Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Print Friendly, PDF & Email

sigla_nato_1

Tác giả: Lê Thành Lâm

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được phát triển từ Hiệp ước Phòng thủ tập thể Brussels do Anh, Pháp và ba nước Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) ký tháng 3 năm 1948. Tổ chức này ra đời một phần do tâm lý lo sợ chiến tranh của các nước, nhất là sau cuộc khủng hoảng Tiệp Khắc. Mục đích chính của NATO là ngăn chặn Liên Xô, bảo vệ an ninh và duy trì ổn định ở Tây Âu. Ngày 04/04/1949, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký ở Washington và chính thức có hiệu lực vào tháng 8/1949. 12 quốc gia tham gia Hiệp ước bao gồm: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, ba nước Benelux, Ý, Bồ Đào Nha, Na Uy, Đan Mạch, Ai-len và Canada. Kể từ khi thành lập, NATO đã 6 lần mở rộng và hiện bao gồm 28 thành viên. Ngoài 12 thành viên ban đầu, các thành viên được kết nạp thêm gồm Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ (1952), Cộng hòa Liên bang Đức (1955), Tây Ban Nha (1982), Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary (1997), Bungari, Estonia, Litva, Latvia, Rumani, Slovakia, Slovenia (2004), Anbani và Croatia (2009).  Trụ sở chính của tổ chức được đặt tại thành phố Brussels (Bỉ).

Hiệp ước Vácsava
Hiệp ước Vácsava được ký tháng 4/1955 tại Thủ đô Vácsava của Ba Lan với tên gọi chính thức Hiệp ước Tương trợ lẫn nhau của các nước Đông Âu. Hiệp ước đã tạo nên một đồng minh trong Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô với 7 nước Đông và Trung Âu nhằm đối trọng với NATO. Hiệp ước tồn tại đến năm 1991 thì giải thể.

Ra đời không lâu sau khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, có thể nói việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là một trong những động thái của các nước phương Tây phản ứng trước môi trường quốc tế thay đổi. NATO đóng vai trò phòng thủ tập thể cho các nước thành viên; kiềm chế Liên Xô và đảm bảo cho cam kết của Mỹ về bảo vệ Tây Âu. Như vậy, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã trở thành một bộ phận quan trọng của trật tự an ninh mới ở Châu Âu.

Không thể phủ nhận vai trò to lớn và quan trọng của Mỹ trong NATO. Mỹ có tiếng nói quyết định trong NATO và coi NATO như một công cụ không chỉ để hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô và còn để khống chế Châu Âu. Việc mở rộng phạm vi của NATO chính là nhằm ngày càng tăng thế lực của Mỹ tại Châu Âu. Tuy nhiên, sự phân chia quyền lực không đều giữa Mỹ và các nước thành viên trong NATO đã khiến cho các nước thành viên lên tiếng đòi hỏi một sự phân chia quyền lực công bằng hơn. Tuy Mỹ đã đưa ra những động thái điều chỉnh như: mở rộng phạm vi chức năng của liên minh, coi trọng vai trò của các nước đồng minh… nhưng vấn đề này về bản chất vẫn không thay đổi.

Đầu những năm 1990, sau khi Hiệp ước Vácsava giải thể, đã có khá nhiều kiến nghị đòi giải tán NATO với lý do đã không còn sự đối đầu Đông – Tây nữa. Tuy nhiên, tình hình đã không diễn ra như vậy. Hiện nay, NATO vẫn đang tồn tại, tiếp tục phát triển và mở rộng không ngừng. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động, NATO đã đưa ra những cải cách về cơ cấu, nội dung như sau:

