Món nợ thế kỷ của Đức với người Hy Lạp

?

Nguồn: Manfred Ertel, Katrin Kuntz and Walter Mayr, “Nazi Extortion: Study Sheds New Light on Forced Greek Loans”, Spiegel Online International, 21/03/2015.

Lược dịch: Trần Tuấn Anh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Liệu nước Đức hiện đại có trách nhiệm phải chi trả khoản tiền mà Đức Quốc xã đã ép buộc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp phải cống nạp cho nó trong suốt thời kỳ Thế chiến II hay không? Một nghiên cứu mới vừa được xuất bản ở Hy Lạp hé lộ những bằng chứng mới đủ để gia tăng áp lực lên Berlin phải thanh toán khoản nợ thời chiến này.

Cách thủ đô Athens hai tiếng đi ô tô, nằm nép mình dưới những ngọn đồi nhỏ xung quanh, thị trấn Distomo là chứng nhân lịch sử cho một trong những tội ác tàn bạo nhất của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Loukas Zizis, phó thị trưởng 48 tuổi của thị trấn, nói rằng dù được sinh ra rất lâu sau khi Thế chiến II kết thúc, nhưng ông vẫn thường xuyên bị ám ảnh bởi những gì người Đức đã làm đối với tổ tiên của mình trong cuộc thảm sát Distomo ngày 10/6/1944, cướp đi sinh mạng của 218 người dân thị trấn này, bao gồm cả nhiều trẻ nhỏ.

“Chúng tôi không thể quên được những việc người Đức đã làm”, ông nói. 71 năm về trước, người Đức đến Distomo với những khẩu súng. “Và bây giờ họ vẫn đang (tiếp tục) cai trị thị trấn của chúng tôi bằng những chính sách và ngân hàng của mình”. Dứt lời, ông quay người bước lên trên một mỏm đá, mặc cho cơn gió mạnh thổi tới hất tung chiếc áo khoác da trên vóc người nhỏ bé của mình, rồi đưa cặp mắt ưu tư nhìn xuống thị trấn, nơi có hơn 2.000 người dân đang sinh sống.

Cuộc thảm sát kinh hoàng kéo dài vài giờ đồng hồ đó là một trong những tội ác diệt chủng tàn bạo nhất của phát xít Đức ở Hy Lạp và dư âm của nó vẫn còn len lỏi trong cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây. Hàng thập kỷ trôi qua, đủ các cấp tòa án ở cả Hy Lạp và Đức đã thụ lý nhiều vụ kiện liên quan đến chủ đề này. Và rồi đến năm 2000, Tòa án tối cao Hy Lạp, Areopag, đã phán quyết rằng nước Đức buộc phải bồi thường cho gia quyến của những nạn nhân thiệt mạng trong cuộc thảm sát Distomo.

“Dẫu vậy, chúng tôi vẫn phải chờ đợi”, Zizis nói. “(Cho đến nay) vẫn chưa có một khoản bồi thường nào (được phía Đức chi trả)”.

Đầu tháng ba, trước các nghị viên quốc hội Hy Lạp, thủ tướng nước này Alexis Tsipras đã chính thức yêu cầu phía Đức chi trả tiền sữa chữa những thiệt hại do chiến tranh gây nên tại quốc gia này trong suốt Thế chiến II. Và đồng thời, ông cũng nêu ra ý nghĩa của những khoản tiền bồi thường này trong bối cảnh khó khăn hiện nay của Hy Lạp. “Sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, các điều kiện luật pháp và chính trị đã hội tụ đủ để giải quyết (dứt điểm) vấn đề này”, Tsipras nói. “Nhưng từ đó đến nay, các đời chính phủ Đức lại lựa chọn sự im lặng, những mánh khóe pháp lý và kế hoãn binh. Và tôi tự hỏi rằng, trong bối cảnh mà hiện có nhiều cuộc tranh luận ở cấp Châu Âu về các vấn đề đạo đức thì cách cư xử như thế này liệu có hợp đạo lý hay không?”

