Nguồn: Leo Suryadinata, “Can the Kokang Chinese Problem in Myanmar be Resolved?,” ISEAS Perspective No. 37, 2015.
Biên dịch: Vũ Thị Hương Giang | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Dẫn nhập
Vào ngày 09/02/2015, Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), do Bành Gia Thanh (Peng Jiasheng, hay còn gọi là Phone Kyar Shin hay Pheung Kya-shin) dẫn đầu, đột ngột quay về Laukkai, thủ phủ Kokang, bằng cuộc tấn công vào các lực lượng an ninh của chính phủ tại đây. Cuộc tấn công dữ dội đã khiến nhiều người Hoa ở Kokang phải bỏ chạy để lánh nạn sang lãnh thổ Trung Quốc. Xung đột diễn ra vài ngày và cả hai bên đều chịu thương vong nặng nề. Tuy thế, MNDAA đã không chiếm được Laukkai, bỏ chạy về phía biên giới và được cho là đã vào lãnh thổ Trung Quốc. Các lực lượng an ninh Myanmar đuổi theo và nã đạn vào khu vực mà họ tin là nơi trú ẩn của những người nổi loạn. Không quân Myanmar tham gia chiến đấu và vào ngày 13 tháng 3, một máy bay chiến đấu đã thả bom nhầm xuống phía lãnh thổ Trung Quốc, khiến năm dân thường Trung Quốc thiệt mạng và tám người dân khác bị thương (Xue Li, 2015). Bắc Kinh phản đối và Nay Pyi Daw đã xin lỗi (Tiezzi, 2015). Sau đó, hai bên tiến hành các cuộc gặp cấp cao để tìm kiếm giải pháp.
Tuy nhiên, giao tranh vẫn kéo dài thêm hơn ba tháng. Vào ngày mùng 2 tháng 6, Trung Quốc thực hiện tập trận bắn đạn thật dọc biên giới Trung Quốc-Myanmar, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước (Peng Nian, 2015). Dù thế, các học giả gần gũi với Quân đội Giải phóng Nhân dân đã lưu ý rằng mục đích của cuộc tập trận là làm yên lòng giới chỉ trích trong nước chứ không nhằm vào chính quyền trung ương Myanmar.
Mynamar là lối ra biển trọng yếu cho miền Tây Nam của Trung Quốc. Nó cũng đóng vai trò quan trọng cho an ninh đường ống dẫn dầu Trung Quốc-Myanmar và cho việc xây dựng con đường tơ lụa trên biển trong tương lai của Trung Quốc. Trong khi đó, Hoa Kỳ và Nhật Bản nôn nóng lôi kéo Myanmar về phía mình, và Trung Quốc nằm trong thế tiến thoái lưỡng nan, nhất là về vấn đề đạn pháo. Một mặt, Trung Quốc muốn cuộc nội chiến ở Myanmar không làm tổn hại công dân Trung Quốc; mặt khác, Trung Quốc cũng muốn ngăn ngừa một cuộc xung đột Trung Quốc-Myanmar. Do đó, Trung Quốc đã hành động thận trọng (Yangguang Huaxia, 02/6/2015).
Ngày mùng 10 tháng 6, phái đoàn Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do Aung San Suu Kyi dẫn đầu đã đến Bắc Kinh theo lời mời của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong một động thái có vẻ như là Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với phe đối lập của Myanmar (Dang Yuwen, 2015). Nhiều người cho đây là biểu hiện của chính sách “hai kênh” của Trung Quốc đối với Myanmar, cho thấy sự bất mãn của Bắc Kinh đối với Myanmar (Peng Nian, 2015B). Có thể nêu ra một số câu hỏi ở đây: Quan điểm của Trung Quốc với vấn đề người Hoa Kokang là gì? Myanmar nghĩ thế nào về cách giải quyết vấn đề? Chuyện này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-Myanmar sâu sắc cỡ nào? Vấn đề Kokang sẽ được giải quyết sớm đến đâu? Để tìm ra câu trả lời, cần nhìn lại lịch sử người Hoa Kokang ở Myanmar.
