Sự thao túng tiền tệ trong tưởng tượng

MARKETS-GLOBAL/

Nguồn: Stephen S. Roach, “The Currency Manipulation Charade”, Project Syndicate, 27/05/2015.

Biên dịch: Lê Thanh Long | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Trong khi Quốc hội Mỹ loay hoay với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gây tranh cãi – vốn là hiệp định thương mại then chốt của Tổng thống Barack Obama– thì xuất hiện một trở ngại lớn. Vào ngày 22 tháng 5, Thượng nghị viện đã tránh được trở ngại ấy bằng việc bỏ phiếu sát nút 51/48 để bác bỏ một đề xuất bổ sung điều khoản về “thao túng tiền tệ” vào một dự luật vốn sẽ trao cho Obama “quyền đàm phán nhanh” (fast-track authority) để thương thảo Hiệp định TPP. Nhưng vấn đề này có thể lại bị đưa ra khi cuộc tranh luận chuyển đến Hạ viện, nơi có sự ủng hộ rất lớn đối với “các quy định về tiền tệ có thể được thi hành.”

Trong ít nhất một thập niên gần đây, Quốc hội đã tập trung vào sự thao túng tiền tệ – một sự cáo buộc nhắm vào các nước công khai can thiệp vào thị trường ngoại hối để làm giảm giá nội tệ và dùng cách đó để trợ cấp xuất khẩu.

Vào năm 2005, các Thượng nghị sĩ Charles Schumer, thành viên Đảng Dân chủ theo xu hướng tự do ở tiểu bang New York, và Lindsey Graham, thành viên Đảng Cộng hòa theo xu hướng bảo thủ ở tiểu bang South Carolina, hình thành nên một liên minh khó tin để bảo vệ những người lao động Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu khó khăn tránh khỏi những thông lệ cạnh tranh bất công. Họ cho rằng việc chấm dứt thao túng tiền tệ sẽ thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ, mang lại những lợi ích lâu dài và có ý nghĩa cho những người lao động đang gặp khó khăn.

Một thập niên trước, đề xuất ban đầu của Schumer‑Graham là một sáng kiến chống Trung Quốc không được ngụy trang kỹ lưỡng. Đề nghị này xuất phát từ thái độ bất bình đối với một thực tế đến nay vẫn còn tồn tại, đó là việc Trung Quốc chiếm đến 47% thâm hụt thương mại hàng hóa quá mức của Mỹ năm 2014. Liên minh này không quan tâm tới thực tế là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng giá khoảng 33% so với đồng Đôla Mỹ từ giữa năm 1995 đến mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế không còn coi đồng Nhân dân tệ là bị định giá thấp, hay thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đã co lại từ 10% GDP trong năm 2007 xuống còn xấp xỉ 2% trong năm 2014. Trung Quốc vẫn nằm trong tầm ngắm của các nhà chính trị Mỹ, những người tin rằng công nhân Mỹ là nạn nhân của các thông lệ thương mại không công bằng của nước này.

Mặc dù luận điểm này hấp dẫn đáng kể về mặt tình cảm (bài Trung) và chính trị, nhưng nó không hoàn hảo vì Mỹ có vấn đề gây tác động tiêu cực ít được chú ý về tiết kiệm. Tỉ lệ tiết kiệm ròng của Mỹ– tức tổng dự trữ của người dân, doanh nghiệp, và chính phủ (đã được điều chỉnh để tính tới mức tiết kiệm giảm khi người ta già đi) – hiện nay ở mức 2,5% thu nhập quốc dân. Tỉ lệ này cao hơn con số âm trong giai đoạn  2008 – 2011, nhưng nó vẫn còn thấp hơn nhiều so với tỉ lệ dự trữ trung bình 6,3% của 3 thập niên cuối của thế kỷ 20.

Thiếu tiết kiệm nhưng vẫn muốn phát triển, Mỹ phải nhập nguồn tiết kiệm dư thừa từ nước ngoài. Và để thu hút vốn nước ngoài, không còn cách nào khác, Mỹ phải chịu sự thâm hụt cán cân thanh toán ở mức tương đương.

Vì vậy, không phải là ngẫu nhiên khi nền kinh tế Mỹ bị thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài. Dù sự thâm hụt này đã thu hẹp từ đỉnh điểm 5,8% GDP năm 2006 xuống còn 2,4% trong năm 2014, nó vẫn khiến cho Mỹ phải phụ thuộc đáng kể vào nguồn tiết kiệm nước ngoài thặng dư để tăng trưởng.

Đây chính là nơi thâm hụt thương mại trở nên liên quan. Mỹ không phải hút nguồn tiết kiệm thặng dư nước ngoài từ hư không. Để có được số vốn cần thiết, Mỹ phải gửi đô la ra nước ngoài qua giao thương quốc tế.