Kể từ lúc tranh cử cho đến lúc nắm quyền, Tsipras đã kiên quyết chống lại cáo buộc của người Đức về việc người dân Hy Lạp đã sống phung phí một cách vô kỷ luật bằng một cáo buộc đáp trả: đó là tội ác chiến tranh của người Đức. Tạm bỏ ngoài tai cách diễn dịch mà nhiều lúc bị coi là vô lý và thái quá của Tsipras về hai vấn đề này, thì quả thật có tồn tại nhiều chứng cứ thuyết phục ủng hộ cách nhìn của Hy Lạp về chủ đề bồi thường thiệt hại chiến tranh. Thậm chí ngay cả tạp chí Spiegel của Đức cũng đã có bài bóc mẽ những mánh khóe mà nguyên thủ tướng Helmut Kohl đã áp dụng nhằm tránh việc chi trả những khoản phí này.

Trong một nỗ lực mới nhất nhằm làm sáng tỏ vấn đề về khoản nợ mà Đức Quốc xã đã vay của Hy Lạp, Bộ Tài chính nước này đã tài trợ cho một dự án nghiên cứu liên quan đến chủ đề này vào năm 2012 và cho đến nay nó đã hoàn thành với nhiều tình tiết mới đáng chú ý.

Khoản nợ khổng lồ của người Đức

Chủ đề trọng tâm của nghiên cứu này là về khoản tiền mà phát xít Đức đã ép Ngân hàng Trung ương Hy Lạp phải cống nạp cho nó từ năm 1941. Một câu hỏi được đặt ra là liệu rằng khoản tiền mà Hy Lạp muốn Đức phải chi trả nên được xếp vào hạng mục chi phí sữa chữa các thiệt hại chiến tranh – thứ mà Đức được coi như là đã hoàn thành việc chi trả sau khi thỏa thuận Hai-Cộng-Bốn vào năm 1990 được ký kết (gồm Đông Đức-Tây Đức và 4 cường quốc thắng trận trong thế chiến thứ hai là Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp)? Hay nó nên được hiểu là một khoản nợ thuần về mặt tài chính mà nước Đức thiếu Hy Lạp?

Một ủy ban chuyên gia đã được lập ra để phân tích các hợp đồng và thỏa thuận bắt đầu từ thời điểm quân Đức Quốc xã chiếm đóng Hy Lạp, cũng như các hóa đơn chứng từ và các tuyên bố liên quan đến vấn đề này từ phía Ngân hàng Trung ương Hy Lạp. Họ phát hiện ra rằng, khoản cho vay bị ép buộc này không phù hợp với các tiêu chuẩn xếp loại của hạng mục tiền sữa chữa thiệt hại chiến tranh. Đồng thời, Ủy ban cũng tính toán ra được khoản nợ mà Đức Quốc xã đã thiếu Ngân hàng Trung ương Hy Lạp. Kết quả mà các kiểm toán viên người Hy Lạp tính được là giống với ước lượng của những viên chức nắm giữ sổ sách thời Đức Quốc xã. Tại thời điểm khi mà chỉ còn 26 ngày nữa là chiến tranh kết thúc, khoản nợ mà Đệ tam đế chế thiếu Hy Lạp, theo tính toán của họ, đã lên tới 476 triệu đồng Mác Đức. Tính theo tỉ giá hơn 2 đồng Mác Đức mới ăn được 1 đồng đô la Mỹ vào thời đó, khoản nợ này được quy đổi thành 213 triệu đô la Mỹ. Gần 70 năm đã trôi qua, cùng với cách tính lãi suất lũy tiến, số tiền này vào thời điểm tháng 12/2014 có giá trị lên tới 12,8 tỷ đô la Mỹ, tương đương 11 tỷ euro.

Sau tuyên bố này, giờ đây vấn đề giữa Đức và Hy Lạp sẽ không đơn giản chỉ nằm ở chỗ liệu rằng 115 triệu đồng Mác được phía Đức chi trả cho Hy Lạp vào năm 1961, về mặt pháp lý, là đã đủ để bồi thường cho những thảm họa diệt chủng tại làng Distomo và Kalavrita hay chưa, mà nó còn được mở rộng ra thành câu hỏi về việc liệu các chính phủ thời hậu chiến của Cộng hòa Liên bang Đức có phải chịu trách nhiệm cho việc chi trả những khoản nợ mà phát xít Đức đã ép Ngân hàng Trung ương Hy Lạp phải cống nạp cho nó hay không?

