Nguồn: “Rabin and Arafat sign accord for Palestinian self-rule,” History.com (truy cập ngày 03/5/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ngày mùng 4 tháng 5 năm 1994, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yasir Arafat đã đạt được thỏa thuận ở Cairo cho giai đoạn đầu tiên của quyền tự trị của người Palestine.
Thỏa thuận này tiếp nối Hiệp định Oslo, được ký ở Washington, D.C. vào ngày 13 tháng 9 năm 1993. Đây là thỏa thuận trực tiếp, mặt đối mặt đầu tiên giữa Israel và Palestine và nó thừa nhận quyền tồn tại của Israel. Nó cũng được thiết kế với vai trò là một khuôn khổ cho các mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.
Thỏa thuận Gaza-Jericho được ký vào ngày này trong lịch sử đặt ra bốn vấn đề chính: thỏa thuận an ninh, các vấn đề dân sự, các vấn đề pháp lý, và quan hệ kinh tế. Nó bao gồm việc Israel rút quân khỏi khoảng 60% diện tích của Dải Gaza (không bao gồm khu vực định cư của người Do Thái và các vùng lân cận) và thị trấn Jericho ở Bờ Tây, vùng đất bị Israel chiếm giữ trong cuộc Chiến tranh sáu ngày diễn ra năm 1967.
Người Palestine đồng ý chống chủ nghĩa khủng bố và ngăn chặn bạo lực trong thỏa thuận “đổi đất lấy hòa bình” nổi tiếng này. Thỏa thuận này cũng bao gồm một thỏa thuận chuyển giao quyền lực từ Chính quyền Dân sự Israel sang Chính quyền Palestine mới thành lập, quyền tài phán và lập pháp, lực lượng cảnh sát Palestine, và quan hệ giữa Israel và Chính quyền Palestine.
Lực lượng Quốc phòng Israel rút khỏi Jericho vào ngày 13 tháng 5 và rút khỏi hầu hết Dải Gaza vào hai ngày 18 và 19 tháng 5 năm 1994. Quan chức và cảnh sát Chính quyền Palestine lập tức tiếp quản khu vực này. Trong những ngày đầu tiên đã có một loạt các vụ tấn công nhằm vào binh lính Israel và thường dân trong và gần Dải Gaza. Arafat đã đến Gaza với sự chào đón hỗn loạn vào ngày mùng 1 tháng 7.
Sau một thời gian, những quy định về lịch trình được quy định trong thỏa thuận đã không được đáp ứng, việc rút quân của Israel chậm lại và những thỏa thuận mới đã được đàm phán. Các nhà chỉ trích người Israel gọi thỏa thuận “đổi đất lấy hòa bình” này trên thực tế là “đổi đất chẳng vì điều gì.”
Tiến trình hướng tới hòa bình giữa Israel và Palestine đã bị ngăn cản bởi sự bùng nổ của cuộc nổi dậy của người Palestine năm 2000, được biết đến với tên gọi “phong trào Intifada lần hai.” Sau khi Hamas lên nắm quyền trong cuộc bầu cử của người Palestine năm 2006, những căng thẳng còn được đẩy lên cao hơn nữa.