Di sản lịch sử
Kokang (Guo Gan 果敢 trong tiếng Quan thoại, có nghĩa là quả cảm), hiện là một phần của bang Shan của Myanmar, từng là lãnh thổ nhà Thanh trước năm 1897. Theo Hiệp ước Anh-Trung ký năm đó, nhà Thanh nhường Kokang cho Ấn Độ thuộc Anh vốn bao gồm cả Miến Điện khi đó. Kokang được nhập vào vùng Shan khi Miến Điện không còn thuộc Ấn Độ thuộc Anh (Myint Myint Kyu, 2011:202).
Trong thời kỳ thực dân, người Anh hiện diện ở Kokang thông qua một quan nhiếp chính do Anh bổ nhiệm. Nhưng sau khi Miến Điện độc lập, Kokang bị bỏ rơi và tự quản. Gia đình họ Dương (Yang) trở thành người lãnh đạo trên thực tế ở trong vùng. Khu vực này nhanh chóng nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Quốc Dân Đảng, và sau đó là Đảng Cộng sản Miến Điện (BCP), khi đó đang nhận hỗ trợ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP). Bởi vậy Kokang gần như độc lập với chính quyền trung ương Miến Điện.
Quân phòng vệ Kokang, do một người Hoa Kokang tên là Bành Gia Thanh (sinh năm 1931) lãnh đạo, đã gia nhập BCP để chiến đấu với chính quyền trung ương. Nhưng vào năm 1989, Bành tách khỏi BCP và ký hiệp định ngừng bắn với Chính phủ Miến Diện; và Kokang được đặt tên lại là “Đặc khu Kokang” (Myiut Myint Kyu, tr.204). Bành được phép giữ lại quân đội của riêng mình mà sau đó được đặt tên lại là MNDAA để duy trì an ninh biên giới. Cuộc tranh giành quyền lực giữa Bành và Dương Mậu Lương (Yang Maoliang) – lãnh đạo truyền thống của vùng Kokang – kết thúc khi Bành nổi lên giành chiến thắng (Baidu Baike, phần về Bành Gia Thanh). Dương bị bị lật đổ và cuối cùng rời Kokang. Gia đình ông hiện sống ở Yangon.
Bành tìm cách thay thế cấp phó của mình là Bạch Sở Thành (Bai Suocheng, sinh năm 1954) bằng con trai Bành Đức Nhân (Peng Deren). Điều đó dẫn đến rạn nứt giữa hai người (Baidu Baike, phần về Bạch Sở Thành).
Trong khi đó, chính phủ quân sự Myanmar đã soạn thảo bản hiến pháp mới năm 2008, trong đó nói rằng chỉ có thể có một quân đội hợp nhất. Nói cách khác, tất cả các nhóm vũ trang khác sẽ buộc phải giải tán và thành lập Lực lượng Phòng vệ Biên giới (BGF) với sự tham gia của các tướng lĩnh quân đội từ chính quyền trung ương. Lực lượng này cũng phải được đào tạo dưới sự hướng dẫn của chính quyền trung ương (Myint Myint Kyu, tr.206). Bành từ chối tuân thủ hướng dẫn và tiến hành nổi dậy vào ngày 08/8/2009. Tuy nhiên, ông bị Quân đội Myanmar đánh bại và phải bỏ chạy; còn cấp phó khi trước của ông ta, Bạch Sở Thành, được chính phủ bổ nhiệm làm lãnh đạo mới của Đặc khu Kokang. Dưới sự quản lý của Bạch Sở Thành, Kokang dường như rất thanh bình.
Khi Bành và Bạch còn làm việc cùng nhau, Bành đã khởi động một chương trình nhằm loại bỏ thuốc phiện khỏi khu vực và Bạch là chủ tịch Uỷ ban Cấm Thuốc phiện. Năm 2002, chính quyền Kokang tuyên bố cả vùng đã không còn trồng cây thuốc phiện – là nơi đầu tiên ở Myanmar thành công trong việc loại trừ thuốc phiện. Người Hoa Kokang từng phụ thuộc vào canh tác cây thuốc phiện và giờ đây, loại cây này được thay thế bằng cây cao su, mía, chè, và ngô (Myint Myint Kyu, tr.5).