Không có những “nếu như” hay “nhưng mà”

Khoản nợ khổng lồ này cần phải được chi trả mà không có những lời nói thoái thác, biện minh được bắt đầu bằng cụm từ “nếu như” hay là “nhưng mà”, theo cách nói của nhà sử học người Đức Hagen Fleischer, người được cho là biết rõ nhất về độ xác thực của những chứng cứ được nêu ra trong bản báo cáo trên. Ngay cả trước khi bản báo cáo được công bố, ông đã trưng ra được nhiều tài liệu quan trọng mà ông cho rằng, đó là những minh chứng cho sự tồn tại các khoản cho vay bị ép buộc. Ví dụ như những ghi chép của các viên chức chính quyền Đức quốc xã về số tiền 1.068 tỷ đồng Drachma (đơn vị tiền tệ của Hy Lạp) mà nước này đã vay từ Hy Lạp ,tính đến tháng 12 năm 1943.

“Khoản bị ép buộc cho vay này được tìm thấy trong tất cả hồ sơ liên quan tại Đức”, vị giáo sư mang quốc tịch Hy Lạp và là chủ nhiệm bộ môn lịch sử hiện đại tại trường Đại học Athens cho biết. Ông còn nhấn mạnh rằng, những tài liệu liên quan đến chủ đề vay nợ thời chiến được lưu trữ bởi chính quyền hậu chiến đã gây cho ông một sự kinh ngạc gấp nhiều lần so với các tài liệu về chủ đề tội ác và hậu quả chiến tranh.

Cũng theo như các tài liệu này, những nhà ngoại giao thời hậu chiến của Đức được miêu tả là đã thoái thác khi bàn đến việc chi trả những khoản phí bồi thường chiến tranh. Họ dùng những câu từ như: “(đó nên là) giải pháp cuối cùng cho (việc xử lý) cái gọi là những hậu quả của tội ác chiến tranh”, hay nói rằng giờ là lúc nên nói về “sự kết thúc của những dòng hồi ức”. Fleischer mô tả rằng, tiềm thức của các viên chức người Đức đã được lập trình sẵn để nói không cho việc chi trả bất kỳ khoản tiền bồi thường nào. Trước đây, ông đã có cách nhìn thiên vị nước Đức khi bàn về vấn đề này, nhưng nay ông lại sẵn lòng ủng hộ quan điểm của Athens, đồng thời cũng khẳng định thêm rằng, công trình nghiên cứu mới này (theo ông là) không hề mang chút dính líu chính trị nào với chính quyền hiện tại của thủ tướng Alexis Tsipras.

Quả thật đúng là khi cuộc nghiên cứu được bắt đầu vào năm 2012, chính phủ khuynh hướng trung hữu của thủ tướng Loukas Papademos vẫn còn đang điều hành đất nước. Papademos, nguyên phó Chủ tịch của Ngân hàng Trung ương châu Âu, lúc ấy đã cố gắng dựng nên một chính quyền chuyển tiếp lâm thời, tồn tại trong 6 tháng, sau sự kiện thủ tướng George Papandreou từ chức vào năm đó. Sau đó, vào tháng 4 năm 2014, chính quyền bảo thủ của thủ tướng Antonis Samaras cho tiếp tục công trình nghiên cứu này và chỉ định Panagiotis Karakousis phụ trách nhóm chuyên gia nghiên cứu. (Tuy nhiên) người đứng đầu văn phòng kiểm toán của Bộ Tài chính Hy Lạp trong một thời gian dài này lại được cho là có quan điểm và mang nhiều động cơ chính trị rõ ràng.

