Nguồn gốc và ý nghĩa của Đại Hiến chương Magna Carta

Print Friendly, PDF & Email

PX*12401098

Ngun: Peter Singer, “Magna Carta at 800”, Project Syndicate, 04/6/2015

Biên dch: Lê Công Anh | Hiu đính: Lê Hồng Hiệp

Cất cánh từ sân bay Heathrow tại London, bạn có thể sẽ bay qua một cánh đồng um tùm cỏ được gọi là Runnymede. Cũng vào tháng 6 cách đây 800 năm, nơi đây đem lại một khung cảnh đầy màu sắc, rải rác các lều trại của các lãnh chúa và hiệp sĩ, và nhà lều lớn hơn của Vua John nước Anh, trông giống một rạp xiếc với lá cờ hoàng gia bay phấp phới phía trên.

Tuy nhiên, mặc cho vẻ bề ngoài trông giống như một lễ hội, bầu không khí của buổi tụ họp căng thẳng một cách thấy rõ. Mục đích của buổi tụ họp là để giải quyết xung đột giữa những quý tộc nổi loạn và nhà vua của họ, một kẻ cai trị được một người đương thời miêu tả là “toàn những phẩm chất xấu xa”.

Trong những nỗ lực quyên tiền để lấy lại những vùng đất đã mất ở nước Pháp, vua John đã tăng các mức thuế và phí mà giới quý tộc đã chấp thuận từ thời của những vị vua trước. Nhà vua này đã tịch thu đất đai, đôi khi là bắt giữ người, của các địa chủ hoặc thương gia giàu có và yêu cầu các khoản tiền lớn để đổi lấy những gì đã bị tịch thu.

Giả sử như những năm tháng góp nhặt của cải này của vua John dẫn đến một thắng lợi thì có khả năng ông ta đã thoát khỏi sự trừng phạt vì những biện pháp độc đoán đó. Thế nhưng, khi vua John thất bại trong trận chiến với Pháp, một nhóm các quý tộc đã nổi dậy chống lại ông và chiếm giữ London. Theo một thỏa thuận hòa bình nhờ vai trò trung gian của Tổng giám mục Canterbury, vua John đã đồng ý với các yêu cầu của giới quý tộc được đề ra trong một văn kiện được gọi là Magna Carta, hay “Đại Hiến chương”.

Đại Hiến chương Magna Carta không phải là hiến chương đầu tiên được chấp thuận bởi một vị vua nước Anh. Trước đó một thế kỷ, vua Henry I, với việc ban hành một Hiến chương đăng quang (coronation charter), đã chỉ ra rằng ông ta sẽ tôn trọng các đặc quyền của giới quý tộc hơn so với những người tiền nhiệm của mình. Nhưng những người kế vị Henry sau đó đã nhanh chóng trở lại với các biện pháp chuyên quyền độc đoán trong các thời kỳ trị vì của họ.

Cũng giống vậy, Đại Hiến chương Magna Carta có vẻ sẽ không thể tồn tại lâu. Nó đã sớm bị bãi bỏ bởi Giáo hoàng Innocent III, người đã tham gia liên minh với vua John. Nhưng vua John đã qua đời ngay năm sau đó, và giới quý tộc ủng hộ người kế vị ông là Henry III mới chín tuổi lại cần sự ủng hộ để chống lại một kẻ có âm mưu giành giật ngai vàng. Để có được sự ủng hộ đó, chính quyền của Henry đã ban hành lại một bản Đại Hiến chương Magna Carta của riêng mình mà tới nay vẫn còn là một phần trong luật pháp của nước Anh.

Các bản sao đã được thực hiện và phân phát đến nhiều nơi trong hệ thống nhà thờ Anh. Bản gốc tiếng Latin ban đầu được dịch sang tiếng Pháp, ngôn ngữ của giới quý tộc, và sau đó được dịch sang tiếng Anh. Đến cuối thế kỷ đó (thế kỷ 16), những người nông đân đã biết trích dẫn Đại Hiến chướng Magna Carta trong một cuộc đấu tranh chống lại sự bất công.

Bản in đầu tiên đã được thực hiện vào năm 1508. Trong những năm 1640, các nghị sĩ đã coi Đại Hiến chương Magna Carta là một cơ sở pháp lý để lật đổ vua Charles I. Những người nổi dậy chống chính quyền sau này, bao gồm cả các nhà cách mạng Mỹ và Nelson Mandela, cùng biện minh cho những hành động của mình bằng việc dựa vào Đại Hiến chương Magna Carta.

Những gì mà những người đấu tranh vì công lý và tự do đó viện dẫn từ tài liệu 3.500 từ này là những đoạn phát biểu vắn tắt những nguyên tắc chung trong việc phản ứng lại hành động tịch thu của cải và bắt giữ người của các thần dân một cách chuyên quyền độc đoán của vua John.