Sau khi bị quân đội trung ương đánh bại, Bành biến mất khỏi vũ đài khoảng năm năm. Một nguồn tin nói ông ta đã chuyển sang Thái Lan, Malaysia, và Singapore trước khi trở lại Kokang năm 2014 (Baidu Baike, phần về Bành Gia Thành). Các hoạt động ở hải ngoại của ông ta không kiểm chứng được. Là một người chạy trốn và ngoài vòng pháp luật, chắc hẳn ông ta đã không sử dụng hộ chiếu Myanmar. Một nguồn tin khác cho rằng có thể ông đã trú ẩn ở Vân Nam hoặc ở miền Bắc Myanmar trong suốt thời gian đó vì con trai ông đã kết hôn với con gái của lãnh đạo vùng Mangla. Bành cũng liên hệ với Quân đội Độc lập Kachin (KIA). Theo các lời đồn đoán, ông đã lên kế hoạch cho một số cuộc tấn công vào Kokang cùng Quân đội Độc lập Kachin, nhưng tin này cũng chưa được kiểm chứng. Dù thế nào thì Quân đội Myanmar vẫn bị bất ngờ trước cuộc tấn công đột ngột của Bành vào tháng 2 năm 2015.
Cộng đồng người Hoa Kokang
Tuy là một bộ phận của bang Shan, cộng đồng người Hoa Kokang chưa bao giờ thực sự hoà nhập vào hệ thống quốc gia Miến Điện như một số dân tộc thiểu số khác ở khu vực biên giới phía Bắc. Về nhiều mặt khác, tình hình người Hoa Kokang cũng có nhiều điểm độc đáo. Do lịch sử của Kokang và gần với tỉnh Vân Nam, nhiều người Hoa Kokang vẫn còn lưu giữ những đặc điểm văn hoá đậm chất Trung Quốc.
Theo Myint Myint Kyu, một học giả địa phương đã đi thực địa ở đó và hoàn tất luận văn của mình về Kokang vào tháng 10 năm 2011, người Hoa Kokang chiếm khoảng 90% dân số cả vùng. Họ là sự giao thoa giữa những người sinh ra ở địa phương và người nhập cư mới. Kokang có ngôn ngữ hành chính là tiếng Quan thoại, sử dụng đồng Nhân dân tệ (chứ không phải đồng Kyat của Myanmar), và sử dụng nông lịch của Trung Quốc. Tuy vậy, người Hoa Kokang không phải là một quần thể đồng nhất. Một nhóm thiểu số trong số họ khá hoà nhập với xã hội sở tại và có thể nói được tiếng địa phương.
Không phải người Hoa Kokang nào cũng sinh sống ở Kokang. Trên thực tế, khá nhiều người sống ở các thành phố lớn ở Myanmar và có danh tính Myanmar. Chẳng hạn, Law Sit Han (tức La Tinh Hán [Lo Xinghan] (1935-2013) là một doanh nhân hàng đầu, và người con cũng là doanh nhân của ông, U Tun Myint Naiang (tức Steven Law) sống ở nước ngoài và là một trùm tư bản đáng nể (Daw Win, 2012, tr. 495; Liang Dongbing 2015, tr.109). Law Sit Han có quan hệ thân thiết với chính phủ Myanmar và được ghi công vì đã thuyết phục Bành Gia Thành rời BCP năm 1989 (Daw Win, đã dẫn).
Bành sinh ra ở Kokang và tổ tiên ông ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc (Baidu Baike, phần về Bành Gia Thành). Bạch Sở Thành, người từng nắm giữ chức phó của Bành, cũng sinh ra ở Kokang nhưng không rõ nguyên quán ở đâu. Bành dường như có nhiều danh tính. Trước đây, ông nhấn mạnh danh tính Kokang của mình nhưng về sau, khi bị đẩy về biên giới Trung Quốc-Myanmar sau vài lần tấn công lực lượng an ninh Myanmar, ông phát động chiến dịch tuyển lính từ dân Trung Quốc ở Trung Quốc. Ông tuyên bố mình là “người Hán” và kêu gọi người Hán ủng hộ mình. Việc dịch chuyển danh tính như vậy khá dễ dàng vì phần lớn người Hoa Kokang vẫn nói tiếng Hoa và giữ truyền thống Trung Quốc. Không nhiều người ở Kokang nói tiếng Shan chứ chưa tính gì đến tiếng Miến.
Chính phủ trung ương không coi MNDAA do Bành dẫn đầu là đại diện của “thiểu số bản địa” khi họ không được đưa vào thoả thuận hoà bình dân tộc trên toàn quốc mà trung ương đã chuẩn bị.[1] Người Hoa Kokang được chính phủ công nhân là một trong 135 “nhóm sắc tộc quốc gia” của Myanmar,[2] nhưng chính phủ không coi Bành và môn đồ của ông ở MNDAA là đại diện của họ.
Quan điểm của Myanmar và Trung Quốc về người Hoa Kokang
Sau khi Bành tuyên bố mình là “người Hán” và kêu gọi sự trợ giúp ở Vân Nam, có báo cáo cho rằng người Hoa Vân Nam không ủng hộ nhưng lại có nguồn cho rằng sự ủng hộ chỉ ở mức tối thiểu (RFA China Today, 2015). Trên thực tế, Bắc Kinh đã tuyên bố là họ không và sẽ không ủng hộ Bành về mặt quân sự cho dù quân đội Myanmar không tin vào điều đó (Gleeson, 2015).
Quan điểm của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về người Hoa Kokang là thế nào? Liệu người Hoa Kokang có được coi là người Hoa không? Bắc Kinh công nhận là nhiều người Hoa Kokang có nguồn gốc người Hoa và họ thừa hưởng truyền thống Trung Hoa, v.v…, nhưng họ không phải là người mang quốc tịch (tư cách công dân) Trung Quốc (Global Times, Xã luận), mà là một dân tộc thiểu số ở Myanmar. Do đó, xung đột giữa người Hoa Kokang và chính phủ là công việc nội bộ của Myanmar chứ không phải là vấn đề đối với Trung Quốc. Liên quan đến cuộc nổi loạn của Bành Gia Thanh, Bắc Kinh khẳng định họ không ủng hộ Bành Gia Thanh, nhưng muốn Myanmar giải quyết vấn đề một cách hoà bình.
Trung Quốc đã rất thận trọng khi phản ứng trước vụ nổi loạn bởi vì nó có thể mang lại nhiều tác động nội bộ đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc can thiệp vào các vấn đề người Hoa Kokang thì họ sẽ tự tạo rắc rối cho mình trong việc đối phó với các nhóm thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng.
Cho dù Trung Quốc không muốn can dự vào vấn đề người Hoa Kokang vì như vậy sẽ là can thiệp vào công việc nội bộ của một nước khác, Trung Quốc cũng sẽ không giúp Myanmar đè bẹp người nổi loạn. Yun Sun, nghiên cứu viên Chương trình Đông Á tại Trung tâm Henry L. Stimson và là nghiên cứu viên không thường trú tại Viện Brookings, lập luận:
Chính sách quốc gia là Trung Quốc không ủng hộ Bành Gia Thanh. Tuy nhiên, nếu Bành củng cố thành công sự kiểm soát của mình ở Kokang thì Trung Quốc sẽ không chọn đối đầu ông ta. Trung Quốc sẽ thích nghi với một thực tế như vậy, cho dù điều đó mang lại nhiều bất định và rủi ro. …Để quản lý sự bất ổn định và giải quyết xung đột, cần phải có sức mạnh và sự khôn ngoan từ chính quyền Miến Điện. Bất cứ nghi ngờ nào cho rằng Trung Quốc đang làm xói mòn tiến trình này đều sai lầm chẳng kém gì việc hy vọng Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề thay cho Miến Điện.” (Sun, 2015).
Yun Sun đưa ra những lập luận như vậy dựa trên quan sát của mình đối với hành vi chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong các khu vực khác, rằng “trong các trường hợp tương tự ở những nước bất ổn và chia rẽ nội bộ, ví dụ như Pakistan và Afghanistan, Trung Quốc luôn giữ hoà hiếu với cả các bộ tộc/lãnh chúa địa phương lẫn chính quyền trung ương” (Sun, 2015). Tuy nhiên, sự so sánh này là không phù hợp. Các bộ tộc ở Pakistan và Afghanistan không liên quan đến người Hoa gốc Hán và tình hình ở hai quốc gia Hồi giáo này cũng nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Hơn nữa, giá trị chiến lược của hai nước này đối với Trung Quốc cũng khác với giá trị chiến lược của Myanmar. Trung Quốc có thể làm điều gì họ muốn, nhưng hành động của họ lại do các mục tiêu chính sách đối ngoại quyết định. Nếu việc can thiệp nhiều hơn sẽ có lợi cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc thì có khả năng Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chính sách của mình với Bành Gia Thanh.