50.000 trang tài liệu

Karakousis đã dành 5 tháng ròng rã để đọc hết 50.000 trang tài liệu gốc được lưu trữ tại Ngân hàng Trung ương Hy Lạp. Đó không phải là một việc dễ dàng. Dựa vào những nguồn tài liệu đó, ông và các đồng sự đã tính toán được lượng vàng bị phát xít Đức cướp từ nhà dân, đặc biệt là từ gia đình của những người gốc Do thái là vào khoảng 7.358,0014 kg vàng nguyên chất với giá trị ước tính tầm 235 triệu euro tính theo giá trị hiện tại của chúng. Nghiên cứu cũng chú thích cách mà quân Đức đã vơ vét “toàn bộ số tiền dự trữ tại nhiều chi nhánh địa phương” của Ngân hàng Trung ương. Tổng số tiền bị chúng vơ vét là gần 40 triệu euro tính theo giá trị hiện tại.
Nhưng quan trọng nhất chính là việc bản báo cáo đã dẫn ra được những chứng cứ xác nhận sự có mặt của những khoản tiền mà Ngân hàng Trung ương Hy Lạp bị ép buộc phải cho Đức quốc xã vay trong Thế chiến II. “Không một người có lý trí nào lại có thể nghi ngờ về sự tồn tại của các khoản cho vay này và rằng sự chi trả chúng vẫn còn chưa được thực hiện”, Karakousis khẳng định.

Lịch sử của những món nợ này bắt đầu sau khi quân Đức giúp đồng minh của nó là phát xít Ý chiếm đóng thành công Hy Lạp vào tháng 4 năm 1941. Để trả lương cho những người lính của mình, Đế quốc Đức đã yêu cầu Hy Lạp phải trả cho nó một khoản chiến phí mang tên là phí chiếm đóng. Đó là một đòi hỏi phi lý nhưng lại được các đế quốc áp dụng rộng rãi sau khi công ước La Hay được ký mới vào năm 1907.

Không chỉ có thế, Vệ binh Đức quốc xã thậm chí còn yêu cầu Hy Lạp phải chi trả cả những chiến phí của chúng trên các mặt trận vùng Balkans, Nga và Bắc Phi, dù rằng công ước La Hay nghiêm cấm điều này. Ban đầu, người Đức chỉ yêu cầu phải được nhận 1,5 tỷ đồng Drachma tương đương với 25 triệu đồng Mác Đức hàng tháng từ phía chính phủ Hy Lạp. Nhưng thực tế thì chúng lại lấy đi nhiều hơn so với mức đó. Ủy ban chuyên gia đã xác định được khoản tiền mà Ngân hàng Trung ương Hy Lạp đã phải chi trả, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1941, lên tới 12 tỷ Drachma chứ không phải chỉ là 7 tỷ Drachma theo như yêu sách từ phía Đức.

Những khoản vay không giới hạn

Khi nền kinh tế bắt đầu tụt dốc, Hy Lạp đã đề nghị được giảm đi phần nào chi phí chiếm đóng mà nước này phải chi trả cho quân phát xít. Tại một hội nghị ở Rome vào ngày 14/3/1942, người Đức và Ý đã đồng ý với đề xuất trên khi quyết định rằng, chi phí cho sự chiếm đóng của chúng sẽ rút xuống còn 750 triệu đồng Drachma cho mỗi nước. Nhưng đồng thời, theo như các tài liệu thu thập được, những đại diện của chính quyền Hitler (dù đã đồng ý giảm chi phí chiếm đóng cho Hy Lạp nhưng lại) yêu cầu thêm là phải được nhận “những khoản tiền vay không giới hạn” đến từ Hy Lạp. Số tiền mà Đức nhận được nếu vượt lên trên mức 750 triệu đồng sẽ được ghi là “nợ đối với chính quyền Hy Lạp”, theo như ghi chú của một viên chức Đức quốc xã trong biên bản cuộc họp năm 1942.

