Đã đến lúc Trung Quốc bỏ neo nhân dân tệ vào Đô la Mỹ

DA1AAA18-A7D2-4E4A-8132-B3428809BCC5_w640_r1_s_cx0_cy16_cw0

Nguồn: Guonan Ma, “Time to unpeg the renminbi”, East Asia Forum, 29/03/2015.

Biên dịch: Hà Thị Quỳnh Hương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nền kinh tế Trung Quốc giờ đây đã quá lớn để có thể tiếp tục duy trì việc neo đồng nhân dân tệ vào đô la Mỹ, biện pháp từng một thời hữu ích. Đã đến lúc phải bỏ nó đi.

Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá 2,5 phần trăm so với đồng đô la Mỹ trong năm 2014. Đây là lần rớt giá hàng năm lớn nhất kể từ năm 2005, khi Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng một cách rụt rè neo tỉ giá gắn chặt với đồng đô la của nó. Gần đây, đồng tiền Trung Quốc đã nhiều lần chạm ngưỡng dưới (weak side) biên độ tỉ giá giao dịch hàng ngày bất chấp những nỗ lực của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong việc ra tín hiệu về một tỷ giá đồng đô la Mỹ – Nhân dân tệ ổn định hơn thông qua can thiệp hàng ngày của mình.

Điều gì đã dẫn đến sự thay đổi chiều hướng của đồng Nhân dân tệ? Điều gì đang chờ đợi đồng tiền này trong năm 2015?

Có một số yếu tố có thể đã dẫn đến sự suy giảm giá trị đồng đồng dân tệ so với đồng đô la Mỹ gần đây.

Thủ phạm rõ ràng nhất chính là sức mạnh của đồng đô la Mỹ. Kể từ đầu năm 2014, cả đồng euro và yên Nhật đã yếu đi khoảng 15 phần trăm so với đồng đô la Mỹ. Do đó, “đồng bạc đỏ” cũng đã yếu đi một chút so với “đồng bạc xanh”, mặc dù nó vẫn giữ giá tốt hơn so với hầu hết các đồng tiền khác. Theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đồng Nhân dân tệ đã tăng được khoảng 7 phần trăm tỷ giá hối đoái thực tế (tính theo rổ tiền tệ) trong năm 2014.

Một nguyên nhân khác là sự khác biệt trong chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi người ta dự kiến rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu nâng lãi suất cơ bản và ngừng việc tiếp tục mua trái phiếu, PBOC đã bắt đầu một chu kỳ chính sách nới lỏng tiền tệ mới. Do đó sự chênh lệch tỷ lệ lãi suất dự kiến giữa hai đồng tiền đang thu hẹp.

Hiện nay có một số cuộc tranh luận về bản chất định giá đồng Nhân dân tệ. Trong thập niên qua, đồng Nhân dân tệ đã tăng 50 phần trăm. Kể cả khi đã tính tới mức tăng trưởng năng suất nhanh chóng của Trung Quốc thì vẫn còn có những câu hỏi về việc liệu đồng nhân dân tệ có được định giá đúng hay thậm chí được định giá quá cao hay không. Sự đồng thuận rộng khắp của thị trường trước đây rằng đồng nhân dân tệ bị định giá thấp đã không còn nữa.

Các bên tham gia thị trường cũng đã trở nên lo lắng về một hệ thống tài chính Trung Quốc vốn dường như đang chịu nhiều áp lực hơn. Do tỷ giá hối đoái là một trong những giá tài sản tài chính quan trọng nhất, làm thế nào người ta có thể mong đợi một đồng nhân dân tệ mạnh hơn bao giờ hết nhưng lại dựa trên  một ngành tài chính Trung Quốc mong manh hơn? Sẽ không hợp lý khi vừa lo sợ hệ thống ngân hàng ngầm Trung Quốc, vừa mong đồng nhân dân tệ tăng giá một cách có ý nghĩa cùng lúc.

Cuối cùng, PBOC dường như đã có một cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với việc quản lý đồng bạc đỏ. Kể từ đầu năm 2014, nó đã can thiệp ít hơn vào thị trường ngoại hối và đã mở rộng biên độ giao dịch hàng ngày. Một thị trường đồng nhân dân tệ ở nước ngoài ngày càng phát triển cũng có nghĩa là tâm lý rủi ro đang đóng một vai trò lớn hơn trong động lực tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Sự luân chuyển đồng nhân dân tệ ở nước ngoài có thể đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua.