Một học giả Trung Quốc khác, Xue Li, đưa ra một lập luận có phần thực tiễn hơn đối với hành vi chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Tác giả cho rằng Myanmar quan trọng đối với Trung Quốc và nhận định chính sách thụ động hiện thời không phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Do đó, Xue đề xuất là Trung Quốc nên chủ động tạo môi trường hoà bình thuận lợi ở Kokang bằng cách yêu cầu Bành bỏ vũ khí và thương lượng với Chính phủ Myanmar. Nếu Bành từ chối, Trung Quốc nên cắt mọi cung cấp vũ khí cho Bành. Xue cho rằng một Kokang thịnh vượng sẽ có lợi cho cả Trung Quốc và Myanmar:
Thiết lập Đặc khu Hành chính Kokang (một bước tiến so với khu tự trị hiện nay), nơi chính phủ Myanmar chỉ phụ trách phòng vệ và ngoại giao, có thể là một giải pháp khả thi. Điều đó sẽ đòi hỏi chính phủ Myanmar thực tâm thực hiện Thoả thuận Panglong[3] và đi xa hơn hiến pháp 2008 vốn không được các dân tộc thiểu số trong vùng công nhận (Li, 2015).
Xue Li cho rằng một Kokang thịnh vượng và một Myanmar ổn định hơn sẽ có lợi cho cả Trung Quốc. Trung Quốc không thể để tình hình tồi tệ đi vì như vậy sẽ chỉ có lợi cho các đối thủ của Trung Quốc. Lập luận của Xue tỏ ra đúng, ít nhất là trong ngắn hạn. Vào ngày 11 tháng 6, một ngày sau khi Aung San Suu Kyu đến Bắc Kinh, MNDAA đột nhiên thông báo họ đã quyết định bắt đầu dừng bắn đơn phương, kết thúc bốn tháng đánh nhau dữ dội. Họ cũng lưu ý là “chính phủ Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi tái lập tình hình hoà bình ở dọc biên giới Trung Quốc-Myanmar. Đây là một trong những nhân tố mang lại quyết định [dừng bắn đơn phương này] (Liahe Zaobao, 12/6/2015).
Cũng cần lưu ý là khi Aung San Suu Kyi thăm tỉnh Vân Nam, báo chí Trung Quốc tường thuật là bà đã cảm ơn chính phủ Trung Quốc vì đã tiếp nhận người tị nạn và cho họ nơi trú ngụ. Rõ ràng là bà cũng ấn tượng trước sự phát triển của Vân Nam, sự phát triển này có thể làm hình mẫu cho Myanmar. Bài báo cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar và bày tỏ mong muốn mạnh mẽ của Trung Quốc là duy trì quan hệ hữu nghị với Myanmar (BBC Zhongwen Wang, 15/6/2015). BBC Hoa ngữ bình luận rằng chuyến thăm cấp thấp này không được các hãng tin khác tường thuật rộng rãi, và không hề có bài báo nào đưa tin về nội dung thảo luận giữa Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo Trung Quốc.
Kết luận
Bành Gia Thanh đã tuyên bố dừng bắn đơn phương trong khi Aung San Suu Kyi tới thăm Trung Quốc. Myanmar chưa đưa ra phản ứng chính thức nhưng dường như phía chính phủ đã không còn khởi xướng vụ tấn công nào nữa. Tuy nhiên, một học giả phương Tây đã lưu ý rằng “chính phủ vẫn từ chối xem xét lại giải pháp quân sự của mình” (Haacke, 15/6/2015). Tuy nhiên, ngày 30/6/2015, Reuters đưa tin là tư lệnh Không quân Myanmar, Đại tướng Lwin Oo, đã bị thay thế bằng Chuẩn tướng Maung Maung Kyaw. Điều này được coi là động thái trước cơn giận của Trung Quốc vì quả bom lạc rơi xuống lãnh thổ Trung Quốc làm chết bốn nông dân (nguyên văn trong bản gốc) cách đây ba tháng (Straits Times, 30/6/2015).[4]
Giải quyết vấn đề Kokang vẫn là nhiệm vụ gian nan. Chìa khoá cho giải pháp – hay nhằm kiềm chế vấn đề – nằm ở việc đạt được sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Myanmar.
