‘Trò chơi vương quyền’ trong địa chính trị hiện đại

Print Friendly, PDF & Email

geop

Nguồn:Mark Leonard, “Last Man Standing”, Project Syndicate, 24/05/2016.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung

Phần lớn địa chính trị hiện đại dường như đều diễn ra theo kịch bản bộ phim nổi tiếng Game of Thrones (Trò chơi vương quyền): nhiều quốc gia chịu áp lực chính trị và kinh tế lớn đến mức hi vọng duy nhất của họ là đối thủ sẽ sụp đổ trước khi bản thân họ sụp đổ. Theo đó, chính phủ những quốc gia này sẽ cố duy trì quyền lực trong khi khai thác điểm yếu nội bộ của đối thủ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin là ví dụ điển hình. Chiến dịch mới đây của Putin ở Syria và Ukraine có vẻ giống như hành động của một tên cướp biển địa chính trị. Tuy nhiên, gốc rễ của những cuộc phiêu lưu này là những bất ổn trong nước. Ví dụ, việc Nga chiếm Crimea về cơ bản là một nỗ lực nhằm tăng cường tính chính danh cho chính quyền Putin sau một mùa đông đầy bất mãn, khi mà người dân xuống đường biểu tình phản đối việc Putin quay lại làm tổng thống.

Các cường quốc kình địch – đáng chú ý nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu – đã đưa ra các lệnh trừng phạt với hi vọng đào sâu thêm các rạn nứt trong giới tinh hoa Nga, tận dụng thực tế rằng Putin đã không đa dạng hoá nền kinh tế ra ngoài ngành dầu khí. Putin, ngược lại, hi vọng rằng nền kinh tế Nga sẽ cầm cự đủ lâu để chờ Ukraine sụp đổ. Để đẩy nhanh quá trình đó, Nga không bỏ qua thủ đoạn nào nhằm gây bất ổn: nước này đã tiến hành các cuộc xâm nhập quân sự, thao túng chính trị Ukraine, dùng chính sách tống tiền năng lượng, và tham gia chiến tranh thông tin.

Putin tin rằng EU có cùng điểm yếu như Liên Xô trước đây. Putin xem EU như một dự án đa quốc gia không tưởng và sẽ sụp đổ do gánh nặng từ những mâu thuẫn của chính nó. Ở đây cũng vậy, Nga đã làm hết sức để đẩy nhanh tiến trình bằng cách ủng hộ các đảng cực hữu trên toàn EU. Putin có vẻ hi vọng rằng nếu Anh ủng hộ việc rút khỏi EU và Marie Le Pen của Đảng Mặt trận Quốc gia trúng cử tổng thống Pháp thì EU sẽ mất khả năng duy trì lệnh trừng phạt.

Putin chưa dừng lại chỉ ở châu Âu. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria vào tháng 11 vừa qua, Putin đã thông qua một loạt các biện pháp nhằm gây bất ổn cho Thổ Nhĩ Kỳ từ bên trong. Putin áp đặt lệnh cấm vận kinh tế, lan truyền tin đồn về tham nhũng trong mạng lưới thân cận của Tổng thống Recep Tayyop Erdoğan, mời lãnh đạo của đảng người Kurd đến Moskva, và được cho là đã gửi vũ khí cho  Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Nhà khoa học chính trị Ivan Krastev tin rằng “Putin có vẻ như đã tìm kiếm một chính sách lâu dài nhằm phá hoại nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và làm suy yếu tổng thống Erdoğan về mặt chính trị.”

Ở Trung Đông, chế độ quân chủ Saudi Arabia và thần quyền Iran đang trong cuộc chạy đua để tồn tại. Nền kinh tế Iran là một đống đổ nát sau nhiều năm bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, và chính phủ vẫn chưa tận dụng được thoả thuận hạt nhân đạt được với Mỹ để xây dựng lại đất nước. Nhưng nước này đã kịp tập hợp sự ủng hộ của công chúng bằng việc thể hiện vai trò là lãnh đạo của người Hồi giáo theo dòng Shia và làm suy yếu (lợi ích của) Saudi Arabia ở Iraq, Syria, Bahrain và Yemen.

