Nguồn: “Napoléon defeated at Waterloo,” History.com (truy cập ngày 17/6/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này cách đây 200 năm, tại Waterloo thuộc Bỉ ngày nay, Napoléon Bonaparte đã chịu thất bại dưới tay của Công tước xứ Wellington, mang đến dấu chấm hết cho kỷ nguyên Napoléon của lịch sử châu Âu.
Sinh ra ở đảo Corse, Napoléon là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử, nhanh chóng tiến thân trong đội ngũ của Quân đội Cách mạng Pháp trong cuối những năm 1790. Đến năm 1799, Pháp đang giao chiến với hầu hết châu Âu, Napoléon trở về quê hương từ cuộc viễn chinh Ai Cập để giành quyền kiểm soát chính phủ Pháp và cứu dân tộc Pháp khỏi sụp đổ.
Sau khi trở thành vị tổng tài thứ nhất vào tháng 2 năm 1800, ông tổ chức lại đội quân của mình và đánh bại Áo. Năm 1802, ông ban hành Bộ luật Napoléon, một hệ thống pháp luật mới của Pháp, và lên ngôi Hoàng đế nước Pháp trong Nhà thờ Đức Bà Paris năm 1804. Đến năm 1807, Napoléon đã kiểm soát một đế chế trải dài từ sông Elbe ở phía Bắc, dọc xuống Ý ở phía Nam, và từ dãy Pyrénées (biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha) ở phía Tây cho đến bờ biển Dalmatia (thuộc Croatia ngày nay) ở phía Đông.
Từ năm 1812, Napoléon bắt đầu gặp phải những thất bại nặng nề đầu tiên trong sự nghiệp quân sự của mình, tổn thất sau cuộc xâm lược thảm khốc vào Nga, đánh mất Tây Ban Nha dưới tay Công tước xứ Wellington trong cuộc Chiến tranh Bán đảo, sau đó thất bại hoàn toàn dưới tay lực lượng đồng minh năm 1814.
Bị đày đến đảo Elba trên Địa Trung Hải, ông trốn về Pháp vào đầu năm 1815 để thiết lập một chế độ mới. Khi quân đồng minh đã tập trung trên các vùng biên giới nước Pháp, ông tổ chức một lực lượng Đại quân (Grande Armée) mới và tiến vào Bỉ. Ông dự định đánh bại từng đội quân một trong liên minh (gồm Anh, Phổ, Hà Lan, Hannover, Nassau, Brunswick) trước khi họ có thể phát động một cuộc tấn công có phối hợp.
Ngày 16 tháng 6 năm 1815, ông đánh bại quân Phổ dưới sự chỉ huy của Gebhard Leberecht von Blücher ở Ligny, Bỉ, và cử 33.000 quân, tương đương một phần ba tổng số lực lượng của ông, để truy đuổi tàn quân Phổ. (Đây cũng là chiến thắng quân sự cuối cùng của Napoléon.)
Ngày 18 tháng 6, Napoléon dẫn lực lượng gồm 72.000 người của mình chống lại đội quân của Công tước xứ Wellington gồm 68.000 người, vốn đang đóng tại một vị trí vững chắc gần làng Waterloo, cách Bruxelles gần 20 cây số về phía Nam. Trong một sai lầm chết người, Napoléon đã trì hoãn đến trưa mới ra lệnh tấn công để chờ mặt đất khô ráo. Sự chậm trễ của Napoléon đã cho quân đội của Blücher thời gian để tiến đến Waterloo và tham gia vào trận chiến lúc chiều muộn.
Trong những cuộc tấn công liên tục, Napoléon đã không thể phá vỡ trung tâm của lực lượng đồng minh. Trong khi đó, quân Phổ đang kéo tới và gây sức ép lên sườn phía Đông của quân đội Napoléon. Lúc 6 giờ chiều, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Michel Ney đã chiếm được một trang trại trong trung tâm của lực lượng đồng minh. Nhưng Napoléon phải chống chọi với 30.000 quân Phổ tấn công vào sườn đạo quân của ông nên không thể gửi quân đến hỗ trợ cho cuộc tấn công của Ney sau 7 giờ tối.
Trong lúc đó, Công tước xứ Wellington đã tổ chức lại lực lượng phòng thủ của mình, cuộc tấn công của Pháp bị đẩy lùi. Mười lăm phút sau, quân đội đồng minh tiến hành một cuộc tổng tấn công, quân Phổ tấn công từ phía Đông, ném quân đội Pháp vào cơn hoảng loạn và tháo chạy vô tổ chức. Quân Phổ tiếp tục truy đuổi tàn quân Pháp, trong khi Napoléon rời trận địa. Thiệt hại của quân đội Pháp trong trận Waterloo là 25.000 người chết và bị thương, cùng khoảng 9.000 người bị bắt giữ; còn quân đội đồng minh thiệt hại khoảng 23.000 người.
Napoléon trở lại Paris và đến ngày 22 tháng 6 thì thoái vị để nhường ngôi cho con trai mình. Ông quyết định rời nước Pháp trước khi các lực lượng phản cách có thể nổi dậy chống lại ông. Đến ngày 15 tháng 7, ông chấp nhận sự bảo hộ của Anh tại cảng Rochefort. Ông hi vọng được đưa sang Mỹ, nhưng thay vào đó lại bị gửi tới Saint Helena, một hòn đảo hoang vu trên Đại Tây Dương nằm ngoài bờ biển châu Phi. Napoléon phản đối nhưng không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận bị lưu đày. Với một nhóm người theo cùng, ông sống thầm lặng trên đảo Saint Helena trong suốt 6 năm sau đó. Tháng 5 năm 1821, Napoléon qua đời, có thể là do ung thư dạ dày. Khi đó, ông mới 52 tuổi. Năm 1840, thi thể của ông được đưa về Paris để tổ chức tang lễ. Thi thể của ông được đưa qua Khải Hoàn Môn và chôn cất dưới mái vòm của Điện Invalides ở Paris.
Xem thêm:
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]