Tại sao Hiệp định TPP lại quan trọng với Hoa Kỳ?

TPP-Latintelligence

Nguồn: Roger C. Altman & Richard N. Haass, “Why the Trans-Pacific Partnership Matters”, The New York Times, 03/04/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sau năm năm, các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn dắt về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận tự do thương mại với 11 quốc gia khác vốn chiếm 40% nền kinh tế thế giới – gần như đã hoàn tất. Bước tiếp theo là Quốc hội cần cho phép  quyền bỏ phiếu đồng ý hay bác bỏ trọn gói đối với thỏa thuận này – quy trình từng được áp dụng cho các hiệp định thương mại gần đây, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1993 và Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn Quốc (KORUS FTA) năm 2011.

Nhưng triển vọng của quốc hội đối với cách tiếp cận này – được gọi là Quyền Xúc tiến Thương mại (TPA) hay quyền đàm phán nhanh vì nó không cho phép sửa đổi hoặc cản trở thông qua hiệp định ở quốc hội – đã bị làm mờ đi. Nếu không có nó, hiệp định này sẽ sụp đổ, trở thành nạn nhân của các sửa đổi bất tận. Do đó, cuộc bỏ phiếu sắp tới (của Quốc hội Mỹ về TPA – NHĐ) là tương đương với cuộc bỏ phiếu cho chính TPP. Nếu như không thành công, tác động bất lợi đến an ninh quốc gia của Mỹ sẽ vô cùng lớn.

Cuộc tranh luận thương mại trùng với những thách thức ngày càng gia tăng đối với các đồng minh của Mỹ. Ở Tây bán cầu, các chính phủ Canada và Chile, là các bên tham gia đàm phán TPP, tin rằng hiệp định này (dù bị chỉ trích ở trong nước) sẽ kích thích tăng trưởng. Ở châu Á và Thái Bình Dương, các bên tham gia thỏa thuận này – không chỉ các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Australia, mà còn Việt Nam, Singapore và Malaysia – đều xem hiệp định thương mại như một cách đối trọng lại quyền lực kinh tế của Trung Quốc. Đây là lý do tại sao thương mại là trọng tâm của chính sách đối ngoại của chúng ta; không có thỏa thuận này, cái gọi là xoay trục sang châu Á sẽ chỉ là hữu danh vô thực.

Có ba điều hiểu lầm đang phá hoại sự ủng hộ TPP tại Mỹ.

Điều đầu tiên cho rằng các hiệp định thương mại gần đây đã gây thiệt hại cho việc làm và tiền lương, đồng thời mở rộng sự bất bình đẳng trong thu nhập. Lập luận này không phân biệt giữa các tác động của việc gia tăng thương mại toàn cầu và tác động của những hiệp định thương mại. Nhà kinh tế đến từ viện M.I.T. David H. Autor và các đồng nghiệp kết luận rằng từ năm 1990 đến năm 2007, nhập khẩu của Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 21% tổng mức suy giảm việc làm ngành chế tạo tại Mỹ. Nhưng Mỹ không có thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc. Những công việc này bị mất đi là do mở rộng thương mại – không phải do thỏa thuận thương mại. Đúng là bất bình đẳng thu nhập đã gia tăng tới mức gây tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội, nhưng chính toàn cầu hóa, công nghệ và hệ thống giáo dục và thuế khiếm khuyết đã dẫn đến xu hướng này, không phải là do các hiệp định thương mại.

Rõ ràng là thương mại đã làm suy yếu nền tảng sản xuất của Mỹ, tương tự như việc nó đã tăng cường lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không tăng đáng kể nhập khẩu hàng hóa sản xuất vào Mỹ. Sáu trong số 11 quốc gia khác trong TPP đã có hiệp định thương mại tự do với chúng ta. Và năm quốc gia khác chỉ đối mặt với mức thuế quan tối thiểu.

Một hiểu lầm thứ hai là TPP sẽ làm suy giảm tiêu chuẩn lao động và môi trường và nâng cao chi phí dược phẩm. Nhưng hiệp định bao gồm các điều khoản bảo hộ được lấy trực tiếp từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với cơ chế thực thi mạnh mẽ. Đối với môi trường, không có gì mới trong TPP sẽ tác động tới các cơ chế giải quyết tranh chấp hiện có. Cuối cùng, khó có thể chắc chắn rằng các điều khoản bảo hộ mới cho các công ty dược sẽ dẫn đến chi phí thuốc cao hơn.

Hiểu lầm thứ ba là TPP không hoàn thiện bởi nó sẽ không ngăn được các quốc gia cạnh tranh không công bằng bằng cách làm mất giá đồng tiền của mình để kích thích xuất khẩu. Lời chỉ trích này là thiển cận. Khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất cơ bản xuống gần bằng không, bắt đầu mở rộng mua trái phiếu trong năm 2009, thì giá trị giao dịch của đồng đô la đã giảm so với hầu hết các đồng tiền khác. Có những lời chỉ trích nặng nề từ châu Âu và châu Á rằng chúng ta đã không công bằng khi làm mất giá đồng đô la để cải thiện vị thế thương mại của chúng ta. Dĩ nhiên, mục tiêu duy nhất của Fed là làm hồi sinh chi tiêu và đầu tư ở Mỹ.

Bây giờ, cả Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bắt đầu các phiên bản chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn của riêng họ. Kết quả là giá trị giao dịch của đồng đô la đã tăng lên so với đồng euro và đồng yên. Nhưng, tương tự như chúng ta trước đây, Eurozone và Nhật Bản không cố gắng bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại. Chúng ta nên hy vọng chính sách tiền tệ của họ sẽ thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng, bởi vì khi đó nhu cầu của họ đối với hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ tăng lên. Hơn nữa, Trung Quốc, nước bị nhiều người coi là thủ phạm chính trong việc thao túng tiền tệ, không phải là thành viên của TPP. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò là địa điểm để xác định xem có sự can thiệp không chính đáng của các chính phủ nhằm làm giảm giá đồng tiền của họ hay không.

Lợi ích của TPP là rất nhiều. Nó sẽ mở cửa hơn nữa khu vực 12 quốc gia cho giao thương trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp, hai lĩnh vực mà Mỹ trong lịch sử có thặng dư thương mại lớn. Bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ của Mỹ sẽ giúp ích cho các ngành, từ sản xuất công nghệ cao cho đến Hollywood, trong bối cảnh vi phạm bản quyền tại châu Á đã diễn ra phổ biến.

Thương mại tự do dẫn đến sự thịnh vượng rộng lớn hơn. Những lợi ích của thương mại tự do cần được chia sẻ rộng rãi, nhưng đánh bại TPP sẽ không giải quyết được các vấn đề của nước Mỹ liên quan tới sự bất bình đẳng. Thay vào đó, nó sẽ khiến đồng minh của chúng ta lo lắng hơn nữa. “Hơn nữa” là từ khóa ở đây, vì đã có sự gia tăng nghi ngờ về mức độ đáng tin cậy của Mỹ – kết quả của cuộc khủng hoảng trần nợ công, chính quyền đóng cửa, sự thất bại trong việc theo đuổi tới cùng các biện pháp đối phó với các mối đe dọa tại Syria, và gần đây nhất, là bức thư gửi cho Iran từ 47 thượng nghị sĩ. Nếu TPP thất bại, các quốc gia, có thể đúng hoặc sai, sẽ nhìn nhận rằng Washington không hiệu quả và do đó họ sẽ ít chú ý đến Mỹ hơn.

Tranh luận về giá trị của hiệp định thương mại lớn này là hợp lý. Nhưng các nhà phê bình đã phóng đại và bóp méo các chi phí kinh tế của hiệp định, trong khi lại bỏ qua các lợi ích của nó, cũng như các chi phí chiến lược của việc từ chối hiệp định. Sự lựa chọn thực sự là giữa việc ủng hộ một hiệp định thương mại vốn sẽ giúp ích cho hầu hết người dân Mỹ và phục vụ các mục tiêu chiến lược của đất nước, và đánh bại nó, điều sẽ làm đất nước sẽ nghèo hơn và thế giới ít ổn định hơn.

Roger C. Altman, cựu Thứ trưởng Bộ tài chính Mỹ, nay là chủ tịch một ngân hàng đầu tư.

Richard N. Haass, cựu giám đốc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao, nay là chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR).