Hirohito – Vị Nhật hoàng trị vì lâu nhất

Hirohito

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 16/5/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Nhật hoàng Hirohito (1901-1989) giữ ngôi Thiên Hoàng của Nhật Bản từ năm 1926 cho đến lúc chết. Vai trò của ông trong chính phủ Nhật thời kỳ Thế chiến thứ hai vẫn còn là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Hirohito sinh ngày 29 tháng 4 năm 1901 tại Tokyo, là con trai cả của Hoàng thái tử Yoshihito (Thiên hoàng Đại Chính). Cha của ông lên ngôi Thiên hoàng khi ông lên 11 tuổi.

Năm 1921, Hirohito viếng thăm Châu Âu trong sáu tháng. Ông là thành viên đầu tiên của hoàng gia Nhật Bản xuất ngoại. Năm 1924, ông kết hôn với công chúa Nagako và họ có với nhau bảy người con. Hirohito lên ngôi vua khi cha ông mất vào năm 1926 (lấy hiệu là Chiêu Hòa – ND).

Rất nhiều người dân Nhật Bản tôn thờ Thiên hoàng như thần thánh. Nhưng trên thực tế ông hầu như không có thực quyền, khi các quan chức dân sự cũng như quân sự chịu trách nhiệm quyết định chính sách quốc gia. Ông miễn cưỡng ủng hộ việc xâm lược Mãn Châu và cuộc chiến tranh với người Trung Quốc, và khuyến khích sự hợp tác với người Anh và người Mỹ. Tuy nhiên, ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phê chuẩn cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu cảng, sự kiện sau đó đã dẫn tới cuộc chiến giữa Nhật và Mỹ vào tháng 12 năm 1941. Dẫu Hirohito không mấy nhiệt huyết với quyết định tham chiến, ông lại khá hài lòng với những chiến công mà quân đội và hải quân Nhật đạt được. Ông thường xuyên xuất hiện trong bộ quân phục để khích lệ tinh thần quân lính.

Đến mùa xuân năm 1945, viễn cảnh thua cuộc của Nhật Bản hiển hiện rõ ràng. Chính phủ Nhật Bản bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là các lãnh đạo quân sự, những người muốn tiếp tục chiến tranh, và một bên là các quan chức dân sự muốn đàm phán hòa bình. Hirohito có lẽ đã nghiêng về phe muốn hòa bình. Sau vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Hirohito khẳng định Nhật Bản phải đầu hàng. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, ông đã tuyên bố qua radio việc kết thúc chiến tranh. Đây cũng là lần đầu tiên người dân Nhật nghe thấy giọng nói của Thiên hoàng.

Một vài lãnh đạo của quân Đồng minh muốn kết án Hirohito là tội phạm chiến tranh. Tướng Douglas McArthur, người chỉ huy lực lượng quân Mỹ chiếm đóng tại Nhật, cảm thấy rằng nếu Hirohito tiếp tục làm hoàng đế, việc áp dụng những cải cách dân chủ tại đây sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên Hirohito đã phủ nhận sự thần thánh (bất khả xâm phạm) của ngôi vị Thiên hoàng.[1]

Trong những năm tháng hậu chiến tranh, Hirohito đi khắp nước Nhật để quan sát tiến trình tái thiết đất nước và để giành lại sự ủng hộ của người dân đối với gia đình hoàng đế. Ông cũng là người đại diện cho Nhật Bản ở quốc tế. Ông có niềm yêu thích với sinh vật biển và đã xuất bản rất nhiều tác phẩm học thuật về lĩnh vực này.

Hirohito qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 7 tháng 1 năm 1989 tại Hoàng cung ở Tokyo, và truyền ngôi cho con trai là Akihito.

———————————————————

[1] Năm 1947, Hirohito đã công bố một bản hiến pháp sửa đổi cho Nhật Bản, trong đó quy định Thiên hoàng chỉ là một vị trí mang tính biểu tượng của dân tộc. – ND