Trong Chương 39, Đại Hiến chương Magna Carta khẳng định:

Không một công dân tự do nào bị bắt giữ hay giam cầm, bị tước quyền hay tài sản, bị đặt ra ngoài vòng pháp luật hay đày ải, hay bị tước đi địa vị theo bất cứ một cách nào; chúng ta cũng không thể dùng vũ lực để ép buộc công dân đó, hoặc trao quyền cho người khác làm việc đó, trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với anh ta hoặc bởi luật pháp của vùng anh ta cư trú.

Một cách súc tích, Chương 40 khẳng định một nguyên tắc có tác động mạnh mẽ khác:

Chúng ta sẽ không bán, chúng ta cũng sẽ không từ chối hay trì hoãn quyền hay công lý đối với bất kỳ ai.

Hai chương này được phản ánh trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, trong đó quy định rằng không tiểu bang nào có thể tước đoạt cuộc sống, sự tự do hoặc của cải của bất kỳ ai mà không tuân theo “trình tự pháp luật phù hợp” hoặc từ chối bất kỳ ai “sự bảo vệ công bằng bởi pháp luật”.

Nhưng Đại Hiến chương Magna Carta không phải là một văn kiện dân chủ. Mặc dù Đại Hiến chương đã tạo ra được yêu cầu phải có một sự thống nhất chung đối với việc đánh thuế nhưng  sự thống nhất đó lại có được từ một hội đồng gồm các bá tước, nam tước, giám mục và các cha trưởng tu viện, thậm chí trong thời đại của những hiệp sĩ, các hiệp sĩ còn không được mời tham dự.

Ý tưởng rằng những thành phố như London nên có người đại diện đã được nói đến lúc bấy giờ, nhưng điều đó đã không được thực hiện trong văn bản cuối cùng. Vì vậy, những gì Đại Hiến chương Magna Carta thể hiện rằng “Ai cai trị” là một chuyện, nhưng “Các ranh giới đối với quyền lực chính trị, nếu có, là gì?” lại là một câu chuyện khác.

Bởi vì Đại Hiến chương Magna Carta đã nỗ lực tạo nên những giới hạn đối với quyền lực chính trị mà không để những giới hạn đó dựa trên những quyền tối cao của người dân nên Đại Hiến chương là minh chứng cho một vấn đề mà các triết gia đã vật lộn với nó suốt hơn tám trăm năm qua. Nếu không phải xuất phát từ những nhà cai trị cũng không phải từ thần dân của họ thì những nguyên tắc kiểm soát những nhà cai trị bắt nguồn từ đâu?

Truyền thống của luật tự nhiên đưa ra một câu trả lời quen thuộc với các học giả thời Trung cổ, những người vốn cho rằng chúng ta có thể nhận biết được luật tự nhiên bằng chính lý trí tự nhiên của chúng ta (trái ngược với những quy luật mà chỉ có thể được nhận ra thông qua sự mặc khải của Thiên Chúa). Những nguyên tắc quan trọng của Đại Hiến chương Magna Carta có thể được xem như có nguồn gốc từ lý trí bởi vì tư tưởng của bất kỳ một luật pháp nào cũng không bao gồm việc bắt giữ và tịch thu tùy tiện độc đoán, cũng như không bao gồm việc đưa ra một phán quyết mà không áp dụng luật pháp thích hợp. Nếu luật pháp quy định A phải trả lại bò cho B khi nó đi lạc vào vùng đất của A, và sau đó bò của C cũng đi lạc vào vùng đất của B trong hoàn cảnh tương tự, thì B chắc chắn cũng phải trả lại bò cho C. C không cần phải mua chuộc thẩm phán để giành lại con bò của mình.

Không có điều gì trong Đại Hiến chương Magna Carta ngăn cản việc ban hành và thực thi các điều luật không công bằng, nhưng nó đưa luật pháp lên một tầng cao mới, vượt qua giới hạn ý chí của những người cai trị. Nhưng không may, tư tưởng đó vẫn không được chấp nhận ở nhiều quốc gia. Hơn nữa, như sự tiếp tục tồn tại của các trại tù của Mỹ ở vịnh Guantanamo cho thấy, ngay cả trong số các nước có thể chế chính trị bắt nguồn từ Đại Hiến chương Magna Carta, nhận thức về các mối đe dọa an ninh đã làm suy yếu yêu cầu rằng không ai bị bắt, trừ khi phù hợp theo luật pháp của đất nước, và rằng công lý không được trì hoãn.

Peter Singer là Giáo sư Luân lý học sinh vật (Bioethics) tại Đại học Princeton và là Giáo sư Danh dự tại Đại học Melbourne. Các tác phẩm của ông bao gồm các cuốn Animal Liberation, Practical Ethics, One World, The Ethics of What We Eat (đồng tác giả với Jim Mason), Rethinking Life and Death, The Point of View of the Universe, đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek, và gần đây nhất là The Most Good You Can Do. Năm 2013, ông được Viện Gottlieb Duttweiler vinh danh ở vị trị thứ ba trong danh sách các “nhà tư tưởng đương thời có ảnh hưởng nhất” trên thế giới.