Học thuyết Brezhnev (Brezhnev Doctrine)

brezhnev

Tác giả: Đào Minh Hồng

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chính trường thế giới bị Chiến tranh Lạnh chi phối. Đến cuối năm 1949, hầu hết các quốc gia châu Âu đều gia nhập một trong hai liên minh thù địch với nhau, một bên là Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một bên là Liên Xô với khối Hiệp ước Vacsava. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu bao gồm Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bungari, Đông Đức, Rumani, Anbani (rút khỏi khối năm 1968). Trong những thập niên 60-70 của thế kỷ 20, hệ thống này có những khủng hoảng nhất định. Điển hình là sự kiện nổi dậy ở Ba Lan tháng 10/1956, biểu tình và bạo động ở Hungary tháng 10-11/1956 khiến Liên Xô phải đưa quan đội vào can thiệp, thành lập chính phủ mới. Đến sự kiện “Mùa xuân Praha” năm 1968, quân đội của khối Hiệp ước Vacsava tràn vào Tiệp Khắc và thay đổi ban lãnh đạo nước này.

Trước xu thế đa nguyên của các nước thành viên, những quan điểm về “chủ quyền có giới hạn” của những quốc gia thành viên trong hệ thống chủ nghĩa xã hội và khái niệm về tính tối cao của “cộng đồng xã hội chủ nghĩa” đã được đưa ra. Vào tháng 11 năm 1968, những quan điểm này nhận được sự tán thành của Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev. Trong một bài diễn văn ở Đại hội lần thứ 5 của Đảng Cộng sản Ba Lan, Brezhnev đã khẳng định rằng “tòan thể cộng đồng xã hội chủ nghĩa” có quyền can thiệp vào lãnh thổ của bất cứ nước thành viên nào khi các thế lực thù địch của phe chủ nghĩa xã hội đe dọa. Đồng  thuận về tư tưởng là nguyên tắc tối cao cho mọi sự can thiệp. Tuyên bố này về sau được coi như Học thuyết Brezhnev và là sự phê chuẩn chính thức lập trường của Đảng Cộng sản Liên Xô. Lập truờng ấy đã khẳng định “sự thống nhất về ý thức hệ của Đảng Cộng sản các nước trong khối xã hội chủ nghĩa chiếm vị trí tối cao, vượt trên quyền lực pháp lý của mỗi quốc gia. Quyền được can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước là hợp pháp khi có sự đe doạ nhằm bảo đảm chủ quyền cho mỗi nước và tạo sự cân bằng trong khối”.

Sau khi Học thuyết Brezhnev được chính thức công bố, Liên Xô đã ký một loạt các hiệp ước với các nước Đông Âu nhằm tái khẳng định các nguyên tắc của Học thuyết và tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác giữa các quốc gia trong khối. Các nguyên tắc của Học thuyết cũng đã được mở rộng để biện minh cho sự can thiệp của Liên Xô ở các nước bên ngoài Khối Hiệp ước Vacsava, như trường hợp Liên Xô đưa quân vào Afghanistan tháng 12 năm 1979. Ka-man, lãnh tụ mới của Afghanistan, đã gọi chính sách của Liên Xô là “chủ nghĩa quốc tế vô sản trong hành động”.

Như vậy thực ra Học thuyết Brezhnev đơn giản chỉ là sự biện minh cho sự can thiệp của Liên Xô vào các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa, là một công cụ đối ngoại giúp nước này duy trì an ninh, ảnh hưởng và vị thế quốc tế của mình. Dựa vào việc phân tích những tài liệu của Liên Xô trong một thời kì dài, các học giả quan hệ quốc tế nhận thấy rằng các nhà lãnh đạo chủ chốt của các Đảng cộng sản quyết tâm làm rõ sự khác nhau trong vấn đề liên kết giữa các nước trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa với phần còn lại của thế giới. Họ làm vậy để thuyết phục rằng quan hệ quốc tế trong phạm vi của hai hệ thống (tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa) được cấu trúc một cách khác biệt. Hai minh chứng lịch sử của sự can thiệp đã cho chúng ta thấy rằng sự can thiệp chỉ xảy ra sau những cuộc tranh luận trong tập thể lãnh đạo chủ chốt. Nguyên tắc đồng thuận cao giữa các Đảng cộng sản thật sự là quyết định khôn ngoan. Nó đã thử thách tính thống nhất về ý thức hệ và từ đấy mới có thể thống nhất hành động một cách hiệu quả nhất.

Học thuyết Brezhnev có hiệu lực cho tới cuộc khủng hoảng chính trị ở Ba Lan năm 1980-1981 khi Liên Xô quyết định không can thiệp. Sau đó, chính quyền Mikhail Gorbachev tiếp tục duy trì chính sách không can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ của các nước xã hội chủ nghĩa khác, dẫn tới việc Công đoàn Đoàn Kết giành chiến thắng trước Đảng Cộng sản trong cuộc bầu cử ở Ba Lan năm 1989 và sự sụp đổ lần lượt của một loạt chính quyền cộng sản ở Đông Âu sau đó.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).