Tác giả: Thanh Hương
Sự bùng nổ nhu cầu nguyên liệu đã đem lại may mắn cho nước Úc nhưng đồng thời cũng khiến nước này tăng nợ để đầu tư vào khai thác sản xuất. Nay tốc độ tăng trưởng và nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc giảm, đẩy nước Úc vào giai đoạn khó khăn.
Quặng sắt và nước Úc
Tháng trước, Gina Rinehart, người phụ nữ giàu nhất Úc, người đứng đầu đế chế mỏ Hancock của Perth đã gây sốc cho công nhân của bà ở vùng Tây Úc với tuyên bố: họ phải chấp thuận bị cắt khoảng 10% lương hoặc đối mặt với nguy cơ bị giảm biên chế.
Bà Rinehart, mà gia đình vốn làm giàu từ nguồn lợi khổng lồ từ khai thác quặng sắt, đã chứng kiến tài sản của mình teo tóp lại từ khi giá nguyên liệu thô bắt đầu tuột dốc vào năm ngoái. Tài sản của bà trùm khai thác mỏ nước Úc này ước tính rớt xuống còn khoảng 11 tỉ đô la từ khoảng 30 tỉ đô la chỉ ba năm trước, theo The Telegraph.
Chuyện xảy ra với tài sản của bà Rinehart cũng là tương tự với vấn đề kinh tế mà nước Úc đang phải đối mặt, sau nhiều năm được xem là đất nước may mắn vì giàu tài nguyên, khoáng sản như quặng sắt, than và vàng. Trong những năm bùng nổ phát triển và nhu cầu nguyên liệu, Trung Quốc dường như “mua bao nhiêu cũng không đủ” mọi thứ tài nguyên khoáng sản Úc đào lên khỏi mặt đất, nhất là quặng sắt cho ngành công nghiệp thép của Trung Quốc. Kinh tế của Úc lúc này giống như đất nước dầu mỏ giàu có Ảrập Saudi.
Trong khi phần còn lại của thế giới chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế của Úc, gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc – dường như miễn nhiễm với khủng hoảng, việc làm và thặng dư thương mại vẫn luôn dồi dào.
Tuy nhiên, cũng như kinh tế Ảrập Saudi trở nên dễ tổn thương từ khi giá dầu lao dốc, sự sụt giảm giá than và quặng sắt cùng với tác động của việc đầu tư ồ ạt của các công ty khai thác mỏ quốc tế đang gây ảnh hưởng nặng nề với nền kinh tế Úc.
Trong tháng 4 vừa qua, thâm hụt thương mại của Úc với phần còn lại của thế giới lên đến 4,14 tỉ đô la Úc. Khoảng cách giữa giá trị xuất và nhập khẩu này ước tính sẽ còn tăng lên do giá các mặt hàng tài nguyên quan trọng nhất của Úc đã chạm mức thấp nhất trong nhiều năm. Quặng sắt nay được bán với giá 45 đô la Mỹ một tấn, so với mức đỉnh 180-190 đô la/tấn năm 2011. Than nhiệt cũng sụt giá thê thảm, nay còn 60 đô la một tấn, so với mức quanh 150 đô la/tấn vào bốn năm trước.
Các nhà kinh tế George Tharenou và Scott Haslem của UBS Australia nói: “Xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm từ một phần ba trong tổng giá trị xuất khẩu năm ngoái (7% GDP) xuống còn 28% năm nay, và vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Có nghĩa là GDP của Trung Quốc vẫn là yếu tố “điều khiển” GDP danh nghĩa của Úc trong các năm qua.
Việc tài sản Trung Quốc suy yếu hiện nay đặc biệt ảnh hưởng đến Úc do rổ hàng hóa xuất khẩu của Úc có đến hai phần ba là hàng nguyên liệu thô, mà nhu cầu từ Trung Quốc là yếu tố quyết định lợi nhuận biên (riêng quặng sắt đã chiếm 30% toàn bộ giá trị xuất khẩu của Úc năm 2013, mới đây do giá giảm tỷ trọng này chỉ còn chưa đến 20%). Hiệu ứng giá kéo theo đầu tư giảm mạnh.
Tờ Financial Times tuần trước đưa tin có “cuộc nội chiến quặng sắt” trên mạng xã hội của Úc, với phong trào “quặng sắt của chúng ta” cùng các khẩu hiệu như “gia đình chúng ta, việc làm của chúng ta, tương lai của chúng ta”. Chiến dịch phản đối các chính sách khai thác ồ ạt và cho phép các công ty đa quốc gia đầu tư và khai thác khiến giá quặng sắt sụt giảm. Dĩ nhiên, thị trường và giá không chỉ đơn giản như thế, nhưng rõ ràng giá quặng sắt là vấn đề được quan tâm hàng đầu của mọi người dân Úc, nhất là tại các vùng mỏ. Tờ báo ước tính quặng sắt sẽ đóng góp 600 tỉ đô la cho nền kinh tế Úc trong 10 năm tới, nhiều hơn thập niên vừa qua.