Một đồng đô la Mỹ mạnh, sự khác biệt chính sách tiền tệ, những mối quan tâm về định giá đồng tiền, và việc PBOC ít can thiệp hơn, tất cả những yếu tố này kết hợp làm dao động các kỳ vọng tiền tệ, tăng biến động và thu hẹp chênh lệch lãi suất. Do đó, tỷ lệ Sharpe – tỷ lệ đo lường rủi ro trong danh mục đầu tư – đã giảm xuống, thúc đẩy các công ty Trung Quốc tăng cường trả các khoản nợ bằng đồng đô la Mỹ, với việc tăng tiền gửi bằng đồng đô la và các khoản nợ bằng đô la của các công ty Trung Quốc hạ xuống nhanh chóng hơn. Việc các công ty Trung Quốc mua lại các công ty nước ngoài ngày càng nhiều cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu đối với đồng đô la Mỹ.

Xét về cán cân thanh toán, quý IV năm 2014 chứng kiến dòng vốn chảy ra ngoài Trung Quốc lớn nhất trong 16 năm, và dự trữ ngoại tệ chính thức đã giảm đều đặn kể từ giữa năm 2014, mặc dù điều này một phần là do các tác động của việc định giá đồng nhân dân tệ. Nói ngắn gọn, nhu cầu của Trung Quốc đối với đô la Mỹ đã tăng lên, làm suy yếu giá trị của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Nó phụ thuộc rất nhiều vào cách PBOC phản ứng với việc mua đô la của công ty Trung Quốc. Có ba khả năng.

PBOC có thể bám chặt hơn vào neo đô la, giống như nó đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Kết quả sẽ là một đòn giảm phát đối với nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh sức mạnh đồng đô la được duy trì, khả năng ‘PBOC mua’ đồng nhân dân tệ được phản ánh vào kỳ vọng thị trường, cũng như việc thị trường cho rằng tỉ giá sẽ được duy trì ổn định. Trong trường hợp này, một neo đô la lỏng hơn có thể được tái thắt chặt.

PBOC có thể có một cách tiếp cận tự do hơn, lùi ra khỏi thị trường tiền tệ để cho nó tự phản ứng. Điều này sẽ dẫn đến biến động mạnh và thậm chí căng thẳng cho các doanh nghiệp. Trong trường hợp này, neo đô la lỏng lẻo có thể sẽ biến mất nhanh chóng.

Một kịch bản thứ ba và nhiều khả năng xảy ra hơn sẽ là PBOC để đồng nhân dân tệ chuyển động tự do hơn so với đồng đô la Mỹ nhưng chuẩn bị chống lại đà tụt giảm của nhân dân tệ bằng cách thỉnh thoảng bán USD từ kho dự trữ chính thức. Trong trường hợp này, neo đô la lỏng lẻo cũng sẽ bắt đầu mất dần.

Cách tiếp cận cuối cùng này hợp lý vì một số lý do. Trong ngắn hạn, nó sẽ giúp việc Trung Quốc nới lỏng tiền tệ được đảm bảo bằng cách giúp ổn định tỷ giá thực tế và làm giảm một cách có trật tự việc các công ty Trung Quốc kinh doanh carry trade (bán đồng tiền có lãi suất thấp và mua đồng tiền có lãi suất cao để hưởng phần lãi suất chênh lệch – NHĐ). Về lâu dài, nó sẽ giúp tăng cường sự linh hoạt tiền tệ hai chiều trước khi diễn ra việc bỏ điều tiết lãi suất đầy đủ hơn và tự do hóa tài khoản vốn lớn hơn.

Neo đồng nhân dân tệ với đồng đô la 20 năm qua đã phục vụ tốt cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng thời của nó đã hết. Là quốc gia thương mại lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc quá lớn để có thể neo đồng tiền của mình vào bất kỳ đồng tiền duy nhất nào, thậm chí là chỉ neo một cách lỏng lẻo. Neo vào đồng đô la thường khuếch đại những cú sốc từ bên ngoài vào nền kinh tế Trung Quốc vì vai trò của đồng đô la như một nơi trú ẩn an toàn. Mặc dù Mỹ không còn hoan nghênh việc Trung Quốc neo đồng nhân dân tệ vào đồng tiền của mình, Mỹ cũng chỉ tiếp tục yêu cầu điều duy nhất là “sự linh hoạt một chiều”.

Bây giờ đã đến lúc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hủy bỏ việc neo đồng nhân dân tệ vào đồng đô la.

Tiến sỹ Guonan Ma là một nhà nghiên cứu tại Bruegel và nguyên là kinh tế gia cao cấp của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Hong Kong.