Kinh tế học trong thời kỳ bất ổn chính trị

Print Friendly, PDF & Email

27197_04bc_10

Nguồn: Michael Spence & David Brady, “Economics in a Time of Political Instability”, Project Syndicate, 23/03/2016.

Biên dịch: Trương Thái Tiểu Long | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong vòng 35 năm qua, các nền dân chủ phương Tây đã phải chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của bất ổn chính trị, được thể hiện qua sự thay đổi liên tục các đảng cầm quyền lẫn các chương trình và triết lý của các đảng này, bắt nguồn một phần từ những chuyển đổi và khó khăn kinh tế. Câu hỏi hiện nay là làm cách nào để cải thiện thành tích kinh tế tại một thời điểm mà bất ổn chính trị đang cản trở quá trình hoạch định chính sách hiệu quả.

Trong một bài nghiên cứu gần đây, một trong hai người chúng tôi (David Brady) đã trình bày mối tương quan giữa gia tăng bất ổn chính trị và giảm hiệu suất kinh tế, chỉ ra rằng các quốc gia có hiệu suất kinh tế thấp hơn mức trung bình là những quốc gia có sự bất ổn bầu cử lớn nhất. Cụ thể hơn, những bất ổn đó tương ứng với sự giảm tỉ trọng của việc làm trong các ngành công nghiệp hoặc chế tạo ở những nước phát triển. Mặc dù mức độ suy giảm hiệu suất kinh tế thay đổi tùy theo quốc gia (ví dụ, mức độ giảm ở Đức ít mạnh hơn so với ở Mỹ), nhưng xu hướng này vẫn khá phổ biến.

Ví dụ, trong 15 năm qua, các công nghệ kỹ thuật số ngày càng lớn mạnh khiến những công việc “thường nhật” của các lao động cổ cồn trắng lẫn cổ cồn xanh trở nên được tự động hóa và có thể cắt bỏ khâu trung gian. Với những cải tiến trong các lĩnh vực người máy, vật liệu, công nghệ in 3D và trí thông minh nhân tạo, người ta có thể kỳ vọng rằng phạm vi của những công việc “thường nhật” có thể tự động hóa này sẽ càng được mở rộng.

Sự trỗi dậy của công nghệ kỹ thuật số cũng thúc đẩy khả năng của các công ty trong việc quản lý hiệu quả các chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp từ nhiều nguồn, và do đó giúp các công ty này có thể tận dụng quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Khi các ngành dịch vụ ngày một mang tính thương mại, ngành chế tạo dần sụt giảm khi tỉ trọng nhân công trong ngành này giảm từ 40% năm 1960 xuống chỉ còn 20% ngày nay. Tuy nhiên, ở những nước phát triển nhất, ngành dịch vụ lại không tạo ra được nhiều việc làm, ít nhất là không đủ để bù đắp cho tình trạng mất việc làm trong ngành chế tạo. Ví dụ như ở Mỹ, tỉ lệ tạo ra việc làm mới của ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ có thể trao đổi thương mại cơ bản là bằng không trong hai thập niên qua.

Cũng bị thúc đẩy phần nào do những xu hướng này, tỉ trọng thu nhập quốc gia phân phối cho người lao động vốn tăng vào giai đoạn đầu thời hậu Thế chiến II đã bắt đầu giảm vào những năm 1970. Dù tạo ra những lợi ích rộng khắp bằng cách giảm giá thành hàng hóa và mở rộng nhiều ngành dịch vụ, toàn cầu hóa và kĩ thuật số cũng góp phần thúc đẩy phân hóa việc làm và thu nhập, thể hiện ở sự suy giảm tỉ trọng các công việc có thu nhập trung bình và sự gia tăng tỉ trọng của những công việc có thu nhập thấp hoặc cao, qua đó làm phân hóa sự phân phối thu nhập. Mức độ phân hóa còn tùy thuộc theo từng quốc gia do hệ thống an sinh-xã hội và các phản ứng chính sách khác nhau của các nước này.

Đến năm 2008, khi khủng hoảng kinh tế trải rộng toàn cầu, những mối quan ngại liên quan đến sự gia tăng bất bình đẳng ít nhất phần nào được che đậy bởi tình trạng nợ cao, khi những khoản chi chính phủ và giá trị tài sản cá nhân gia tăng do giá tài sản tăng đã hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình và giúp chống đỡ cho tăng trưởng và việc làm. Khi mẫu hình tăng trưởng đó bị gián đoạn, các điều kiện kinh tế và chính trị cũng đi xuống nhanh chóng.

Dễ thấy nhất là sự suy giảm tăng trưởng và việc làm đã bị làm cho trầm trọng hơn do ảnh hưởng tiêu cực từ sự phân hóa việc làm và thu nhập. Ngoài những vấn đề thực tế rõ ràng mà điều này gây ra, nó cũng ảnh hưởng đến nhận thức về bản sắc của nhiều công dân.

Trong kỉ nguyên công nghiệp hậu Thế chiến, người ta có thể kỳ vọng một cuộc sống thoải mái, chăm lo cho gia đình và đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Khi bị chuyển sang lĩnh vực dịch vụ không thể trao đổi thương mại (non-tradable service sector), lương thấp và kém ổn định sẽ khiến nhiều người mất đi sự tự trọng cũng như nuôi dưỡng sự bất mãn đối với hệ thống đã mang đến sự thay đổi đó. (Hệ thống đó làm mọi thứ tồi tệ hơn khi giải cứu những chủ thể gây ra khủng hoảng kinh tế, đó là ngành tài chính – một động thái cho thấy sự khác biệt nghiêm trọng giữa nhu cầu của công chúng và thực tại bất công.)

Dù chuyển đổi kinh tế nhờ công nghệ không phải là chuyện mới, nó chưa hề xảy ra nhanh chóng hoặc trên diện rộng như 35 năm qua, khi quá trình này được toàn cầu hóa thúc đẩy. Với trải nghiệm và tài sản thay đổi nhanh chóng, nhiều người hiện nay đã tin rằng có những lực lực đầy quyền năng đang vận hành ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chính phủ, được tách khỏi sự can thiệp từ chính sách. Và ở một mức độ nào đó, họ đã đúng.

Kết quả là sự mất lòng tin trên diện rộng đối với động lực, khả năng, và năng lực của chính phủ. Nhận thức này dường như không được xoa dịu bởi việc thừa nhận tính phức tạp trong thách thức vừa phải duy trì các khuyến khích và sự năng động của nền kinh tế, vừa phải giải quyết sự bất bình đẳng ngày một tăng (điều tệ nhất là sẽ làm suy giảm sự bình đẳng về cơ hội cũng như sự bình đằng giữa các thế hệ).

Như Brady đã chỉ ra, trong giai đoạn ổn định ngay sau Thế Chiến II, các xu hướng tăng trưởng hầu như vô hại nếu xét về sự phân phối của cải, và các đảng chính trị được tổ chức xoay quanh các lợi ích của lao động và tư bản, được bao bọc bởi các lợi ích chung do tình trạng Chiến tranh Lạnh mang lại. Khi kết quả ngày càng trở nên bất bình đẳng, các lợi ích đã bị phân mảnh dọc theo các nhóm cử tri, dẫn đến sự bất ổn trong kết quả bầu cử, làm tê liệt chính trị và dẫn tới những thay đổi thường xuyên trong khuôn khổ và định hướng chính sách.

Điều này gây ra một vài hậu quả về mặt kinh tế. Thứ nhất là sự không chắc chắn về mặt chính sách mà theo hầu hết các nghiên cứu, đều gây nên sự cản trở lớn cho đầu tư. Một hậu quả khác là việc thiếu sự đồng thuận trong chương trình nghị sự để phục hồi tăng trưởng, giảm thất nghiệp, tái thiết lập xu hướng tăng trưởng bao trùm, và duy trì lợi ích của kết nối toàn cầu.

Một mặt, khó có thể phủ nhận đây là một vòng tuần hoàn hủy diệt tự tăng cường. Bất ổn chính trị làm giảm khả năng xác định và thi hành một chương trình nghị sự chính sách kinh tế hợp lý, toàn diện, chặt chẽ và bền vững. Sự dai dẳng của tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao và bất bình đẳng ngày càng lớn tiếp tay cho sự bất ổn và phân mảnh chính trị liên tục, điều càng làm xói mòn khả năng thực hiện chính sách kinh tế hiệu quả của các quan chức.

Nhưng ở một cấp độ khác, những xu hướng này có thể thật sự tích cực khi chúng đưa những lo ngại về toàn cầu hóa, thay đổi cấu trúc và quản trị chính quyền – những điều đến giờ thường chỉ được phán ánh qua các cuộc biểu tình đường phố – vào tiến trình chính trị. Rốt cuộc, sự kết nối trực tiếp giữa các lo lắng của người dân và chính quyền chính là sức mạnh cốt lõi của nền dân chủ.

Khi một nước đang phát triển bị mắc kẹt trong một thế cân bằng của tình trạng không tăng trưởng, xây dựng sự đồng thuận quanh một tầm nhìn xa về tăng trưởng bao trùm luôn luôn là bước quan trọng đầu tiên hướng đến việc đạt được hiệu suất kinh tế tốt hơn cũng như những chính sách hỗ trợ cho mục tiêu này. Đó là điều các nhà lãnh đạo hiệu quả nhất đã thực hiện. Quy tắc dành cho những nước phát triển cũng tương tự như thế. Hi vọng của chúng tôi là các lãnh đạo ngày nay hiểu được và tuân theo quy tắc đó, nhờ đó có thể khiến các nguồn năng lượng sáng tạo của họ có thể phát huy hiệu quả để đưa ra một tầm nhìn mới, đặt quốc gia của mình vào con đường tiến đến thịnh vượng và công bằng hơn.

Michael Spence, từng đoạt giải Nobel Kinh tế, là Giáo sư Kinh tế học tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, Nghiên cứu viên Xuất sắc tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế, Nghiên cứu viên Cấp cao tại Viên Hoover thuộc Đại học Stanford, Chủ tịch Ban Học thuật của Viện Toàn cầu Châu Á tại Hong Kong, và Chủ tịch Hội đồng Nghị sự Toàn cầu về các Mô hình Tăng trưởng Mới thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

David Brady là Phó Giám đốc và Nghiên cứu viên Cấp cao tại Viện Hoover và là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Stanford.

Copyright: Project Synidicate 2016 – Economics in a Time of Political Instability
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]