Với nền kinh tế mà vào năm 2012 lệ thuộc vào tài nguyên đến 65% tổng giá trị giao thương hàng hóa và dịch vụ, với tình hình hiện nay khó có thể giữ bình ổn mà không gây tổn thất lan rộng. Tỷ lệ thất nghiệp của Úc đang ở mức 6%, mức thất nghiệp rất cao, dù đã cải thiện so với mức 7,6% vào tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 2001. Ngân hàng dự trữ Úc (RBA) dự báo thất nghiệp vẫn sẽ tăng cao (khoảng 6,5%) vào giữa năm 2016, theo The Guardian.
Trong khi đó, thu ngoại tệ giảm buộc Úc phải vay thêm để bù đắp cho chi tiêu chính phủ và duy trì mức sống lâu nay. Tờ The Telegraph trích lời nhà kinh tế Stephen Koukoulas nhận xét về những nguy cơ của sự gia tăng nợ nước ngoài này, cho rằng nếu giai đoạn giá nguyên liệu sụt giảm vẫn kéo dài, có khả năng Úc sẽ trở thành phiên bản châu Á của Hy Lạp, mà ngân hàng chủ nợ là Trung Quốc.
Ông Koukoulas chỉ ra rằng cuối quí 1 năm nay, nợ nước ngoài của Úc đã đạt 955 tỉ đô la, tương đương 60% GDP nước này. Dù còn xa mới bằng mức nợ 175% GDP của Hy Lạp, nhưng mức nợ của Úc có khả năng còn tiếp tục tăng lên.
Chính quyền Canberra và RBA đã cam đoan là việc giảm giá đồng tiền của nước này có thể bù đắp sự sụt giảm của ngành công nghiệp khai thác mỏ. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra như mong muốn. Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy, chỉ có ngành duy nhất tăng trưởng là địa ốc.
Vì sao đô la Úc mất giá?
Theo tờ The Sydney Morning Herald, đô la Úc đã ở mức thấp nhất trong sáu năm trong tuần này, một đô la Úc chỉ đổi được ít hơn 0,75 đô la Mỹ, lần đầu tiên kể từ năm 2009. Nghĩa là đô la Úc mất thêm 9% giá trị so với đô la Mỹ kể từ giữa tháng 5, và mất 20% trong vòng 12 tháng qua.
Bây giờ, khi Hy Lạp đang trên bờ vực khủng hoảng tài chính, bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ và mối e ngại gia tăng về kinh tế toàn cầu, ít nhà phân tích nghi ngờ chuyện đồng tiền của Úc sẽ còn giảm thêm.
Ngân hàng Quốc gia Úc tuần này đã điều chỉnh dự báo tỷ giá hối đoái đô la Úc cuối năm nay, từ mức 0,74 đô la Mỹ xuống 0,72 đô la Mỹ.
Không chỉ kinh tế Úc là nạn nhân duy nhất, đồng kiwi (của New Zealand) và đô la Canada cũng giảm giá trị trong tuần này khi đô la Mỹ và yen Nhật trở thành nơi trú ẩn an toàn của giới đầu tư.
Giám đốc phụ trách chiến lược ngoại hối của BK Asset Management, Kathy Lien nói: “Các nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng Hy Lạp, cuộc bán tháo tài sản vốn của người Trung Quốc và sự sụt giảm giá nguyên liệu có thể dẫn đến suy thoái nghiêm trọng cho kinh tế Úc, New Zealand và Canada”.
Các nước này đều có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tài nguyên. Một phần khác là tài nguyên được mua bán bằng đô la Mỹ. Vì thế, nếu 1 đô la Úc chỉ đổi được 0,75 đô la Mỹ lúc giá một tấn quặng sắt là 55,26 đô la Mỹ thứ Sáu tuần trước, tự nhiên sẽ chuyển thành 0,74 đô la Mỹ vào thứ Ba tuần này khi giá quặng sắt rớt xuống còn 49,6 đô la Mỹ/tấn.
Điều nguy hiểm là các tập đoàn khai thác mỏ ở Úc cũng như ở các nước giàu tài nguyên khác khai thác và bán nhiều hơn để bù đắp doanh thu sụt giảm do giá giảm, và điều này sẽ càng làm giá giảm sâu hơn. Quá trình này cũng khiến các nhà sản xuất có giá thành cao không cạnh tranh nổi và bị sẽ đào thải.
Trong trường hợp Mỹ nâng trần lãi suất (như họ đang cân nhắc), trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn, lúc này nhu cầu cho thị trường tài sản và vốn của Úc sẽ sụt giảm, đồng nghĩa đô la Úc sẽ còn giảm giá trị thêm.
Rõ ràng Úc đang đứng trước nhiều áp lực. Nhà kinh tế của Úc Paul Dales nói: “Cả dự báo về giá quặng sắt và tỷ lệ lãi suất đều dẫn tới hệ quả là đô la Úc sẽ càng yếu hơn so với đô la Mỹ trong tương lai”.
“Nếu giá quặng sắt rớt từ 52 đô la Mỹ/tấn hiện nay xuống 40 đô la/tấn vào tháng 12, 1 đô la Úc sẽ giảm xuống còn 0,7 đô la Mỹ. Trong khi đó, nếu RBA hạ lãi suất xuống 1,5% (từ 2% hiện nay) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất năm tới, khả năng 1 đô la Úc sẽ chỉ còn tương đương 0,65 đô la Mỹ”, Paul Dales cho biết.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn