Đường biên giới điên rồ giữa Ấn Độ và Bangladesh

20150627_asp501_473

Ngun: Why India and Bangladesh have the world’s craziest border”, The Economist, 24/6/2015

Biên dch: Lê Công Anh | Hiu đính: Lê Hồng Hiệp

Năm nay đánh dấu một sự kiện quan trọng trong biên niên sử của những trường hợp địa lý kỳ lạ. Vào ngày 31 tháng 7 tới, Ấn Độ và Bangladesh sẽ trao đổi 162 thửa đất vô tình nằm “lạc” sang phía của nhau dọc đường biên giới Ấn Độ – Bangladesh. Kết cục nói trên của 162 thửa đất này là kết quả của một hiệp ước phân định biên giới giữa Ấn Độ và Bangladesh được ký vào ngày 6 tháng 6. Những phần lãnh thổ dọc theo đường biên giới điên rồ nhất thế giới này bao gồm một mảnh đất độc nhất trên thế giới: đó là một khoảng đất của Ấn Độ bị bao quanh bởi phần lãnh thổ Bangladesh, và phần lãnh thổ này lại nằm bên trong một phần đất tách rời khác của Ấn Độ ở bên trong Bangladesh. Những phần lãnh thổ bị tách rời chồng chéo đó đã hình thành như thế nào?

Các vùng đất nằm trong lãnh thổ của nhau dọc biên giới Ấn Độ – Bangladesh. Nguồn: The Economist.

Ấn Độ và Bangladesh cùng chia sẻ đường biên giới dài 4.100 km (2.500 dặm), được vẽ một cách vội vàng xung quanh một trong những nơi đông dân nhất trên trái đất vào năm 1947. Vì những đường vẽ zigzag vô tận nên đường biên giới này trở thành đường biên giới dài thứ năm trên thế giới.

Những thửa đất sẽ được trao đổi gồm 111 phần lãnh thổ bị tách rời của Bangladesh và 51 phần lãnh thổ bị tách rời của Ấn Độ tụm lại trên cả phía biên giới giữa Bangladesh và huyện Cooch Behar thuộc bang Tây Bengal của Ấn Độ. Những phần lãnh thổ này không thể nhìn thấy được trên hầu hết các bản đồ và hầu hết chúng cũng không thể nhìn thấy trên thực địa. Nhưng những phần lãnh thổ này đã trở thành một vấn đề hiển nhiên đối với hơn 50.000 cư dân ở đây trong việc kiểm soát thị thực và hộ chiếu. Cả Ấn Độ độc lập và Bangladesh – vốn từng là một phần của Pakistan mãi cho đến năm 1971 – đều từ chối để bên còn lại quản lý phần lãnh thổ bị tách rời của mình, khiến cho những cư dân ở đây hiển nhiên rơi vào tình trạng không có quốc tịch.

Truyền thuyết kể rằng những phần lãnh thổ bị tách rời nói trên đã được hình thành do các trận đấu cờ giữa hai vị hoàng tử (maharaja) Ấn Độ cách đây nhiều thế kỷ (các khoảnh đất đã được sử dụng như những vật đặt cược). Những khoảnh đất đó sau này được cho là do một viên chức Anh say xỉn đã làm nhỏ một vài giọt mực lên bản đồ trong khi đang vẽ đường biên giới Ấn Độ – Pakistan vào năm 1947.

Theo Reece Jones, một nhà địa lý chính trị, những khoảnh đất nhỏ đó được cắt ra từ những phần lãnh thổ lớn hơn thông qua các hiệp ước được ký vào năm 1711 và 1713 giữa vị hoàng tử của vùng Cooch Behar và hoàng đế của đế chế Mughal ở Delhi, giúp chấm dứt hàng loạt các cuộc chiến tranh nhỏ. Quân đội nắm giữ phần lãnh thổ mà họ kiểm soát, dân cư đóng thuế cho  lãnh chúa phong kiến ở nơi họ sinh sống và người dân di chuyển tự do qua một vùng đệm được hình thành từ những cuộc chiến tranh giữa các lãnh chúa. Năm mươi năm sau đó, những nỗ lực của Công ty Đông Ấn của Anh nhằm giải quyết sự lộn xộn trên tấm bản đồ đã thất bại khi các cư dân đã lựa chọn ở lại trên phần lãnh thổ bấy lâu nay họ đã sinh sống.

Sự phân chia lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan thật sự là một sự chia cắt biến những phần lãnh thổ bị tách rời thành những vùng đất vô chủ. Vị hoàng tử Hindu vùng Cooch Behar đã chọn sáp nhập vào Ấn Độ vào năm 1949, đồng thời ông cũng đưa những vùng trước đây thuộc đế chế Mughal hay thuộc Anh mà ông được thừa hưởng sáp nhập vào Ấn Độ. Những phần lãnh thổ bị tách rời của vị vua này ở phía còn lại của đường biên giới mới hình thành thì bị “nuốt chửng” (nhưng không bị sáp nhập) bởi Đông Pakistan mà sau này trở thành Bangladesh.

Mãi đến năm 1974 hai quốc gia này mới lần đầu thỏa thuận điều chỉnh vùng biên giới quái đản này. Ấn Độ đã đồng ý không đòi bồi thường cho phần lãnh thổ bị mất có tổng diện tích xấp xỉ diện tích đảo Hongkong (hoặc tương đương 2.000 sân vận động môn cricket). Nhưng chính phủ yếu và chủ nghĩa dân tộc đã cản trở Ấn Độ thực hiện điều này. Vào tháng 5 năm 2015, 41 năm sau, quốc hội Ấn Độ cuối cùng cũng đã thông qua một sửa đổi hiến pháp nhằm nhượng đất cho Bangladesh và giải quyết tình trạng bất thường của đường biên giới.

Việc xóa bỏ những phần lãnh thổ bị tách rời chồng chéo nói trên sẽ tạo ra ba tác động chính. Tác động đầu tiên sẽ được nhận thấy rõ nhất chủ yếu bởi các cư dân, những người có thể chọn quốc gia để nhập tịch, điều sẽ đem lại những lợi ích căn bản mà tư cách công dân mang lại. Việc giải quyết vấn đề biên giới cũng sẽ cho phép Ấn Độ và Bangladesh tập trung vào các vấn đề quan trọng hơn.

Cuối cùng, với việc những vùng đất tách rời biến mất khỏi đường biên giới ở Bengal, ngày càng ít những phần lãnh thổ bị tách rời như vậy tồn tại trên thế giới. Từ mùa hè này, trên toàn thế giới sẽ chỉ còn lại 49 vùng đất bị tách rời khỏi lãnh thổ chính (của một quốc gia và nằm trong một quốc gia khác), chủ yếu ở Tây Âu và ở vùng rìa của Liên Xô cũ. Một phần lớn các phần lãnh thổ bị tách rời trên thế giới sẽ biến mất sau một đêm.