Nguồn: Yu Yongding, “Can China Beat Deflation?”, Project Syndicate, 26/06/2015.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong thời điểm nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và nợ doanh nghiệp lên đến mức khổng lồ, một vòng xoáy giảm phát sẽ là ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc. Và nguy cơ điều này sẽ xảy ra ngày càng gia tăng. Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã ở mức âm trong 39 tháng liên tục kể từ tháng 2/2012. Mức tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang dần sụt giảm từ 6,5% vào tháng 7/2011 xuống còn 1,2% vào tháng 5 này. Nếu các kinh nghiệm quá khứ là chỉ dấu cho tương lai, thì chỉ số CPI sẽ ở mức âm trong tương lai gần.
Trong đợt giảm phát kéo dài từ năm 1998 đến năm 2002 ở Trung Quốc, việc giá cả liên tục giảm là kết quả của việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa được khởi động vào năm 1993, cộng với vấn đề các doanh nghiệp thất bại thiếu phương thức ra khỏi thị trường. Sau khi lên đỉnh 24% trong năm 1994, lạm phát bắt đầu giảm trong năm 1995. Nhưng tăng trưởng GDP cũng sớm sụt giảm nhanh chóng. Nhằm khởi động tăng trưởng trong môi trường kinh tế khó khăn và bảo vệ xuất khẩu khỏi những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính từ tháng 11/1997.
Nhưng tất cả đều quá trễ. Đến năm 1998, khi lạm phát CPI bắt đầu giảm thì giá sản xuất đã giảm 8 tháng liên tục và tiếp tục ở mức âm trong tổng cộng 51 tháng, với tăng trưởng CPI bắt đầu phục hồi sau 39 tháng.
Một bài học rõ ràng ở đây là chính phủ Trung Quốc nên nới lỏng sớm hơn và mạnh mẽ hơn. Nhưng kinh nghiệm này cũng nhấn mạnh sự vô hiệu của chính sách tiền tệ trong môi trường giảm phát, vì các ngân hàng không dám cho vay và các doanh nghiệp cũng không dám vay. Sự thật là các công ty làm ăn lỗ lã được phép sản xuất sản phẩm với giá rẻ và số lượng lớn, và điều này làm giảm lời của những doanh nghiệp chất lượng cao (và cũng giảm kích thích đầu tư), làm giảm phát kéo dài.
Dù sao thì Trung Quốc cuối cùng cũng thoát khỏi vòng vây giảm phát và quay trở lại mức phát triển kinh tế cao. Trước tiên là việc sụt giảm đầu tư trong thời kỳ giảm phát, cộng với việc nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc được sáp nhập và mua lại (Mergers and Acquisitions) – giúp công suất dư thừa và dọn đường để đầu tư tăng trở lại vào năm 2002. Cùng lúc đó thì chính sách tài khóa mở rộng giúp kích cầu, và chính phủ Trung Quốc có thể giải quyết hiệu quả các khoản nợ xấu nhờ nền tài chính công mạnh, qua đó giúp khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay và tăng khả năng đi vay của các doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, cải cách thị trường nhà đất và sự phát triển của thị trường vay thế chấp trong cuối thập niên 1990 trở thành bàn đạp cho sự tăng trưởng nhanh chóng về đầu tư bất động sản, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm lên đến 20% trong năm 2000. Kết quả là phát triển bất động sản đóng vai trò quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế, cho dù xuất khẩu bùng nổ sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nhưng vấn đề với sự trỗi dậy của những động cơ tăng trưởng mới này là nó cho phép các lãnh đạo Trung Quốc trì hoãn những cải cách cấu trúc quan trọng. Và kết quả là Trung Quốc hôm nay đối mặt với nhiều thách thức mà họ đã mắc phải vào cuối thập niên 1990, bắt đầu với sự dư thừa công suất.
Sau 15 năm tăng trưởng nhanh chóng của thị trường phát triển bất động sản, điều này không có gì bất ngờ. Nhưng sự phát triển đó không làm giảm mức độ rủi ro. Thực tế là nếu sự dư thừa công suất tiếp tục tạo sức ép giảm giá, thì mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ không ổn định ở mức phù hợp với tiềm năng của Trung Quốc. Trái lại, nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị đẩy vào một vòng xoáy giảm phát (do) nợ tệ hại.
Đến thời điểm này thì các nhà chức trách có thể giảm dư thừa công suất bằng cách đóng cửa các công ty và sáp nhập hoặc mua lại, cộng với các giải pháp mang tính cấu trúc. Họ cũng có thể tìm cách giảm công suất dư thừa bằng việc sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để kích cầu hiệu quả. Theo lý thuyết thì giải pháp dài hạn là theo đuổi điều chỉnh cấu trúc để tăng hiệu quả phân bố tài nguyên. Nhưng giải pháp này sẽ đau đớn và chậm chạp. Một thách thức lớn cho giới lãnh đạo Trung Quốc là làm cách nào để đạt được cân bằng giữa các giải pháp ngắn và dài hạn.
Làm phức tạp hóa nỗ lực này là thực tế rằng, khác với giai đoạn 1997 – 2002, Trung Quốc không thể giảm dư thừa công suất bằng cách kích thích đầu tư bất động sản hay xuất khẩu. Và không ai biết được liệu các ngành công nghiệp “sáng tạo” hay được nhắc đến có tác động tương đương với những gì bất động sản và xuất khẩu đạt được hay không – ít nhất là bởi vì mức độ dư thừa công suất của các ngành truyền thống là rất cao.
Trung Quốc phải làm tất cả những gì có thể để tránh bị rơi vào cái bẫy nợ đi kèm với giảm phát. May mắn là Trung Quốc vẫn còn chỗ để đầu tư vào các loại cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp sáng tạo có tác dụng kích thích tăng trưởng. Các chính sách giúp tăng an sinh xã hội và cải thiện việc phân bổ hàng hóa công có thể hỗ trợ những giải pháp này, chúng giúp tăng mức tiêu dùng nội địa bằng cách giúp các hộ gia đình giảm mức tiết kiệm dự phòng.
Cùng lúc đó thì lãnh đạo Trung Quốc phải tiếp tục theo đuổi mục tiêu cải cách và điều chỉnh cơ cấu, ngay cả khi điều này sẽ tác động xấu đến tăng trưởng ngắn hạn. Trung Quốc không còn khả năng để trì hoãn cải cách thêm một phút nào nữa.
Như Mark Twain được cho là từng nói: “Lịch sử sẽ không lặp lại, nhưng lịch sử có vần” (History doesn’t repeat itself, but it does rhyme). Trung Quốc phải sẵn sàng cho một khoảng thời gian giảm phát có khả năng sẽ dài hơn lần trước. Nhưng với những giải pháp hợp lý cộng với chút may mắn thì Trung Quốc vẫn có thể đảm bảo rằng nước này sẽ hồi phục bền vững hơn so với quá khứ.
Yu Yongding (Dư Vĩnh Định), cựu Chủ tịch Hiệp hội Trung Quốc về Kinh tế Thế giới và là Giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, từng làm việc tại Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc từ năm 2004 đến năm 2006. Ông cũng là thành viên Ủy ban Tư vấn Kế hoạch Quốc gia của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Can China Beat Deflation?