Nguồn: “John Foster Dulles dies,” History.com (truy cập ngày 23/5/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ngày 24 tháng 5 năm 1959, sau gần ba năm chống chọi với căn bệnh ung thư, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đã qua đời. Dulles giữ chức Ngoại trưởng từ năm 1953 đến ít lâu trước khi ông mất, và được coi là một trong những người đặt nền móng cho chính sách đối ngoại thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ trong giai đoạn đó.
Dulles sinh năm 1888, con trai của một mục sư dòng Giáo hội trưởng nhiệm (Presbyterian). Tổng thống Dwight D. Eisenhower sau này đã đùa rằng anh chàng Dulles nghiêm túc đã chuẩn bị trở thành Ngoại trưởng từ khi còn là đứa trẻ. Điều đó không phải là không đúng. Ông trẻ của Dulles là John W. Dulles đã giữ chức Ngoại trưởng trong những năm 1890 (và là người mà John Foster Dulles được đặt tên theo). Cậu của Dulles, Robert Lansing, cũng giữ vị trí tương tự dưới thời Tổng thống Woodrow Wilson. Dulles đã tiếp nối truyền thống gia đình khi Eisenhower bổ nhiệm ông làm Ngoại trưởng năm 1952.
Nhưng Dulles không chỉ đơn thuần là bước theo dấu chân của những người họ hàng nổi tiếng của mình. Ông có tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Những tư tưởng tôn giáo đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy của ông về quan hệ quốc tế, kết quả là ông thường đơn giản hóa những vấn đề phức tạp thành những cuộc xung đột giữa cái thiện và ác, giữa đúng và sai. Ông cũng nổi tiếng là một người chống cộng.
Là Ngoại trưởng, Dulles nổi tiếng nhất vì đã phát triển khái niệm “trả đũa ồ ạt” (“massive retaliation”). Theo lý thuyết này, Dulles cho rằng Hoa Kỳ nên công khai thể hiện rằng nó có tiềm lực và sẵn sàng sử dụng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình để chống lại những mối đe dọa tới lợi ích của Mỹ trên toàn cầu. Dulles tin rằng điều đó sẽ không thể đến vì khi phải đối mặt với nguy cơ bị vũ khí hạt nhân hủy diệt, Liên Xô sẽ rút lui khỏi “bờ vực” của một cuộc chiến tranh nguyên tử.
Dulles cũng nổi tiếng với quan điểm của ông về chủ nghĩa trung lập của Thế giới thứ ba. Theo ông, trung lập trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản là một tội lỗi. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Dulles cũng phải đưa Mỹ qua nhiều cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại, trong đó có cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956.
Cũng năm đó, Dulles được phát hiện mắc bệnh ung thư phổi. Trong hơn hai năm rưỡi sau đó, Dulles đã dũng cảm chống chọi lại bệnh tật, tiếp tục đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng xen lẫn những chuyến đi tới bệnh viện để điều trị. Ngày 22 tháng 4 năm 1959, Dulles từ chức khi ông không thể tiếp tục làm việc vì đã quá yếu. Christian Herter được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng thay cho Dulles trong thời gian sau đó.