Và tại đây luận điểm về thao túng tiền tệ đã sụp đổ. Vào năm 2014, Mỹ chịu thâm hụt thương mại với khoảng 95 quốc gia. Nói một cách khác, Mỹ không chỉ chịu một vài khoản thâm hụt thương mại song phương vốn có thể quy cho tình trạng “thao túng tiền tệ” bởi một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, hay Singapore. Đúng ra, Mỹ chịu tình trạng mất cân bằng thương mại đa phương với nhiều quốc gia và điều này không thể được khắc phục bằng cách áp đặt các hình phạt song phương như là hàng rào thuế quan.

Nếu không khắc phục những vấn đề về tiết kiệm thì việc hạn chế giao thương với một số nước được cho là thao túng tiền tệ cũng chỉ làm thâm hụt thương mại của Mỹ được phân bổ lại sang các đối tác thương mại khác mà thôi. Hậu quả là cán cân thương mại của Mỹ giống như một quả bong bóng đựng nước, ép tay lên một điểm cũng chỉ khiến cho nước tràn ra chỗ khác.

Hơn nữa, phương pháp này dễ phản tác dụng. Ví dụ, giả sử nguồn tiết kiệm quốc nội của Mỹ không tăng thì việc trừng phạt nhà sản xuất giá rẻ như Trung Quốc vì thao túng tiền tệ sẽ có thể khiến khoản thâm hụt thương mại của Mỹ do Trung Quốc gây ra được chuyển sang cho những nước sản xuất với giá cao hơn. Việc này chẳng khác gì tăng thuế đánh vào các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu – chính là các cử tri quan trọng nhất với Quốc hội. Vấn đề phức tạp hơn nữa sẽ phát sinh nếu đặt vào tay các chính trị gia quyền phán quyết nước nào đang thao túng tiền tệ dựa vào một dạng đo lường “giá trị công bằng” nào đó.

Đây cũng là một sự việc cho thấy sự đạo đức giả của Quốc hội. Cáo buộc thao túng tiền tệ chỉ là sự tấn công nhất thời để lẩn tránh trách nhiệm khắc phục vấn đề tiết kiệm của Mỹ. Do thiếu chiến lược gia tăng tiết kiệm – không chỉ các giải pháp khắc phục lâu dài vấn đề thâm hụt ngân sách chính phủ liên bang, mà còn các động lực khuyến khích có ý nghĩa cho tiết kiệm cá nhân – nên các chính trị gia Mỹ đã quay sang tìm một cách khắc phục “ăn liền” khác.

Cuối cùng, không còn cách nào khác: nếu Quốc hội không thích thâm hụt thương mại, Mỹ cần phải giải quyết vấn đề tiết kiệm của mình và chấm dứt những mối bận tâm không đúng chỗ về thao túng tiền tệ.

Điều này không nhằm lập luận rằng Mỹ nên phớt lờ các thông lệ giao thương bất công. Là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, Mỹ có nhiều cơ hội sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức đó để xử lý những vấn đề lớn với các đối tác thương mại của mình. Và nước Mỹ đã thành công với phương pháp này. Việc mà Quốc hội không nên làm là giả vờ rằng chính sách thương mại sai lầm là câu trả lời cho sự yếu kém và không quyết tâm tái tập trung vào các chính sách trong nước của mình.

Tất nhiên, đổ lỗi cho người khác luôn dễ hơn xem xét lại chính bản thân mình. Nhưng lịch sử đã không bao dung với những sai lầm thương mại nghiêm trọng. Giống như Đạo luật Thuế quan Smoot Hawley năm 1930 đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu, khiến cho cuộc Đại Khủng hoảng càng trầm trọng hơn, ngày nay việc Quốc hội ban hành các quy định tiền tệ có thể được thi hành sẽ dẫn đến các hành động trả đũa có thể phá hủy dòng chảy tự do giao thương mà nền kinh tế toàn cầu vốn ảm đạm này đang rất cần đến.

Thượng viện Mỹ đã sáng suốt từ chối sự lựa chọn nguy hiểm này. Chúng ta chỉ có thể mong rằng sự khôn ngoan này cũng sẽ thắng thế trong Hạ viện. Ban hành điều luật chống thao túng tiền tệ là một bi kịch nên và có thể tránh được.

Stephen S. Roach, cựu chủ tịch và nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley Asia, là chuyên gia cao cấp tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu, Đại học Yale, và là giảng viên cao cấp tại Trường Quản lý, Đại học Yale. Ông là tác giả của cuốn sách mới mang tựa đề: “Mất cân bằng: Sự phụ thuộc lẫn nhau của Mỹ và Trung Quốc”.