Nguồn: “Congress adopts the Stars and Stripes,” History.com (truy cập ngày 13/6/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1777, trong cuộc Cách mạng Mỹ, Quốc hội Lục địa đã thông qua một nghị quyết mới, theo đó “lá cờ của Hoa Kỳ gồm mười ba sọc đỏ và trắng nằm xen kẽ,” và “Tập hợp gồm mười ba ngôi sao màu trắng trên nền cờ xanh, tượng trưng cho một chòm sao mới.” Lá quốc kỳ mới, sau này được biết tới với tên gọi cờ “sao và sọc” (Stars and Stripes), được thiết kế dựa trên lá cờ “đại liên minh” (Grand Union), một lá cờ của Lục quân Lục địa năm 1776, cũng bao gồm mười ba sọc đỏ và trắng nằm xen kẽ.
Theo truyền thuyết, thợ may Betsy Ross người Philadelphia đã thiết kế phần góc trên bên trái mới cho lá cờ sao và sọc, bao gồm một vòng tròn gồm mười ba ngôi sao trên nền cờ xanh, theo yêu cầu của Đại tướng George Washington. Tuy nhiên, các sử gia không thể chứng minh hay bác bỏ một cách thuyết phục giả thuyết này.
Khi các tiểu bang mới được sáp nhập sau khi Hoa Kỳ giành được độc lập, các đường sọc và ngôi sao mới được thêm vào để thể hiện những thành phần mới trong Liên minh. Tuy nhiên, đến năm 1818, Quốc hội Mỹ ban hành một đạo luật quy định rằng mười ba sọc gốc sẽ được khôi phục để thể hiện mười ba tiểu bang ban đầu, các ngôi sao mới sẽ được thêm vào để thể hiện những tiểu bang mới.
Ngày 14 tháng 6 năm 1877, lễ kỷ niệm Ngày Quốc kỳ lần đầu tiên được tổ chức nhân dịp tròn 100 năm ngày Quốc hội thông qua lá cờ sao và sọc. Theo hướng dẫn của Quốc hội, lá Quốc kỳ Mỹ sẽ được treo trên mọi công trình công cộng trên toàn quốc. Trong những năm sau đó, một số tiểu bang tiếp tục tiến hành kỷ niệm ngày lá cờ được công nhận, và đến năm 1949 thì Quốc hội Mỹ chính thức lấy ngày 14 tháng 6 làm Ngày Quốc kỳ, một ngày kỷ niệm quốc gia.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]