Nguồn: “Congress passes Gulf of Tonkin Resolution,” History.com (truy cập ngày 06/8/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1964, Quốc hội Hoa Kỳ đã chấp thuận một cách áp đảo[1] Nghị quyết vịnh Bắc Bộ, cho Tổng thống Lyndon B. Johnson thẩm quyền gần như không bị giới hạn để ngăn chặn “sự xâm lăng của chủ nghĩa cộng sản” ở Đông Nam Á. Nghị quyết vịnh Bắc Bộ đánh dấu sự khởi đầu của một vai trò quân sự được mở rộng của Hoa Kỳ trên các mặt trận Chiến tranh Lạnh ở Việt Nam, Lào, và Campuchia.
Đến năm 1964, đồng minh của Mỹ là Việt Nam Cộng Hòa đang có nguy cơ sụp đổ trước một cuộc nổi dậy của các lực lượng cộng sản. Các phần tử nổi dậy được cộng sản Bắc Việt hỗ trợ đã kiểm soát được một khu vực rộng lớn ở miền Nam Việt Nam, và dường như Mỹ có viện trợ quân sự và đào tạo đến mấy thì cũng không thể cứu vãn được chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Trong suốt các nhiệm kỳ tổng thống của mình, Dwight D. Eisenhower và John F. Kennedy đã gửi hàng trăm và sau đó là hàng ngàn cố vấn quân sự Mỹ đến miền Nam Việt Nam để đào tạo lực lượng quân sự cho chế độ này. Ngoài ra còn có hàng trăm triệu đô la tiền viện trợ quân sự và kinh tế đã được trao cho Việt Nam Cộng Hòa. Chính quyền của Tổng thống Lyndon B. Johnson đã quyết định rằng chỉ có sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột mới có thể đảo ngược làn sóng sụp đổ của Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, khi tham gia vận động tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964, Johnson đã tỏ ra là một ứng cử viên “có trách nhiệm” và sẽ không gửi quân đội Mỹ đến chiến đấu và hi sinh ở châu Á. Nhưng đến đầu tháng 8, một loạt các sự kiện xảy ra đã cho phép Johnson thể hiện tài năng quản trị quốc gia của mình và đồng thời mở rộng vai trò của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.
Ngày mùng 2 tháng 8, (Mỹ cáo buộc rằng) các tàu phóng ngư lôi của Bắc Việt đã tấn công một tàu khu trục Mỹ ở vịnh Bắc Bộ.[2] Johnson đáp trả bằng cách gửi một tàu khu trục khác đến đây. Ngày mùng 4 tháng 8, hai tàu khu trục của Mỹ báo cáo rằng họ đã bị tấn công.[3] Lần này, Johnson được ủy quyền tiến hành các cuộc không kích nhằm trả đũa miền Bắc Việt Nam. Ông cũng đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết vịnh Bắc Bộ.
Nghị quyết này tuyên bố rằng “Hoa Kỳ coi việc duy trì hòa bình và an ninh ở khu vực Đông Nam Á là tối quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và đối với nền hòa bình thế giới.” Nó cũng cho Johnson quyền “sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đẩy lùi bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng của Hoa Kỳ và để ngăn chặn sự xâm lăng hơn nữa (của chủ nghĩa cộng sản).” Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết này; nó cũng được Thượng viện thông qua với 88 phiếu thuận trên 2 phiếu chống. Sự ủng hộ dành cho Johnson đã gia tăng sau cách xử lý khủng hoảng “thận trọng” này của ông.
Chính quyền Johnson đã sử dụng nghị quyết này như một cái cớ để bắt đầu tiến hành ném bom miền Bắc Việt Nam vào đầu năm 1965 và đưa quân đội Mỹ vào chiến đấu từ tháng 3 cùng năm. Từ đó bắt đầu một cuộc chiến kéo dài gần 8 năm, khiến hơn 58.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Nói rộng hơn, Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ có thể được coi là chính sách Chiến tranh Lạnh của Mỹ đối với tất cả các nước Đông Nam Á vào thời điểm đó.
Nghị quyết này cũng là một ví dụ khác cho thấy chính phủ Mỹ đã không thảo luận thẳng thắn về các vấn đề “an ninh quốc gia” trong Chiến tranh Lạnh. Việc các chỉ huy của tàu khu trục Mỹ không thể xác nhận với độ chính xác tuyệt đối rằng tàu của họ thực sự đã bị tấn công vào đêm mùng 4 tháng 8 đã không được đưa ra trong cuộc tranh luận của Quốc hội về nghị quyết này; việc các tàu khu trục Mỹ đang hỗ trợ lính Nam Việt Nam trong các cuộc tấn công của họ nhằm vào các căn cứ quân sự Bắc Việt cũng không được đề cập tới.
Cuối thập niên 1960, những trò mưu mẹo và lừa dối của chính phủ Mỹ bắt đầu sáng tỏ khi lòng tin của dân chúng từng dành cho Johnson và các nỗ lực quân sự của Mỹ ở Việt Nam đã bắt đầu xói mòn.
Ảnh: Tổng thống Johnson ký Nghị quyết vịnh Bắc Bộ trong Phòng phía Đông của Nhà Trắng ngày 10/08/1965. Nguồn: The National Archives <www.archives.gov>.
————————–
[1] Nghị quyết này được đưa ra Hạ viện bỏ phiếu với tên gọi “Nghị quyết chung để thúc đẩy việc duy trì hòa bình và an ninh ở Đông Nam Á,” nhận được 416 phiếu thuận, 9 phiếu trắng trên tổng số 431 phiếu (tính cả 6 hạ nghị sĩ vắng mặt) – ND.
[2] Theo một số tài liệu, tàu khu trục USS Maddox của Mỹ đã đụng độ với ba tàu phóng ngư lôi của hải quân miền Bắc Việt Nam. Cả hai bên đều xác nhận có sự kiện (được gọi là Sự kiện vịnh Bắc Bộ lần thứ nhất) này – ND.
[3] Ban đầu Mỹ tuyên bố đây là một cuộc hải chiến, nhưng Bắc Việt Nam phủ nhận mọi liên quan. Các tài liệu của Mỹ sau này đã xác nhận cuộc tấn công này là không có thật, mà có thể chỉ là các tín hiệu ra-đa lỗi – ND.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]