhà nước giữ độc quyền các tài nguyên chính trị.
Ở châu Á, Hàn Quốc đã trải qua một tiến trình giống như vậy, với tăng trưởng kinh tế nhanh chóng thúc đẩy sự nổi lên của một tầng lớp trung lưu lớn, điều đến lượt nó lại thúc đẩy dân chủ hoá trong những năm 1980. Lịch sử đó có thể sớm lặp lại ở Trung Quốc .
Nếu xét những lợi ích của việc có được một tầng lớp trung lưu lớn, các nước châu Á nên nuôi dưỡng tầng lớp trung lưu của mình thông qua cải thiện chăm sóc y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư vào các trường đại học và đào tạo kỹ thuật, và xử lý những chênh lệch về thu nhập và giáo dục. Ngoài ra, phải tạo ra hoặc thúc đẩy mạng lưới an sinh xã hội nhằm mục đích giúp bảo vệ tầng lớp trung lưu tránh được các cú sốc tiêu cực và đẩy mạnh tiêu dùng (thứ đang bị cản trở bởi việc tiết kiệm dự phòng thái quá).
Cuối cùng, các chính sách công – nhằm mục đích đẩy mạnh pháp quyền, xúc tiến thương mại, và đạt được sự quản lý kinh tế vĩ mô đúng đắn – là vô cùng quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng, qua đó bảo đảm sự thăng tiến xã hội liên tục của các gia đình có thu nhập thấp. Sự thăng tiến xã hội đó là chìa khóa để duy trì sự chuyển động của một vòng xoay tích cực thúc đẩy lẫn nhau giữa sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế.
Lee Jong-Wha, Giáo sư Kinh tế và Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Korea, là Chuyên gia Kinh tế Trưởng kiêm Trưởng Văn phòng Hội nhập kinh tế Vùng, Ngân hàng Phát triển châu Á, và là cố vấn cấp cao về các vấn đề kinh tế quốc tế của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung bak.