  • Thứ nhất, xác định “đặc tính phòng thủ Châu Âu”. Do trong nhiều năm chiến tranh, quyền chỉ huy NATO luôn nằm trong tay Mỹ. Chính vì vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, các nước thành viên trong khối NATO đã lên tiếng đòi phân chia quyền lực công bằng tương đối giữa các quốc gia Châu Âu và Mỹ.
  • Thứ hai, xây dựng đội quân liên hợp đặc phái đa quốc gia, đa binh chủng. Đội quân này ra đời khiến cho hoạt động của NATO ngày càng linh hoạt và hiệu quả hơn. Đây là bước ngoặt quan trọng của NATO sau Chiến tranh Lạnh.
  • Thứ ba, xây dựng cơ cấu chỉ huy quân sự mới như: Điều chỉnh cơ cấu Bộ Tư lệnh tối cao quân Đồng minh Châu Âu của NATO; Tinh giản cơ cấu chỉ huy quân sự; Thành lập Tổ Điều hành Hiệp đồng Chính trị; Chú trọng đến tầm quan trọng của Địa Trung Hải đối với an ninh Châu Âu.

Ngoài việc thực hiện những cải cách mang tính nội bộ, NATO không ngừng theo đuổi kế hoạch mở rộng biên giới sang phía Đông. Hành động này của NATO là một sự kiện quan trọng kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nó không chỉ làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ, Nga và Châu Âu mà còn làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực Châu Âu và sự phát triển tiến trình đa cực hóa của thế giới. Sau Chiến tranh Lạnh, nhiều nước Đông Âu đã trở thành thành viên của NATO. Lộ trình “Đông tiến” của NATO đã tiến tới sát cửa ngõ của nước Nga khi hiện nay cánh cửa vào NATO đang được mở rộng cho Ucraina và Gruzia. Nguyên nhân của việc nhiều nước Đông Âu hay một số nước từng thuộc Liên bang Xô Viết trước đây muốn trở thành thành viên của NATO là do các nước này muốn thông qua NATO để tìm sự bảo trợ an ninh quốc gia trước những sự đe dọa từ các nước lớn trong châu lục. Bên cạnh đó, khi trở thành thành viên của NATO, các nước này sẽ có cơ hội tiếp cận với những nền kinh tế phát triển mạnh của phương Tây để từ đó tìm cơ hội phát triển cho mình.

Hiện nay, khi nói tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương người ta không thể không đề cập đến mối quan hệ giữa NATO và Nga. Đây là mối quan hệ phức tạp và thực tế cho thấy quan hệ Nga – NATO rất thất thường. Hàng loạt những bất đồng nảy sinh giữa Nga và NATO liên quan đến các vấn đề như: lộ trình “Đông tiến” của NATO, tỉnh Kosovo của Serbia tuyên bố tự trị, những bước triển khai “lá chắn tên lửa” của Mỹ tại Đông Âu, Nga phản đối việc hai nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô trước đây là Ucraina và Gruzia trở thành thành viên NATO…. Và vào tháng 8/2008, cuộc chiến năm ngày giữa Nga và Gruzia diễn ra đã khiến mối quan hệ giữa Nga và khối quân sự NATO trở nên đóng băng, do nhiều quốc gia trong khối NATO đã hỗ trợ trực tiếp cho Gruzia về mặt kỹ thuật – quân sự. Tuy nhiên, quan hệ giữa NATO và Nga đã có những bước cải thiện trong những tháng cuối năm 2009, hai bên hy vọng mối quan hệ này sẽ trở nên chắc chắn và mang tính xây dựng hơn. Tuy giữa NATO và Nga có nhiều lúc căng thẳng nhưng có thể khẳng định rằng hai bên đều cần đến nhau. Cả hai cần phải hợp tác để giải quyết các vấn đề chung như: cuộc chiến chống khủng bố, ngăn chặn tình trạng phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, cuộc chiến ở Afghanistan….

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ với số lượng thành viên ngày càng tăng và phạm vi ảnh hưởng ngày càng mở rộng. Trước những biến động của môi trường quốc tế, ngoài chức năng quân sự ban đầu, NATO giờ đây có thêm chức năng mới như: chức năng chính trị, chức năng xử lý khủng hoảng, đối phó với những xung đột khu vực và gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại lâu năm như vai trò “độc quyền” của Mỹ trong NATO hay mối quan hệ giữa NATO và Nga vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Xem thêm:

Điều khoản số 5 của NATO hoạt động như thế nào?

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]