Tổng của khoản cho vay ép buộc này lớn gấp 10 lần chi phí chiếm đóng mà chính phủ Hy Lạp phải trả cho phát xít Đức. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 1942, nó đã lên tới 43,4 tỷ Drachma, trong khi chi phí chiếm đóng chỉ khoảng 4,5 tỷ đồng. Bằng chứng cho sự tồn tại của những khoản vay này chính là những ghi chép mà Fleischer đã tìm được về những lần chi trả nợ định kỳ (của người Đức) cho Athens bắt đầu từ tháng ba năm 1943. Ví dụ, phòng tài chính của Ủy ban tác chiến đặc biệt Đông Nam (Special Operations Southeast) đã chuyển một số tiền với giá trị thực lên tới 300 tỷ drachma (sau khi loại bỏ tác động của lạm phát) cho chính phủ Hy Lạp vào ngày 6 tháng 10 năm 1944 và được lưu lại trong sổ sách theo hạng mục “thanh toán nợ”.

Những khoản nợ nhất thiết phải được trả

Dưới góc nhìn của Fleischer, bản báo cáo là bằng chứng cho thấy những yêu cầu đòi chi trả từ phía Hy Lạp không phải (chỉ) là việc đòi Đức phải thanh toán những khoản tiền bồi thường chiến tranh giống như nhiều quốc gia khác. “Người ta có thể chính trị hóa những cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại chiến tranh”, ông nói. “Nhưng những khoản nợ thì nhất thiết phải được trả lại – cho dù là giữa những người bạn với nhau”.

Các chính phủ hậu chiến ở Hy Lạp được mô tả trong báo cáo là đã đeo đuổi vấn đề này từ rất sớm. Đại sứ quán Đức ở Hy Lạp xác nhận rằng, vào ngày 15/10/1966, người Hy Lạp đã đến và gõ cửa với “một yêu sách (có nội dung như thế)”.
Vào ngày 10/11/1995, thủ tướng Andreas Papandreou đã đề xuất việc mở ra các cuộc đàm phán song phương với mục đích nhằm đạt được một thỏa thuận về việc “(thanh toán) những khoản nợ của nước Đức cho Hy Lạp”. Ông khuyến nghị rằng “tất cả các hạng mục của việc chi trả cần phải được kiểm tra độc lập với nhau”. Tuy nhiên nỗ lực của Papandreous đã không thu được bất cứ một kết quả gì. [….]

Những phát ngôn thiếu thận trọng

Joachim Lau là luật sư của một văn phòng luật tại Florence, Ý. Ông được sinh ra ở thành phố Stuttgart nước Đức. Lau hiện đang đại diện cho quyền lợi của những cư dân đang sinh sống tại thị trấn Distiomo. Mái tóc đã chuyển trắng trên đầu của người đàn ông 70 tuổi, đã và đang đấu tranh giành lấy sự đền bù công bằng cho những nạn nhân người Hy Lạp và Ý trong thế chiến thứ hai. “Tôi thật sự thất vọng với cách mà nước Đức xử lý vấn đề này”, ông nói. Ông còn nhấn mạnh rằng, người Đức cần phải hiểu, đây không chỉ đơn giản là về vấn đề bồi thường tài chính. Mà trên hết, đó là câu hỏi về công lý cho các nạn nhân.

Vào tháng hai năm nay, trong một bức thư ngỏ, Lau đã cảnh báo Tổng thống Đức Joachim Gauck là nên thận trọng khi phát ngôn về vấn đề bồi thường thiệt hại chiến tranh, trước việc ngài Tổng thống tuyên bố rằng, những yêu cầu như thế rõ ràng là một “sự vi phạm luật pháp quốc tế”. Lau phản bác, vấn đề pháp lý ở đây đã quá rõ ràng: người Hy Lạp và người Ý cùng người thân của họ, các nạn nhân của “những phát súng, sự tàn sát của vệ binh Quốc xã, sự lưu đày hoặc bị ép buộc lao động bất hợp pháp dưới (góc độ) luật pháp quốc tế”, hoàn toàn có tư cách được đòi hỏi những quyền lợi cho bản thân và gia đình mình.

