23/07/1951: Thủ tướng chính quyền Vichy Philippe Pétain qua đời

VICHY1_63883c

Nguồn:Petain, leader of the Vichy government, dies,” History.com (truy cập ngày 22/7/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1951, Thống chế Henri-Philippe Pétain, anh hùng dân tộc Pháp trong Thế chiến I nhưng lại bị kết tội vì đã hợp tác với những kẻ chiếm đóng người Đức ở đất nước mình trong Thế chiến II và bị kết án tù chung thân, qua đời ở tuổi 95.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự Saint-Cyr, Pétain phục vụ trong trung đoàn Alpine với cấp bậc trung úy, nơi ông dần có được danh tiếng vì tình bạn thân biết với những người lính bộ binh. Sau đó, ông bước vào sự nghiệp giảng dạy gây nhiều tranh cãi ở trường Đại học Chiến tranh, nơi ông đề xuất một những lý thuyết xung đột trực tiếp với các quan điểm truyền thống, đặc biệt là ý tưởng cho rằng quốc phòng vững mạnh là chìa khóa của chiến thắng, chứ không phải là chiến lược “luôn chủ động tấn công” vốn phổ biến trong quân đội Pháp ở thời điểm đó.

Trong Thế chiến I, Pétain nổi lên trong Trận Verdun vì đã đẩy lui được cuộc tấn công của Đức vào thành phố pháo đài này. Ông là nguồn cảm hứng cho đội quân của mình và đè bẹp thành công các cuộc nổi loạn trong quân đội sau những cuộc tấn công thất bại thảm hại (trong Chiến dịch Nivelle) do Tướng Robert-Georges Nivelle dẫn đầu. Pétain lấy lại được lòng tin và sự trung thành của những người lính khi ông kế nhiệm Nivelle (chức tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp), cải thiện điều kiện sinh hoạt của binh lính và bắt đầu đối thoại cởi mở giữa chỉ huy và quân đội.

Sau khi Thế chiến II bùng nổ, Pétain được Thủ tướng Paul Reynaud chỉ định làm Phó Thủ tướng Pháp. Khi quân đội Đức bắt đầu tràn ngập trên khắp lãnh thổ nước Pháp, nội các chính phủ Pháp bắt đầu hoảng loạn. Reynaud tiếp tục duy trì hi vọng, từ chối đề nghị đình chiến, đặc biệt là khi Pháp nhận được sự bảo đảm của Anh rằng cả hai nước sẽ cùng chiến đấu và ngay cả khi Pháp đã bị tiêu diệt hoàn toàn thì Anh sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu chống lại nước Đức. Nhưng những người khác trong chính phủ đã chán nản và muốn theo đuổi hòa bình. Reynaud từ chức để phản đối. Sau đó Pétain dựng lên một chính phủ mới và đề nghị một hiệp ước đình chiến với người Đức – tức là về cơ bản, nước Pháp đã đầu hàng. Người đàn ông từng trở thành một anh hùng chiến tranh huyền thoại vì đẩy lui được cuộc tấn công của Đức trên đất Pháp giờ đây đã chịu đầu hàng trước Hitler.

Tại thành phố Vichy, lưỡng viện Pháp đã trao tặng cho vị tướng 84 tuổi danh hiệu “Quốc trưởng,” khiến ông trở thành một nhà độc tài trên thực tế – dẫu bị Berlin điều khiển. Pétain tin rằng ông có thể đàm phán một thỏa thuận tốt hơn cho đất nước mình – chẳng hạn như đề nghị Đức trao trả các tù binh chiến tranh – bằng cách hợp tác với, hoặc như một số người nói là xoa dịu người Đức.

Khi Paris cuối cùng cũng được giải phóng bởi Tướng Charles de Gaulle năm 1944, Pétain trốn sang Đức. Sau chiến tranh, ông được đưa trở lại Pháp để hầu tòa vì cách đối phó hai mặt của mình. Ông bị kết án tử hình, sau đó được giảm án xuống còn biệt giam. Pétain qua đời ở tuổi 95 trong một nhà tù pháo đài. Trớ trêu là người cứu mạng Pétain lại là de Gaulle. Hai người từng chiến đấu trong cùng một đơn vị trong Thế chiến I. Lòng dũng cảm của Pétain trong cuộc thế chiến đó chưa bao giờ bị quên lãng.

Ảnh: Thống chế Pétain (trái) bắt tay Adolf Hilter. Nguồn: The Times (UK).