Leo Suryadinata là nghiên cứu viên khách mời cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore.
———————-
Tài liệu tham khảo:
Baidu Baike, (2015) “Bai Soucheng” (Accessed 20/5/2015)
Baidu Baike, (2015) “Peng Jiasheng” (Accessed 20/5/2015)
BBC Zhongwen Wang (15 June 2015) “Miandian fandui pai lingxiu ang shan shu ji jieshu lishixing de fang hua” (Myanmar’s opposition leader Aung San Suu Kyi ends her historic visit to China.)
Daw Win, “Law Sit Han” (2012), in Southeast Asian Personalities of Chinese Descent: A Biographical Dictionary, edited by Leo Suryadinata (ISEAS, 2012) pp. 494-496.
Deng Yuwen (2015) “Beijing dui miandian de liangshou zhengce” (Beijing’s dual track policy towards Myanmar)
Gleeson, Sean (2015) “Chinese, Burmese Officials Meet to Defuse Kokang Tensions”, The Irrawaddy, 9 March 2015. (Accessed 22/5/2015)
Global Times Editorial (16 February 2015). “North Myanmar Peace Imperative for China”. Haacke, Jurgen (2015) “Why did Myanmar’s Opposition Leaders Just Visit China?” The Diplomat, 15 June 2015 (Accessed 18/6/2015) Li, Xue, (20 May 2015), “Can China Untangle the Kokang Knot in Myanmar?” The Diplomat, 20 May 2015. (Accessed 22/5/2015)
Liang Dongbing (2015) “Jinsanjiao chuanqi renwu Luo Xing Han” (Luo Xinghan: a Legendary Figure of the Golden Triangle), in Yihe Shiji (Singapore), no. 26, June-September 2015, pp. 109-111.
Lianhe Zaobao, (12 June 2015) “Zai Beijing shiyaxia, Mian tongmengjun jieshu yu zhengfu jun jizhan” (Under Beijing’s pressure, MNDAA ends fighting against Myanmar’s government Army.)
Myin Myint Kyu,(October 2011) “Spaces of Exceptional Shifting Strategies of the Kokang Chinese along the Myanmar/China Border”, M.A. thesis, Graduate School of Chiang Mai University, October 2011.
Peng Nian, 2015, “Mian Bei zhanshi neng fou pinxi” (Will the war at northern Myanmar end?”, Lianhe Zaobao, 4 June 2015;
Peng Nian, 2015A, “Wengshan Suzhi fang hua de xianji” (The intrigue of Aung San Suu Kyi’s visit to China”, Lianhe Zaobao, 11 June 2015.
RFA China Today (24 March 2015) “Kokang rebels recruiting Chinese nationals as mercenaries in Yunnan” (Newshongkong. Worldpress.com (Accessed 22/5/2015)
Sun, Yun (2015) “The Kokang Conflict: How will China respond?” Opinion, 18 February 2015 (accessed 21/5/2015)
Tiezzi, Shannon, (2015). “Myanmar Apologizes to China for Deadly Strike”. The Diplomat, 3 April 2015. (Accessed 21/5/2015)
Yangguang Huaxia (2 June 2015) “Zhongmian bianjing gao junyan, jiefangjun yishi liangniao “(To conduct military exercise on China-Myanmar border, PLA kills two birds with one stone).
————————–
[1] Tôi xin cảm ơn TS. Tin Maung Maung Than đã cung cấp thông tin này.
[2] Nên lưu ý là người Hoa Kokang được chính phủ Myanmar công nhận là một trong các nhóm dân tộc thiểu số của cả nước. Xem “Composition of the Different Ethnic Groups in Myanmar”. <https://www.embassyofmyanmar.be/ABOUT/ethnicgroups.htm> (truy cập ngày 18/6/2015).
[3] Vào ngày 12/2/1947, chính phủ Miến Điện do Aung San đứng đầu đã đạt thoả thuận tại Panglon với người Shan, Kachin và Chin. Thoả thuận Panglong Agreement chấp nhận “tự trị đầy đủ về hành chính nội bộ ở khu vực biên giới”. Xem “The Panglong Agreement”, Wikipedia.
[4] Bài báo cho biết Reuters có thông tin từ một quan chức cấp cao từ Văn phòng Tổng thống Myanmar nhưng “không rõ việc thay thế diễn ra khi nào.”