Nguồn: “U.N. Charter signed,” History.com (truy cập ngày 25/6/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1945, trong khán phòng của Nhà hát Herbst ở San Francisco, các đại biểu đến từ 50 quốc gia đã ký vào bản Hiến chương Liên Hợp Quốc, thành lập nên tổ chức quốc tế với vai trò cứu “những thế hệ sau khỏi thảm họa của chiến tranh.” Hiến chương Liên Hợp Quốc được phê chuẩn ngày 24 tháng 10 cùng năm, và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đầu tiên được triệu tập ở Luân Đôn vào ngày mùng 10 tháng 1 năm 1946.
Bất chấp sự thất bại của Hội Quốc Liên trong việc phân xử những xung đột dẫn đến Thế chiến II, đầu năm 1942, các nước Đồng Minh vẫn đề nghị thành lập một cơ quan quốc tế mới để duy trì hòa bình trong thế giới thời hậu chiến. Ý tưởng thành lập Liên Hợp Quốc bắt đầu được đưa ra từ tháng 8 năm 1941 khi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill ký bản Hiến chương Đại Tây Dương, trong đó bao gồm một bộ nguyên tắc hợp tác quốc tế trong vấn đề duy trì hòa bình và an ninh.
Cũng trong năm đó, Roosevelt đã dùng tên gọi “Liên Hợp Quốc” để mô tả các quốc gia Đồng Minh chống lại các cường quốc phe Trục – Đức, Ý, và Nhật Bản. Thuật ngữ này được sử dụng chính thức lần đầu tiên vào ngày mùng 1 tháng 1 năm 1942, khi đại diện của 26 nước Đồng Minh nhóm họp ở Washington, D.C. để ký bản Tuyên ngôn Liên Hợp Quốc, trong đó ủng hộ Hiến chương Đại Tây Dương và trình bày các mục tiêu chiến tranh chung của quân đội Đồng Minh.
Tháng 10 năm 1943, các nước Đồng Minh chủ chốt – Anh, Mỹ, Liên Xô, và Trung Quốc – đã nhóm họp tại Moskva và đưa ra Tuyên bố Moskva, đề ra sự cần thiết của một tổ chức quốc tế nhằm thay thế cho Hội Quốc Liên. Mục tiêu này được tái khẳng định tại Hội nghị Đồng Minh ở Tehran tháng 12 năm 1943, và đến tháng 8 năm 1944, Anh, Mỹ, Liên Xô, và Trung Quốc đã gặp nhau tại Dumbarton Oaks ở Washington, D.C. để đặt nền móng cho Liên Hợp Quốc.
Trong hơn bảy tuần, các đại biểu đã phác thảo ra hình thức của cơ quan quốc tế mới nhưng lại thường xuyên gặp bất đồng về các vấn đề tư cách thành viên và cơ chế bầu bán. Thỏa hiệp cuối cùng cũng đạt được giữa ba nước “Tam Hùng” (Big Three) – Mỹ, Anh, và Liên Xô – tại Hội nghị Yalta tháng 2 năm 1945, và tất cả các nước đã tuân thủ Tuyên ngôn Liên Hợp Quốc 1942 đều được mời tới hội nghị thành lập Liên Hợp Quốc.
Ngày 25 tháng 4 năm 1945, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Tổ chức Quốc tế nhóm họp tại San Francisco với đại diện từ 50 quốc gia. Ba tháng sau đó, trong thời gian Đức đã đầu hàng, Hiến chương chính thức của Liên Hợp Quốc đã được các đại biểu nhất trí thông qua. Ngày 26 tháng 6, nó được ký.
Bao gồm lời mở đầu và 19 chương chia thành 111 điều khoản, Hiến chương kêu gọi Liên Hợp Quốc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống, tăng cường luật pháp quốc tế, thúc đẩy việc mở rộng các quyền con người. Theo quy định của Hiến chương, các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc gồm có Ban Thư ký, Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Tòa án Công lý Quốc tế, và Hội đồng Ủy trị Liên Hợp Quốc.
Ngày 24 tháng 10 năm 1945, Hiến chương Liên Hợp Quốc chính thức có hiệu lực sau khi được phê chuẩn bởi năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và đa số các quốc gia đã ký khác. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đầu tiên với 51 đại diện được tổ chức tại Luân Đôn vào ngày mùng 10 tháng 1 năm 1946. Ngày 24 tháng 10 năm 1949, đúng 4 năm sau khi Hiến chương có hiệu lực, viên gạch đầu tiên được đặt xuống làm nền móng cho trụ sở của Liên Hợp Quốc ở thành phố New York. Kể từ năm 1945, hơn 10 giải Nobel đã được trao tặng cho Liên Hợp Quốc và các cơ quan của nó hoặc cho các quan chức của Liên Hợp Quốc.