Dự đoán sự sụp đổ của Vương triều Saud đã trở thành nội dung chính trong các bài bình luận ở Trung Đông. Nhưng Saudi Arabia đang đánh cược rằng nước này có thể giữ giá dầu đủ thấp và đủ lâu để làm Iran bất ổn và khiến ngành công nghiệp năng lượng đá phiến của Mỹ phá sản. Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi đã nói rằng ông sẽ không cắt giảm sản xuất kể cả khi giá dầu xuống đến 20 đô la một thùng. “Nếu giá dầu xuống thì cứ để như vậy… Các nước khác sẽ bị thiệt hại nặng trước khi chúng tôi bị ảnh hưởng,” Ali al-Naimi nói.

Ở phương Đông, người khổng lồ Trung Quốc đang bắt đầu sẩy chân. Chuyên gia phân tích Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) dự đoán rằng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sẽ đi đến hồi kết. Minxin Pei viết: “Tăng trưởng chậm lại… Đảng đang rối loạn, vì những luật lệ đảng lập ra để hạn chế đấu đá chính trị và giết hại lẫn nhau đã sụp đổ…Sự bằng lòng của giới trung lưu đang bắt đầu xói mòn vì sự xuống cấp của môi trường sống, dịch vụ kém, bất bình đẳng và tham nhũng.”

Về phần mình, giới lãnh đạo Trung Quốc đánh cuộc rằng họ có thể vượt qua suy thoái kinh tế và rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á. Một lý do cho sự lạc quan của Tập Cận Bình là sự khốc liệt của chính trị Mỹ. Trong nhiều năm, Quốc hội vẫn cản trở các cải tổ trong nước, và bây giờ thế giới đang dự liệu những hậu quả của việc Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay.

Những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc hi vọng rằng sự suy giảm sức mạnh tương đối của Mỹ ở Đông Á sẽ làm Mỹ phải lùi lại như đối với các vùng khác, bao gồm Trung Đông và châu Âu. Một bài báo xuất bản tháng vừa rồi trên tờ Nhân dân Nhật báo dự đoán rằng chính quyền Trump sẽ sỉ nhục các đồng minh châu Á của Mỹ như Nhật và Hàn Quốc, cho phép Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự áp đảo ở Thái Bình Dương. Ngay cả khi Hilary Clinton thắng cử, Trung Quốc cũng cho rằng công chúng Mỹ cũng đã chán ngấy chủ nghĩa quốc tế và Mỹ sẽ quay lưng lại với tự do thương mại và can thiệp quốc tế.

Cố gắng bán giá rẻ hơn đối thủ – kể cả chấp nhận nguy cơ làm tổn thương chính mình – là một chiến thuật quen thuộc trong kinh doanh, khi các công ty tham gia vào cuộc chiến giá cả, hi vọng rằng đối thủ sẽ phá sản trước và rời khỏi ngành. Nhưng trong địa chính trị thì chiến thuật này thường không phổ biến như vậy.

Trong cuốn sách “The End of History and the Last Man” xuất bản năm 1992, Francis Fukuyama lập luận rằng thế giới đã đạt đến điểm cuối của quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Ông kết luận rằng nền dân chủ tự do là “người cuối cùng”, điểm cuối của sự phát triển này. Fukuyama đã hoàn toàn sai. Ngày nay, các cường quốc không tự xưng mình là “người cuối cùng” (the last man – tức trở thành một nền dân chủ tự do); tất cả những gì họ có thể làm là hi vọng rằng mình sẽ là người cuối cùng đứng vững (the last man standing).

Mark Leonard là Giám đốc của Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]