Lau đã dành cả một thập kỷ qua để đeo đuổi vụ kiện đòi bồi thường hậu quả chiến tranh cho các nạn nhân trong vụ thảm sát Distomo tại các cấp tòa án Ý. Ban đầu ông thành công trong việc thuyết phục tòa án tạm thời phong tỏa căn biệt thự cao cấp Vigoni bên bờ hồ Como (thuộc sở hữu của chính phủ Đức và được sử dụng bởi Hiệp hội thúc đẩy quan hệ Đức-Ý) vì là tài sản có liên quan đến vụ kiện đòi bồi thường. Sau đó, tòa thượng thẩm ở Rome khẳng định rằng những đòi hỏi của nguyên đơn là có căn cứ pháp lý và luật sư có quyền được theo đuổi vụ kiện trên.

Trong một diễn biến gần đây, theo một phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ý vào tháng 10/2014, các cá nhân ở Ý có quyền được kiện các chủ thể ở Đức. Một trong các thẩm phán đưa ra phán quyết này hiện là đương kim Tổng thống Ý, Sergio Mararella. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để biết liệu phán quyết này có mở đường cho “một làn sóng kiện cáo” ở Ý hay không, theo lời của Lau, người đã tham gia tổng cộng 150 vụ kiện trong đó nguyên đơn đến từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Hiện tại và quá khứ, tội lỗi và sự tức giận

Hiện tại và quá khứ, tội lỗi và sự giận dữ, những yêu sách của Hy Lạp đối với nước Đức cũng như những lời kêu gọi từ quá khứ về việc bồi thường tổn thất chiến tranh, tất cả điều đó đan xen với nhau quanh sự kiện Distomo. Ngồi bên trong căn phòng khách ấm cúng của mình là một người phụ nữ mặc một bộ đồ đen với vóc người nhỏ nhắn. Efrosyni Perganda, 91 tuổi, là một trong những nhân chứng may mắn sống sót trong cuộc thảm sát của Đức quốc xã ở Distomo.

Bà nhớ lại thời khắc khi những mật vụ áo đen SS của Đức quốc xã thực thi một chiến dịch trấn áp bắt bớ dân thường ở Distomo, trong đó có chồng bà, trong một diễn biến theo sau một cuộc phục kích của dân quân Hy Lạp trước đó. Efrosyni Perganda cùng con bà đứng tại bậc cửa, dõi theo bóng của chồng mình lần cuối.

Khi quân Đức Quốc xã bắt đầu tàn sát, bà nhanh tay bế con rồi chạy lại núp đằng sau cánh cửa phòng tắm. Một lát sau bà lẻn vào phòng khách và tiếp tục giấu mình chờ ở đó cho đến khi mọi thứ khủng khiếp qua đi. Tất cả điều đó diễn ra ngay tại căn nhà mà hiện nay bà đang sống. Kết thúc câu chuyện kinh hoàng đó, bà trầm ngâm trong giây lát rồi nói: “Tôi tha thứ cho những kẻ đã giết chồng mình”.

Loukas Zizis liền lặng lẽ đứng dậy rời khỏi ngôi nhà ngay sau khi nghe được lời nói đó. Ông cần được trấn tĩnh lại. Nghĩ thế ông liền đi đến quán rượu gần đó và gọi một ly rượu vang. Hớp được ngụm rượu đầu tiên, ông liền thú nhận: “Tôi ngưỡng mộ nước Đức (và những vĩ nhân người Đức): Marx, Engels, Nietzsche. Sự thịnh vượng của nó. Cách mà xã hội được tổ chức”, ông thở dài rồi tiếp tục. “Nhưng ở đây, trong ngôi làng này, chúng tôi sẽ không thể tìm lại được sự thanh thản khi mà chính phủ Đức vẫn không muốn trả những món nợ của mình”.

Zizis ngưỡng mộ nước Đức, như cách ông vừa nói, nhưng đất nước này nhiều lúc làm ông rất thất vọng. “Cho đến nay, chúng tôi thậm chí còn chưa từng được nghe một lời xin lỗi đơn giản từ họ”, ông trăn trở. “Điều này liên quan tới vị thế của Đức ở châu Âu”. Ông nói đến giờ ông vẫn không hiểu (tại sao nước Đức vẫn chưa có hành động nào).